Lời Tòa Soạn: Ông Phạm Thanh Khâm tốt nghiệp Kỹ sư Canh Nông Sài Gòn, Cao Học Kinh Tế Nông Nghiệp Hoa Kỳ. Chức vụ sau cùng ở VN (1974) là Giám Đốc Nha Canh Nông. Ở hải ngoại, từ 1975 đến 2007, ông làm chuyên gia cho các cơ quan phát triển quốc tế IFDC, ISNAR, USAID, UNDP, IFAD, FAO về nhiều dự án phát triển nông nghiệp tại 20 quốc gia ở Phi Châu và Á Châu. Ông cũng là thành viên của toán chuyên gia tổ chức toàn bộ guồng máy hành chánh của các Phủ Bộ thuộc nội các chính phủ A-Phú-Hãn (Second Emergency Public Administration Program SEPAP) do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ. Ông vừa xuất bản hồi ký “Thuở Phiêu Bồng” kể lại những ký ức của ông trong 32 năm làm việc ở 20 nước Phi Châu và Á Châu. Được phép của tác giả và Webmaster của http://www.ninh-hoa.com, Trang Mạng NLS Cần Thơ sẽ lần lượt đăng lên mạng.
Vài Tản Mạn Về A-Phú-Hãn (Afghanistan)
Chuyên Gia Phạm Thanh Khâm
Phần 1:
Lời nói đầu:
Người viết được hỏi Nước A-Phú-Hãn ngày nay ra sao? Câu hỏi quá tổng quát không thể có câu đáp ngắn gọn được. Hơn nữa đất nước này và Irak là đề tài thời sự quốc tế mỗi ngày không thấy thiếu trên hệ thống báo chí, truyền thanh, truyền hình. Người viết chỉ có thể ghi lại vài tản mạn qua các chuyến công tác đến đất nước A-Phú-Hãn để đóng góp một phần nhỏ vào câu trả lời. Vào đầu tháng 10, 2004, Ban Việt Ngữ đài BBC Luân Đôn đã phát thanh phần nhận xét của người viết về tình trạng kinh tế, chính trị của A Phú Hản; và tháng 2, 2005, đài VOA ở Hoa Thinh Đốn đã có phát thanh phần phỏng vấn người viết về các nhận xét trong công tác bài trừ ma túy ở xứ này.
Việc làm của người viết tại A Phú Hản:
Với hơn 41 năm làm việc trong ngành phát triển kinh tế nông nghiệp tại 20 quốc gia ở Phi Châu, Á châu và Hoa Kỳ, người viết được chọn để gia nhập nhóm chuyên gia quốc tế giúp thực hiện việc tổ chức lại các phủ bộ của nội các chính phủ (Second Emergency Public Administration Program SEPAP) do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ. Người viết phụ trách cung cấp phần kỹ thuật tổ chức lại Bộ Nông Nghiệp và Thực Phẩm, Bộ Năng Lượng và Thủy Điện, Bộ Bài Trừ Ma Túy, và Cơ Quan Độc Lập Bảo Vệ Môi Trường.
Vài nét về lịch sử, đất đai, dân số A Phú Hãn:
Nước A-Phú-Hãn có những nét đặc thù sau đây:
-Kiểm tra dân số chính thức lần cuối cùng năm 1979 đưa ra con số 15,551,358 người. Ước lượng năm 2004 ghi số dân 28,513,677. Nga mang quân (Soviet war) đến Kabul đã gây làn sóng tị nạn từ 2.5 đến 3 triệu đi lánh nạn qua Pakistan, 1.5 triệu đến Iran, khoảng 150,000 đến Hoa Kỳ, Úc và Âu châu. Taliban bị sụp đổ cuối năm 2001. Người từ Iran bắt đầu trở về xứ đưa con số tăng trưởng dân số khá cao, năm 2004 là 3.54% (sinh đẻ + người tỵ nạn hồi hương). Tuổi thọ đàn ông ghi nhận 46.6, đàn bà 45.1.Thủ đô Kabul bị tàn phá vì ́bom đạn chưa có ngày tháng yên ổn cho việc trùng tu, còn phải nhận gần một triệu rưởi người lánh nạn. Trẻ em chết trước khi lên một cao nhứt thế giới, ở tỷ lệ 38%.
-Dari (Afghan Persian) là ngôn ngữ dùng trong thương mại.
-Bốn sắc dân chính gồm Pashtun 38%, Tajik 25%, Hazara 19%, Uzbek 6% và những nhóm nhỏ khác như Aimaks, Turkmen, Baloch. Khoảng 84% dân theo đạo Hồi Sunni, 15% theo Shi’a Muslim, các đạo khác 1%. Ngay tại thủ đô Kabul, người lánh nạn trở về không tìm thấy nhà cửa của mình, phải ở trong trại như ổ con tò vò. Những người khác may hơn tìm được chỗ trống trên núi, xây ngôi nhà nhỏ bằng đất, dùng lừa mang nước lên đồi.
-A-Phú-Hãn có núi non hiểm trở, núi cao trung bình 1,700 m. Kabul ở cao độ 1,800 m, một trong những thủ đô cao nhứt thế giới so với mặt biển.
-Diện tích đất đai rộng gần gấp đôi Việt Nam (652,090km2/326,609km2 = 1.94). Dãy Hindu Kush chia nước làm ba vùng sinh thái. Đường xuyên đông Khyber Pass nối thủ đô Kabul với thủ phủ Peshawer của Pakistan.
-Nhiệt độ thái quá đã có lần ghi nhận được tại Jalabad nóng 120° F, tại Kabul lạnh –24° F. Trung bình của 30 năm ghi nhận:
+vào mùa Xuân theo tiết tháng ba,
tmax = 54 ° F, tmin = 33 ° F;
+vào mùa Hạ tháng tám
tmax = 89 ° F, tmin = 59 ° F;
+mùa Thu tháng mười một
tmax = 46 ° F, tmin = 29 ° F;
+mùa Đông tháng giêng
tmax = 40 ° F, tmin = 19 ° F.
-Hiện nay đất nước có 32 tỉnh (Wolayat), 326 quận (Uluswali). Các quận lỵ và thị xã (Sharwali Uluswali) có hội đồng của những nhà lãnh đạo Hồi giáo địa phương. Các lãnh chúa (majahidin) của bốn vùng chiến thuật (Hawza) có sức ép lớn với chính quyền trung ương.
-Trong thời kỳ Taliban, đàn bà bị cấm đoán đủ thứ, không được đi học, đi không che mặt nơi công cộng bị ném đá, công tư sở chỉ thấy đàn ông.
-Nói về lịch sử cận đại, trong hai thập niên dưới triều đại Abdur Rahman Khan (1880-1901), chế độ quân chủ chuyên chế với sưu cao thuế nặng đánh trên giới thương gia và nông dân, nối tiếp hai đời: con Habibullad, đời cháu (Vua Amanullah) đã đưa đến nội loạn 1928 với phong trào jihah. Hoàng tộc được tái lập nhờ công của Nadir Shah (1929-1933), con lên kế vị đến 1973. Hiến pháp độc đảng với ba ngành lập pháp, tư pháp và hành pháp bắt đầu năm 1964, nhưng đất nước này ở trong tình trạng phân tranh giữa các lãnh chúa vùng (Mujahidin commanders) với chính quyền trung ương ở Kabul trong hơn hai mươi năm (warlordism). Đầu thập niên 1990, quân đội Sô Viết rút kèm theo viện trợ Nga bị cắt, Taliban lên nắm chính quyền, sau đó bị tan rã. Chính quyền chuyển tiếp được thành lập qua thỏa ước Bonn, tiếp theo giải pháp khẩn trương Loya Jirga vào mùa Xuân 2002.
-Tên của quốc gia trước ngày bầu cử Tổng Thống 9/10/2004 như sau: Transitional Islamic State of Afghanistan. Sau ngày bầu cử, tên nước chính thức đổi thành "Cộng Hòa Hồi Giáo A Phú Hản (Islamic Republic of Afghanistan). Việc thay đổi ảnh hưởng nền kinh tế bất thường dựa trên nguồn lợi thuốc phiện (opium economy) của A-Phú-Hãn đang được các giới chức quốc gia và quốc tế đặt trọng tâm tìm kiếm giải pháp.
An Ninh và Đời Sống Hàng Ngày:
Nhóm chuyên gia của chúng tôi ở chung tại một nhà vãng lai (guesthouse). Điện của thành phố cung cấp thiếu hụt (các dự án thủy điện lớn bị phá hủy do chiến tranh), nên guesthouse có máy phát điện riêng. Mỗi ngày làm việc tại dinh của phủ Phó Tổng Thống Arsala. Email là phương tiện liên lạc làm việc hàng ngày và liên lạc với thế giới bên ngoài. Con tôi có nối Yahoo Messenger và Webcam vào cái PC của tôi nên ngày nào cũng nói chuyện được với gia đình. Có mấy tiệm ăn Tàu, nhưng chúng tôi được khuyến cáo không nên vào vì có tin cho biết tàn quân Taliban gửi thơ dọa đặt bom nơi đây. Người tài xế của chúng tôi và nhân viên (staff) của guesthouse (quản lý, người nấu ăn, người gát, giặt ủi) là những người thân thiết nhất.
Qua sự sắp xếp của bốn người bạn này, tôi đã có thể thăm viếng và tìm hiểu về phong tục tập quán của họ và gia đinh họ tại Kabul. Tôi có mang theo chiếc máy ảnh Canon với 30 cuộn phim, nên những lần đột xuất với tài xế, tôi đã có những bức hình ưng ý thay thế ngàn lời viết. Gia đình anh em của người nấu ăn có tiệm may. Và tôi đã có ngay bộ "quốc phục" với giá khỏang 12 đô la, mặc trông giống Taliban! Ngoài giờ làm việc, giải trí duy nhứt là xem truyền hình nối được hơn 400 đài. Ấn Độ giúp thiết lập ngành truyền thông, nên chương trình truyền hình của A-Phú-Hãn phần lớn chiếu các loại nhạc kịch Ấn. Tôi đã mua được vài CD ca nhạc cùng các vũ điệu của ba nghệ sĩ nỗi danh A-Phú-Hãn như Farhad-Daria, Ustad Mahwash và Parastu, từng bị cấm trình diễn trong thời kỳ Taliban.
Những lần đột xuất tôi thường gặp nhiều đám đi hỏi vợ. Tìm hiểu ra thấy họ khác hơn phong tục Việt nam. Người mình có khi chỉ cần một ông mai hay bà mai làm mai mối trong việc dựng vợ gả chồng, lại còn chế diễu về bốn cái dại, làm mai là một. Ở A-Phú-Hãn, nhà trai nhờ một tiểu đội đàn bà đến nhà gái dạm hỏi. Họ mang quà biếu gồm thức ăn không có đường ngọt. Bà mẹ nhà gái tiếp khách. Nếu nhà gái trả lời chưa dứt khoát, tiểu đội các bà mai tiếp tục làm nhiều chuyến viếng thăm kế tiếp đến khi đạt kết quả Nhận hay Không. Nếu câu trả lời Không với nhiều lý do chẳng hạn con gái tôi còn bé. Đám hỏi chấm dứt. Nếu câu trả lời Nhận, quà cáp tiếp tục chuyển đến và thức ăn chứa nhiều đường ngọt. Thì ra cái hay trong việc làm mai ở xứ này là cái dại, khi cơm không lành canh không ngọt giữa đôi bạn đời, được chia đều ra nhiều người. Và khi càng chia cái dại cho nhiều người, cái dại trào phúng của người mình không tìm thấy trong phong tục tập quán của A-Phú-Hãn!
Đàn bà A-Phú-Hãn còn ràng buộc nhiều tập tục và giáo điều Hồi giáo. Lúc nào cũng mặc chiếc áo che mặt "burqa" ra nơi công cộng. Số đàn ông bị tử vong suốt hơn hai mươi năm đánh nhau đã để lại quá nhiều góa phụ. Họ giống tập tục của một số bộ lạc Phi châu là góa phụ chỉ tái giá với anh em họ hàng nhà chồng. Nếu đã lớn tuổi, chọn con đường tiết hạnh khả phong ở vậy thờ chồng theo con. Đường lối đổi mới về vai trò phụ nữ đang được đẩy mạnh qua việc thiết lập một bộ phát triển phụ nữ trong nội các của chính phủ hiện nay. Trường đại học bắt đầu có nhiều nữ sinh viên. Internet là nhịp cầu tri âm giảm dần số chuyến đi của tiểu đội các bà mai kể ở phần trên. Nhưng ở thôn quê đàn bà chưa nhận được nền giáo dục phổ thông như đàn bà ở các nước đang mở mang.
Đường sá rất xấu, có nhiều ổ gà. Xe chạy bên tay mặt, nhưng rất nhiều xe có tay lái bên tay mặt như các xe lưu hành ở Anh quốc, Thái Lan, v.v., Có lẽ dân chúng nhập cảng bất cứ xe nào có sẵn không kể tay lái ở bên tay mặt hay tay trái. Kabul không có nước máy, dân chúng uống nước giếng.
Vào thời điểm đầu tháng 4, 2005 một đô la đổi được 50 afghanis. Mức lương trung bình của người đi làm việc còn thấp. Người quản lý cuả guesthouse có lương mỗi tháng là 300 $US, người nấu bếp 280 $US, người gát 180 $US, người giặt ủi $170. Mức lương này khá cao vì họ làm việc với người ngoại quốc. Lương trung bình của một giáo sư trung học vào khoảng 60 đô la/tháng.
Gần phủ Phó Tổng Thống, có một tiệm ăn mang tên Khyber. Các giới chức thường đến ăn trưa với đoàn cận vệ mang súng đạn lãng vãng bên ngoài. Chúng tôi chỉ ghé thử vài lần. Giá biểu khoảng từ 3 đô la đến 4 đô la mỗi phần ăn. Thấy không hợp khẩu, vả lại tiệm có thể dễ làm mục tiêu cho nhóm khủng bố Taliban, toàn nhóm quyết định không trở lại quán này nữa.
Chúng tôi đi tìm được nhiều tiệm an ninh hơn như Popo lano nấu đồ Ý. Spaghetti, pasta có vẻ ngon hơn, giá biểu từ 6 đến 7 đô la mỗi dĩa. Khách sạn Inter-Continental là nơi ít bị tàn phá nhứt, tọa lạc trên một ngọn đồi, có buffet, mỗi phần ăn 12 đô la, có ban nhạc “quartet”, nhưng sự an toàn rất bấp bênh. Phần lớn số buổi ăn chiều đều ở nhà vãng lai.
(Còn tiếp phần 2)
Phạm Thanh Khâm
Kabul, những ngày cuối tháng 4, 2005
|