.
  Tâm cảm trên lộ trình Ninh Hòa-Kabul
 
10/11/2013



Đ
ã hơn mười một năm với hai Tổng Thống Hoa Kỳ gửi quân tham chiến ở A-Phú Hãn, vãn hồi hòa bình của đất nước này vẫn chưa có gì sáng sủa. Tôi đã đi công tác 4 chuyến đến quốc gia đầy binh lửa này. Việc làm của tôi được ghi ở đoạn 2 trong bài “Tản Mạn Về A-Phú-Hãn - Phần 1”. Ngày nghỉ cuối tuần khi còn ở Kabul không ra khỏi nơi trú ngụ vì lý do an ninh, nên có nhiều thì giờ ngồi trước cái laptop viết bài tạp ghi gửi anh Thành cho vào trang mạng www.ninh-hoa.com. Tuy đã nghỉ hưu và bận nhiều việc nhà, tôi vẫn thường đọc tin tức theo dõi thời sự Afghanistan. Nhân vừa đọc bài viết dài 32 trang từ Văn Phòng Bài Trừ Ma Túy và Tội Ác của Liên Hiệp Quốc UNODC (United Nations Office On Drugs and Crime) tựa đề “Afghanistan Opium Survey 2011 Winter Rapid Assessment for the Central, Eastern, Southern and Western Regions”, tôi nhớ lại lời nhắc nhở nhân ái của Ông Commission Chairman Ahmad Moshahid nói riêng với tôi sau buổi họp đầu tiên lúc ông đến nhậm chức thay thế chức vụ Commission Chairman này từ Phó Tổng Thống Arsala kiêm nhiệm trước đó.


Phạm Thanh Khâm

Một chuyến trở lại nhiệm sở ở A Phú Hãn

Ảnh chụp tại Phi trường Kabul 2005

 

Đoản văn sau đây không đề cập nội dung về bài viết của UNODC trừ giá cả á phiện không thay đổi bao nhiêu so với bài viết của tôi trước đây về “Sự Túng Thiếu của Nông Dân A-Phú –Hãn”. Bạn nào muốn biết chi tiết cứ vào Google tìm bài của UNODC nói ở đoạn trên là có ngay. Tôi đã có ghi là Tổng Thống Hamid Karzai dự tính nâng lợi tức đầu người từ 200 đô la của năm 2005 lên mức 500 đô-la/ người vào năm 2010. Chưa thấy có số liệu nào nêu chỉ tiêu lợi tức của nông dân A-Phú Hãn vượt hơn cho năm 2011 trong khi thủ đô Kabul có trên 60 ngàn người nghiện á phiện, chưa kể người nghiện ngập ở các thành phố nhỏ cùa đất nước sản xuất nhiều á-phiện nhứt thế giới. Nổ lực làm giảm số á phiện cung cấp cho thị trường Âu châu và Bắc Mỹ, cắt giảm nguồn tài chánh đến từ á phiện của Taliban, áp lực mạnh mẽ của cộng đồng thế giới đối với chính phủ Karzai phải có chính sách triệt tiêu sản xuất á phiện.là một nan đề chưa có giải đáp thỏa đáng.

Năm 2005 chính phủ Afghanistan khởi đầu tìm giải đáp cho nan đề này bằng việc thành lập một bộ mới trong nội các có tên Bộ Bài Trừ Ma Tuý (Ministry of Counter Narcotics MOCN). Tôi được chỉ định cung cấp phần kỹ thuật (technical inputs) trong việc tổ chức Bộ này. Lý do tôi được chỉ định vì tôi đã giúp tổ chức Bộ Nông Nghiệp với kết quả tốt, được các đài truyền hình quốc gia loan tải. Đi đâu tôi cũng được nhận diện là chuyên gia Kham Pham làm cố vấn cho Bộ Nông Nghiệp A-Phú Hãn. Nếu công tác của tôi dừng ở Bộ Nông Nghiệp thì tôi không có lời nhắc nhở bảo trọng của Commission Chairman Ahmad Moshahid. Ông nói với tôi cụm từ ‘counter narcotics” làm cho người A Phú Hãn cảm thấy “dị ứng” từ nông dân trồng á-phiện đến lái buôn, ngườì nghiện ngập …nên phải cẩn trọng trong thời gian công tác ở xứ này. Tôi ghi nhớ lời nhắc nhở của Ông ngay cả nơi làm việc được ghi trong bài tạp ghi “Kabul Còn Khói Mù”, với ảnh minh họa toán chuyên gia chúng tôi làm việc như thế nào trong căn phòng chật hẹp được canh gát cẩn mật.

Trong thời gian công tác ở A-Phú-Hãn, tôi có một biến cố riêng tư cho tôi về thảm cảnh của đời người là tử biệt. Sự qua đời của thân mẫu của tôi không cho phép tôi dù ở bất cứ nơi đâu, khi có thể, không tìm cách trở về khóc vĩnh biệt mẹ. Và tôi đã trở về Ninh-Hòa vội vã, chỉ đủ một giờ ghé nghĩa trang Hòn Rọ vào sáng tinh sương của ngày đầu tháng 4, 2005. Hai người tài xế được tôi thuê bao giữa đêm hôm trước tại Phi trường Tân Sơn Nhứt nhắc nhở tôi phải lên xe ngay mỗi khi tôi ghé nhắn vài tin nhà với người bạn cũ Nguyễn Thường ở đường Trần Quí Cáp và lúc ghé cảm ơn Mục Sư Hội Thánh Tin Lành Ninh-Hòa chủ trì lễ an táng thân mẫu tôi ngày trước đó. Hai người tài xế này đã đưa tôi lên máy bay từ giã Sàigòn xưa cũ của tôi đúng giờ. Tôi cám ơn lòng tận tụy của hai anh đã chứng kiến giờ khóc vĩnh biệt mẹ của tôi và chụp cho tôi tấm ảnh dưới đây.


Phạm Thanh Khâm

Khóc vĩnh biệt thân mẫu

Ảnh chụp tại Nghĩa Trang Hòn Rọ Ninh-Hòa April, 2005

 

Tôi đã đổi ba chuyến bay từ Saigon-Bangkok-Karachi-Dubai-Kabul. Tôi không thấy mệt mỏi đi đường xa vì lòng tôi luôn tưởng nhớ đến cuộc đời của mẹ. Những năm cuối đời của bà cụ, tôi thường tìm cách ghé về thăm bà dù dịp tiện có ngắn ngủi tới đâu. Mỗi lần từ giã mẹ, vì đôi mắt của bà cụ đã yếu không thấy rõ mặt tôi, tôi đều nằm mọp đưa đầu tôi sát vào lòng mẹ để mẹ vò đầu vò tóc tôi. Khi bà cụ nói : “con có thể đi được rồi, Má mừng lắm”, rồi tôi từ giã Ninh-Hòa. Nhưng lần này, không còn mẹ để vò đầu vò tóc tôi dù râu tóc của tôi đã đổi màu của người sắp nghỉ hưu trí sau 4 chuyến công tác tại A-Phú-Hãn. Bất chợt tôi nghiệm ra rằng sinh ly tử biệt là thảm cảnh của đời người như sách vở của cổ nhân từng nhắc nhở.

Để thay lời kết, tôi có tấm thẻ ID dưới đây đeo ở cổ chung với cái “stick” lưu trữ các tài liệu chuyên môn được giữ làm kỷ niệm về những ngày tháng làm việc tại quốc gia khói lửa A-Phú-Hãn.

 

Phạm Thanh Khâm
Viết tại Houston Texas, October 5, 2011

 

 
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693675 visitors (2231673 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free