.
  Lái xe
 
5/10/2014






Chuyên Gia 
Phạm Thanh Khâm

      Suốt  tuần nay vừa giúp bà xã trong việc buôn bán ở tiệm, tôi phải vừa họp nhiều lần với các chuyên gia đồng nghiệp của tôi. Nhờ kỹ thuật tiến bộ, nên không cần lái xe, lấy vé máy bay đi đến phòng họp lễ mễ áo quần tươm tất. Hình thức hội họp đơn giản. Hãng điện thoại  sắp xếp thời lượng  tuỳ nội dung phiên họp. Thành viện được hẹn cùng gọi số phone chung và code. Cứ thế phiên họp kết thúc nhanh chóng và mọi thành viên trao đổi đầy đủ các dữ kiện.  Bà xã của tôi thấy tôi còn được mời đi làm việc chuyên môn nên tuy sẽ thiếu người phụ tá đắc lực trong các cửa tiệm, vui vẻ cho tôi đi vắng nhà khi nhiều chi tiết kỹ thuật về các chuyến đi được dàn xếp xong.

      Nhân một tai nạn nhỏ về lưu thông của tôi sáng 24/9/2011 ở Houston, tôi viết bài tạp ghi sau đây để các bạn đọc giải trí cho vui về việc lái xe của tôi khi đi làm việc xa. Trong một chuyến công tác năm 1981 ở Guinea được ghi lại trong bài “Thịt Chà Bong”, tài xế Boubacar đưa tôi đi cao nguyên Kankan. Phải khởi hành từ sớm để kịp đến nơi vào chiều tối nghỉ ngơi. Lên xe cũng còn ngái ngủ, nên ngủ gà ngủ gật. Một lúc sau giựt mình thức giấc, thấy xe nằm dưới hố cạnh sườn đồi. Cũng may không sao vì cạnh đó có nhóm kỹ sư công chánh người Cuba đang điều nghiên làm đường lộ cho xứ này giúp kéo xe ra khỏi hố. Quan sát xe thấy còn trong tình trạng tốt vì xe Land Rover mới cắt chỉ. Tôi hỏi tài xế Boubacar  sự thể làm sao  chạy xuống hố. Anh run lập cập nói đang bị lên cơn sốt rét. Tôi hỏi anh bị bịnh sao lại đi công tác với tôi. Anh nói anh sợ xếp của anh sẽ nhân dịp này sa thải anh. Thấy anh đáng thương, tôi nói  anh ra ghế phía sau nằm nghỉ để tôi lái. Trạm dừng đầu tiên là một bịnh xá nhỏ. Tôi dẫn anh vào xin thuốc cho anh uống rồi tiếp tục lên đường. Từ đó đến mấy mươi năm sau, mỗi khi đi công tác đường xa tôi đều lái xe. Tài xế ngồi phía sau.

      Đường sá ở các nước nghèo Phi Châu vừa xấu với nhiều ổ gà, đường vừa hẹp cọng thêm cây cỏ dọc bên đường cao vút che khuất tầm nhìn. Ở phố thì không có tên đường viết ở mỗi ngã ba, ngã tư. Nói kiếm một bản đồ thành phố là thiên nan vạn nạn. Chẳng hạn như khi đến Yaoundé, Cameroon năm 1988 được viết trong bài “MÍT”. Tôi nói với tài xế của tôi đổ đầy bình xăng chiếc xe Renault 12 mới toanh vào ngày cuối tuần lễ đầu tiên để tôi đi “bát phố”. Thực ra tôi muốn đi một vòng phố phường thủ đô Yaoundé của nước Camreroon. Trước hết tôi đến khách san Le Meridien xây trên ngọn đồi cao nhứt để có thể thấy hết phố phường phía dưới. Thế là tôi lái gần hết bình xăng để đi thăm thủ đô Yaoundé.

      Lái xe ở xứ nghèo có nhiều thói quen như bóp kèn inh ỏi, quăng rác ra đường từ trong xe thoải mái. Không biết cột dây an toàn là gì. Dọc đường cần thải nước dư thừa trong người, thấy sẵn có chỗ nào thích thì dừng ngay chỉ coi chừng có đám kiến lảng vảng bên cạnh. Đó là cái nguy của tôi khi phải trở lại Âu châu nhứt là về Mỹ. Như ở Camreroon mỗi khi về bản doanh ISNAR ở The Hague Hòa Lan là phải tự làm tờ kiểm điểm xem cách lái xe thế nào thì để lại cất giữ trong office của tôi ở Yaoundé, cách lái xe nào mang về Âu Châu! Khế ước 3 năm của tôi với ISNAR từ 1988 đến 1991 là một trong những kỷ niệm đẹp trong đời.

 

Phạm Thanh Khâm & Phù Linh Trân
Ảnh chụp tại The Hague, Hoà Lan 1988, lúc đi nhận việc làm 
với ISNAR cho 3 năm

      Cái danh thiếp dưới đây có điều khác với cái ở IFDC được ghi trong bài “Chuyện Kể Ở Rừng Tây Phi Châu”, trật tự họ tên của tôi không còn giống tên ghi trong cái căn cước cấp ở Sài Gòn trước 1975. Đó là mãng kỷ niệm (cụm từ của Anh Phạm Hồ Tôn trong bài “Nghỉ Nắng”), lâu lâu đem ra xem để thấy mình còn sống.
 



      Trở lại chuyện tôi bị một người lái ẩu húc phía sau xe của tôi ở Houston sáng ngày 24/9/2011. Xe của tôi đã ngừng ở đèn đỏ, chờ khi bật đèn xanh là chạy. Chiếc phía sau ụp tới không kịp đạp thắng tung mạnh vào xe tôi. Người lái phía sau xuống xe quan sát thiệt hại trong khi tôi còn ngồi trong xe gọi cảnh sát bằng cell phone của tôi. Người này đến gần nhận lỗi và đề nghị tôi đừng gọi cảnh sát đến làm biên bản, chỉ cần liên lạc với hãng bảo hiểm bồi thường thiệt hại. Tôi thoáng thấy có dấu hiệu bất thường. Người này còn đề nghị với tôi cùng lái hai xe vào bên đường để tránh nghẽn đường. Tôi nói xe cảnh sát trên đường tới. Và hai cảnh sát, một nam một nữ tới trong vài phút. Cảnh sát  hỏi từng người các giấy tờ cần thiết. Tôi cung cấp đầy đủ. Ngồi trong xe chờ. Mười lăm phút sau người nữ cảnh sát đưa cho tôi một biên nhận ghi chi tiết về người lái húc xe tôi,  và cho biết thêm người này bị còng ngay tại chỗ đưa vào tù vì một tội khác. Chiếc xe đụng vào xe tôi cũng được cảnh sát cho kéo đi giam giữ.

      Trên đường lái về nhà sau tai nạn nhỏ này, tôi gọi  bà xã báo tin kết thúc sự việc và nhận lời mừng về  tôi còn lái xe an toàn ở Mỹ: - Nhờ Anh đã quên cách lái xe ở lục địa phía nam Địa Trung Hải !


Phạm Thanh Khâm
Viết tại Houston, Texas 26/9/2011

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630131 visitors (2115828 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free