.
  Nước dưa hấu
 
8/2/2014




Tản Mạn Về Văn Nghệ Đường Xa

           Giữa tháng 4, 2009 tôi được thưởng thức hai buổi trình diễn ca nhạc tại phòng ăn của khách sạn ROYAL Hotel do hai ban nhạc rất đặc sắc về hình thức và nội dung.

           Ban nhạc thứ nhứt gồm 4 nhạc công, 2 ca sĩ da đen với nhiều nhạc cụ khác nhau. Họ trình diễn vào ngày cuối tuần những bài hát lưu hành trong xứ Liberia. Phong cách trình diễn thanh nhã như nhạc thính phòng không kích động hoặc ồn ào như ở các xứ đen khác.

           Ban nhạc thứ hai gồm ba người da trắng với 3 cây guitar vừa đàn vừa hát suốt 2 giờ vào chiều thứ năm mỗi tuần. Họ hát nhiều thể loại nhạc Mỹ từ rock, jazz, blue… Thực khách tán thưởng nồng nhiệt. Nét đặc biệt của ban nhạc thứ nhì là phong cách tài tử của ba quân nhân cao cấp biệt phái từ quân lực Hoa Kỳ vào lực lượng Liên Hiệp Quốc trấn đóng ở Monrovia. Họ mặc thường phục nên không ai biết họ mang cấp bực nào. Tôi quen biết một trong ba ca sĩ tài tử này trong một buổi tiếp tân tại nhà của đồng nghiệp. Hai chúng tôi có ảnh dưới đây sau khi bạn được yêu cầu hát liên tục hơn 10 bài.

           Bạn thấy tôi có hát theo vài bài của bạn, nên yêu cầu tôi thử hát một bài nhạc Việt. Không thể thối thoát. Nhớ lại mình có bài tủ. Cầm lấy cây guitar của bạn, với giọng vịt cồ của người đi vào vùng tuổi thất thập cổ lai hi, tôi trình làng bài “Nắng Lên Xóm Nghèo”. Không ai hiểu lời nhưng tiếng đàn và nhịp vỗ cha cha cha vào thân đàn cũng cho người nghe âm hưởng tân nhạc Việt. Bạn vỗ tay tán thưởng: very good! Bạn yêu cầu tôi lên sân khấu với ban nhạc của bạn lần trình diễn tới. Biết tài ca hát của mình hạn hẹp, tôi nói chỉ muốn làm người nghe hơn người hát. Chúng tôi thay phiên kể nhiều mẫu chuyện đường xa. Bạn đề cập mức độ kỳ thị ở Mỹ Châu, Phi Châu và hải tặc ở Somalia. Tôi lại được những giờ phút thư giản trong chuyến công tác này.

http://www.ninh-hoa.com/images/PTKham-70.jpg
Đại Tá Christopher Holshek và tôi.
Ảnh chụp ngày 15/4/2009 tại Monrovia
 

           Khi nhắc đến kỳ thị và hải tặc Somalia, tôi nhớ một vùng đất đã cho tôi nhiều điều khó quên. Đặc biệt tôi ghi lại câu chuyện kỳ thị trắng đen vàng. Thực ra, nước nào trên thế giới cũng có tệ nạn kỳ thị dưới hình thức này hay hình thức khác như màu da, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, v.v.. Chỉ khác một điều là có viết ra thành luật hay nội qui hay không. Cuối tháng 8, 2008, tôi được thông báo chuẩn bị đi công tác chuyến thứ hai trong năm 2008 đến Phi Châu. Tôi vào internet đọc báo xem ở lục địa đen có diễn biến nào mới nhứt. Tôi để ý mẫu tin của Associated Press nói ở thành phố Bulo Burto cách thủ đô Mogadishu, nước Somalia hơn 100 dặm, mỗi lần đọc kinh Hồi giáo, hàng quán phải đóng cửa. Người nào không đọc kinh 5 lần một ngày sẽ bị chặt đầu. Một nhân viên của Liên Hiệp Quốc (World Food Program) bị giết, nhiều nhà báo bị bắt cóc. Dân nổi loạn đốt phá đường phố thủ đô vì giá cả cao và khan hiếm lương thực. Chuyến đi được hoản lại. đến tháng 4, 2009. Tôi lại theo dõi tin trên internet thấy chuyện bốn hải tặc Somalia bắt một thuyền trường Mỹ. Tổng Thống Obama ra lệnh mở cuộc đột kích để cứu. Ba hải tặc bị giết, hải tặc sống sót ra tòa ở New York. Tuy thành công nhưng nạn hải tặc ở Somalia chưa chấm dứt. Lại một đất nước rối rắm triền miên. Nhớ lại đã gần 30 năm tôi có đi công tác đến đất nước Somalia.

 Vài Nét Về Somalia Và Di Dân

           Vùng “Horn of Africa” có nhiều biến động từ việc người Ả rập lập nhiều cơ sở thương mại dọc bờ biển Đông Bắc của vùng Đông Phi Châu. Kế đến các nước Nga, Mỹ chú ý tranh giành ảnh hưởng ở vùng đất này. Năm 1992 Hoa Kỳ đem 20,000 quân đến đánh nhau đến tháng 3/1994 mới rút ra. Khối Ả Rập viện trợ từ 1995. Sau 11/9/2001 Mỹ trở lại vì nhóm ITTI Had-al-Islamiya dính liếu với nhóm Al Qaeda. Tsunami cũng đã tàn phá vùng biển Puntland của xứ này vào cuối tháng 12, 2004.

Đất rộng gần gấp đôi Việt Nam với dân số chỉ có 8.5 triệu người chia ra 3 nhóm chính. Nhóm Issaq ở miền Bắc, nhóm Ogadeni ở miền Nam, nhóm Hawiye ở vùng quanh Mogadishu. Từ thế kỷ 19 Anh và Ý chia để trị vùng đất này (Somalilands). Tháng 7, 1960 được độc lập, các nhà lãnh đạo mới lại tranh giành đất đai với Ethiopia và Kenya.

           Trong một đoạn phim tài liệu trình chiếu trên đài Discovery, các nhà nhân chủng học và khảo cổ học nói đã tìm thấy dấu tích người Phi Châu trên đất Úc qua một quá trình di dân của thời đại cách dây khoảng nhiều chục ngàn năm (đang còn nhiều tranh cãi). Người Phi châu vào thời đại này với cây gậy vút nhọn cầm một đầu trên tay, đôi chân đi bộ dắt díu nhau dọc theo duyên hải Đông Phi Châu lên mạn Bắc để tránh khô hạn. Từ đó xuyên qua vùng duyên hải Vịnh Ba Tư, đến miền Nam Ấn Độ. Tài liệu dẫn chứng kết quả phân tích DNA của sắc dân miền Nam Ấn ngày nay đưa tới kết luận họ là hậu duệ của những người Phi Châu. Họ tiếp tục đông du đến điểm cực Nam Vùng Đông Nam Á. Câu hỏi lớn của tài liệu này đặt ra là bằng cách nào, những người tiền bối này qua biển để đến Úc. Chưa có giải đáp thỏa đáng.

           Xem xong đoạn phim tài liệu, tôi nghĩ ngợi miên man về khái niệm thời gian, không gian về sự hiểu biết hạn hẹp của con người và của chính mình. Tháng 2/1980 lần đầu tiên tôi tới vùng Đông Phi Châu, nước Somalia, trong ba tuần lễ để tìm hiểu về đất đai, khí hậu, về tình trạng kinh tế của họ, tìm câu trả lời cho một bài tính đơn giản cho Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu AfDB. Đến nay sau gần ba thập niên con dân của nước này vẫn còn được xếp vào nước nghèo nhứt hoàn vũ: Lợi tức đầu người chỉ có 176 đô la.

Chuyến Đi Bất Ngờ

           Vừa từ thủ phủ Ziguinchor miền nam Senegal lái xe về văn phòng ở Dakar, tôi chưa kịp xem có thơ từ tin tức của gia đình gởi đến, bạn đồng nghiệp René Cousin, Giám đốc chương trình xuất hiện nói:

- Khâm. Chuẩn bị đi Somalia.  

Tôi phản ứng mãnh liệt:

 - Không bao giờ.

Công việc của dự án đang làm dở dang. Chính Giám Đốc mời tôi đến đóng góp cho xong. Hơn nữa điều quan trọng là tôi đang bị Tào Tháo đuổi. Mấy ngày nay bị đồ ăn hay thức uống ở miền Nam hành hạ bộ máy tiêu hóa của tôi. Thực tâm Giám Đốc không muốn tôi đi. Chắc chắc lời yêu cầu trưng dụng phải phát xuất từ đâu đưa đến. Nghe tôi phản đối, Giám Đốc lui về phòng riêng. Mười lăm phút sau, điện thoại của Phòng Nhân Viên Pháp Lan Sa từ Paris kêu về tôi:

 - Phái đoàn của Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu AfDB thiếu một người vì giờ chót người này bị tai nạn xe bất ngờ, cần người thế.

Tôi xác định:

-Ta đang đau.

Tiếng nói ở đầu dây bên kia phân trần:

 - Ta đã nói Giám Đốc hẹn bác sĩ cho thuốc cầm, và soát xét các cơ phận khác!

Tôi hỏi tiếp:

 - Chừng nào lên đường?

 - Ngay sau khi bác sĩ “d’accord”!

Mọi việc được dàn xếp cấp tốc. Tôi không ở thế chống chế như lúc đầu. Vả lại có dịp vừa làm việc với Phái Đoàn của Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu còn được tắm biển Ấn Độ Dương. Tôi lên đường đúng hẹn. Lấy tàu Nigeria Airlines đi Lagos. Ngủ gà ngủ gật. Vừa xuống phi trường Lagos phải vắt giò hối hả đổi qua tàu Ethiopia Airlines đi Nairobi nước Kenya. Đang tìm ghế ngồi. Một hành khách ăn mặc thực lịch sự có vóc dáng như tài tử Bill Cosby cất tiếng hướng về phía tôi:

- Chào người Việt. Có chỗ trống dành sẵn ở đây. Ta là người Ghana.

- Hân hạnh. Trưởng phái đoàn AfDB phải không?

- Chính ta. Xin giới thiệu người UK đoàn viên.

           Tôi bắt tay người UK ngồi cạnh. Chúng tôi ngồi chung một hàng ghế. Người Ghana trao cho tôi một xấp traveler cheque chưa ký tên để tôi trang trải chi tiêu ăn uống và phòng ngủ trong thời gian công tác. Và một tập tài liệu TOR (Terms of Reference) ghi nhiệm vụ chuyến công tác. Câu chuyện trao đổi nối tiếp đến khi hai lỗ tai lùng bùng báo hiệu tàu sắp đáp xuống phi trường Nairobi.

Phái đoàn AfDB ở Nairobi ba ngày chờ để tôi lấy visa đi Somalia. Nhờ ba ngày dừng chân này tôi có dịp nghỉ ngơi, quên công việc ở Senegal, và đi khám phá thủ phủ Nairobi. Tìm thấy chữ M màu vàng thực bự và quán của cố Đại Tá Sanders. Tôi rũ hai đồng nghiệp vào thử Big Mac của McDonald nước Kenya. Hai nhà Ngân Hàng Phi Châu chê món ăn bình dân của dân Hoa Kỳ. Nói thích gà hơn. Trưa hôm sau ba ngự lâm pháo thủ vào quán Kentucky Fried Chicken.

           Năm mươi lăm phút sau tàu đáp xuống thủ đô Mogadishu sau khi rời phi trường Nairobi. Phái dòan AfDB được đón tiếp chu đáo. Một chiếc Mercedes đen bóng dành cho phái đoàn suốt chuyến công tác.

Nan Đề

           Công tác như sau: Công ty Quốc doanh Somalia mượn tiền thiết lập đồn điền hơn 10 ngàn mẫu tây. Trồng hoa màu. Mua nông cơ cụ, xây hệ thống dẫn nước. Năm năm sau dự án sập tiệm. Somalia xin mượn tiền lần thứ nhì để tái thiết. Ngân Hàng Phát triển Phi Châu muốn biết phải trồng hoa màu gì, mỗi thứ bao nhiêu mẫu cho có lợi trước khi chấp thuận cho vay. Thấy bài toán có vẻ đơn giản, nhưng phải làm sao tìm giải đáp thỏa đáng cho nhiều nan đề như kinh nghiệm cho thấy các công ty quốc doanh phần lớn đều làm ăn thua lỗ. Giải tư? Chính phủ chưa muốn. Điều này lại ở ngoài phạm vi của một phái đoàn kỹ thuật như của chúng tôi.

           Nan đề kế đến là trong điều kiện của một nước nghèo như Somalia, làm sao có đầy đủ số liệu để tính dù muốn áp dụng nhiều phương pháp toán học kinh tế khác nhau. Đơn giản nhứt là linear programming lại không thích hợp trong kinh tế thị trường. Phương pháp B/C với phép tính IRR, NPV đòi hỏi nhiều số liệu làm sao có đầy đủ. Dự án lại không đủ lớn để áp dụng mô hình programming DRC như tôi có áp dụng trong một dự án tại Nigeria sau này, v.v. Trong khi chờ đợi lúc trở lại bản doanh của Ngân Hàng phân giải sau, tôi nói với hai đồng nghiệp để tôi thử dùng linear programming tìm đáp số ngay tại chỗ với số liệu có được. Trưởng Phái Đoàn dùng đáp số của tôi trong buổi “debriefing” với Ban Quàn Trị đồn điền Afghoi Mordil trước khi giã từ Somalia.

           Buổi ăn sáng buffet đầu tiên ở khách sạn Mogadishu có kiến trúc Ý Đại Lợi cho tôi thấy có nước dưa hấu. Ở những nơi khác, dưa hấu được cắt ra ăn. Ở đây, trái dưa được lấy ra nước đựng trong chai bự. Tôi thử một ly đầy. Ngon tuyệt. Thuốc của bác sĩ ở Senegal có hiệu quả, nhưng tôi cần nhiều nước. Nhờ nước dưa, từ đó tôi phục hồi nhanh chóng.

Đen Trắng Vàng

           Sau hai ngày thăm xã giao các cấp, phái đoàn thực sự bắt đầu công việc chính. Hơn hai tuần lễ mọi tài liệu khảo cứu về giống, bịnh tật, khí hậu, đất đai, giá cả, v..v.. được thu thập. Ngày cuối tuần, ba chúng tôi đến câu lạc bộ Mogadishu dành cho người ngoại quốc trên bờ biển Ấn Độ Dương. Một màn kỳ thị diễn ra. Ba du khách mang ba đôi dép tàu, tay kẹp đồ tắm và khăn của khách sạn ra khỏi xe Mercedes bước vào cửa. Người phụ trách câu lạc bộ nói:

- Chỉ có trắng và vàng.

Người Ghana khựng lại lặng lẽ. Người UK bối rối, lấy lại bình tỉnh giải thích với người phụ trách:

- Đây là trưởng phái đoàn của ta.

Người da vàng phụ họa:

- Đây là câu lạc bộ ở Moghadishu đâu phải ở Johannesburg.

Người phụ trách biết sắp phải nhai cục xương, xuống nước:

- Ta chỉ thi hành theo nội qui của câu lạc bộ.

Người da vàng tiếp:

- Trên thế giới chỉ còn sót nước duy nhứt ở miền cực nam của lục địa có bản văn giống câu lạc bộ này. Nhóm của Ông già Nelson Mandela đã cho xé bỏ.

Người phụ trách phát tay:

- Pass.

           Tôi có cảm nhận đồng nghiệp Ghana đang chua chát thế thái nhân tình của đồng loại. Ba chúng tôi cùng ngăm nước biển Ấn Độ Dương không nhắc nhở điều gì vừa xảy ra. Món giải khát của tôi vẫn là nước dưa hấu.

Phái đoàn hòan tất cuộc thăm viếng. Về lại trụ sở chính của Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu. Mất mười ngày mới viết xong phúc trình công tác sơ khời. Nhà băng hài lòng.

Người Ghana mời người Việt về tư gia khoản đãi bữa cơm chia tay. Trong bữa ăn, nữ gia chủ hỏi thực khách ở Somalia có gì lạ. Người UK đáp lời trước:

- Người Somalia có nét mảnh khảnh, cao, đẹp hơn các dân ở xứ khác.

Người Việt tiếp theo:

- Nhớ nước dưa hấu.

Gia chủ Ghana lúc bấy giờ mới phá cái lặng lẽ ở cửa câu lạc bộ Mogadishu:

- I hate that bloody Indian Ocean Club! 
 

Phạm Thanh Khâm

Viết tại Houston tháng 6/2008.
Updated tại Monrovia ngày nghỉ cuối tuần 19/4/ 2009.


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630170 visitors (2115899 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free