.
  Tản mạn về lúa Việt lúa Mỹ
 
17/11/2013

 

 

 

(Thân tặng Bạn Văn Hà Thị Thu Thủy)

 

        Trồng lúa là chuyện rất dài. Tiến Sĩ Trần Văn Đạt đã viết hơn 1,300 trang vẫn chưa nói hết. Nhân lúc nghe lại bài folk song “Five Hundred Miles” do Elvis Presley hát, tôi muốn viết bài tạp ghi này để tặng tác giả Hà Thị Thu Thủy của bài “Anh Phạm Thanh Khâm và Cây Lúa” trong tác phẩm “Thuở Phiêu Bồng” do www.ninh-hoa.com xuất bản năm 2013.

         Trong thời gian 1967-1970, tôi là người Việt thứ ba được chỉ định điều hành Sở Lúa Gạo của Bộ Canh Nông miền Nam sau hai vị thầy của tôi, Giáo Sư Trương Văn Hiếu và Giáo Sư Đoàn Minh Quan. Tiến Sĩ Trần Văn Đạt thay tôi năm 1970. Sở Lúa Gạo khởi đầu từ Office Indochinois du Riz do người Pháp điều hành trông coi vấn đề lúa gạo toàn cõi ba xứ Đông Dương vào thời kỳ thuộc địa. Trong thời gian 1970-1974, tôi giữ chức vụ Giám Đốc Nha Canh Nông.

         Tiến trình trồng lúa ở Việt Nam và trên toàn thế giới đã được Tiến Sĩ Trần Văn Đạt viết chi tiết và cho xuất bản ba quyển sách giá trị dày tổng cộng hơn 1,300 trang như đã nêu ở đoạn trên. Đây là một tài liệu khoa học về cây lúa được viết chi tiết nhứt bằng Việt ngữ từ trước đến nay. Đoản văn sau đây không đề cập khía cạnh kỹ thuật khoa học về cây lúa, tôi chỉ ghi lại những kỷ niệm trong hai chuyến đi để các bạn đọc giải trí cho vui về câu chuyện học trồng lúa của tôi tại Tropical Rice Production Center của trường Đại Học Hawaii năm 1968, và xem nông dân Mỹ trồng lúa ở Tiểu Bang Arkansas năm 1971.

         Những kỷ niệm này khác với tâm trạng của tôi lúc đi du học Hoa Kỳ 1974, vì ra trường không có vé máy bay trở về cố hương. Rồi đem sở học và kinh nghiệm làm việc tại các nước nghèo ở Phi Châu với qui chế State-less. Mỗi lần di chuyển từ nước này đến nước khác phải làm nhiều thủ tục xin visa mất rất nhiều thì giờ. Team Leader của tôi lúc bấy giờ là Philippe Ségretain, một cộng sự viên đắc lực của Tổng Thống Pháp Mitterrand, thấy hoàn cảnh làm nhiều thủ tục rườm rà trước mỗi chuyến công tác của tôi, có đề nghị với tôi là để Ông xúc tiến giúp tôi nhập quốc tịch Pháp. Tôi đã thoáng nghĩ sinh ra mang quốc tịch Việt, chưa trả xong hết nợ nhà nợ nước, nay gia đình định cư ở Mỹ đến đúng ngày tháng trả đầy đủ thuế má cho Uncle Sam thế nào cũng nhập quốc tịch Mỹ. Tôi cám ơn nhã ý của Ông. Và khi Sở Di Trú ở New Orleans, tiểu bang Louisiana gọi tôi về làm thủ tục vào quốc tịch lúc tôi đang làm việc tại Conakry Guinea, chính Ông Ségretain đề nghị employer của tôi cho tôi free air ticket khứ hồi Conakry-New Orleans-Conakry. Tôi và gia đình nhập quốc tịch Hoa Kỳ năm 1981.

        Trở lại câu chuyện trồng lúa của người mình và của nông dân xứ đại cường, tôi đã quan sát kỹ thuật trồng trọt tân tiến của Hoa Kỳ để nhìn lại sao nông dân mình còn lầm than trong cảnh chân lấm tay bùn. So sánh sự tương phản về những năm 1960 ở miền Bắc Việt Nam, làm một mẫu ruộng phải mất 255 ngày làm việc, tính ra sản xuất 1 tấn lúa mất 134 ngày vào vụ Đông Xuân ; ở miền Nam Việt Nam phải làm 70 ngày, tính ra sản xuất 1 tấn lúa mất 33 ngày trên ruộng lúa cấy 1 lần ; trong khi ở Mỹ chỉ mất có 5 ngày làm 1 mẫu nhờ cơ giới, tính ra chỉ mất 1.25 ngày để sản xuất một tấn lúa (Nguồn: Tiến Trình Phát Triển Sản Xuất Lúa Gạo Tại Việt Nam Từ Thời Nguyên Thủy Đến Hiện Đại, trang 197, của Tiến Sĩ Trần Văn Đạt).

        Theo thống kê năm 1994, các con số vừa nêu không có cải thiện đáng kể. Sự phí phạm nhân lực của nông dân trồng lúa miền Bắc Việt quá lớn. Đến ngày nay ở Việt ngành sản xuất nông nhiệp nói chung và nông dân trồng lúa nói riêng chưa biết phải kỳ vọng ra sao vì còn nhiều vướng mắc về sở hữu chủ đất canh tác, ruộng đất phân mảnh, giá cả, cùng nhiều dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

        Nhớ về chuyến đi hồi tháng 2, 1968, 8 người Việt của Bộ Canh Nông miền Nam và 8 cố vấn Mỹ của cơ quan viện trợ USAID được chọn để tham dự lớp huấn luyện về lúa gạo tại Tropical Rice Production Center của Đại Học Hawaii. Tám người Việt muốn có visa xuất cảnh lúc bấy giờ phải có thỏa hiệp của Bộ Quốc Phòng, và khi có visa thì cơ quan Viện Trợ Mỹ mới xuất ngân cho mỗi người tiền per diem. Thủ tục lòng vòng đến giờ máy bay cất cánh mới chỉ có cái visa. Trường Đại Học lại chuẩn bị đón rước đúng lịch trình, nên 16 người phải lên tàu đi . Tám người Việt không có một đô la nào dính túi !

        Sau những dàn xếp của các giới chức liên hệ, tám người Việt của chúng tôi có đủ tiền chi dùng ở Hawaii, nhưng còn 3 ngày trên đường về phải ghé lại Viện IRRI ở Phi Luật Tân sẽ tìm giải đáp sau. Có lẽ lúc bấy giờ trong nhóm 8 người Việt, tôi là người nói Anh Ngữ khá lưu loát nên được cử làm thông dịch vào các giờ thuyết giảng suốt khóa huấn luyện cho 7 người Việt. Tám người bạn Mỹ ngồi cùng phòng không có lựa chọn nào khác hơn đành ngồi nghe giọng nói đặc sệt Ninh-Hòa của tôi! lại được thiết lập tại đảo . Mười sáu người ở chung tại một mansion rộng rãi của khu du lịch trong thành phố Lihue.

        Đã 45 năm qua, mỗi khi nghe lại bài dân ca (folk song) “Five Hundred Miles” tôi nhớ bạn Tom Felton vừa đàn vừa hát cho tôi nghe nhiều bài dân ca Mỹ và từ đó tôi đã tập hát được bài folk song này tại Lihue. Sau này khi phải đi làm việc xa quê hương mà không về được, “Five Hundred Miles” gợi nỗi nhớ nhung của tôi về quê nhà. Khi mãn khóa huấn luyện mỗi ngươì nhận một chứng chỉ minh họa sau đây:


 

 

        Không phải chỉ đi Phi Châu, lữ khách thường bị giặc Tào Tháo đuổi. Ở đảo thơ mộng mà không quen uống sữa tươi vào những ngày đầu tiên trên xứ lạ cũng là đại nạn như một trong tám chúng tôi phải mang tả giống ông cụ 90 trong mấy ngày!

        Về chuyến đi năm 1971, tôi cùng Giám Đốc Nha Ngư Nghiệp Trần Văn Trí và Chánh Sự Vụ Sở Thống Kê Hồ Quang Sáng tham dự khóa huấn luyện về “Development Planning” trong thời gian 11 tuần lễ theo lịch trình sau đây: 
 

        Có lẽ chuyến đi này cho tôi học hỏi nhiều điều bổ ích về đời sống của Mỹ. Đặc biệt nhờ những giờ trình bày tại Washington International Center và những chuyến thăm viếng do một Bà vợ Trung Tá Mỹ làm việc thiện nguyện cho trung tâm này hướng dẫn chúng tôi thăm White House, Quốc Hội, Bảo Tàng Viện, đặc biệt ghé lại một tiệm Good Will, và một tiệm Pawn Shop (tiệm cầm đồ bình dân) để biết các sắc thái khác nhau của đời sống Mỹ.


        Nhân nói về tiệm Good Will, tôi nhớ chuyện ăn mặc của tôi trong những năm tháng đầu tiên định cư ở Mỹ, ngay cả trong chuyến đi Guinea của tôi vào năm 1980. Tôi đã mang đến hơn 40 bộ quần áo sơ mi mua tại các tiệm Good Will trước ngày lên đường. Các đồng nghiệp Pháp và Hòa Lan của dự án lúa gạo ONADER (Opération Nationale de Developpement de la Riziculture) nói tôi sao mua phung phí quá nhiều đồ ăn mặc tại xứ đen. Tôi làm một bài tính cho họ xem. Này nhé, khi bạn thấy người giúp việc lực lưỡng dùng cái bàn chải rễ tre và cục xà bông bự làm sạch bộ đồ của bạn thì chỉ năm hay sáu lần giặt, cái cổ áo và thân quần tả tơi hết. Mua đồ hàng hiệu giá gấp hơn 20-30 lần so với quần áo bán giá “từ thiện” tại Good Will mà cho giặt giũ kiểu này là một phung phí. Các đồng nghiệp Âu châu của tôi lúc bấy giờ thấy tôi có lý !

        Tiếp theo câu chuyện quần áo, bà xã của tôi cũng có một kỷ niệm vui về một số lớn bộ áo quần may ở . Khi mang về Mỹ không biết phải làm sao vì mặc vào không giống ai mà đem cho, không ai muốn nhận! Khi tôi nhắc lại chuyện này, bà xã của tôi chỉ cười và đổ thừa tại anh chàng thợ may “D’Accord” ở chợ nói hàng vải nào bạn trẻ này nói đều may được hết. Đưa cho bạn xem cái catalogue các kiểu quần áo, bạn đều gật đầu nói “D’accord” . Bạn mang tên “D’accord” do hai chúng tôi đặt cho bạn từ đó!

        Trở lại chuyến đi 1971, sau nhiều tuần lễ dự lớp huấn luyện tổ chức tại Đại học Maryland và thăm Bộ Canh Nông Hoa Kỳ (United States Department of Agriculture USDA),  ba chúng tôi được sắp xếp đi về miền Nam. Thăm viếng TVA (Tennessee Valley Authorities) ở . IFDC () được thành lập từ TVA và đăt trụ sở sát cạnh (nơi tôi trở lại làm việc với IFDC từ 1976 đến 1979).

        Điều đáng nhớ là lúc Anh Hồ Quang Sáng trở lại trường cũ của anh. Để đánh dấu ngày homecoming của Anh Sáng, nhà trường tổ chức một buổi hội luận giữa 3 người Việt và trường. Tôi và anh Trần Văn Trí thay phiên trình bày và trao đổi về viễn ảnh phát triển nền nông nghiệp nói chung của các nước nghèo và của Việt nói riêng. Sau khi buổi hội luận chấm dứt, ba chúng tôi có ảnh chụp dưới đây:

Ảnh chụp ngày 23/4/1971 tại Đại học

của ba chúng tôi: Hồ Quang Sáng (đứng giữa),

Trần Văn Trí (trái), Phạm Thanh Khâm (phải) 

         Mỗi người nhận cái giấy làm kỷ niệm có Secretary of State & Governor ký tên minh họa sau đây.

        Vào hai ngày nghỉ cuối tuần giữa tháng 4, 1971, tôi và anh Sáng được sắp xếp đến thăm và ở nhà một nông dân trồng lúa tại quận . Anh Trí đến nơi có sản xuất thủy sản. Ông bà Flickinger là một nông dân có 1,000 acres trồng lúa và có khế ước làm chung 3,000 acres với một nông dân khác kế cận. Tất cả mọi công đoạn trồng lúa đều nhờ cơ giới. Thảo nào Ông nông dân Flickinger chỉ mất 1.25 ngày để sản xuất 1 tấn lúa. Năm 1977, tôi lái xe đưa tất cả gia đình tôi ghé lại . Ông bà nông dân Flickinger đã nghỉ hưu để cho con trai tiếp tục trồng lúa.

        Thấy người mà nghĩ đến ta. Theo dòng cảm nghĩ này tôi muốn trở lại câu chuyện “nếu” trong dĩ vãng của tôi. Khi Ông nội của tôi giữa thập niên 1940’s trước ngày lâm chung chia đều 20 mẫu ruông đất cho 10 người con của ông ở làng Văn Định Hạ, Ông cụ của tôi được 2 mẫu. Ông Cụ của tôi đi lính Pháp di chuyển khắp nơi, không có ngày tháng canh tác 2 mẫu ruộng này. Bà Cụ của tôi ở nhà nhờ anh Hạ, người giúp việc trung thành giúp trồng hai mẫu ruộng lúa. Bà Cụ của tôi với đàn con 5 đứa làm sao có dư mua tậu thêm ruộng, chưa kể ruộng đất ở Ninh-Hòa rất giới hạn. Ông Cụ của tôi mất năm 2004, không để lại một tài sản nào vì luật lệ ruộng đất do chính phủ đương thời quản chế.

 

         Trở lại câu chuyên nếu của tôi là nếu Ông Cụ của tôi giữ được 2 mẫu ruộng của Ông nội chia cho, thì khi Ông mất năm 2004, năm anh chị em của tôi mỗi người được 4 sào. Phần tôi (would) được 4 sào ruộng ở làng Văn Định Hạ. Nếu trời không cho tôi khoẻ mạnh, khi viết các dòng này tôi đã vào vùng tuổi thất thập cổ lai hy, tôi (would) chia 4 sào ruộng cho 4 con của tôi. Mỗi đứa con của tôi nhận 1 sào ruộng từ Ông nội của tôi cho. Một sào ruộng không đủ cho các cháu của tôi đi học như đứa bé 8 tuổi của gia đình người Tầy được viết trong bài “Ngày Trở Về” của tôi, chưa kể dân số ở làng Văn Định Hạ (would) có nạn nhân mãn. Và khi có nạn nhân mãn xảy ra thì theo hình ảnh đã thấy tại một số vùng thôn quê bên Trung Quốc, ở làng Văn Định Hạ phải (would) xây các cao ốc nhiều từng cho con cháu của dân làng ở. Câu chuyên nếu của tôi là một bài toán phát triển chưa có giải đáp, thưa các bạn. Hình ảnh làng quê ở Ninh Hòa trong các thập niên tới hãy để các bạn trẻ ở Việt ngày nay định đoạt. Tôi chỉ biết cám ơn Anh Thành đã giữ được hình ảnh làng quê của tôi trong các thập niên qua trên trang mạng www.ninh-hoa.com.  


Viết tại Đầu Mùa Hè 2013

Phạm Thanh Khâm

 


 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693596 visitors (2231466 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free