.
  30 ngày trên đất Phật P3
 
24/12/2013

Phần 3

CHỢ GÒ TÀ MÂU

Từ Chợ Châu Đốc này, đi đến Gò Tà Mâu chỉ 5km, không cần passport, mọi người Việt Nam đều có thể qua chơi trong ngày, mua sắm hàng hóa(lậu)…hoặc “quên mình” trong các trường gà hay casino!

 

 

 

Sau chừng 10’ xe ôm, du khách sẽ tới Chợ Gò. 

Chợ Gò ở đây là Gò Tà Mâu (Thma frontier market), thuộc ấp Tà Mâu, xã Pung Xăng, huyện Bray Chusa, tỉnh Tà Keo, Campuchia, cách trung tâm thành phố Châu Đốc chỉ khoảng 5 cây số, theo như hướng dẫn trên bản đồ Google map, du khách chỉ mất độ 10 phút đi xe.

Diện tích chỉ hơn 10.000 mét vuông, chợ Tà Mâu đúng là như ở trên một gò giữa bốn bề là ruộng lúa với khoảng 50 nhà sàn lớn nhỏ vừa là kho, vừa là cửa hàng mua bán đủ thứ món, từ điện máy đến quần áo, hàng tiêu dùng, …nhưng chủ yếu là hàng điện máy second hand, đường Thái Lan và thuốc lá. Trên đất Campuchia, các mặt hàng này là hợp pháp, nên thoải mái mua bán. Dân buôn chuyên nghiệp Việt Nam ngày đêm qua đây đặt hàng, một đội ngủ cửu vạn với phương tiện đặc chủng, “bảo tiêu” về đất Châu Đốc, hàng hóa từ đó trở thành lậu thuế, lan tỏa đi khắp nơi. 

Dân An Giang mà không biết đến chợ Gò thì đúng là…quê một cục!

Nên năm 2012, tôi và bà xã đã mon men tìm đường sang chợ Gò cho biết với người ta, luôn tiện tìm mua 2 cái chân ba chuyên nghiệp cho dân chụp ảnh, nghe nói chỉ độ 500.000đ/cái (thứ này ở chợ Long xuyên không dưới 1.000.000đ) .

He he, cũng chẳng khó để đến nơi, xe 2 bánh chạy một lèo thì qua đồn biên phòng Tà Mâu, thuộc phường Vĩnh Ngươn, Châu Đốc. Đường ra biên ải tưởng lắm nhiêu khê, ai dè chẳng có gì nghiêm trọng. Qua khỏi đồn là bắt đầu có nhiều nhà đăng biển nhỏ nhận giữ xe; người ta nói chúng tôi phải gửi xe tại các nhà này rồi ngồi xe ôm để họ chở đến biên giới, tiền công khoảng 20.000đ/ người, cộng thêm 5.000đ tiền qua cửa khẩu.

Vì vừa muốn nghĩ chân giữa trưa nắng cháy, vừa để nắm tình hình trước lúc “vượt biên”, hai chúng tôi tạm dừng tại một quán nhỏ, có kê vài cái bàn, bán ít cà phê, nước ngọt …cho khách qua đường.

Không biết vì thấy vợ chồng ôi “quê mùa” về cái vùng biên mậu này, hay bởi cái cười cầu tài của bà xã mà vợ chồng cô chủ quán nói nhỏ : anh chị đừng gửi xe tốn 2 , 3 thứ tiền. Cứ rẻ trái theo con đường đất trước mặt, rồi chạy thẳng là tới biên giới, gửi xe cũng chỉ 5.000đ, rồi cứ vô tư đi ngang cái chốt biên phòng, vượt qua cây cầu ván là qua tới chợ, mua ít đồ chẳng ai bắt bớ, hạch hỏi đâu!

Ô hô, sao lại đơn giản như…đang giởn vậy ta! Không lẽ nào qua biên giới lại quá dễ đối với…dân vãng lai như chúng tôi? Thôi kệ, “ăn thua mình gan”! Hơn nửa lại đở tốn đến 40.000đ cho cái đoạn đường chỉ vừa hơn 1.000 thước.

Thế là sau khi thanh toán tiền nươc kèm theo lời cảm ơn chân thành, chúng tôi “phom phom” trên con Daehan, rẻ trái theo cái đường đất được chỉ, băng qua một cánh đồng lúa bát ngát xanh.

 

Khoảng chừng hơn 1000m thì tới biên giới.Tại đây có nhiều trại lá đang giữ hàng trăm chiếc xe 2 bánh, nghe nói phần lớn là dân đi casino và đá gà. Tôi lũi vào 1 trại, đưa 5.000đ và nhận phiếu. Hai vợ chồng hiên ngang đi qua chốt BP, hổng thèm nhìn mấy chú lính đang trực trong đó, tuồng như mình là dân đi “gò” cháo chan ! Quả nhiên chẳng thấy ai kêu réo gì, vậy là 2 đứa đặt chân lên chiếc cầu gỗ, vượt giòng lạch nhỏ qua đất Miên! Từ đầu cầu, nhiều ngưởi rẻ phải, họ là những con bạc đang đem tiền đến casino, hoặc có kẻ đang kè kè trên vai chiếc giỏ đệm “chuyện dụng” đựng gà đá. Trường gà bên này công khai và thu hút hầu hết là dân Việt.

 

Sau lưng chúng tôi là khu chợ Gò….còn trước mặt, là các sới gà chọi và casino.

Lần đó, chúng tôi mua được 2 chân 3(tripode) xịn hiệu Velbon, chánh hàng Nhựt bổn, chỉ 450.000đ 1 cái; trong khi giá tại quê nhà, nếu có sẽ không dưới 1.000.000đ một em! Lội chán chê, xem mấy giàn âm thanh hiệu Boss, Marantz, AR, Wafdale…và các thiết bị kỷ thuật số khác, thấy mà thèm nhỏ giải!...nhưng nhớ lời dặn của người em rể đang ngụ tại Châu Đốc rằng “anh qua chơi thôi, đừng mua hàng mù, điếc!” , nhiều thứ anh tìm mua tại chợ Châu Đốc này còn …rẻ hơn! Nhưng chân 3 thì không có, mua được.”

Một điều đặc biệt mà những khách phương xa ít biết: tuy chợ Gò thuộc Campuchia nhưng lại liền đường bộ với Việt Nam vào mùa khô, trong khi đó, chợ này hoàn toàn cô lập đối với nội địa nước bạn, phải đi vài chục cây số đường thủy mới tới được lộ nhựa chạy về thủ đô và các vùng phụ cận.

Vào mùa lũ, cái Gò này chìm dưới 1, 2 mét, nên chợ là một khóm nhà lố nhố nổi lên giữa mênh mông nước và trời. Còn các láng trại giữ xe thì chỉ còn lú vài mái lá!

Châu Đốc có chùa Bà Chúa xứ, mỗi năm thu hút hàng triệu khách hành hương, nhiều người trong số họ sẳn dịp, ngồi xe ôm qua viếng chợ Gò kiếm vài món hàng rẻ loại second hand, hoặc hàng …ba trợn, nếu không xem kỷ, về xài, có khi ôm hận như đã nói. Dù sao, nếu có kinh nghiệm và chút liều mạng, mua đại hàng chợ Gò cũng thú vị, vì có khi gặp được hàng độc, quí…Với món hàng 1, 2 triệu bạc, khách có thể “hiên ngang” xin lính biên phòng cho phép mang về xài, hoặc cứ làm thinh đi qua trạm, khách vảng lai chỉ mua để dùng, các chú biên phòng nhà nghề đều nhìn là biết, nên chẳng thèm hỏi han. Chuyện buôn lậu thì đã có “dây nhợ” cả rồi, số lượng lớn, nhất là hàng quốc cấm như thuốc lá đều có “bảo tiêu” , chuyên thồ hàng qua biên giới. Dân buôn có thể bị chặn bắt đâu đó ở nội địa, chứ biên giới thì …dài quá, làm sao kiểm soát nổi.

Cho nên mua hàng chợ Gò về xài, không phải con buôn thì không thành vấn đề, vào mùa khô. Nhờ vậy, chợ mới thu hút khách du lịch, dân địa phương cũng sống vững nhờ cái phức tạp “tế nhị” này, các ban ngành địa phương cũng được ăn theo. Đó là một thực tế mà ai cũng biết. Chợ bên kia biên giới, của nước họ, nhưng người Việt địa phương, cũng được lợi lây, làm căng quá, họ dời đi chỗ khác thì …húp nước lũ thôi!

Đó là chuyện của năm rồi, 2012.

 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630117 visitors (2115675 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free