16/2/2014
Phần 11
31 tháng 12, 2013
Do cửa chính phíaTây đang được trùng tu, chúng tôi theo lối mòn đi vòng qua cổng phía Nam, …
…bước lên đền chính.
Đền Angkor Wat có 3 tầng cao độ, thấp nhất tượng trương cho tầng Địa ngục, kế tiếp là tầng Trần thế và trên cùng là tầng Thiên đàng. Những khối đá khổng lồ nặng hàng tấn được chồng chất, xếp đặt khít vào nhau, tuân thủ chặt chẻ nguyên tắc trọng lực, nên dù không có một chất kết dính nào, vẫn tạo nên những mái vòm và tường đá vững chắc. Việc chạm khắc để tạo nên những hình hài tuyệt mỹ, được thực hiện sau, điều này thể hiện qua các phù điêu tạc dang dở nơi chân các cột đá.
Có lẽ nhiều người khi nhìn ngắm ngôi đền đồ sộ này, cũng như các ngôi đền đá Angkor khác, chắc cũng tự hỏi, trong thời kỳ mà khoa học chưa phát triển, máy công cụ chưa có, những người Khmer cổ làm thế nào cắt gọt nhẳn nhụi các tảng đá này, theo nhiều kích cở khác nhau, để sắp đặt khít đến độ nhiều chỗ nếu không thấy sự khác biệt của màu sắc, thì ta không nhận ra đó là 2 khối đá liền kề! Và hỏi cũng là trả lời, họ làm hoàn toàn thủ công, không một sự hổ trợ bới công cụ tiến bộ nào…Vậy mà họ đã làm được! Lòng kiên trì, sự khéo léo và tư duy thẩm mỹ tuyệt vời mới có thể tạo nên một tác phẩm vĩ đại như thế.
Và có 1 giả thuyết được thực hiện. Đá xây dựng các đền Angkor được lấy từ mỏ đá Kulen, là 1 loại đá tương đối “mềm”. Người ta đã thấy các khối đá đó đều có nhiều lố được đục xuyên từ bên này qua bên kia, đó là những lỗ mà các người thợ xỏ cây ngang để cột giây vào nhằm treo tảng đá lên một giàn giáo, rồi dùng sức người xoay, lắc tảng đá để mặt bên dưới mài lên một tảng đá khác, cuối cùng, cả 2 mặt được mài nhẳn thính.
Đây là hình ảnh minh họa qui trình mài đá, với “mẫu” là những khối đá có kích thước “khiêm tốn”, còn những khối đá nặng hàng tấn chắc chắn sẽ dùng nhiều người hơn và giàn giáo to lớn hơn.
Việc xây dựng những công trình đồ sộ này phải tốn hao nhân lực, tài lực rất lớn, chỉ có thể thực hiện trong khoảng thời gian mà Đế chế Khmer cực thịnh. Và hình như sau những tốn kém này, cùng những khó khăn trong việc quản lý những vùng đất quá rộng lớn, đế chế Khmer dần suy sụp, không giữ được đất đai, nhưng vẫn còn giữ lại được một di sản đồ sộ vô giá cho nhân loại.
Những tảng đá có đục lỗ.
Điều quan trọng mà người đời nay không thấy nhắc tới, đó là các vì vua của Đế chế Khmer khi ra lệnh thực hiện những công trình này, dường như cũng không gây ra những đày đọa dân chúng, không sử dụng nô lệ hay tù nhân làm việc khổ sai dưới áp bức của đòn roi! Còn người dân có lẽ coi việc tham gia xây dựng các công trình thờ phượng các Thần, Phật như là việc làm công đức? Bởi vì dù là Thần hay Phật, họ đều là những đấng cứu nhân độ thế! Phải chăng đó chính là tinh thần nhân từ của Phật giáo vốn là niềm tin chính của dân tộc Khmer?
Tôi không thể nào tưởng tượng nổi đến việc đưa ra ý tưởng xây dựng nên những ngôi đền đá khổng lồ như thế! Từ con đường dẫn toàn đá khối nặng hàng tấn, những chiếc cột đá, nặng nề…đến một ngôi đền cao vòi vọi, thật đò sộ bên cái nhỏ nhoi yếu đuối của một con người!
Với tôi, điều đó thật là điên rồ! Một sự “điên rồ vĩ đại” !
Bây giờ chúng tôi bắt đầu thâm nhập vào “cái điên rồ vĩ đại” này, từ cửa Nam đền Angkor Wat.
Vừa bước chân lên tầng thứ nhất của đền chính, chúng tôi mới thật sự chứng kiến nét tuyệt mỹ của các phù điêu mà tiền nhân Khmer đã tạc. Đó là một kiệt tác mỹ thuật trên đá lớn nhất thế giới, cao 2,5m chạy dài qua các hành lang sâu hun hút suốt 800m, kể về những điển tích trích từ sử thi Ấn Độ Mahabharata và Raymana. Bức tranh đá cũng mô tả lại chiến công của Vua Suriyavarman II, người đã cho dựng xấy ngôi đền này.
Hàng ngàn, hàng vạn chiến binh rầm rập tiến quân dưới tán rừng thốt lốt. Nào voi, nào ngựa dũng mãnh xông pha trận mạc trong khí thế tưng bừng.
Hình ảnh là diễn tả một cuộc chiến tranh của Vua Suriyavarman II, trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược, thật sống động, khiến người xem như “thấy” được đoàn quân đang dồn dập bước đi. Dù là tạc trên đá, nhưng các hình ảnh thật là mềm mại, mà không kém phần hùng tráng, càng nhìn ngắm, ta càng thấy cái điêu luyện của các nghệ nhân thời xa xưa ấy.
Riêng tôi, chợt “thấy” một điều, không biết có đúng không, vì không thể xem kỷ hết toàn bộ bức phù điêu, đó là dù diễn tả chiến tranh, với đoàn quân xung trận, với voi thần dũng mãnh, với ngựa chiến tung vó tiến lên, với gươm, với giáo, với cung tên, khiên giáp…nhưng không thấy bức phù điêu đặc tả cảnh đâm chém, không thấy đầu rơi, máu đổ, không thấy một “tên địch” nào bị bỏ xác trên chiến trường dài …hàng trăm thước này!
Thật là tuyệt vời! Với tôi, đó là điều tuyệt vời nhất mà bức phù điêu cho tôi “thấy”, thấy cái điều “không có” trên tranh!
Chiến tranh, không phải là điều cần cổ súy, lại càng không nên ca ngợi sự giết chóc lẫn nhau. Dẫu là người thắng hay thua, tất cả cũng đều là nạn nhân của một cuộc hủy diệt con người.
Theo tôi, tiền nhân Khmer đã “cố tình” khắc một bức tranh đầy nhân bản, để lại cho hậu thế một thông điệp hiếu hòa từ hình ảnh chiến tranh!
Tôi không biết mình đúng hay sai, nhưng tôi thích ngắm nhìn bức phù điêu theo xu hướng này.