.
  Trống đồng và nền nông nghiệp cổ đại
 
16/8/2013

 

 
 
 
1.      Mở Đầu
Niềm hãnh diện lớn nhứt của dân tộc Việt ở Châu Á là sự xuất hiện nền văn hóa trống đồng Đông Sơn rực rỡ thời Cổ Đại trên đất Lạc Việt, trải dài cách nay từ 2.700 đến 1.800 năm. Đó là nhờ sự ra đời của kim loại đồng và thành quả phát triển kỹ nghệ luyện kim trong nhiều thế kỷ trước đó, qua các nền văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đồng Đậu và Gò Mun trên lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Có lúc, một số nhà khảo cổ học Trung Quốc và Tây Phương cho rằng nền văn hóa Đông Sơn là sản phẩm của nền văn hóa sớm hơn xuất hiện từ các nơi này!
Trống đồng là một di vật tiêu biểu cho nền văn minh của người Việt cổ thời dựng nước, ngoài nhiệm vụ nhạc khí[1] còn là biểu tượng của quyền lực, lễ hội, tôn giáo… Do đó, các loại trống đồng đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến nay đã giúp chúng ta nhận diện được phần nào bản chất của nền văn hóa, xã hội và kinh tế của người Việt trong thời đại Văn Lang, bên cạnh các phát hiện di vật khảo cổ, tài liệu, sách sử nội địa và Trung Quốc mà mức độ chính xác chưa thể xác định tất yếu. Sự hiện diện của trống đồng tại Việt Nam và phần nào ở vùng Hoa Nam (bị Bắc Phương xâm chiếm), đã xác minh những bằng chứng không thể chối cải nguồn gốc và nền văn minh cổ xưa của người Lạc Việt mà Phương Bắc cố tình che đậy hoặc ngụy tạo để họ dễ dàng thực hiện chủ trương bành trướng đồng hóa từ thời Bắc thuộc khởi đầu, lúc bọn Nhậm Diên, Sỹ Nhiếp thực hiện chủ trương bá quyền thâm hiểm.
Các trống đồng được phát hiện trong thời gian qua chỉ là một phần nhỏ của số lượng mà tổ tiên ta ngày xưa kín đáo lưu giữ lại sau khi kẻ đô hộ thời đó gắt gao cấm đoán sản xuất, tàng trữ và sử dụng; họ tịch thu nhiều trống đồng Việt cổ để nấu chảy đúc thành trụ đồng, ngựa hoặc thành khối mang về Phương Bắc làm của riêng (Hậu Hán Thư). Chúng ta còn nhớ lời đe dọa đâu đây khắc trên trụ đồng ở địa giới ngày xưa: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” của bọn Mã Viện đời Đông Hán sau khi đánh bại lực lượng nổi dậy của Hai Bà Trưng. Các trống đồng được tìm thấy trong thời gian qua dù số lượng còn ít cũng cung cấp cho hậu thế hiểu biết nhiều hơn, thực tế hơn về một bức tranh lịch sử cụ thể của một nền văn hóa nổi tiếng một thời, cũng như nền nông nghiệp Cổ Đại đã phát triển mạnh dưới thời đại Hùng Vương của người Lạc Việt cách nay gần một ngàn năm trước Công Nguyên (tr.CN).
 
2.      Trống đồng và nền văn hóa Đông Sơn
Trống đồng là một biểu tượng nổi bật của nền văn hóa Đông Sơn. Tất cả các trống đồng được tìm thấy đều thuộc cùng một loại, loại I theo phân loại của F. Heger (1). Hiện nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam thống nhứt gọi là trống đồng Đông Sơn (Hình 1). Những di tích Đông Sơn được Ông L. Pajot, nhân viên thuế quan Pháp tìm thấy, khai quật ở vùng sông Mã, Thanh Hóa vào năm 1924, sau đó công trình khảo cứu được nối tiếp bởi học giả Thụy Điển O. Jansé. Năm 1934, nhà khảo cổ người Áo Heine Geldern đề nghị dùng tên “văn hóa Đông Sơn” cho nền văn hóa này (2). Các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục công trình nghiên cứu kể từ 1954. Di tích Đông Sơn thuộc làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa ngày nay, nằm ở hữu ngạn sông Mã. Nền văn hóa Đông Sơn được khám phá phát nguồn từ vùng Bắc Trung Bộ trên hạ lưu sông Mã và sông Cả đến châu thổ sông Hồng, trải qua thời gian khoảng một ngàn năm, từ giai đoạn sớm của thế kỷ 8-7 tr.CN và kết thúc vào thế kỷ 1 và 2 sau CN. Nền văn hóa Đông Sơn là chặng đường phát triển nổi bật của người Việt cổ, tiếp theo các nền văn hóa sớm hơn như văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun, tiền đề của thời dựng nước.

 Trống Ngọc Lũ và mặt trống (1)
Đến nay, trống đồng được phát hiện gần 1.000 trống lớn nhỏ, không kể những trống vỡ nát (2) trên những địa bàn thuộc phạm vi nền văn hóa Đông Sơn (miền Bắc Trung Bộ và châu thổ sông Hồng), và chúng còn được tìm thấy ở một số tỉnh khác như Thừa Thiên-Huế, Gia Lai-Kontum, Quảng Nam-Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Bình Dương, Vũng Tàu, Kiên Giang. Trống đồng Đông Sơn cũng được phát hiện ở Miền Nam Trung Hoa, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Về hình dáng, trống đồng gồm có mặt trống (nắp) và 3 phần chính: tang (phần tiếp giáp mặt trống), thân và chân. Viện Khảo Cổ Học Việt Nam đã phân loại trống đống Đông Sơn làm 4 nhóm chính, căn cứ vào hình dáng và hoa văn trang trí như sau (1 và 2):
·         Nhóm A: Trống có niên đại sớm, kích thước lớn, có 3 phần tang, thân và chân phân biệt rõ ràng, cân đối. Mặt trống nhỏ hơn tang trống. Các vành hoa văn có cảnh người, vật và động vật. Đây là loại trống to và đẹp nhứt của trống đồng Đông Sơn. Tiêu biểu của nhóm này là các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa I, Làng Cốc.
·         Nhóm B: Trống không cân đối, dáng cao hoặc lùn. Trống nhỏ hơn, hoa văn đơn giản, chỉ còn vành với mấy con chim bay ở mặt và hoa văn hình học. Nhóm này được phát hiện nhiều nhứt ở lưu vực sông Mã. Trống này còn gọi là trống Mường vì được tìm thấy nhiều trong vùng cư trú của dân tộc Mường.
·         Nhóm C: Dáng trống cân đối, lưng thẳng, chân cao. Nhiều hoa văn mới xuất hiện. Có tượng cóc trên mặt và một số trống có trang trí ở phần chân. Tiêu biểu cho nhóm này là các trống Hy Cương, Hữu Chung…
·         Nhóm D: Dáng trống thô, lùn thấp hơn các loại trống trên, trông giống chiếc nồi lật úp, tang phình rộng, thân hình nón cụt, chân ngắn, nhìn không cân đối. Hoa văn ít và sơ sài hoặc không có hoa văn trên mặt trống. Kỹ thuật đúc và trang trí đều thô sơ. Tiêu biểu cho nhóm này là các trống Tùng Lâm, Thượng Nông… Về niên đại chưa rõ, có người cho là loại trống xuất hiện muộn nhứt hoặc sớm nhứt.
·         Ngoài ra, còn có loại trống có lẽ không thuộc thời gian ra đời và tồn tại của văn hóa Đông Sơn. Chúng chỉ tiếp tục truyền thống Đông Sơn, được tìm thấy ở những vùng núi, như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La…
 
 
3.      Trống đồng và nền nông nghiệp Cổ Đại
Nền nông nghiệp Cổ Đại thời đại Hùng Vương là kết quả của quá trình phát triển lâu dài, bắt đầu từ nền nông nghiệp sơ khai của nước Việt cổ đã xuất hiện vào thời tiền sử khoảng 10.000-8.000 năm trước (thời đại Đá Mới), do ngành khảo cổ học phát hiện phấn hoa và bào tử của các loại cây củ đậu, hạt quả… và khai quật được nhiều vỏ sò ốc và dụng cụ ghè đẽo một mặt trong các hang động của nền văn hóa Hòa Bình. Nhờ vào kinh nghiệm tích tụ từ vô số thế hệ và phát minh các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày hiệu quả hơn, như rìu, bàn nghiền, nhíp, dao cắt, lưỡi cày, lưỡi cuốc, thạp chứa nông sản… bằng đá cuội, đá mài, rồi bằng đồng, sắt tìm được trong các cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học, nền nông nghiệp đã tiến hóa không ngừng theo thời gian và không gian từ vùng rừng núi đến nơi đất cao, thung lũng, ven sông rạch và biển cả qua hàng ngàn năm.
Cho đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn - một nền văn hóa nổi tiếng của nước Văn Lang (hay Lạc Việt) trong thời đại kim khí bắt đầu cách nay khoảng 2.700 năm - nền nông nghiệp Cổ Đại đã tích lũy một số tiến bộ quan trọng và đã trở nên nề nếp, xã hội đã có nhiều sản phẩm dư thừa qua khai quật tìm thấy các hầm ngũ cốc thối nát trong đất, chậu gốm lớn, thạp đồng (1). Xã hội nông nghiệp đã có những kỹ thuật tinh xảo, nhứt là khi cư dân phát triển mạnh nghệ thuật luyện kim đúc đồng và sau đó khám phá kim loại sắt.
Đó là một nền nông nghiệp dùng cày cuốc và sức kéo trâu bò, nông dân biết dùng các công cụ sản xuất thích hợp cho từng loại đất, biết trồng các giống cây khác nhau cho thích hợp từng mùa, như nhiều giống lúa đã được phát hiện trong các cuộc khai quật ở di chỉ Đồng Đậu cách nay hơn 3.000 năm (1). Trong thời đại này, nền nông nghiệp lúa nước trở nên thịnh vượng và nước Văn Lang được thành lập, trưởng thành dưới thời Hùng Vương-An Dương Vương. Bên cạnh đó, cư dân còn trồng những loại nông sản khác, như trám, na, cau, đậu, bầu bí, dâu, vải (1). Nghề chăn nuôi voi, trâu bò, lợn, gà vịt luôn luôn song song với nghề trồng trọt, vì các di vật như xương, răng và tượng các động vật thường được phát hiện ở các di chỉ khảo cổ từ văn hóa Đa Bút - Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Ngoài ra, nghề săn bắn, đánh bắt cá, bắt ốc sò là nghề phụ, nhưng có vai trò rất đáng kể vào thời kỳ phát triển đất nước. Một số hoạt động nông nghiệp này được ghi khắc trên các trống đồng Đông Sơn, qua các hình ảnh hoa văn rất điêu luyện và mỹ thuật.
3.1. Hoa văn trống đồng Đông Sơn (Hình 2)
Các hoa văn trang trí trên trống đồng rất đa dạng, thể hiện nhiều góc cạnh của xã hội thời Cổ Đại trong nền văn hóa Đông Sơn dưới thời Hùng Vương và An Dương Vương. Các hoa văn này xuất hiện trên mặt, tang, thân và ngay cả chân trống đồng, chủ yếu gồm có văn mặt trời, văn kỷ hà, văn tả cảnh sinh hoạt và văn hình động vật.

 Hình họa mặt trống đồng Ngọc Lũ (12)
- Hoa văn mặt trời có nhiều tia sáng ở trung tâm, từ 8 đến 23 tia (trống Hải Bồi (2)) trên mặt trống, nhưng mặt trời với 12 tia chiếm nhiều nhứt. Xen giữa các tia là họa tiết lông công hoặc những đường vạch chéo có hình tam giác lồng vào nhau.
- Hoa văn kỷ hà như văn vòng tròn đồng tâm, vòng tròn tiếp tuyến, vòng tròn kép, văn chữ S, chữ V, văn chấm dải, đường chỉ nhỏ, văn tam giác giữa có vòng tròn, hình răng lược, răng cưa, hồi văn gấp khúc, vạch ngắn song song, các ô dọc.
- Hoa văn tả cảnh sinh hoạt của con người lúc bấy giờ như: nhà sàn mái cong[2], lầu gác, “kho vựa”, văn bông lúa, văn xương cá, dàn chiêng, thuyền, cảnh đua thuyền, chiến thuyền, người giã gạo, đánh trống, múa hát, người hóa trang kiểu cờ bay, người và cả thú giao phối…
- Hoa văn hình động vật: trâu bò, hươu nai, cóc, sóc, chim bay, chim đậu, gà, chim công, trích, cò, chàng bè (bồ nông), các loại cá, rắn…
Tất cả những hoa văn trang trí nêu trên làm nổi bật vẻ đẹp sống động, hiện thực, cách điệu theo thời gian của xã hội đương thời - một bức tranh lịch sử sống thực của người Lạc Việt. Các hoa văn mặt trời, văn sinh hoạt con người lúc bấy giờ và văn hình động vật của trống đồng đã mô tả bức tranh nghề nông toàn diện và rõ ràng ngành nông nghiệp Cổ Đại gồm cả nông, lâm, ngư và súc đạt mức phồn thịnh trong nền văn hóa Đông Sơn. Một số trống nổi tiếng như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ (9), trống Cổ Loa, trống Làng Cốc được lựa chọn mô tả sơ lược sau đây (2):           
·         Trống Ngọc Lũ[3]:
Trống có hoa văn hình học và hoa văn ngườiđộng vật và đồ vật. Trống có 2 cặp quai gắn vào tang và thân trống. Trống Ngọc Lũ có lẽ là một trống đồng đẹp nhứt đã được phát hiện cho đến nay ở Việt Nam.
 
Mặt: Chính giữa mặt trống là hình mặt trời với 14 tia chiếu xung quanh. Xen giữa các tia là những họa tiết hình tam giác. Trên mặt trống có tất cả 16 vành hoa văn đồng tâm. Các vành 1, 5, 11 và 16 là những hàng chấm nhỏ. Các vành 2, 4, 7, 9, 13 và 14 là những vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Vành 3 là những chữ S gãy khúc nối tiếp. Vành 12 và 16 là văn răng cưa. Vành 6, 8 và 10 là vành có hình người nhảy múa, người giã gạo, động vật diễn hành xung quanh ngôi sao mặt trời và ngược chiều kim đồng hồ (Hình 1, 2 và 3).
 
 

:
Một góc của mặt trống đồng Ngọc Lũ (12)
Tang: Phình ra, nối liền với mặt trống. Có 6 vành hoa văn hình học, các vành 1 và 6 là những đường chấm nhỏ thẳng hàng, vành 2 và 5 là văn răng cưa, vành 3 và 4 là hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song. Tiếp theo đoạn này là hình 6 chiếc thuyền. Ngoài ra, giữa hai thuyền có một con chó đứng nghểnh mõm lên phía sàn giống như chó săn.
Thân có hình trụ tròn, thẳng đứng, được trang trí hình dây thừng.
Chân trống hơi lòe, hình nón cụt, không có trang trí.
·         Trống Hoàng Hạ[4] (9):
Trống đồng Hoàng Hạ có kích thước lớn, cao 61,5cm, đường kính mặt 79cm. Hoa văn phong phú, gồm hai loại là hoa văn hình học và hình khắc người, động vật và vật thể (Hình 4).
-          Mặt: Giữa có hình mặt trời nổi với 16 tia, xung quanh có 15 vành hoa văn: các chấm nhỏ thẳng hàng, chữ gãy nối tiếp, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến song song, văn hình răng cưa… Hình khắc người và động vật. Tại vành số 9 chỉ có 14 con chim bay, đó là những hình chim mỏ dài, đuôi và chân đều dài, chim có mào.  
-          Tang: Vành hoa văn hình học có hình 6 chiếc thuyền, xen giữa thuyền là những hình chim có từ 2 đến 4 con. Về trang sức, tất cả thuyền trưởng đều cầm trống lệnh, vũ sĩ và người cầm lái đều đội mũ lông chim.
Quai trống gồm hai đôi kiểu quai kép, hoa văn dây thừng.
-          Thân: có bố cục và trang trí giống như trống Ngọc Lũ.
-          Chân: đúc trơn không vẽ hoa văn.
 
 

 Trống Hoàng Hạ
(9)
 
·         Trống Cổ Loa (2) (Hình 5 bên trái): Mặt 73,8 cm, cao 53 cm, có 2 đôi quai kép. Nhóm 1a.
-          Mặt: văn mặt trời 14 tia. Các vành văn chữ S, chấm giải, răng lược, vòng tròn tiếp tuyến. Vành nhà sàn, người nhảy múa, giã gạo, đánh trống. Vành số 16 chim bay.
-          Tang: Các vành văn kỷ hà, vành thuyền bơi và chim.
-          Thân: Văn kỷ hà chia ra các ô dọc, trong ô có người nhảy múa.
-          Chân: Phía trong có dòng chữ Hán.
 
·         Trống Làng Cốc (2) (Hình 5 bên phải): Mặt 76,5 cm, chân 81 cm (đường kính), cao 61. Có 2 đôi quai kép. Nhóm 1a.
-          Mặt: Văn mặt trời 14 tia. Các vành văn vòng tròn tiếp tuyến, hồi văn, vạch ngắn song song. Vành nhà sàn, người nhảy múa, đánh trống. Vành 16 chim bay.
-          Tang: Các vành văn kỷ hà. Vành văn 6 thuyền có chiến binh, lầu gác…
-          Thân: Có các ô dọc, trong có người nhảy múa.  
  
                             



: Trống Cổ Loa (trái) và
 

 trống Làng Cốc (phải) (2)
 
3.2. Bức tranh lịch sử sinh hoạt nông nghiệp trên trống đồng Đông Sơn
 
 
·         Những hoa văn rất phổ biến:Hoa văn mặt trời, nhà sàn, người giã gạo, chim cò bay, đàn hươu biểu diễn, thuyền ghe và người đánh trống, nhảy múa, đối đáp (Hình 6) rất phổ biến, có thể tìm thấy dễ dàng trên nhiều trống đồng ở các vành hình tròn trên mặt, tang và đôi khi trên thân trống. Các hình ảnh đó phát họa một bức tranh đồng quê trong thời kỳ thịnh vượng với chim cò tung bay ngoài đồng ruộng, người dân sinh hoạt với nghề nông trong mưa nắng dưới ánh mặt trời, biết chăn nuôi gia súc, sắn bắn, biết đánh bắt cá tôm, trồng trọt, nhứt là làm vụ lúa theo mùa, biết thu hoạch theo thời tiết và hoan ca chào đón ngày cuối mùa hay chào mừng gạo thóc mới, hò hát giã gạo, nhảy múa dưới trăng. Họ còn biết trao đổi thương phẩm với nhiều bộ tộc, quốc gia láng giềng bằng hàng hải với các ghe thuyền gỗ vượt sông biển. Hoa văn phổ biến nhứt trên mặt trống đồng Đông Sơn là hình các loại chim, người cũng hóa trang chim, đội mũ gắng lông chim, mũi thuyền có mắt chim tròn, cho biết chim là loài vật tổ tôn kính của người Lạc Việt.
 
 

Hoa văn phổ biến trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (12)
 
(Mặt trời, nhà sàn, chim bay, hươu từng cặp, người giã gạo, nhảy múa, đánh trống)
 
·         Văn mặt trời có nhiều tia ở trung tâm của mặt (nắp) trên hầu hết trống đồng cho thấy người Việt Cổ thờ thần mặt trời và sùng bái thiên nhiên: mặt trời, lữa, nước, đất, gió, sấm sét, núi non… vì các hiện tượng “huyền bí” này giúp họ có được đời sống, sinh hoạt hàng ngày, tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mặt trời cung cấp nguồn năng lượng vô biên để nông dân trồng trọt, nuôi dưỡng, sản xuất và thu hoạch cuối mùa. Dù lúc đó con người chưa có kiến thức khoa học như ngày nay - chưa biết đến hiện tượng quang hợp của các loài thảo mộc - họ cũng nhận thức được nếu không có nguồn ánh sáng họ không thể thực hiện các hoạt động sản xuất lương thực để nuôi sống bản thân và gia đình, con người và muôn loài không thể tồn tại lâu dài trên quả đất này. Từ ngàn xưa người dân luôn hướng nhìn mặt trời, bầu trời xa xâm để mong đợi mưa gió thuận hòa giúp canh tác thuận lợi, mùa màng tươi tốt; mong chờ trời nắng ráo để hoàn tất thu hoạch cuối vụ mau chóng và đúng lúc.
 
Trông trời, trông đất, trông mây,
 
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
 
Ngoài ra, trống đồng có nhiều vành hoa văn đồng tâm với nhiều hình chim, trong đó chim chân cao mỏ dài và hình hươu chạy theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, biểu lộ hướng trái đất quay từ Tây sang Đông, thể hiện trình độ thiên văn cao của người Việt cổ. Trên hầu hết nhạc khí trống đồng, minh khí đều có hình mặt trời chiếu sáng nằm ở tâm điểm mặt trống, như nói lên tầm quan trọng thiết yếu của vầng thái dương đối với con người nông nghiệp qua thời tiết bốn mùa. Có thể đó là biểu hiện lịch pháp thiên văn cho nền nông nghiệp cổ (Hình 7) (2).  
Theo hoa văn trên trống đồng, như trống đồng Hoàng Hạ (Hà Tây cũ), được một số nhà khảo cổ nghiên cứu và đánh giá là một loại lịch thời Hùng Vương, là bức thiên đồ cho phép xác định được các ngày tiết trong năm. Đó là loại lịch ngày âm (Hình 7), kết hợp chu kỳ mặt trăng và mặt trời, bắt nguồn từ văn hóa Bách Việt, mang đậm nét văn hóa nông nghiệp lúa nước ở phương Nam (3). Số lượng của các tia, chim bay, hươu, thuyền hầu hết là số chẳn, biểu hiện cư dân thời bấy giờ biết đo đếm. Số tia 12 chiếm đa số liên quan đến số tháng trong năm (10). Thời Cổ Đại, Ai Cập cũng có bộ lịch giúp hoạt động nông nghiệp ven sông Nile[5].


: Âm lịch Việt (trái) và bốn mùa (phải) trên trống đồng Ngọc Lũ (12)
·         Hoa văn tả cảnh sinh hoạt của con người trên trống đồng (Hình hình dung nền nông nghiệp thời Cổ Đại khá đa dạng. Các hoa văn người giã gạo,cộng thêm hình ảnh kho chứa, thạp đồng, văn bông lúa (trống số 31 (2)), chim cò bay, tượng cóc, hình trâu bò, rắn nướcnhứt là người nam và nữ giã gạo (Hình 9), hò hát đối đáp được tìm thấy khá phổ biến trên nhiều trống đồng. Điều đó và sự hiện diện của lưỡi cày đồng thời bấy giờ biểu hiện ngành nông nghiệp lúa nước đã trở nên một nghề chủ yếu cố định của người Việt Cổ trong thời kỳ dựng nước. Nông dân đã sản xuất lương thực dư thừa, nên có các thạp đồng lớn, trống chậu bằng đồng, vựa thóc trong những nhà khá giả. Nhờ nghề trồng lúa nước, người Văn Lang đã định cư, không còn lối sống du canh du mục nữa. Họ đã tụ tập thành từng làng xóm ven sông rạch, biển hồ, vùng đất cao, đồi núi; nhờ đó tổ chức xã hội ngày càng hoàn chỉnh và lớn mạnh, vững chắc; nước Văn Lang đã được hình thành.
 

 Số 1: Cò; 2: Chim công; 3: Hươu; 4: Chim trĩ và người đối đáp; 5: Chim trĩ, 6: Chim công, đối đáp và người đánh trống; 7a và 7b: Một góc mặt trống với người giã gạo, ngồi đối đáp trong nhà sàn, hươu, chim cò bay; 8: Người đánh trống, đánh cồng chiêng (?) hay “kho vựa” tượng trưng trong nhà sàn; 9a và 9b: Vũ múa và các chim công.
 
·         Hóa trang cờ bay, khố váy, áo hai vạt ngắn dài của những người giã gạo, vũ công và chiến binh (Hình 9) được khắc trên trống đồng cho thấy nghề dệt vải, trồng cây vải, bố đai, trồng dâu nuôi tầm - nghĩa là công nghệ vải sợi đã phổ biến nhiều nơi trong nước Văn Lang để sản xuất vải sợi làm áo khố che thân, trang trí nội thất, làm cờ xí trong ngày lễ hội, cờ hành quân bảo vệ giang sơn.

9:
Hình họa người giã gạo và thổi khèn trên trống đồng Đông Sơn (9)
 
·         Các hoa văn thuyền, thuyền đua, thuyền chiến, xương cá (2), các loại cá, rắn, nhà sàn, lầu gác (2) cho thấy ngành ngư-lâm cũng rất phổ cập trong xã hội thời bấy giờ. Nông dân biết khai thác cây rừng để làm nhà ở, đóng ghe thuyền dùng trong ngư nghiệp, phương tiện di chuyển, các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, và vũ khí gươm giáo chống xâm lăng. Trong thời Cổ Đại, có thể một phần cư dân không nhỏ chuyên sống với nghề biển, sông hồ. Do đó, họ biết khai thác các chiến thuyền để chống ngoại xâm bảo vệ xứ sở, chuyên nghề đánh bắt cá, ốc sò để làm đa dạng lương thực hàng ngày. Ngành hàng hải cũng phát triển từ thời đó, nhiều trống đồng được tìm thấy ở Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vài nước Đông Nam Á.
 


Hình trên: Thuyền chiến với những người lính cầm đao, giáo, chó săn, người bắn cung, trống trận; Hình dưới: Thuyền chiến, binh lính cùng chim, cá, rùa dưới nước.
 
·         Các hoa văn hình động vật như chim bay, chim đậu (trĩ, công, chàng bè, trích…), trâu bò (trống số 5 (2)), gà chó, cóc… (Hình 10 và 11) trên mặt, tang, thân hoặc chân trống đồng cho thấy nông dân biết thuần dưỡng thú rừng, biết nuôi gia cầm để có thêm thức ăn, nhứt là nghề nông nghiệp dựa vào sức kéo của trâu bò, làm tăng gia sản lượng thực phẩm và nâng cao hiệu năng trồng trọt. Sự phát hiện lưỡi cày đồng và các tượng bò hình khối, hoa văn bò đực cho biết ngành nông nghiệp lúa nước đã phát triển cao. Họ đã biết dùng trâu bò cày xới đất canh tác, nhứt là cày ruộng, xới rẫy, một công việc nặng nhọc đối với con người khi làm việc trong điều kiện trồng lúa ngập nước và trên đất khô ráo cho canh tác các màu phụ. Tượng cóc, cóc giao phối trên trống đồng thể hiện sự mong mỏi của nông dân về mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi.
 
Con cóc là cậu Ông Trời.
 
Cóc nghiến răng trời đang nắng thì mưa.


: Trái: Mặt trống có 4 con cóc (9); Phải: Các loài chim trên trống đồng Đông Sơn (11):
Hàng 1: Chim trĩ trên mái nhà sàn cong, công (trống Ngọc Lũ), cò thìa,
Hàng 2: Gà trên mái nhà sàn tròn (trống Hoàng Hạ), công (trống Miếu Môn),
Hàng 3: Chim trích tím, cò và chàng bè (bồ nông).
 
·         Các hoa văn hươu nai, chim bay, chim đậu, con công, chàng bè, chim trích, cá sấu, chó săn (Hình 2, 3, 10 và 11) cho thấy cư dân Việt Cổ vẫn còn có một bộ phận không nhỏ còn sống về nghề săn bắn trong rừng núi, vùng sâu vùng xa để có thêm thực phẩm (Hình 11). Họ có đời sống lưu động, làm nghề du canh để có đủ lương thực sinh tồn. Nghề du canh này vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở vùng Tây nguyên Trung phần và thượng du Bắc Bộ.
 
·         Các họa tiết độc đáo mô tả hình ảnh vũ công múa hát, hóa trang trong lễ hội, tục đối đáp (Hình 2 và khắc trên trống đồng, và hoạt cảnh hát hò trong khi chèo thuyền, đánh cá, làm ruộng… (Hình 9 và 10). Trong nhà sàn, từng cặp nam nữ ngồi đối diện, lồng tay chân nhau cùng ca hát, đối đáp (Hình . Còn có tế trời, tế nước trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. Các hình ảnh bơi chèo, múa hát, thổi khèn, ngồi đối đáp, ôm cõng nhau…, cho thấy một xã hội ổn định, thịnh vượng và dân tộc còn chất phát, có đầu óc nghệ thuật, hiếu hòa với tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên (2).
Đó là một bức tranh lịch sử sống động của xã hội Văn Lang, phồn vinh với sự nổi bật của một nền nông nghiệp tiến bộ: nông nghiệp lúa nước. Các hình ảnh cụ thể trên trống đồng Đông Sơn đã rọi sáng thêm các thành quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam trong hơn thế kỷ qua, nhứt là minh xác thêm nền nông nghiệp Đông Sơn đã thoát khỏi tình trạng sơ khai của thời tiền sử và trở nên năng động, hiệu quả và nề nếp. Nhờ đó, cư dân Việt cổ Đông Sơn có đời sống định cư ổn định hơn, có xã hội trật tự dù còn sơ khai và xây dựng nước Lạc Việt (8). Thật vậy, nền nông nghiệp sơ khai của con người đã khởi phát trong nền văn hóa Hòa Bình (cách nay 10.000-8.000 năm). Trong các nghiên cứu phân tích phấn hoa của nền văn hóa Hòa Bình, người ta tìm thấy với số lượng cao của các giống cây họ Đậu (Leguminoceae); họ rau Muối (Chenopediaceae), họ Cà Phê (Rubiaceae), họ Hòa thảo (Graminae), các loài hạt quả như hạt gắm (Gnetum montanum), hạt cọ (Livistona cochinchinensis), hạt côm (Elaeocarpus sylvestris), hạt me (Phyllanthus emblica L.), hạt trà (Thea sp.), trám tre (Canarium tonkinensis) và trám (Canarium sp.) (4). Do đó, cư dân trên đất Việt cổ biết sử dụng hoa quả và rau đậu để làm thức ăn, bên cạnh săn bắt thú rừng và sò ốc trong thời đại Đồ Đá Mới.
Tiếp theo nền văn hóa Đa Bút (cách nay khoảng 6.000-3.000), cư dân sống trong môi trường gần biển và cửa sông nên nguồn thức ăn chính là các ốc sò nước lợ chủ yếu là loài hến, hay nước biển như sò gai, điệp, ngao. Ngoài ra, họ còn săn bắn ở các khu rừng xung quanh mà di vật tìm được như xương răng thú rừng: hươu, nai, trâu, bò, lợn, nhím… Điều đáng chú ý là một số nhà nghiên cứu đã nhận ra vài động vật được con người nuôi dưỡng như trâu và lợn (5 và 6). Các di vật khảo cổ thu lượm từ nền văn hóa Đa Bút xác nhận một nền nông nghiệp trồng trọt cổ đã xuất hiện sớm hơn trên các vùng ven biển (7).
Đến nền văn hóa Phùng Nguyên (cách nay 4.500 - 3.500 năm), có những làng định cư lâu dài với đời sống nông nghiệp dùng rìu cuốc đá, chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt và đánh cá. Sự phát hiện lưỡi liềm đá ở Gò Bông và nhiều chiếc rìu nhỏ; cho thấy có nền nông nghiệp trồng lúa phát triển ở ruộng nước và trên đất cao (rẫy). Ngoài ra, còn có các đồ đựng bằng gốm có kích thước lớn để tồn trữ ngũ cốc cho thấy cư dân Phùng Nguyên có đời sống định cư dài lâu, sản xuất ngũ cốc dư thừa trong gia đình. Người Phùng Nguyên đã biết chăn nuôi nhiều thú vật mà ta có ngày nay (1).  
Trong nền văn hóa Đồng Đậu và Gò Mun (cách nay 3.500-2.800 năm) hay thời kỳ tiền Đông Sơn, người ta phát hiện một hầm ngũ cốc thối nát, chứng tỏ chủ nhân của hầm này sản xuất lúa không những đủ nuôi gia đình họ, còn dư thừa chứa trong hầm dự trữ (1). Cư dân Gò Mun đã quá quen thuộc nghề nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa cùng các hoa màu khác ở ven sườn đồi, gò đất thấp chung quanh khu vực cư trú bên bờ các dòng sông, bờ hồ, các đầm lầy với đất phù sa bồi đắp hàng năm. Cuộc sống của người Gò Mun tiến bộ hơn người văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu nhờ các công cụ sản xuất bằng đồng thô sơ, có sắc thái riêng biệt và tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời nền văn hóa Đông Sơn tiếp theo và thời kỳ dựng nước.
Cho đến nền văn hóa Đông Sơn, nghề trồng lúa nước đã đạt trình độ cao đáng kể, như đã thấy tận mắt trên trống đồng Đông Sơn. Hầu hết các trống đồng đều có mặt trời với nhiều tia sáng ở giữa, đó là dấu hiệu của sự hiểu biết thời tiết vụ mùa trong nông nghiệp. Các hình ảnh chim cò, rắn, cóc, trâu bò, bông lúa hình dung các ruộng lúa nước. Hình ảnh hoặc hình khối trâu bò cho biết nông dân đã biết cày bừa ruộng đất. Hoa văn hai người giã gạo chứng tỏ khâu hậu thu hoạch đã có một bước tiến mới, không còn dùng bàn nghiền đá để chà xát thóc như thuở xưa. Các hình ảnh “kho vựa”, thạp đồng lớn, trống chậu bằng đồng cho biết sản xuất lương thực dư thừa. Nông dân không còn dùng nhiều sức lao động để sửa soạn đất, biết dùng sức kéo trâu bò trong việc cày bừa với lưỡi cày đồng sắt, biết cấy lúa, biết trồng lúa 2 vụ mỗi năm (vụ Chiêm và vụ Mùa ở giai đoạn cuối Đông Sơn), trồng nhiều lúa nếp hơn lúa tẻ, dùng nhiều loại lúa khác nhau để thích hợp thổ ngơi, khí hậu. Bên cạnh đó, còn có các nghề luyện kim, thủ công nghệ, nông nghiệp khác như trồng dâu nuôi tầm, dệt vải, rau hoa, chăn nuôi, đánh bắt cá tôm, săn bắn, thương thuyền hàng hải... Họ cũng biết dẫn thủy nhập điền để đảm bảo trồng trọt thành công (8). Những sinh hoạt nông nghiệp này được thể hiện đơn sơ với các nét đúc khắc hoa tiết rất nghệ thuật và độc đáo trên các trống đồng Đông Sơn.
 
4.      Kết Luận
Ngoài các di vật khảo cổ nêu trên, các hoa văn trống đồng Đông Sơn phản ánh trung thực sinh hoạt vật chất, tinh thần và tình cảm rất sống động của xã hội thời lập quốc trong nền văn hóa Đông Sơn cách nay từ 2.700 đến 1.800 năm. Trong bức tranh lịch sử đó, ngành nông nghiệp gồm cả các khâu nông-lâm-súc-ngư được đúc khắc thể hiện khá rõ ràng qua các hoa văn như người giã gạo, “vựa thóc”, văn bông lúa; các hoa văn thuyền ghe, xương cá, các loại cá, rắn, nhà sàn, lầu gác; các hoa văn hình hoặc tượng động vật như trâu bò, cóc, chó, gà, cò, chim chàng bè, trích…; các hoa văn hươu nai, chim bay, chim đậu. Bên cạnh nghề luyện kim đồng, thau, sắt tinh xảo, nghề nông nghiệp lúa nước đã cung cấp cho cư dân Lạc Việt đầy đủ lương thực, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày trong đời sống kinh tế nông nghiệp phồn thịnh. Các hoa văn còn thể hiện một dân tộc có tinh thần nghệ thuật cao, bản chất hiếu hòa qua các hoa văn người múa hát, đáng trống, thổi khèn, hóa trang người, thuyền đua, sinh họat bơi chèo, ôm cõng nhau, hò hát đối đáp, cờ bay cách điệu Đồng thời đất nước và dân tộc này cũng luôn luôn đề cao cảnh giác kẻ thù, sự xâm lăng của phương Bắc, qua các hoa văn trang trí chiến thuyền, người lính chiến với mộc, giáo, mát… khắc ghi trên nhiều trống đồng Đông Sơn được phát hiện trong các cuộc khai quật khảo cổ tại các địa bàn lưu vực sông Cả, sông Mã và châu thổ sông Hồng.
 
Trần Văn Đạt, Ph. D.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
  1. Viện Khảo Cổ Học, 1999. Thời Đại Kim Khí Nam Bộ. Khảo Cổ Việt Nam, Tập II. NXB Khoa Học Xã Hội, tr. 349-398.
  2. Hoàng Xuân Chính, 2012. Đồ đồng văn hóa Đông Sơn. NXB Văn hóa thông tin, TP/HCM, 238 trang.
  3. Lê Thái Dũng. 2010. Tìm hiểu văn hóa thời đại Hùng Vương. NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, trang 118-121.
  4. Nguyễn Địch Dỹ và Đinh Văn Thuận. 1981. Kết quả phân tích bào tử phấn hoa ở Hạ Sơn, Phiêng Tung, Nà Khù. Thần Sa- những di tích của con người thời đại đá. Bắc Thái 1981.
  5. Patte, E. 1932. Le Kjokkenmodding néolithique de Dabut et ses sépultures (province de Thanh Hóa, Indochine). Bulletin du Service Géologique d’Indochine (BSGI), vol. XIX, pt.3.
  6. Vũ Thế Long. 1979. Di tích động vật ở di chỉ Đa Bút (Thanh Hóa). NPHM, Viện Khảo Cổ Học 1979.
  7. Nguyễn Địch Dỹ, Đinh Văn Thuận và Trần Đạt, 1980. Phân tích bào tử phấn hoa ở Cồn Cổ Ngựa (Thanh Hóa). Những phát hiện mới (NPHM), Viện Khảo Cổ Học 1980.
  8. Trần Văn Đạt. 2010. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. NXB 5 Star Printing, Nam California, Huê Kỳ, 489 trang.
  9. Wikipedia.org.
  10. http://duongconnguyen.blogspot.com/
  11.  Nguyễn Duy Xuân. 2011. Trống đồng Đông Sơn. (http://nguyenduyxuan.net/t-liu/lich-su-van-hoa/974-trng-ng-ong-sn- Nguồn: CINET.gov.vn).
  12. Tìm hiểu ý nghĩa những hình vẽ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (Việt Nam văn minh sử, Lê Văn Siêu) (http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/).
 
 


[1] Theo Ông Dương Đình Minh Sơn (Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 7, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội): “… trống đồng thời Hùng Vương và gọi đó là «Hùng Linh», một báu vật thiêng liêng được dùng để thờ cúng và tạo uy quyền cho các tù trưởng, sau này là vua và tướng lĩnh. Hùng Linh chưa khi nào là một nhạc khí của dân tộc Việt. »
 
[2] Nhà sàn mái cong của người Minangkabau: Theo giả thuyết nhà nghiên cứu độc lập Trương Thái Du đưa ra, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, vào cuối năm 43 một bộ phận người Việt đã lên thuyền ra khơi và dạt vào Eo biển Malacca nhờ gió mùa Đông Bắc. Tiếp đó, họ định cư tại khu vực phía Tây đảo Sumatra (Indonesia) và trở thành dân tộc Minangkabau ngày nay. Các nhà nghiên cứu ở Indonesia cũng tán thành giả thuyết người Minangkabau đến từ Việt Nam. Tộc người này theo chế độ thị tộc mẫu hệ giống như người Việt cổ. Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là Turun Cicik, em gái của Turun Cicik nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi. Hai danh xưng này rất giống tên gọi của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Kiến trúc truyền thống Minangkabau là những ngôi nhà mái cong vút như cặp sừng trâu, có đường nét giống với nhà sàn hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn, được gọi là Rumah Gadang. Cư dân Minangkabau sinh sống bằng nghề trồng lúa từ lâu đời, và họ cũng có tục ăn trầu nhuộm răng cùng nhiều nét văn hóa khác gần gũi với người Việt. Ngày nay có hơn 4 triệu người Minangkabau sinh sống tại tỉnh Tây Sumatra (
[3]Vào khoảng 1893 1894, các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc và một số người khác đắp đê Trần Thủy ở xã Như Trác, huyện Nam Xang (Lý NhânHà Nam), thấy dưới độ sâu 2 mét của bãi cát bồi có một chiếc trống đồng. Các ông đem về cúng vào đình làng Ngọc Lũ, để khi có đình đám cúng tế thì mang ra đánh. Bảy, tám năm sau có một họa sỹ Pháp đến vẽ đình làng thấy trống, liền báo cho công sứ Hà Nam biết. Nhân có cuộc đấu xảo ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 11 năm 1902, công sứ Hà Nam đã khuyến khích làng Ngọc Lũ (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam ngày nay) mang trống và nắp thạp lên góp vào đấu xảo. Sau đó, nhà Bác cổ Viễn Đông Hà Nội đã mua lại với giá 550 
đồng (Trần Huy Bá. Quản lý văn vật. Nội san của Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Hà Nội. Số 12/1965.).
 
 
Ngày 13-7-1937, nhân dân xóm Nội, thôn Hoàng Hạ (nay là xã Văn Hoàng) huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, trong lúc đào mương lấy nước, tình cờ đào được một chiếc trống đồng ở độ sâu 1,5m dưới lòng đất (9).
 
[5]Lịch Ai Cập Cổ Đại:Ở thời cổ đại lịch đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp con người tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt. Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng lịch từ hàng ngàn năm TCN để biết khi nào lũ trên sông Nile sẽ xảy ra, từ đó có biện pháp canh tác phù hợp.
      Lịch của người Ai Cập xây dựng để phù hợp với tập quán nông nghiệp và được chia thành ba mùa chính: ngập lụt, phát triển và thu hoạch. Mỗi mùa có bốn tháng, mỗi tháng được chia thành 30 ngày, tất cả là 360 ngày một năm ngắn hơn thực tế một vài ngày. Người Ai Cập đã thêm vào năm ngày giữa mùa thu hoạch và ngập lụt. Năm ngày này được chỉ định riêng là ngày lễ tôn giáo để tôn vinh những người con của các vị thần (http://www.baomoi.com).

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630168 visitors (2115890 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free