24/10/2013
KỸ THUẬT VỖ BÉO BÒ THỊT
Vỗ béo là quá trình nuôi dưỡng đặc biệt với khẩu phần ăn có giá trị dinh dưỡng đầy đủ nhằm thu được ở con vật một lượng thịt tối đa.
1. Kỹ thuật nuôi bê sinh trưởng trước vỗ béo
1.1 Nuôi chuẩn bị bê để vỗ béo sớm sau cai sữa
Phương pháp nuôi chuẩn bị bê để vỗ béo sớm sau cai sữa là phương pháp nuôi huấn luyện bê ngay sau khi cai sữa để đưa đi vỗ béo ở một nơi khác. Thời gian nuôi chuẩn bị này thường kéo dài khoảng 30 – 45 ngày.
Mục tiêu của giai đoạn này là bê khỏe mạnh và chuẩn bị cho chúng bước vào vỗ béo được tốt. Thức ăn hạt trong thời kỳ cai sữa nên hạn chế tới mức tối thiểu.
Chương trình nuôi huấn luyện thường bao gồm:
- Cai sữa bê trước khi chuyển đi vỗ béo. Bước này làm giảm đáng kể stresss cho bê trong quá trình cai sữa, vận chuyển và tân đáo tại cơ sở vỗ béo.
- Tiêm phòng cho bê khi còn theo mẹ và tiêm phòng tăng cường trước khi xuất khỏi trại.
- Chuẩn bị cho bê bước vào vỗ béo bằng cách giúp chúng làm quen với việc lấy thức ăn máng và uống nước từ vòi. Để bê quen với uống nước từ vòi trong thời gian đầu có thể để vòi nước chảy liên tục trong một thời gian để cho bê nghe tiếng nước chảy. Âm thanh quen thuộc của tiếng nước chảy sẽ làm cho bê đến với vòi nước.
Trong thời gian này cung cấp thức ăn hạt chất lượng tốt hay thức ăn bổ sung đạm ở dạng cỏ khô. Dùng thức ăn ngon miệng để làm cho bê đến với máng ăn. Không dùng các loại thức ăn lên men như cỏ ủ chua trong 4 – 7 ngày đầu vì hầu hết bê chưa quen với mùi của những thức ăn này. Không dùng thức ăn nghiền mịn vì như vậy sẽ có nhiều bụi và tính ngon sẽ giảm. Thức ăn bột khô có thể dể làm cho bê mắc các bệnh hô hấp sau khi mới cai sữa.
Ưu điểm: phương pháp này hạn chế được nguy cơ bệnh tật khi bê đưa vào vỗ béo nhờ việc cay sữa cẩn thận và tiêm phòng đầy đủ. Việc tập trung cho bê ăn quen trong máng cũng làm cho bê bước vào chế độ vỗ béo được nhanh chóng. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là tốn nhiều công huấn luyện nhưng giá bán bê có thể không cao hơn các loại bê khác.
1.2 Các phương pháp nuôi bê trước khi vỗ béo
- Nuôi bê qua đông:
Phương pháp này sử dụng nhiều thức ăn thô ( cỏ khô, phụ phẩm nông nghiệp, cỏ tự nhiên…) để nuôi bê với tăng trọng thấp trong vụ đông trước vỗ béo. Thông thường phương pháp này được áp dụng để chuẩn bị bê trước khi đưa ra chăn thả vỗ béo trên đồng cỏ vào vụ hè tiếp đó. Mục đích của phương pháp này chỉ đơn thuần là giảm thiểu chi phí thức ăn trong vụ đông mà vẫn bảo toàn được bê khỏe mạnh. Khi cho bê ra chăn thả trên đồng cỏ ( khoảng 12 – 15 tháng tuổi) vào vụ cỏ tốt bê sẽ có sinh trưởng bù và do vậy giá thành tăng trọng sẽ thấp. Phương pháp này không thích hợp với giống bò to vì trong thời gian nuôi dài ngày chúng sẽ quá lớn so với yêu cầu của thị trường. Phương pháp này phù hợp với bò có tầm vóc nhỏ.
- Nuôi bê sinh trưởng vừa phải
Phương pháp này thường sử dụng kết hợp thức ăn thô và bổ sung một lượng thức ăn tinh nhất định để nuôi bê có được tăng trọng vào khoảng 0,7- 1,1kg/ con/ngày. Phương pháp này phù hợp với bò có tầm vóc trung bình.
.
- Nuôi bê sinh trưởng nhanh
Phương pháp này nuôi bê sinh trưởng càng nhanh càng tốt. Khẩu phần ăn cho bê có lượng thức ăn tinh gần với lượng thức ăn tinh có trong khẩu phần vỗ béo.Tăng trọng mong muốn theo phương pháp này là 1,3kg/con/ngày. Đây là phương pháp phù hợp với các giống bò có tầm vóc to. Phương pháp này giúp khai thác được tiềm năng di truyền của các giống bò thịt có tốc độ sinh trưởng nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đòi hỏi phải có trình độ chăm sóc nuôi dưỡng cao vì bê dễ bị rối loạn tiêu hóa.
2. Vỗ béo
2.1 Vỗ béo bê bú sữa
- Loại bê đưa vào vỗ béo: bê hướng sữa, bê hướng thịt không đủ tiêu chuẩn làm giống.
- Thức ăn: sữa nguyên và sữa thay thế với lượng 12 – 16 lít/con/ngày. Đồng thời bổ sung thêm thức ăn thô, thức ăn tinh và củ quả.
- Yêu cầu tăng trọng: 700 – 1000g/con/ngày.
2.2 Vỗ béo bê sau cai sữa
- Loại bê đưa vào vỗ béo: bê sau cai sữa, bê đã qua thời gian huấn luyện 30 – 45 ngày.
- Thức ăn: thức ăn xanh cho ăn tự nhiên theo yêu cầu, thức ăn tinh chiếm 20 – 35% giá trị năng lượng khẩu phần.
2.3 Vỗ béo bò non
- Loại bò đưa vào vỗ béo: bò ở lứa tuổi 1 - 1,5 tuổi.
- Khẩu phần gồm: thức ăn thô được cung cấp tự do theo nhu cầu của bò, thức ăn tinh 30% giá trị năng lượng của khẩu phần.
2.4 Vỗ béo bò trưởng thành
Loại bò đưa vào vỗ béo: bò sữa, bò thịt sinh sản, bò cày kéo, bò già, bò gầy… bị loại thải được nuôi vỗ béo để tận thu lấy thịt.
Thức ăn dùng vỗ béo bò bao gồm: thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin… Căn cứ vào nguồn thức ăn sẵn có để lựa chọn các nguyên liệu thức ăn chính như sau:
- Thức ăn thô xanh: các loại cỏ, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm công nghiệp (bã bia, bã rượu, rỉ mật, bã đậu, bã khóm, vỏ hoa quả) chiếm tỷ lệ 55- 60% vật chất khô trong khẩu phần.
- Thức ăn tinh: là các loại hạt ngũ cốc, họ đậu, cám (cám gạo, cám mỳ…), các loại khô dầu, thức ăn hỗn hợp… chiếm 40 – 45% vật chất khô trong khẩu phần.
Trên cơ sở các loại nguyên liệu thức ăn trên bổ sung khoáng và vitamin phối hợp thành khẩu phần hoàn chỉnh để dỗ béo bò.
2.5 Các công thức trộn thức ăn tinh trên nền bột sắn
Công thức 1( protein thô 18%) Công thức 2( protein thô 16%)
Khoai mì khô 67 kg Khoai mì khô 72 kg
Bột bắp 31 kg Bột bắp 30 kg
Bột cá 9 kg Bột cá 5,5 kg
Urê 3 kg Urê 3 kg
Muối 1 kg Muối 1 kg
Bột xương 1kg Bột xương 1kg
Tổng cộng 112 kg Tổng cộng 112,5 kg
Công thức 3 ( protein thô 16%)
Khoai mì khô 65 kg
Bột bắp 10 kg
Cám gạo 8 kg
Khô dầu đậu tương 5 kg
Bột cá 2 kg
Rỉ mật 5.0 kg
U rê 3 kg
Muối 1 kg
Bột xương 1kg
Tổng cộng 100 kg
3. Các dạng thức ăn – khẩu phần vỗ béo
3.1 Vỗ béo bằng thức ăn xanh
Hình thức này được thực hiện ở thời điểm nhiều cỏ xanh. Có 2 hình thức là vỗ béo trên đồng cỏ và vỗ béo tại chuồng.
- Vỗ béo trên đồng cỏ: bê được chăn thả 12-14 giờ/ngày. Giai đoạn đầu vỗ béo bỗ sung 20- 25% và giai đoạn cuối vỗ béo bổ sung 30-35% giá trị năng lượng khẩu phần bằng thức ăn tinh.
- Vỗ béo tại chuồng: cỏ được thu cắt và cho ăn tại chuồng kết hợp với bổ sung thức ăn tinh. Cần cho ăn loại thức ăn tinh giầu năng lượng để giúp cho cơ thể tích lũy mỡ nhanh và bò chóng béo. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng gia đình, mỗi ngày có thể cung cấp cho mỗi con bò vỗ béo 1-2 kg thức ăn tinh. Trong giai đoạn này cần hạn chế bê non vận động bằng cách chăn thả gần chuồng để tập trung chất dinh dưỡng vào việc tích lũy mỡ và nâng cao độ béo.
3.2 Vỗ béo bằng thức ăn ủ xanh
Có thể sử dụng thức ăn ủ xanh kết hợp với thức ăn tinh, thức ăn bổ sung thiết lập khẩu phần hoàn chỉnh. Thông thường khẩu phần thức ăn ủ chiếm 50 – 65%, cỏ khô 5 – 15% (0,8 – 1 kg/100 kg thể trọng) và bổ sung thêm thức ăn chứa nhiều protein, đường dể tan, vitamin A và các loại khoáng.
3.3 Vỗ béo bằng phụ phẩm
Có thể sử dụng các phụ phẩm từ chế biến tinh bột (bã bia, bã rượu…), chế biến thức phẩm (rỉ mật, bã đậu nành, bột xương, khô dầu…), chế biến rau quả (các loại bã khóm, vỏ hoa quả…), phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, thân cây bắp…) kết hợp với thức ăn tinh để vỗ béo bò.
3.4 Vỗ béo bằng thức ăn tinh
Hiện nay, ở một số nước trên thế giới tiến hành vỗ béo bò bằng thức ăn tinh là chủ yếu. Thức ăn tinh được sử dụng chủ yếu là các loại hạt ngũ cốc, họ đậu. Tỷ lệ thức ăn tinh /thô có thể là 4/1.
Vỗ béo bằng các hình thức này bò thường dể mắc bệnh axit dạ cỏ nên phải bổ sung các chất đệm (bicacbonat) vào thức ăn tinh và rải đều để ổn định pH của dạ cỏ.
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, một số lượng lớn trâu bò sau một thời gian sử dụng không còn khả năng sinh sản, làm việc được nữa và được giết thịt. Loại trâu bò này thường gầy yếu, tỷ lệ thịt sẽ thấp và chất lượng thịt không cao, nếu không được vỗ béo trước khi giết mỗ. Vỗ béo loại trâu bò này để làm sao sau giai đoạn vỗ béo khối lượng cơ thể tăng 15-20%. Phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả trên đồng bãi, kết hợp thêm cỏ, rơm và thức ăn tinh tại chuồng. Đối với các tỉnh phía Bắc, tốt nhất là vỗ béo trâu bò vào mùa thu, vì lúc này lượng tươi phong phú, hơn nữa, thời tiết cũng mát mẻ. Còn đối với các tỉnh phía Nam, có thể vỗ béo trâu bò quanh năm, nhưng vỗ béo vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10 là kinh tế nhất. Thời kỳ vỗ béo loại trâu bò này thường là 3 tháng:
- Tháng thứ nhất: tiến hành dọn vệ sinh chuồng trại, tẩy giun sáng cho trâu bò và cho ăn đủ rơm, cỏ. Đối với những con gầy thỉ cho ăn thêm các loại thức ăn giàu đạm để nhanh chống phục hồi cơ thể, tạo đà cho những năm tháng tiếp theo.
- Tháng thứ hai: chăn thả gần, cho ăn cỏ thỏa mãn, tăng lượng thức ăn tinh, bảo đảm đủ nước uống.
- Tháng thứ ba: cung cấp cho trâu bò loại thức ăn giàu gluxit, chăn thả gần chuồng để hạn chế tiêu hao năng lượng và tăng tích lũy mỡ.
Người ta đều biết rằng trâu bò là con vật sử dụng có hiệu quả thức ăn thuộc tất cả các loại hệ thống nuôi dưỡng. Trong điều kiện chăn nuôi gia đình ở nước ta có hai cách vỗ béo thích hợp là:
- Vỗ béo bằng chăn thả: chăn thả trâu bò trên bãi chăn 8 -10 giờ mỗi ngày để tận dụng cỏ tươi mà không tốn công phu cắt và vận chuyển về chuồng. Ban đêm bổ sung thêm thức ăn tinh và muối ăn. Cách vỗ béo này áp dụng cho những nơi có đồng bãi chăn thả rộng và năng suất cỏ tươi đối khá, bảo đảm cho trâu bò mỗi ngày thu lượm được 20-25 kg cỏ tươi .
- Vỗ béo bằng hình thức bán chăn thả: áp dụng cho những nơi ít bãi chăn (như vùng đồng bằng, vùng ven đô, khu công nghiệp). Trâu bò chỉ tận dụng được một phần hoặc một nữa khẩu phần thức ăn trên bãi chăn. Phần còn lại phải bổ sung tại chuồng nuôi, trong đó phải lưu ý đến thức ăn tinh.
Dù áp dụng phương pháp vỗ béo nào và với đối tượng trâu bò nào, việc bảo đảm nước uống cho trâu bò là rất cần thiết, đặc biệt là vào mùa khô hanh. Luôn luôn phải bảo đảm cho trâu bò có nước uống sạch sẽ và cho uống không hạn chế. Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và dẫn đến giảm khối lượng cơ thể.
Để tăng tỷ lệ thịt, chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi, cần tiến hành vỗ béo bò trước khi giết thịt. Như vậy, sau khi kết thúc giai đoạn nuôi lớn (lúc 20-21 tháng tuổi) chuyển sang thời kỳ nuôi vỗ béo.
Ngoài loại bò kết thúc giai đoạn nuôi lớn, cũng nên vỗ béo các loại bò gầy, bò hết khả năng cho sữa hoặc bò cầy kéo (bò loại thải).
Trong trường hợp có nhiều bò cần vỗ béo, phải phân chia theo nhóm, điều về khối lượng và giới tính để dể chăm sóc và nuôi dưỡng.
Thông thường, thời gian vỗ béo kéo dài 60-90 ngày và yêu cầu tăng trọng bình quân 500-1000 g/ngày ( tùy theo giống, loại bò đưa vào vỗ béo). Trong giai đoạn nuôi vỗ béo, cần tăng dần khẩu phần thức ăn tinh giầu năng lượng, đồng thời hạn chế để bò vận động, nhất là vào cuối giai đoạn.
Khẩu phần vỗ béo (kg/con/ngày):
Khối lượng bò
|
Cỏ tươi
|
Cỏ khô
|
Rơm lúa
|
Thức ăn tinh
|
230
|
20
|
1
|
4
|
0,5
|
260
|
20
|
1
|
4
|
1,0
|
290
|
25
|
1
|
4
|
1,5
|
320
|
30
|
1
|
4
|
1,5
|
350
|
30
|
1
|
4
|
2,0
|
400
|
30
|
1
|
4
|
3,0
|
4.Quản lý bò vỗ béo
4.1 Quản lý bò mới đưa vào vỗ béo
Bò trước lúc giết thịt thường được tập trung để vỗ béo ở một nơi. Bò mới đưa vào vỗ béo cần khoảng 2 tuần để thích nghi với môi trường mới. Có thể áp dụng các biện pháp sau để ổn định bò mới đưa vào vỗ béo:
- Nhốt tách riêng những bò mới đưa vào vỗ béo nhằm không cho chúng ở cạnh những con đã thích ứng với môi trường rồi và tránh lây nhiễm nhiễm bệnh.
- Bò mới phải được nuôi ở nơi khô ráo, sạch sẽ và không được quá chật chội.
- Trong thời gian này cần tiến hành thiến những con đực và kiểm tra sức khỏe, tẩy ký sinh trùng và tiêm phòng.
- Cung cấp đầy đủ nước sạch vì bò bị mất nước trong quá trình vận chuyển.
4.2 Quản lý bò trong thời gian vỗ béo
Khi vỗ béo thường chia nhóm 10 con cùng giới tính, cùng tuổi và khối lượng trong 1 ô chuồng.
Tránh thay đổi cơ cấu đàn vỗ béo hoặc di truyển đàn bò vỗ béo đi chỗ khác vì thay đổi sẽ ảnh hưởng đến mức tăng trọng của bò.
- Xác định khối lượng bò và lượng thu nhận thức ăn.
Cần xác định khối lượng bò tại thời điểm bắt đầu vỗ béo và theo dõi hàng tháng cho đến khi xuất bò đi. Nếu thấy bò giảm hoặc tăng khối lượng so với tháng trước thì phải kiểm tra sức khỏe, thức ăn của bò.
Cần theo dõi hàng ngày lượng thức ăn ăn vào của cả đàn.
- Quản lý sức khỏe hàng ngày
Hàng ngày phải quan sát đàn bò nhằm bảo vệ và can thiệp những con có biểu hiện không bình thường càng sớm càng tốt. Cần đặc biệt quan sát: lượng thức ăn ăn vào, hô hấp, dán đi, vùng bụng, phân, nước tiểu.
Cần cung cấp đầy đủ nước sạch cho bò.
- Quản lý hoạt động sinh dục
Nếu vỗ béo đực non cần tiến hành thiến sẽ giảm được tổn thất do chấn thương và stress.
Nếu vỗ béo bò cái thì cần hạn chế chu kỳ tính bằng các thuốc ức chế động dục hoặc thiến. Tuy nhiên, nếu thiến sẽ dễ gây viêm nhiễm, sốc, mất máu, phức tạp và tốn kém.
5. Mùa vụ và thời gian vỗ béo
5.1 Mùa vụ vỗ béo
Có thể thực hiện vỗ béo bò quanh năm nếu người chăn thả chuẩn bị đủ thức ăn cho bò. Cần lưu ý khi vỗ béo bò vào đông xuân tránh để bò bị thiếu thức ăn thô xanh và bị rét ảnh hưởng tới sức khỏe của bò và mất nhiều công chăm sóc.
5.2 Thời gian vỗ béo
Thời gian vỗ béo tùy thuộc vào phương pháp vỗ béo, thức ăn, giống bò. Nếu thời gian vỗ béo quá ngắn thịt sẽ nhiều nước, thời gian vỗ béo dài thích hợp chất lượng thịt sẽ cao hơn.
Thời gian vỗ béo tùy thuộc vào tuổi, độ béo của bò trước khi vỗ béo và yêu cầu thị trường về khối lượng thịt và chất lượng thịt. Thông thường thời gian vỗ béo có hiệu quả từ 60 đến 90 ngày.
6. Các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả
6.1 Giống
Trong tất cả những yếu tố ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng thịt thì giống là yếu tố quan trọng nhất. Giống khác nhau có tốc độ sinh trưởng, phát triển, tích thịt và độ béo khác nhau. Bò Charolais có tỷ lệ thịt xẻ 60%, tỷ lệ thịt tinh là 45% nhưng bò Vàng Việt nam đạt tỷ lệ thịt xẻ 42%, tỷ lệ thịt tinh 31%. Do vậy, trong quá trình lai tạo những giống giống bò chuyên thịt ngoài tiêu chí tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt tinh, tỷ lệ mỡ giắt, cần chú ý tạo ra những bò có khối lượng lớn và lớn nhanh (tặng trọng nhanh).
Những giống bò có xương nhỏ thì thịt dày hơn và tỷ lệ thịt tinh cao hơn những bò có bộ xương to.
6.2 Tuổi
Tuổi giết mỗ khác nhau sẽ có chất lượng thịt khác nhau. Bê và bò tơ cho thịt màu nhạt hơn, mềm hơn, ít mỡ hơn và ngon hơn. Bò lớn tuổi cho thịt màu đỏ đậm, nhưng thịt dai hơn.
Tỷ lệ cơ quan nội tạng sẽ giảm theo tuổi, nhưng độ béo lại tăng dần theo tuổi.
6.3 Tính biệt và thiến
Giới tính cũng có ảnh hưởng tới tính năng sản xuất của bò thịt. Thường bò cái có thớ thịt nhỏ hơn bò đực, mô giữa các cơ ít hơn, vỗ béo nhanh hơn.
Bò đực có tỷ lệ thịt xẻ cao hơn bò cái cùng độ tuổi. Trong quy trình vỗ béo người ta thiến bò đực lúc 7-12 tháng tuồi bò sẽ béo nhanh hơn Và cho thịt bò mềm hơn.
Bê đực cùng tuổi lớn nhanh hơn so với bê cái cùng tuổi.
Bê đực thiến có tốc độ sinh trưởng cao hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn bê đực không thiến.
6.4 Nuôi dưỡng và phương thức vỗ béo
Sức sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào dinh dưỡng. Mức độ sinh trưởng cao tỷ lệ mỡ và cơ trong thân thịt cao. Mức dinh dưỡng thấp làm giảm giá trị năng lượng của thịt và tăng tỷ lệ xương và mô liên kết.
Chế độ dinh dưỡng và phương thức vỗ béo ảnh hưởng rất lớn đến tính năng sản xuất thịt và chất lượng của thịt bò.
Các khẩu phần ăn khác nhau sẽ cho tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt tinh khác nhau. Khẩu phần nhiều thức ăn thô thì tỷ lệ nội tạng cao, tỷ lệ thịt xẻ thấp. Nếu khẩu phần có tỷ lệ thức ăn tinh và thức ăn thô là 50:50 thì tỷ lệ nội tạng chiếm 14%...Nếu khẩu phần 100% thức ăn tinh thì tỷ lệ nội tạng 9-10% (Theo Taylor và Wilkinson, 1972).
Trong khẩu phần vỗ béo nếu cho bò ăn nhiều bột bắp thì mỡ bò sẽ vàng, thịt thơm. Nếu trong khẩu phần có tỷ lệ đạm động vật cao và nhiều sắc thì thịt bò sẽ có màu đỏ đậm. Trong khẩu phần thô xanh, nếu tỷ lệ các phụ phẩm công nghiệp cao thì thịt sẽ có thớ lớn và nhiều mỡ giắt.
Dù vỗ béo theo phương pháp nào thì đối với bò giết thịt bắt buộc phải có giai đoạn vỗ béo. Bởi giai đoạn này dùng biện pháp dinh dưỡng, chăm sóc để làm cho khối lượng con vật tăng nhanh và cải thiện chất lượng thịt.
6.5 Khối lượng lúc giết mổ
Khối lượng bò đưa vào giết mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khả năng tăng trọng, thời điểm tích nạc lớn nhất, chế độ dinh dưỡng, hệ số tiêu tốn thức ăn, thị trường, giá…
Theo Prescost và Preston (1982) cho rằng: khối lượng giết thịt phụ thuộc nhiều vào giống.
6.6 Stress môi trường
Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức sản xuất của bò. Các yếu tố này được chia thành 3 nhóm: thời tiết – khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng), lý hóa (nước, chất lượng thức ăn, quy mô đàn, chuồng trại… ), và yếu tố sinh học (vi sinh vật gây bệnh, ký sinh trùng và côn trùng…). Những yếu tố trên có liên quan mật thiết đến nhau và ảnh hưởng đến sức khỏe và sức sản xuất của bò.
- Điều kiện thời tiết khí hậu: là những yếu tố môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến trao đổi nhiệt của cơ thể do đó ảnh hưởng đến khả năng thu nhận thức ăn. Bò là động vật máu nóng, vì vậy chúng phải cố gắng duy trì nhiệt độ cơ thể. Thân nhiệt bình thường của bò ảnh hưởng ở 38,5 – 39 độ C. Nhiệt sinh ra trong cơ thể bò bao gồm: nhiệt giải phóng từ năng lượng dùng cho duy trì cơ thể và sản xuất. Do đó, bò có khối lượng cơ thể càng lớn, năng suất cao thì nhu cầu năng lượng càng nhiều và nhiệt sinh ra càng nhiều. Toàn bộ nhiệt thừa sinh ra phải được giải phóng khỏi cơ thể. Các phương thức chính để thải nhiệt ở bò bao gồm: bốc hơi nước, dẫn nhiệt đối lưu và bức xạ nhiệt. Sự thoát nhiệt bằng bốc hơi nước của bò phụ thuộc nhiều vào độ ẩm môi trường. Độ ẩm môi trường càng cao sẽ cảng trở bốc hơi nước. Vì vậy, trong môi trường càng nóng ẩm thì việc thải nhiệt thừa càng khó khăn. Bức xạ nhiệt của môi trường càng cao và lưu thông gió kém quá trình thải nhiệt của bò cũng gặp khó khăn. Do đó, môi trường nóng ẩm hạn chế thức ăn thu nhận để giảm sinh nhiệt. Khi bì bị stress nhiệt khả năng thu nhận thức ăn giảm và năng suất giảm.
Ngược lại, nhiệt độ môi trường thấp dưới vùng đẳng nhiệt, khả năng thu nhận thức ăn tăng, năng suất và hiệu quả chăn nuôi tăng.