Cà Mau là xứ quê mùa,
Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu. (Tùa, tiếng Triều Châu là lớn)
Câu ca dao trên tả cảnh Cà Mau vài trăm năm trước. Cách đây trên 40 năm, tôi có đến thăm thành phố này, lúc bấy giờ còn nhỏ, hiu quạnh, không có gì để ca ngợi, ngoài cảnh hoang dã thiên nhiên của rừng ngập mặn.
Cách đây đúng 3 năm, trong một chuyến về thăm anh chị em ở VN, tôi dự trù về thăm lại vùng Miệt Thứ. Nhưng cơn mưa lũ ở Miền Trung làm chúng tôi không thực hiện được chương trình theo dự định, vì không còn đủ thời gian nên đành huỷ bỏ chuyến đi và mất tiền cọc.
Năm nay, tôi quyết tâm đi thăm lại Bạc Liêu và Cà Mau, nhất là vùng Đất Mũi tận cùng của đất nước.
Tôi thật sự ngỡ ngàng vì thành phố Cà Mau ngày nay hoàn toàn đổi khác. Tôi không còn tìm thấy lại hỉnh ảnh của ngày xưa. Thành phố thật khang trang, nằm ngoài thành kiến cố hữu của tôi. Nay với các đại lộ rộng rải, các bùng binh (vòng xoay) lớn quy tụ bốn năm đại lộ, với xe gắn máy nhộn nhịp, nhưng khá trật tự, ít khi nghe tiếng bóp còi inh ỏi như ở các thành phố khác.
Tôi mang nhiều ấn tượng tốt với Cà Mau, không phải vì sự phát triển thành phố lớn và đẹp, với các nhà cao tầng đầy màu sắc, việc buôn bán có vẻ sầm uất ngày đêm. Đó là lẻ đương nhiên của thời gian dài hơn 40 năm, khi không còn chiến tranh phá hoại.
Điều đập vào mắt và làm tôi ngạc nhiên là phụ nữ Cà Mau đẹp, dịu hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, và lịch sự. Đa số phụ nữ của vùng biển mặn này lại có làn da trắng mịn, khác hẳn với nước da thường ngâm đen của dân vùng biển khác. Điều ngạc nhiên thứ hai là ai ai cũng lễ phép, ăn nói nhỏ nhẹ với nụ cười trên môi, lịch thiệp, mặc dầu giọng nói đôi khi còn phát âm ngọng, như r thành g (cá rô thành cá gô).
Tôi từng đi nhiều nơi ở Việt Nam, và từng tiếp xúc với nhiều giới, tôi thấy người phụ nữ Cà Mau còn giữ lại được những nét đẹp tâm hồn mà người phụ nữ vùng khác đã biến đổi hay biến mất, theo nhản quan của tôi. Trong khách sạn, các cô tiếp tân xinh xắn, da trắng ửng hổng, lịch sự, nhỏ nhẹ, kiên nhẫn trả lời khi chúng tôi hỏi để tìm hiểu những vấn đề ở địa phương. Ở Hà Nội, nơi nỗi tiếng ngàn năm văn vật, thú thật tôi sẽ không dám hỏi thêm khi nghe lối trả lời nhát gừng như xua đuổi. Trên chiếc tàu cao tốc chạy từ Cà Mau đến Rạch Tàu Đất Mũi, tàu cập bến nhiều nơi, các cô bán hàng rong lên xuống, cô nào cũng xinh xắn, làn da trắng, má ửng hồng, ăn nói mời mọc rất lịch sự, khác hẳn với các vùng khác tôi từng đi qua.
Tại Chợ Đất Mũi, tôi buột miệng khen đẹp bà chủ một quán cà phê. Thế là chúng tôi trở thành quen nhau, chỉ sau vài phút trở nên thân tình. Bà sai con đi chợ mua các hải sản tươi ngon nhất để bà tự nấu đãi chúng tôi. Chúng tôi phải từ chối mảnh liệt, cuối cùng bà giao các hải sản cho một quán ăn quen của bà để nấu cho chúng tôi. Vốn từng sống ở miền Tây trên mười năm, tôi không ngạc nhiên về tấm lòng chân tình tha thiết đó.
Cũng trong chuyến về Miền Tây này, qua lời giới thiệu của một ngưởi quen ở Sài Gỏn, tôi ghé vào một xóm quê hẻo lánh ở Vĩnh Long với mục đích tìm hiểu đời sống nông thôn ở đây. Không ngờ, khi chúng tôi vào nhà thì thấy dọn sẳn một bàn tiệc thật thịnh soạn với đặc sản địa phương (cá lóc nướng trui, tôm càng nướng, cá bông lau, lẩu lươn...) làm chúng tôi khá bối rối, vì không biết sẽ trả ơn thế nào. Khi ra về còn biếu một giỏ xoài vừa chín ửng để chúng tôi ăn và nhớ về quê hương còn nghèo khổ.
Cũng vậy, sau khi từ giả Cà Mau vào lúc thành phố còn ngái ngủ, dự định đến Bạc Liêu mới ăn sáng. Vì hơn 40 năm mới trở lại, ngỡ ngàng nơi đất lạ, tôi bèn phone cho một cựu sinh viên gốc Bạc Liêu hiện sống ở Sài Gòn để hỏi nơi nào có quán điểm tâm ngon. Không ngờ, mười phút sau tôi nhận được một cú điện thoại xa lạ, mời chúng tôi đến nhà để nghỉ ngơi, và mời chúng tôi cùng đi ăn điểm tâm. Tôi cố gắng từ chối, nhưng cuối cùng đành chìu lòng gia chủ. Chúng tôi đến nhà theo chỉ dẫn trong phone. Đến nơi mới biết gia chủ là anh rễ của anh cựu sinh viên nói trên, anh cũng vốn là cựu sinh viên Đại Học Cần Thơ, từng làm Hiệu Trưởng trường trung học lớn của thành phố Bạc Liêu. Không cần mô tả sự chân tình của anh chị ở đây. Vừa mới quen biết chúng tôi đã trở nên thâm tình như đã quen biết từ thuở nào. Anh đưa chúng tôi đi ăn sáng, hướng dẫn tham quan thắng cảnh Bạc Liêu, tâm tình chuyện thế sự, và đề nghị chúng tôi ở lại ăn trưa. Thật tình trong thâm tâm, nếu tôi có thì giờ, chúng tôi sẽ ở lại thêm để hàn huyên với bạn tâm đầu vừa quen biết. Trước khi từ biệt, anh chị còn biếu chúng tôi các loại bánh đặc sản để ăn dọc đường. Người Miền Tây Nam Bộ như thế đó !
Chúng tôi từ giả Bạc Liêu, từ giả vùng Miệt Thứ, với lòng lưu luyến vô biên của vùng nước lợ.
Xin cám ơn tất cả những người chúng tôi từng gặp, từ Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cho tới vùng Đất Mũi, đã cống hiến cho chúng tôi những ngày thật sự hạnh phúc ở quê hương.
Sài Gòn, 11 tháng 12/2013
Trần Đăng Hồng
|