.
  Rau củ ngày nay không còn bổ dưỡng
 
1/1/2014

 
 
 

Mọi người đều biết và tin chắc rằng ăn nhiều rau củ có lợi cho sức khoẻ. Vậy mà báo Sueddeutsche Zeitung (của Đức) loan tin rau củ ngày nay không còn bổ dưỡng một cách tự nhiên như trước, và viện dẫn một quyển sách nói về “sự vô bổ” của rau củ do một nữ phóng viên Hoa kỳ vừa phát hành. Sau những cuộc khảo sát cặn kẽ, tác giả viết rằng nhiều loại rau củ ngày nay được trồng trọt theo một phương pháp nhất định nào đó để rau củ mất đi vị đăng đắng, vị nhẫn nhẫn càng nhiều càng tốt. Mà chúng ta biết rằng chính những chất gây vị đắng tự nhiên trong rau củ mới thật sự quan trọng cho sức khoẻ, để cơ thể phòng ngừa và chống lại bệnh tật. Ví dụ như củ cà-rốt. Ngày xưa vào thời cổ đại, củ cà-rốt được xem như một loại thuốc với những củ cà-rốt có mầu tím; ngày nay củ cà-rốt có mầu đỏ cam với vị ngòn ngọt, và mất đi chất bổ dưỡng quan trọng gọi là chất chống oxy-hoá Anthocyane, một sắc tố khiến rau củ, hoa quả có mầu xanh thẫm đến tím đậm và chứa nhiều sinh tố E và sinh tố C.
Tác giả còn cho biết các giống táo ngày xưa vẫn thấy trồng trong sân vườn nhà chắc chắn chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn các loại táo mua trong các siêu thị ngày nay, cũng như trong lá non của cây hoa họ Cúc vàng (tên khoa học là Taraxacum, tiếng Mỹ là Dandelion, tiếng Pháp là Pissenlit, thuộc chi bồ-công-anh, dùng để ăn như sà-lách) có chứa nhiều chất bổ dưỡng hơn rau Spinach. Hoặc khoai tây màu tím bổ hơn khoai tây mầu vàng, v.v… Nghĩa là tác giả ngụ ý rằng: chúng ta phải biết chọn loại rau củ mà mua, nếu coi trọng sức khoẻ hơn là … “ông thần khẩu”!  (BV)

Những biện pháp để chống ô nhiễm môi trường của Trung quốc
Một vấn đề nan giải từ bao lâu nay của Trung quốc là tinh trạng ô nhiễm không khí, do đó nhà cầm quyền Bắc Kinh vừa quyết định ban hành lệnh cấm dân chúng không được nướng “thịt thà cá mú” ngoài trời để không khí tại thủ đô đỡ mù mịt khói! Cho đến nay có khoảng 500 khu vực nướng thịt công cộng “lộ thiên” đã được dỡ bỏ, và … sẽ còn tiếp tục dỡ bỏ nhiều thêm nữa. Trước biện pháp lạ đời này, người dân Trung quốc “mỉa mai, diễu cợt” trên các trang mạng xã hội, viết rằng: “Chính phủ nên diệt trừ tận nguồn gốc gây ra tình trạng ô nhiễm không khí thì có lý hơn!”
Diệt trừ nguồn gốc gây ô nhiễm? Nhà cầm quyền Bác Kinh cũng hiểu rõ điều này nên vài tuần trước đây đã ra chỉ thị bắt các hãng xưởng phải tạm thời đóng cửa, và đồng thời hạn chế xe cộ lưu thông trong những ngày có mức độ ô nhiễm không khí lên cao tột đỉnh.
Ngoài ra, thủ đô Bắc Kinh trong vòng 5 năm tới đây sẽ có mầu xanh khắp nơi, nghĩa là chính phủ sẽ tạo ra tổng cộng 1000 cây số thảm cỏ ở khắp nơi tại Bắc Kinh. Theo kế hoạch, những thảm cỏ mới sẽ tựa như một mạng nhện kết nối các công viên, những di tích lịch sử, và các công trường, danh lam thắng cảnh với nhau. Như thế, những người bộ hành có thể đi dạo dọc theo những thảm cỏ xanh; dự trù có cả đường dành riêng cho những người đi xe đạp. Dự án trồng thêm cây cỏ này trị giá 36 triệu euros, mục đích chỉ để chống lại sự ô nhiễm không khí vì khói và bụi. Đầu tháng 11 vừa qua, nhà cầm quyền Trung quốc cũng thông báo sẽ bỏ ra nhiều tiền và nhiều công sức hơn nữa, trong trận chiến chống tình trạng không khí bị ô nhiễm.  (BV)
Khám phá một chủng mới của siêu vi bệnh Aids phát tác nhanh hơn
Các khảo cứu gia (thuộc Đại học Lund của Thụy-điển) vừa khám phá tại xứ Guinea-Bissau ở miền Tây châu Phi một chủng mới của siêu vi bệnh Aids chỉ khoảng 5 năm đã bắt đầu phát tác sau khi nhiễm HIV. Những con siêu vi mới được đặt tên là A3/O2. Theo tin từ đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA), cuộc nghiên cứu đã được thực hiện với 150 bệnh nhân tình nguyện viên người bản xứ, và cho đến nay chỉ thấy siêu vi mới A3/O2 xuất hiện tại vùng Tây Phi (nhưng trong thời gian sắp tới đây, các khảo cứu gia cho biết dự định sẽ nghiên cứu sâu rộng hơn để tìm kiếm siêu vi A3/O2 tại châu Âu).
Trong giai đoạn cấp tính của bệnh liệt kháng, khoảng 2 hay 3 tuần sau khi nhiễm HIV, bệnh nhân có những triệu chứng chung chung của bệnh Cúm như sốt nhẹ và đau khớp tứ chi. Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân không có cảm giác khó chịu hoặc các triệu chứng gì rõ rệt, cho đến khi bệnh phát tác khoảng chục năm sau (tuỳ theo thể tạng của bệnh nhân mà bệnh “nổ ra” mau hay chậm). Đó là bệnh Aids mà ta thường thấy. Thống kê mới nhất của LHQ, nhân Ngày Aids Thế giới 01/12/2013, cho biết trên thế giới có khoảng 35,3 triệu người bị nhiễm siêu vi bệnh liệt kháng (HIV = Human immunodeficiency virus infection) hoặc đang trong thời kỳ bệnh Aids phát tác, mà chỉ riêng vùng châu Phi đã có 22,2 triệu người trong số này. Năm 2012 có 1,6 triệu người chết do biến chứng của bệnh Aids.
Mặc dù LHQ đã nổ lực phát động các chiến dịch chống bệnh Aids từ hàng chục năm nay nhưng trên thế giới mỗi ngày vẫn có 6300 người mới nhiễm HIV, nghĩa là trong một năm có 2,3 triệu bệnh nhân mới; trong số này có 1,6 triệu người sống ở Nam Phi châu. Điều đáng báo động là tại Nam Phi, nơi mà 1/3 số phụ nữ trong độ tuổi từ 24 đến 29 bị nhiễm HIV đã truyền bệnh trực tiếp cho hàng trăm ngàn trẻ em qua sự sinh đẻ. Theo các dữ liệu của LHQ, trong số 3,3 triệu trẻ em bị nhiễm HIV trên thế giới thì có tới 90% đang sống tại vùng châu Phi Cận-Sahara. (BV)
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 643135 visitors (2138135 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free