09/01/2014
Biện pháp phòng ngừa sự xói mòn của đất
Cây cỏ tạo thành một lớp bảo vệ đất và phòng ngừa sự xói mòn của đất qua nhiều yếu tố sau:
Cây làm chậm dòng chảy của nước mưa, và hấp thu (adsorption) nguồn nước nầy như một nguồn dự trử để giữ độ ẩm của đất.
Rễ cây giữ đất không di chuyển do dòng chảy của nước mưa gây ra.
Chính cây làm giảm ảnh hưởng của sức nước mưa trước khi chạm vào đất thịt. Điều nầy hạn chế được sự xói mòn của đất. Cây càng cao, càng rậm, đất sẽ ít bị xói mòn.
Đặc biệt, những cây trồng ở những vùng ngập nước (wetlands) hay dọc theo hai bên bờ sông rất quan trọng vì chúng sẽ làm chậm dòng chảy và rễ cây bám dính vào đất, ngăn ngừa được sự xói mòn.
Làm thế nào để tránh nạn đất thoái hóa?
Như trên đã trình bày, sự thoái hóa của đất là do hiện tượng cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất, và do ảnh hưởng của gió và nước; từ đó, sinh ra hiện tượng xói mòn. Cây trồng là nguồn bảo vệ các hiện tượng trên với điều kiện là đất phải được tái nạp đầy đủ chất dinh dưỡng (phân bón) hợp thời hợp lúc. Thêm nữa, đất cần phải có một thời gian “nghĩ ngơi” để cho thiên nhiên có thể tái tạo lại nguồn dinh dưỡng ban đầu và thanh lọc một số dư lượng hóa chất còn lại sau mùa thu hoạch cây trồng.
2 – Đất bị sa mạc hóa (desertification)
Đất bị sa mạc hóa gồm nhiều yếu tố khác nhau vừa khách quan và chủ quan như:
1 – Khí hậu thay đổi làm cho đất khô hạn quá lâu do ảnh hưởng của sự hâm nóng toàn cầu;
2 – Các hoạt động của con người làm giảm hay làm thoái hóa đất;
3 – Việc gia tăng dân số và chăn nuôi làm tăng trưởng nhanh hơn sự sa mạc hóa của đất.
Từ đó, hệ lụy đương nhiên của hiện tượng sa mạc hóa cho con người là:
Kinh tế gia đình và địa phương giảm;
Mức sống và phúc lợi cũng giảm theo;
Ảnh hưởng lên đa dạnh sinh học (biodiversity);
Và nhất là kéo dài sự hạn hán.
Vì vậy, việc hạn chế hiện tượng sa mạc hóa cũng là một kế hoạch quốc gia cho Việt Nam. Muốn vậy, cần phải:
Tránh nạn phá rừng và việc nuôi gia súc bằng cách thả đồng quá mức.
Hạn chế hoạt động của con người trong nhiều lãnh vực như hủy hoại một số cây trồng thiên nhiên, hoặc thiết lập hệ thống tười tiêu thiếu điều nghiên làm cho đất cằn cỗi.
Trồng thêm cây (cây để chắn gió và giữ đất chứ không phải cây để sinh lợi) và cỏ để bảo vệ đất và giữ độ ẩm của đất.
Trồng thêm cây họ đậu (leguminous plants) để hấp thụ nguồn nitrogen trong không khí và hấp thụ vào đất làm tăng nguồn dinh dưỡng cho đất.
3 – Đất bị mặn hóa (salinization)
Hiện tượng nầy gồm nhiều nguyên do khác nhau như:
Dư lượng muối do phân bón còn tồn đọng trong đất.
Tận dụng đất tối đa, không dành thời gian cho đất “nghĩ ngơi”.
Việc tưới tiêu và dẫn thủy nhập điền không hợp lý và thiếu nghiên cứu cũng như không có kế hoạch dự trù…
Việc thay đổi thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến việc gia tăng nhiễm mặn cho đất như sự hâm nóng toàn cầu.
Và hậu quả đương nhiên của những sự kiện trên sẽ làm chậm lại việc thu hoạch mùa màng với năng suất thấp và làm giảm phẩm chất của nguồn nước.
Hạn chế sự nhiễm mặn rất cần thiết vì sẽ tiết giảm được những hệ lụy trên và mang lại phúc lợi nhiều hơn cho nông dân. Đó là, cần giảm thiểu việc tười tiêu, chọn lựa cây trồng thích hợp cho loại đất mặn, dùng acid mùn (humic acid) để bảo hòa các anion và cation có trong các loại muối, và loại trừ sự bám dính của các hóa chất nầy chung quanh rễ cây. Từ đó làm tăng thêm năng suất của cây trồng.
4 – Ô nhiễm đất ở Việt Nam
Trước kia tên gọi Môi trường (Environment) vẫn còn là một danh từ rất mơ hồ trong cộng đồng thế giới. Cho mãi đến giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, đứng trước những nguy cơ ô nhiễm ngày càng trầm trọng, Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong việc thiết lập các quy định về bảo vệ môi sinh cũng như định mức giới hạn mức độc hại của các hoá chất độc, khí độc hấp thụ vào cơ thể có thể chấp nhận được. Những định mức giới hạn nầy đã được ghi vào trong các điều luật về bảo vệ không khí, nguồn nước, và thanh lọc chất phế thải sau một thời gian dài thử nghiệm lên súc vật.
Tuy nhiên, các luật lệ trên còn quá lõng lẽo đối với các quốc gia đang trên đà phát triển vì các quốc gia nầy tự thấy cần phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách hơn cho quốc gia như phát triển chẳng hạn thay vì chú tâm về ảnh hưởng và bảo vệ môi trường.
Chính quan niệm trên đã tạo ra nhiều vấn nạn lớn lao và có cơ may làm cho vấn đề thêm trầm trọng, có thể không giải quyết được. Ngay cả đối với các nước hậu kỹ nghệ, một số nhà sản xuất chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà cố tình che dấu hoặc không khai báo thực sự số lượng các phó sản độc hại thải hồi.
Chính quyền của các quốc gia kể trên cũng không cung ứng đủ ngân sách và nhân sự để kiểm soát việc thi hành các luật lệ về môi trường. Do đó, việc bảo quản và kiểm soát các phó sản độc hại để tránh ô nhiễm trên mặt đất, không khí và các mạch nước mặt và nước ngầm vẫn là một nan đề lớn cho từng quốc gia.
Ô nhiểm mặt đất
Diện tích Việt Nam, không tính các hải đảo, ước tính vào khoảng 326.000 km2, trong đó ¾ là vùng đồi núi và đồng bằng. Ba nguồn chính tạo ra ô nhiễm mặt đất là việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật quá tải và bừa bãi, và việc thải hồi chất phế thải lỏng và rắn của các nhà máy sản xuất.
Cả hai nguồn hữu cơ và vô cơ đến từ nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau đều độc hại khi xâm nhập vào đất.
Ở thành phố do phát triển kỹ nghệ và rác thải.
Ở nông thôn, dư lượng của phân bón, thuôc trừ sâu rầy, trừ nấm mốc v.v…là nguyên nhân chính yếu trong việc ô nhiễm mặt đất.
Từ đó, ô nhiễm sẽ lan dần vào mạch nước ngầm do hiện tượng thẩm thấu.
Các hợp chất hữu cơ trên mặt đất sẽ bị phân hủy thành SO2, nguyên nhân của mưa acid. Còn kim loại độc hại qua nguồn nước rửa sẽ tạo thành những lớp bùn (sludge) ướt hay khô tùy theo mùa và trở thành một vấn nạn lớn ảnh hưởng đến cư dân sống chung quanh vùng.
Thêm nữa, các hóa chất không tan trong nước sẽ nằm trong đất, và cây cỏ sẽ hấp thụ vào rễ, thân lá hay quả…và sẽ xâm nhập vào chu kỳ thực phẩm của con người và súc vật.
Một vài thí dụ là, nước thải nhà máy sản xuất DDT ở Palo Verde (California) từ năm 1973 vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay qua việc tôm cá bị nhiễm độc hóa chất nầy trong vùng biển bị ô nhiễm. Cho đến ngày nay, chính phủ Hoa Kỳ vẫn phải tiêu tốn hàng trăm triệu Mỹ kim để thanh lọc,và di dời lớp trầm tích dưới đáy biển (sediment) của vùng nầy. Nước hồ Michigan chứa 2 phần ức (ppt- 10 -12) DDT trên mặt, nhưng nồng độ trên tăng lên 14 phần tỷ (ppb-10-9) ở dưới đáy hồ (bùn). Và cá coho salmon (một loại cá hồi) và cá hương (trout) ăn các phiêu sinh vật (đã bị nhiễm 410 phần tỷ) cho nên nồng độ trong hai loại cá nầy lên đến 99 phần triệu (ppm- 10-6). Do đó, chúng ta hình dung mức nhiễm độc của con người khi ăn các loại cá nầy như thế nào?
Chất phế thải ở dạng rắn và lỏng được chia làm hai nhóm chính:
Rác nhà là chất phế thải từ các sinh hoạt hàng ngày của con người;
Chất phế thải kỹ nghệ là phó sản của các quy trình công nghệ sản xuất hay chế biến.
Phần lớn rác bao gồm đủ loại thực phẩm dư thừa trong sinh hoạt hàng ngày và các phụ gia cùng những phế thải khác như bao bì, lon hộp, plastic… Phế thải kỹ nghệ bao gồm các hợp chất hữu cơ độc hại nhất là những hợp chất chứa chlor (mầm móng của bệnh ung thư) được tìm thấy trong các công nghệ hoá chất, phân bón, thuốc sát trùng; ngoài ra các kim loại độc hại như chì, thuỷ ngân, selenium, arsenic, crom, mangan…cũng được tìm thấy trong nhiều công nghệ khác nhau.
Hiện tại, chu kỳ thu gom, quản lý, và thanh lọc rác nhà ở các quốc gia tân tiến hầu như hoàn chỉnh. Các bãi rác lớn ở các thành phố, cách xa khu dân cư, có sức chứa hàng triệu tấn rác được thiết kế có nhiều lớp che phủ ở phần đáy để tránh sự thẩm thấu của các chất độc hại vào các mạch nước ngầm. Qua thời gian, các phản ứng trong hàng ngàn loại rác sẽ phát sinh ra một chất lỏng gọi là “nước rỉ” (leachate), và đây chính là nguồn phế thải ở dạng lỏng do quá trình sinh hoá tự nhiên được thu gom về các nhà máy để thanh lọc lại.
Thêm vào đó, việc phân loại rác ban đầu bằng những thùng chứa tuỳ theo loại rác như rác hữu cơ, plastic, chai lọ, bao bì, các loại lon hộp bằng kim loại cũng đã giúp rất nhiều trong việc thanh lọc rác. Đối với các phế thải kỹ nghệ, mỗi loại phế thải đều có qui định rõ rệt trong việc thanh lọc và tiêu chuẩn hoá. (Gần đây nhất, một giáo sư ở đại học Ohio đã khám phá ra rằng trong thiên nhiên đã có sẵn loại vi khuẩn yếm khí T có khả năng phản ứng tự nhiên với loại phế thải có toluene và các dung môi hữu cơ khác nếu phế thải được bảo quản kỹ lưỡng và được che phủ kín).
Rác ở Việt Nam – Trích từ Civil Engineering Conference lần thứ 4-
Executive Committee Meeting 26-27/8/2007 tại Taipei
Riêng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc thu gom, thanh lọc và thải bỏ rác nhà còn ở tình trạng sơ khai. Rác được thu gom từ các xe đẩy do sức người và nhiều khi xe đẩy rác phải xếp hàng giờ để chờ xe đến di chuyển rác về bãi chứa. Và bãi chứa đó là những bãi lộ thiên không có che phủ phía trên hay các lớp bao bọc phần dưới. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm qua sự thẩm thấu của nước rỉ.
Tình trạng chất thải kỹ nghệ càng tệ hại hơn nữa. Đa số những luật lệ về môi trường và quản lý phế thải ở các quốc gia đang phát triển chỉ vừa được công bố trong khoảng thời gian từ sau thập niên 90 đi sau các nước hậu kỹ nghệ hàng 20 năm. Vì thiếu nhân lực kinh nghiệm, ngân sách cung cấp cho việc quản lý và kiểm soát còn quá yếu kém cũng như nạn tham nhũng, hối lộ làm cho việc quản lý hầu như bế tắc ở những nơi nầy.
Tuy đã có quy định khá rõ ràng trong các luật lệ môi trường về thanh lọc từng loại rác, nhưng đại đa số các điều luật của Việt Nam trên chỉ hiện diện trên giấy tờ do những tệ nạn kể trên, và chất thải kỹ nghệ trên đi thẳng vào cống rãnh dẫn đến các dòng nước chính như ao, hồ, sông rạch, và biển cả… mà không qua giai đoạn thanh lọc. Thậm chí có những khúc kênh rạch biến thành vùng chết, không sinh vật nào có thể sống còn và tình trạng bùn đất bồi lấp nâng cao mặt đáy của dòng chảy làm ô nhiễm lan rộng ra thêm, giống như tình trạng hiện tại của một số sông ngòi ở miền Bắc hiện nay.
Phương cách giải quyết vấn đề
Có nhiều suy nghĩ cho vấn đề ô nhiễm mặt đất nầy. Hoặc là khử đất đã bị ô nhiễm theo phương pháp nội tại (in situ) (in-site, trong đất) hay là tìm cách tách rời các chất gây ô nhiễm ra khỏi đất (off-site). Nhưng cho đến hôm nay, vẫn chưa có phương pháp nào có thể giải quyết vấn đề trên một cách thỏa đáng trong việc xử lý đất bị ô nhiễm.
Một trong những phương pháp sử dụng là tách rời đất bị ô nhiễm và đem đổ vào các bãi rác hay dùng phương pháp đốt (incineration).
Nhưng cả hai phương pháp nầy lại nảy sinh ra hai vấn nạn ô nhiễm khác:
Đối với phương pháp bãi rác, trong tương lai, qua các phản ứng hóa học phức tạp trong lòng bãi rác, các hóa chất độc hại lại sinh ra nước rỉ độc hại và có thể đi vào nguồn nước mặt hoặc nước ngầm nếu không xử lý kịp thời;
Đối với phương pháp đốt, hóa chất độc hại sẽ được tách ra khỏi đất, nhưng ngược lại sẽ tạo ra ô nhiễm không khí.
Đây chính là vòng lẩn quẩn mà con người vẩn chưa giải quyết rốt ráo được!
Hiện tại, các khoa học gia đang thử nghiệm một số phương pháp vi sinh, nghĩa là cố tìm ra từng loại vi sinh thích nghi với từng loại ô nhiễm độc hại. Công việc đang tiến hành với nhiều kết quả đáng khích lệ.
Phương pháp sinh thoái hóa (bio-degradation) do các vi sinh vật có sẳn trong đất, và việc biến đất trở về vị trí trung hòa (neutral giữa pH 5,5 đến 8.0) và giữ nhiệt độ tối ưu từ 20 đấn 300C cũng cho thấy thêm nhiều kết quả phấn khởi.
Tóm lại, đất, nước, khí là ba yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau và cần phải luôn luôn được giữ cân bằng theo nghĩa bình thường (common sense). Nếu một khía cạnh nào đó ảnh hưởng lên một trong ba yếu tố trên, như tình trạng ô nhiễm chẳng hạn, tức nhiên hai yếu tố còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng lây.
Vì vậy, Đất – Nước – Khí, chính là Mẹ Thiên Nhiên.
Mọi quản lý và thanh lọc cần phải thực hiện song hành cùng một lúc. Không thể đặt trọng tâm và ưu tiên cho một vấn nạn nào mà lơ là các vấn nạn khác. Cũng đừng biện minh cho từng ưu tiên phát triển vì lý do sống còn của quốc gia mà “quên lãng” hay “tạm quên” những hệ lụy môi sinh thoát thai từ các phát triển cấp bách, vội vã và thiếu điều nghiên cặn kẽ.
Việt Nam trong tương lai cần phải lưu tâm vấn đề bảo vệ Đất Mẹ vì đây chính là nguồn tài nguyên căn bản duy nhứt của dân tộc.
TS: Mai Thanh Truyết.