.
  Nông dân A Phú Hản
 
20/10/2013


 

SỰ TÚNG THIU CỦA NÔNG DÂN A-PHÚ-HÃN
Chuyên Gia Phạm Thanh Khâm

http://www.ninh-hoa.com/../images/bg_Tho-04.gif
Trong một bài viết trước đây tôi có nói về sự khánh kiệt của nông dân A-Phú-Hãn (80% của dân số 29 triệu người) do hậu quả 23 năm chiến tranh và 6 năm hạn hán đã đưa họ tham dự vào việc sản xuất á phiện. Bài viết ngắn sau đây tóm lượt những xáo trộn kinh tế xã hội tại nông thôn của xứ này, và sự chuẩn bị của cộng đồng thế giới giúp họ giải thoát sự túng thiếu.

Nhu Cầu

Theo cuộc điều tra trong năm 2004 của GTZ (Cơ quan Hợp Tác Kỹ Thuật Đức), khoảng từ 50%-80% nông dân A-Phú-Hãn cần mượn tiền để xử dụng vào các nhu cầu sau đây:

Thực phẩm 32%
Quần áo 20%
Chi phí vật tư nông nghiệp 17%
Chi tiêu cho cưới hỏi 8%
Thuê thêm nhân công 8%
Chi phí y tế và ma chay 10%

Nông dân là tá canh hoặc tự canh tác trên đất của mình đều cần vay mượn tiền: 80% số tá canh đi vay mượn, 50% số chủ đất đi vay mượn.

Số tiền vay mượn mỗi mùa từng gia đình nông dân thay đổi tùy theo vùng: trung bình mỗi nông dân miền Bắc (tỉnh Badakhshan) mượn nợ 428 đô la, mỗi nông dân miền Nam (tỉnh Helmand) vay mượn 3010 đô la.

Đường Cùng

Trồng lúa mì, trồng bông vải, trồng cây ăn trái và các hoa màu khác không có lợi vì vật tư nông nghiệp vừa thiếu vừa mắc, giống lại xấu và giá bán nông sản phẩm thu hoạch quá thấp. Ngành chăn nuôi thiếu vốn, thiếu giống (90-100% đàn súc bị tiêu hủy vì chiến tranh và hạn hán). Sản phẩm của rừng không còn đáng kể. Không tìm được việc làm khác.

Hậu quả: nghèo túng.

Lối thoát duy nhứt: trồng cây thẩu.

Đi Vay Mượn

Theo Ngân Hàng Thế Giới, khoảng 90 % nhu cầu tín dụng của nông dân A Phú Hãn được đáp ứng qua 4 hình thức vay mượn sau đây:

1/ Bà con quyến thuộc khá giả. Thường chỉ dùng cho việc cưới hỏi, không phải trả tiền lời, thời hạn trả nợ co giãn.

2/ Tiền mặt hoặc hiện vật á phiện từ những chủ tiệm hay những lái buôn (traders). Tiền lời nông dân phải trả từ 80% (nếu số tiền mượn từ 200 đô-la trở lên) đến 100% (từ 40 đô-la đến 200 đô-la). Ở vùng trồng cây á phiện, một nông dân muốn mượn 300 đô-la chẳng hạn, người cho vay đưa cho nông dân này 2.5 kí á-phiện với thời giá 120 đô-la một kí (120 $US x 2.5 = 300 đô-la). Vào ngày trả nợ, người nông dân này có thể trả bằng tiền mặt 300 đô-la cộng tiền lời, hoặc trả bằng số kí á phiện tính theo thời giá lúc trả nợ cọng với tiền lời. Giá trung bình 1 kí á-phiện trong năm 2001 là 500 đô-la.

3/ Nhận số tiền ứng trước cho số nông sản phẩm sẽ được thu hoạch cuối vụ mùa từ các chủ tiệm và lái buôn. Tương tự như cách nông dân nghèo Việt nam ngày xưa bán lúa non để lấy tiền trước. Ở đây nông dân, bán “á phiện non" cho chủ tiệm và lái buôn.

4/ Một loại hình thức bán hàng hóa để nhận số tiền vay mượn bằng tiền mặt còn gọi là anawat (short-selling of commodities for cash loans). Chẳng hạn một nông dân có nhu cầu đi vay 300 đô-la. Ông không tìm được người cho vay viết ở đoạn (2). Ông ta thương lượng với một loại chủ nợ khác, nhận mượn 5 kí á-phiện bán với thời giá 120 đô-la một kí. Chủ nợ theo hình thức anawat bán 5 kí á-phiện này thu được 600 đô-la. Nông dân mang về 300 đô-la, chủ nợ thu lợi 300 đô-la. Có nghĩa ông nông dân túng tiền này phải trả giá gấp đôi so với giá thị trường của sản phẩm. Luật Hồi Giáo đang cấm hình thức cho vay cắt cổ anawat.

Ngoài việc trả số tiền đi vay nợ, người tá canh không làm chủ đất canh tác phải chia 1/3 số thu được vào cuối vụ cho chủ đất.

Chính Phủ Trung Ương Chưa Đủ Khả Năng

Có khoảng 500 Tổ Chức Phi Chính Phủ (NGOs) giúp A-Phú-Hãn. Trong số này chỉ có 20-25 NGOs cung cấp dịch vụ tín dụng rất hạn hẹp. Từ năm 2003, Bộ Tái Thiết Nông Thôn nhận số viện trợ 25 triệu đô-la để bắt đầu cho nông dân túng thiếu vay mượn qua chương trình thí điểm MISFA (Microfinance Investment Support Facility Afghanistan) cho 75 Quận trong tổng số 326. Đang chờ số ngân khoản bổ túc cho số Quận còn lại.

Thời Kỳ Chuyển Tiếp

Câu chuyện sau đây trích trong phúc trình số SASPR-9 "Rural Finance In Afghanistan And The Challenge of The Opium Economy" tháng 7/2005 do Ngân Hàng Thế Giới xuất bản, nơi trang 71, khung số 2:

Một tá canh ở Quận Marja, tỉnh Helmand cho biết Ông đã đi vay 600 đô-la, hứa trả cho chủ nợ 10 kí lô á phiện vào cuối vụ thu hoạch năm 2003. Gần ngày thu hoạch, đám cây thẩu trên đất canh tác của Ông bị cuộc hành quân hỗn hợp 2002/2003 đốt bỏ. Chủ đất đòi lại đất đổ lỗi tại Ông không chịu hối lộ cho toán hành quân 200 đô-la để họ không đốt phá đám cây á phiện này. Ông cho biết không kiếm đủ số 200 đô-la để lo hối lộ vừa không thể trả món nợ 600 đô-la, nên trong mùa 2003/2004 Ông dàn xếp với một chủ đất thứ hai để canh tác 5 jeribs (10,000 mét vuông) á-phiện. Nhưng chủ nợ số tiền 600 đô-la đi thưa Ông với chính quyền Quận bắt nhốt Ông vào tù vì tội quịt nợ. Chủ đất thứ hai và thân mẫu của Ông đến khiếu nại với chính quyền Quận cho Ông ra tù để lo cùng với những người đàn bà trong gia đình Ông chăm sóc một mẫu tây á-phiện với cơ may trả hết nợ nần. Hai mươi mốt ngày sau, Ông được thả. Ba đứa con của Ông phải bỏ học ở nhà giúp Ông thu hoạch mẫu á phiện.

Câu chuyện kế tiếp tại Nad e Ali cùng trong tài liệu kể trên cho biết người tá canh 70 tuổi không trả được nợ 1,800 đô-la khi 7 jeribs (14,000 mét vuông) cây á phiện trồng bị đốt bỏ trong chiến dịch bài trừ ma túy. Ông phải bỏ trốn qua xứ Pakistan, nhà cửa bị xiết, con kiến bị chủ nợ ám hại.

Những cuộc hành quân hỗn hợp đốt phá các cánh đồng á-phiện trong hai năm 2001/2002, bịnh tật và thời tiết năm 2003/2004 làm giảm năng xuất cây á-phiện là hai nguyên do chính đưa nông dân A-Phú-Hãn vào cảnh mang nợ nần chồng chất.

Các hậu quả đang xảy ra khi nông dân không trả được nợ đưa đến khủng hoảng kinh tế xã hội tại nông thôn: bán đất, súc vật, con gái (selling marriages, paid marriages, forced marriages), hoặc trốn qua Pakistan.

Ngày 29/8/2005, Văn phòng Bài Trừ Ma Túy và Tội ác của Liên Hiệp Quốc (UN Office on Drugs & Crime) cho biết trong năm 2005 diện tích trồng cây á-phiện giảm 21% nhưng sản lượng á-phiện chỉ giảm 100 tấn (sản lượng năm 2004 là 4,200 tấn, năm 2005 là 4,100 tấn) do năng xuất tăng tại các vùng miền Nam và miền Đông còn dưới ảnh hưởng của nhóm Taliban và Al-Qaeda.

Giới thẩm quyền A-Phú-Hãn trong lần họp báo đầu tháng 9/2005 đưa nhận định là phải mất 20 năm nữa đất nước của họ mới đạt tới mức kiểm soát và bài trừ ma túy hiện nay của Thái Lan.

Sinh Lộ Mới

Các toán chuyên gia sắp hoàn tất kế hoạch phát triển (Master Plan) với tài trợ quốc tế giúp nông dân A-Phú-Hãn phục hồi phẩm giá, giải thoát vòng kiềm tỏa của lãnh chúa, tàn dư Taliban và nhóm lái buôn á-phiện.

http://www.ninh-hoa.com/../images/PTKham-33.jpg
           
Thứ Trưởng Moseley của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ và tôi được mời tham dự buổi lễ nhận 40,000 tấn phân bón và 14,000 tấn hột giống giúp nông dân A-Phú-Hãn trồng vào vụ mùa Thu năm nay. Ảnh chụp ngày 3/9/2005.

Ngày 3/9/2005, ba Ông Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp, Bộ Tái Thiết Nông Thôn và Bộ Bài Trừ Ma Túy làm lễ nhận 40,000 tấn phân bón, 14,000 tấn hột giống cho đợt đầu của Viện trợ Mỹ và Viện trợ Anh để phân phát cho những nông dân có cây á-phiện bị đốt bỏ, trồng các loại hoa màu khác vào vụ muà Thu năm nay.

Con đường phát triển để đưa đất nước này thoát khỏi sự nghèo đói còn rất dài. Tổng Thống Hamid Karzai dự tính nâng lợi tức đầu người từ 200 đô-la hiện nay lên mức 500 đô-la/người vào năm 2010.


Phạm Thanh Khâm
Viết tại Kabul, ngày thứ sáu 9/9/2005

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 643167 visitors (2138177 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free