Phần 4
Về thăm trường cũ.
09h, 01-8-2013.
Chúng tôi rời nhà Thầy Phan Lương Báu, để tiếp tục hành trình về thăm trường cũ, theo lộ trình sau đây.
Cuộc hành trình bây giờ thật nhẹ nhàng trên mấy con xe 4 bánh, để tìm lại những nơi mà sv Nông Nghiệp đã “mài đủng quần” suốt 4 năm trời …gian khổ, trên đủ loại xe 2 bánh và 2…chân (nhờ bạn cùng khóa chở).
Tôi xin nhắc lại do nông nghiệp là một ngành kỷ thuật liên quan mật thiết tới sinh học, nên năm thứ nhất tất cả đều phải trải qua các học phần căn bản của ngành này, tương đương với năm thứ nhất của ngành Lý hóa-Vạn vật (SPCN). Và trong điều kiện hạn chế trang thiết bị khi Viện Đại học còn sơ khai, sinh viên nông nghiệp phải học “ké” với sv SPCN, nhờ thế khu3, còn gọi là khu Văn hóa, ở đường Tự Đức cũng từng là “trường cũ” của các sv CĐNN Cần thơ.
He he, Huỳnh Quang Liêm trốn vợ về Cần thơ, ghé ngang khu 3, chộp bậy cái hình để “góp mặt” với anh em K2, rồi đi ngay, hổng dám cho bạn bè gặp, sợ mắc kẹt lại, vợ rầy! Đặng Vĩnh Quảng đang tự hỏi “ông nội ơi, hình như là thằng Liêm????”
Bên trong sân khu 3
Ở trên tôi nói gian khổ không phải để hù dọa ai cả, chỉ nhắc rằng chúng ta thường xuyên được Thầy Kim thông báo cái Thời khóa biểu hàng tuần với khung màu xanh, đỏ đầy nhóc ké trang A4 vàng khè, từ thứ hai tới thứ 7, đôi khi “chơi” luôn tới chủ nhật. Nhìn cái Thời khóa biểu dán bên trong khung gỗ treo ở đầu giảng đường L, khu1 Cái Răng, các môn học và Thầy dạy đóng khung bằng viết dầu, sáng xanh, chiều đỏ, sáng đỏ, chiều xanh…có khi lại bắt đầu từ 05h sáng, kéo dài đến tối mịt mù!
Ôi thôi, má ơi, má đâu có hay con má bị “đày đọa” đến hổng còn thì giờ thăm bồ, hoặc đi “câu cá” bổ sung cho cái học bỗng “tương đối” đủ xài nếu chỉ ăn đậu hủ, bí đỏ, cá kèo( chắc chắn không ai ngạc nhiên về cái con đặc sản này, là món thường xuyên trong cái menu của sv thời đi học), lâu lâu ăn “sang” một chút với cá mòi Sumaco… (he he, tui không nói dóc, Tôn Thọ Tế là thằng chạy xe ôm có “số má” ở bến Bắc Cần Thơ, còn Lê văn An thì chuyên môn ôm Basudin đi bỏ mối, không kể một số đứa còn đi dạy kèm…)mà cái sự đày đọa này kéo dài đến 4 năm lận! Phải nói là nó cực kì gian khổ và làm “tàn phai nhan sắc” ít nhiều người đẹp, ai mà qua được đến cái ngày “mang hia đội mũ” thì phải nói là hãnh diện vô chừng!
Bây giờ chúng ta tiếp tục lên năm thứ 2, đó là lúc sinh viên Nông nghiệp về với “cứ địa”, rục rịch di tản vô các nhà trọ ở gần như ký túc xá Phục Hưng, Phục Quốc hoặc các nhà dân lân cận.
Chú thích: Vì là về Trường cũ nên tôi tạm dùng các tên cũ.
Khu 1 Cái Răng, thuộc phường Hưng Lợi, cạnh Đài Phát thanh (nay là Truyền Hình), những năm cuối 1960 là một nơi hẻo lánh, phần lớn là giảng đường chính của Luật và Văn Khoa. Trường CĐNN nằm khiêm tốn ở cuối con đường dẫn từ cổng khu 1 vào. Y như ngày xưa, bên phải là nhà bảo vệ, các dãy giảng đường vẫn nằm đúng vị trí, với các ao nước nhỏ chạy dọc bên tay mặt. Tôi chợt thấy một nỗi bồi hồi khó tả. Hơn 40 năm rồi mà như mới hôm qua. Chắc chắn bạn bè trong buổi về trường cũ hôm nay, cũng cùng tâm trạng. Nhất là khi mọi người tập trung ngay trước cổng trường. Lưu trú xá nữ sinh viên, là một khối nhà 2 tầng hoàn toàn như cũ, bạn Hà Thế Tạo tủm tỉm cười khi nhìn thấy nó vẫn “y chang”, kỹ niệm xưa chắc chắn đang âm ĩ trong lòng! Tạo còn hơi "xúc động" hỏi tôi :" ê Minh, bạn định hướng giùm tôi vị trí nhà cũ của tui ở đâu", bây giờ nhìn bản đồ vệ tinh, chắc bạn đã nhận ra được rồi.
Sau lưng là LTX nữ sv ĐHCT
Và...