13/02/2014
Nhân đọc tin ba phụ nữ vừa cùng nhận giải Nobel Hòa Bình 2011 gồm có nữ Tổng Thống Ellen Johnson Sirleaf của nước Liberia, người nữ tranh đấu hòa bình Leymah Gbowee cùng nước Liberia, người nữ tranh đấu nhân quyền Tawakkul Karman của Yemen, tôi thấy cộng đồng thế giới đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển phụ nữ tại các vùng đất mà từ ngày loài người đến sinh sống chưa có cải thiện nhiều về vai trò cùng quyền lợi của đàn bà. Trong khi không biết bao nhiêu nền văn học nghệ thuật của nhân loại nói nhiều về người nữ hiện diện bên người nam.
Gần bốn mươi năm, tôi thường có mặt trong các vùng đất này, nên những gì liên quan đến các hoạt động của họ tôi đã được đọc một phần qua các hệ thống truyền thông bản xứ. Với đoản văn sau đây thay vì khai triển những gì mà quá trình của ba nữ nhân vật trên đã làm cho đất nước và dân tộc họ, tôi muốn ghi lại một kỷ niệm về cánh thư tình của một kiều nữ viết cho tôi.
Không gian : Đồi N’Kolbisson, Cameroon
Thời gian: Mùa hè 1988
Sau khi nhận việc với ISNAR ở The Hague Hòa Lan, bà xã của tôi trở về Mỹ chuẩn bị đến mùa hè dẫn hai con gái đi Cameroon. Tôi đi Phi Châu trước để xem nơi ăn ở, phương tiện di chuyển và văn phòng làm việc. Làm cố vấn cho Giám Đốc Viện Khảo Cứu Nông Lâm là việc bình thường của một ISNAR Senior Research Officer. Tôi bận rộn với công việc mới được viết trong bài “Mít”.
Phạm Thanh Khâm & Phù Linh Trân đi nhận việc với ISNAR
Ảnh chụp tại The Hague Hòa Lan 1988
Một buổi chiều lái xe về nhà ở đầu dốc bên đồi, tôi đậu xe ở garage, bước vào cửa chính để vào nhà. Một bó hoa và một phong bì màu hồng đặt ngay cửa. Tôi thấy dấu hiệu lạ. Trước hết người canh gát ban ngày ở đâu, không nhận bông và thư từ người gửi để trao tận tay tôi, kế đến là văn phòng làm việc của tôi mọi người ở Viện Khảo Cứu đều biết. Vậy thư và bó bông tươi phải có một ý nghĩa gì đặc biệt. Mang tất cả vào phòng khách, tôi mở tủ lạnh lấy một chai nước vừa uống vừa mở phong thư không còn thắc mắc hỏi người gát ban ngày sao để người lạ đến đặt bó hoa và thơ.
Thơ được viết trên giấy của tập vở học trò. Người viết giới thiệu tên, nói nhà ở vùng ngoại ô, đã thấy tôi lái xe đi ngang mỗi ngày. Kiều nữ mô tả tôi trông giống một người da trắng hao hao với tài tử Charles Bronson, nên đem lòng yêu mến, muốn hẹn gặp tôi trong công viên trên đồi “Palais de Congrès” (công trình xây cất của Trung Quốc), sau khi đọc thư ngỏ này. Xem kỹ lại bên trong phong bì, có thêm ảnh của kiều nữ gửi kèm thư viết. Đọc xong, tôi xếp lại phong thư mang cất vào cặp xách tay, chỉ mỉm cười về chuyện ong và bướm. Tôi tự lý giải có lẽ kiều nữ không biết người đàn ông Á Châu sắp vào tuổi ngũ tuần vẫn còn cường tráng như người Phi châu ở tuổi gần vào tứ tuần. Cũng có lẽ kiều nữ thấy tôi còn độc thân làm việc đi về một mình trong thời gian đầu. Và cũng có lẽ kiều nữ có cho quà cáp gì với người gát ban ngày nên biết công việc của tôi đang làm rồi sắp xếp ra sao để có thơ đặt tại cửa. Theo cách lý giải này đã đưa tôi đến quyết định xem như không có gì xảy ra kể cả không theo đề nghị gặp kiều nữ nữa.
Bốn ngày sau, một bó hoa và một phong thư viết dài hơn được đặt tại cửa như lần trước. Chưa đọc thư, tôi đoán thế nào kiều nữ cũng bắt đầu hỏi câu sao tôi không đến đồi “Palais de Congrès”. Đúng như dự đoán, kiều nữ viết là đã đợi tôi hai buổi chiều, rồi kiều nữ kết luận đã hiểu tôi không muốn lạc lối thiên thai của “ l’amour sans frontière”. Kiều nữ viết hết một trang nói về tình yêu không biên giới để ở cuối trang viết câu rất tình “Je t’aime très fort”. Đến đây tôi thực sự có chút rung cảm trong lòng khi đọc lá thư tình thứ hai. Lòng rung cảm này không giống câu nói gần như máy móc ở Hoa kỳ thường nghe một trong hai người nói “I love you”, ngưòi kia nói lại “I love you too”. Lòng rung cảm của tôi khơi động từ lời viết bằng Pháp ngữ của kiều nữ, đượm màu đam mê của tuổi trẻ, của lời văn lãng mạn mà ngôn ngữ Pháp có tiếng là ngôn ngữ trữ tình. Lời thơ của kiều nữ rất lưu loát cho một đối tượng mà kiều nữ hâm mộ phần ngoại hình, không biết nguồn gốc thực sự của đối tượng vừa tuổi tác vừa chủng tộc vừa tình trạng gia đình riêng của đối tượng. Dù sao tôi vẫn muốn lưu giữ lá thư tình này ít nhất trên phương diện nghệ thuật cùng sự tôn trọn quyền diễn đạt tình cảm đối với người khác, tuy thực lòng tôi không có một ý tưởng phiêu lưu vào con đường tình ái.
Tuần lễ sau, bà xã và hai con gái đến Cameroon thăm tôi. Tôi kể hết chuyện vừa mới xảy ra. Có lẽ người gát ban ngày thông báo với kiều nữ, thêm sự theo dõi của kiều nữ nên đã biết đoàn thê tử của tôi đang đoàn tụ với tôi tại Yaoundé. Từ đó tôi không còn nhận bất cứ thư tình nào của kiều nữ nữa.
Từ trái sang phải :
Phạm Linh Thảo (gái lớn) & Phạm Linh Châu (gái út) tại đồi N’Kolbisson - Đi thăm tôi ở Cameroon, mùa hè 1988
Sau ba năm, tôi đã mang theo tất cả hành trang của tôi ở Cameroon cho một khế ước hai năm đến Congo/ Kinshasa. Ba tuần lễ sau khi nhận việc tại Kinshasa, tôi theo chân đoàn người ngoại quốc di tản bằng phà dưới sự hộ tống của lính dù mũ đỏ thuộc quân đội Pháp đến Brazzaville, ngoài bộ đồ trên thân, chỉ có chiếc mùng lấy vội từ giường ngủ. Biến cố này được ghi trong bài “Sự An Toàn Ở Congo”. Tất cả hành trang để lại Kinshasa đều mất hết kể cả lá thư tình và hình ảnh của kiều nữ Cameroon.
Viết tại Houston, Texas
Ngày vào thu 2011
3/11/2011
Phạm Thanh Khâm