http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/climate-change-cultivation-mankind-09132013153342.html
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng tới nông nghiệp
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-09-13
Tại buổi hội thảo “Nông Nghiệp Việt Nam Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu: Cơ Hội Và Thách Thức” ngày 10 tháng Chín, phó cục trưởng Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn cảnh báo sự biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh đến ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, trong tương lai trên hai triệu hectares đất canh tác bị nhiễm mặn.
Trong bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, chuyên gia Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu thuộc Khoa Môi Trường Và Tài Nguyên Thiên Nhiên thuộc Đại Học Cần Thơ, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, khẳng định biến đổi khí hậu chắc chắn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng:
Bởi vì tất cả những hoạt động nông nghiệp liên quan tới cây trồng, chăn nuôi, thủy sản…đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự thay đổi của thời tiết. Trồng lúa, trồng cây ăn trái, trồng hoa màu , nuôi con gà con heo con vịt hay con cá thì chúng ta đều cần tới nguồn nước, rồi sự tăng trưởng đó liên quan tới vấn đề khí hậu, độ ẩm, bốc hơi, gió vân vân.. Tất cả những cái đó liên quan tới thời tiết.
Như vậy, khi thời tiết trở nên bất thường hay là thiên tai xuất hiện nhiều hơn thì chắc chắn ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng.
Chúng tôi cũng từng cảnh báo rằng nếu không làm gì hết, cứ để tình trạng như thế này thì tương lai lương thực của đồng bằng này có thể giảm đi một nửa.
- TS Lê Anh Tuấn
Đó là chưa nói tới hiện tượng nước biển dâng, nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào trong đất liền, làm cho đất canh tác thu hẹp lại rồi đất trở nên xấu hơn, thì năng suất và sản lượng lương thực chắc chắn bị ảnh hưởng. Đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới để chứng minh điều này, thí dụ nghiên cứu của International Rice Research Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế đặt tại hay là các nghiên cứu của Tổ Chức Lương Nông Thế Giới FAO đã khẳng định như vậy rồi.
Thanh Trúc: Thưa ông, việc sẽ có đến 2 triệu 400 hectares bị nhiễm mặn theo cái nhìn của ông thì đây là điều có thể tránh hay ngăn ngừa được không?
TS Lê Anh Tuấn: Cái này là từ hành động của chúng ta. Thứ nhất, khả năng nước biển dâng là có, nhưng mà nó ảnh hưởng tới bao nhiêu hectares thì còn rất nhiều sự bàn cãi. Tùy theo biện pháp sử dụng đất hoặc là cái qui hoạch của mình. Nếu mình làm lúa nhiều, các diện tích trồng lúa đó tập trung ở vùng ven biển dễ bị xâm nhập mặn, thì cái diện tích xâm nhập mặn này có thể tăng cao. Nếu chúng ta bố trí diện tích trồng lúa nằm ở vùng cao hơn thì sự ảnh hưởng nhập mặn này sẽ ít hơn.
Hoặc thay vì trồng lúa thì trồng các loại hoa màu khác trong mùa khô chẳng hạn thì chúng ta có thể tránh được tình trạng xâm nhập mặn do nước biển dâng và tác động lên cây lúa. Đó là do sự quyết định, do kế hoạch hành động của các địa phương cũng như của vùng đặt ra thôi.
Thanh Trúc: Thưa trong vấn đề biến đổi khí hậu tác động lên lãnh vực trồng trọt và nông nghiệp, Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn cũng nói về cơ hội và thách thức. Xin ông giải thích thế nào là cơ hội và đâu là thách thức, trong hai điều này thì các nhà khoa học có thể làm được gì?
TS Lê Anh Tuấn: Nên hiểu hiện tượng biến đổi khí hậu cũng mang lại một số điều tích cực nhưng cũng đem lại một số điều tiêu cực. Ví dụ đối với tình trạng khô nóng kéo dài vì mưa ít đi chẳng hạn, thì nó có thể làm tăng sản lượng và hiệu quả của việc canh tác muối, nông dân trồng muối có nguồn lợi tốt hơn. Hoặc những hộ nông dân nuôi cá nước lợ hoặc nuôi tôm chẳng hạn, thì nước mặn có thể là nguồn tài nguyên nào đó cho họ khai thác.
Một nông dân đang chăm sóc cây Thanh Long. AFP photo
Thực ra cơ hội đôi khi cũng có thể hiểu đây là dịp để nhìn lại vấn đề sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long để có những hoạch định tốt hơn để hạn chế thiệt hại, nhìn lại cái vấn đề của mình là nên phát triển nông nghiệp ở mức độ nào, hoặc là chuyển những đất có nguy cơ đó qua lãnh vực công nghiệp chẳng hạn. Đó là cách nhìn xem xét lại cái qui hoạch hiện nay có phù hợp hay không.
Còn thách thức, theo tôi, nó lớn hơn cơ hội rất nhiều. Chúng ắt biết sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro mà lệ thuộc nhiều về yếu tố thời tiết hoặc vấn đề nguồn nước. Nếu nguồn nước thay đổi , có thể do mua ít đi hay mưa nhiều hơn ảnh hưởng tới lũ lụt, hạn hán, thì còn có những hoạt động của con người ở phía thượng nguồn có thể làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn, thì buộc chúng ta phải tìm lại những phương cách đối phó. Những phương cách này có thể gây thêm khó khăn thêm tốn kém, phải sử dụng nhiều nguồn nhân lực hơn.
Thanh Trúc: Vẫn liên quan tới thách thức ở đây thì xin giáo sư nêu một thí dụ điển hình?
TS Lê Anh Tuấn: Ví dụ muốn duy trì an ninh lương thực thì ta phải trồng lúa, nhưng mà cây lúa bây giờ thì có thể trong tương lai một số đất trồng lúa bị nhiễm mặn, nó từ vùng nước ngọt qua vùng nước mặn hay là vùng nước lợ thành nước mặn, thì chúng ta coi nên tiếp tục trồng lúa hay không. Hoặc chúng ta trồng lúa thì nên chọn giống lúa có khả năng chịu mặn chẳng hạn. Đây cũng là đề tài mà Đại Học Cần Thơ đang theo đuổi, chúng tôi đang tìm ra những giống lúa có khả năng chịu mặn và ít sử dụng nước hơn, hoặc nghĩ ra phương pháp tưới mà tiết kiệm nước. Đây là những thử thách mà các nhà khoa học đang làm.
Thường người ta trồng lúa mà độ mặn lên cao trên 1/1000 hay 4/1000, ảnh hưởng tới năng suất cây lúa. Nhưng hiện nay thì chúng tôi đã tìm ra các giống lúa có khả năng chịu độ mặn cao hơn, lên tới 7 hay 8/1000, thậm chí có một số cây giống triển vọng lên tới 10/1000.
Trong tương lai nếu nước biển dâng cao và gây mặn thêm một số diện tích nữa thì chúng ta cũng sẵn sàng có những giống lúa có thể chịu dựng được trong điều kiện khắc nghiệt như vậy. Một thách thức nữa mà chúng tôi đang làm là tìm cách lai các giống cây ăn trái mà có khả năng chịu đựng độ mặn nhiều hơn và có thể sử dụng lượng nước ít hơn.
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Lê Anh Tuấn, từ năm 2010 Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế ở Philippines từng cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiều vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nước biển đến một mét trong vài chục năm tới , tình trạng nhiễm mặn sẽ diễn ra trên diện rộng, ông nghĩ thế nào về cảnh báo này?
TS Lê Anh Tuấn: Tôi nghĩ phần trình bày đó có vẻ cũng hơi cực đoan, tại vì những kịch bản nghiên cứu về biến đổi khí hậu mà theo chúng tôi biết là nếu nước biển dâng lên một mét thì ít nhất cũng phải cuối thế kỷ này. Trong điều kiện kịch bản xấu nhất tức là con người ta đã sử dụng những nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới làm cho nhiệt độ trái đất lên cao và tình trạng biến đổi khí hậu không kiểm soát được, thì nó mới lên tới mức đó.
Một thách thức nữa mà chúng tôi đang làm là tìm cách lai các giống cây ăn trái mà có khả năng chịu đựng độ mặn nhiều hơn và có thể sử dụng lượng nước ít hơn.
- TS Lê Anh Tuấn
Còn nếu mà với những kịch bản trung bình hay thấp hơn, thì mực nước biển dâng lên độ khoảng 30 tới 40 centimét hoặc là 50 centimét, tùy theo tình hình thôi chứ không phải lên tới mức độ đó.
Nếu mực nước biển dâng lên khoảng từ 30 tới 50 centimét thì nông dân người ta vẫn có những biện pháp chống đỡ bằng cách đắp những bờ bao chung quanh ruộng rồi trữ nước trong đó để có thể canh tác được. Với giống lúa chịu mặn của chúng tôi thì người nông dân vẫn có thể canh tác vẫn có thể trồng lúa được, tất nhiên là năng suất và chất lượng lúa gạo có thể là không bằng như bây giờ nhưng người ta vẫn có nguồn lương thực để cung cấp được.
Thanh Trúc: Thưa, từ điểm ông vừa nói, đương nhiên và chắc chắn biến đổi khí hậu từ bây giờ không chỉ đe dọa nguồn an ninh lương thực trong tương lai mà còn ảnh hưởng đến nhiều điều quan trọng khác nữa?
TS Lê Anh Tuấn: Chắc chắn, nếu tình hình càng ngày càng xấu đi chẳng hạn mà không có giải pháp đối phó. Chúng tôi cũng từng cảnh báo rằng nếu không làm gì hết, cứ để tình trạng như thế này thì tương lai lương thực của đồng bằng này có thể giảm đi một nửa. Có thể thôi, nếu chúng ta không có biện pháp từ ngay bây giờ hoặc không làm gì hết trơn thì ta không còn lượng gạo để xuất khẩu nữa.
Một khi không còn lượng gạo để xuất khẩu nữa thì nó ảnh hưởng không chỉ riêng cho Việt Nam mà còn trên thế giới. Bởi vì lúc đó nguồn lương thực trên thế giới sẽ bị ít đi, giá lương thực sẽ tăng lên, dân nghèo ở các nước Phi Châu, các nước Trung Đông hay những nước khác phải mua lương thực với giá cao hơn thì họ tiếp tục nghèo thêm. Hoặc kể cả những nước giàu mà khi họ làm những chương trình xóa đói giảm nghèo cho nước nghèo thì họ phải dốc thêm túi để bù cho những thiệt hại đó nữa. Mình đang ở trong thời kỳ toàn cầu hóa thì ảnh hưởng từ vấn đề của một nước này tác động lên khu vực và tác động lên toàn cầu. Đó là cái chúng tôi mong mọi người lưu ý cho vấn đề này.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn tiến sĩ Lê Anh Tuấn.
|