05/02/2014
...Phần 6
25 tháng 12, 2013
He he, đang chờ giờ lên xe đi Siem Reap! Chợt thấy có một xe vừa đổ khách trước cửa công ty, tôi quay trở lại, thì ra đây là xe vừa từ Siem Reap về, đang xuống khách. Tôi bước vào phòng ngồi đợi.
Bà xã bước qua siêu thị gần đó mua thêm ít bánh để ăn dọc đường, tôi nhìn thấy có wifi nên lấy laptop ra check mail và gửi thư cho con ở nhà, đồng thời tìm xem một số tin tức liên quan tới Siem Reap, nhất là các khách sạn rẻ tiền. Tuy nhiên, không dễ để tìm ra được ngay, nếu không “lăn lộn” vào các blog của dân đi bụi, mà bây giờ thì không có rảnh để lướt hết các trang liên quan.
Bánh mua thêm ở siêu thị.
Tôi chợt nhớ tới một tài liệu hướng dẫn du khách (brochure) mà tôi đã xin được trong dịp du lịch Campuchia hồi năm 2005 “Siem Reap Angkor Visitors Guide”, tôi lấy ra tham khảo., thấy:
Angkor Village Hotel $80-$170.
****** Angkor Hotel $140-$330.
Angkor Palace Resort & Spa $300-$1550.
Royal Angkor Resort $250-$2000.
Grand Hotel D’Angkor $310-$1900…
…
May sao, chen vào đó cũng có nhiều cái guest house, giá cả dễ chịu hơn như:
Angkor Tip GH $4-$12.
Ivy GH $20-$25.
Hostel Geckoo’s Nest $3-$14.
Rosy GH $7-$15.
…
Trong số này tôi chú ý đến Rosy GH, có giá từ 7 $ đến 15$, vì tôi không tin tưởng lắm những guest house giá quá bèo. Hơn nửa, nhà nghĩ này lại nằm cạnh bờ sông Siem Reap, từ đó qua cây cầu đá (Stone bridge), rẻ phải theo đường Charles De Gaule là đi đến khu đền Angkor.
Mấy khách sạn có sao đỏ, trừ cái Home Sweet Home, đều có giá làm tôi chóng mặt! Tôi quan tâm tới cái Rosy GH, tô màu xanh, có giá từ 7 $ đến 15$, vì tôi không tin tưởng lắm những guest house giá quá bèo, 3$ hay 4$. Hơn nửa, nhà nghĩ này lại nằm cạnh bờ sông Siem Reap, từ đó qua cây cầu đá (Stone bridge), rẻ phải theo đường Charles De Gaule là đi đến khu đền Angkor.
Nhà nghĩ Rosy, gần cầu Stone Bridge, quay mặt xuống giòng sông Siem Reap.
Bây giờ tạm thời biết như thế để có cơ sở mà …mò, vì các thông tin này đã có từ …8 năm trước! Thời gian quá dài để mọi thứ đều có thể thay đổi đến …bất ngờ!
15h xe đến rước khách. Hành lý của chúng tôi không phải trả thêm phí.
15h20’ xe lăn bánh.
15h23’, chiếc Ford transit 16 chỗ của công ty Mey Hong rời Phnom Penh, theo quốc lộ 6A đi Siem Reap. Con đường này, sẽ nối với quốc lộ 7 ở ngả 3 Skun để đi lên các tỉnh phía Bắc như Kampong Cham, Kratie, Steung Treng và biên giới VeunKham qua Lào. Bây giờ, tôi lại bắt đầu từ nó để đi đến ngả 3 Skun, rẻ trái qua quốc lộ 6 để đi Kampong Thom, Siem Reap, Poipet và cuối cùng là qua bien giới Thái Lan.
16h50’, dừng chân lần 1 tại một trạm xăng để tiếp nhiên liệu và khách đi vệ sinh. Đoạn này thuộc quốc lộ 6 A từ Phnom Penh lên, có nhiều nơi đang mở rộng, giờ này xe thưa thớt, tôi chưa thấy hình ảnh chở người quá tải kinh hồn trên các xe 16 chỗ như năm rồi, nhưng vẫn có những chiếc xe loại 12 chỗ, chở hàng “mang đậm bản sắc giao thông Campuchia” như sau!
Tôi bắt gặp một bé gái Campuchia rất dễ thương...
...và chiếc Huyndai 12 chỗ thồ hàng thật ...dễ sợ!
17h50’, dừng chân lần thứ 2, lúc 17h50 tại ngả 3 Skun, để xuống khách và rước thêm 2 người. Ngả 3 này là nơi quốc lộ 6A chia 2, một nối với quốc lộ 7 đi lên các tỉnh phía Bắc và biên giới Lào, một rẻ trái vào quốc lộ 6A đi Siem Reap, tới biên giới Thái Lan.
Đây là điểm dừng của các tour du lịch để khách chứng kiến chợ nhện, bọ cạp …rất đặc trưng và rất kinh hồn cho những ai yếu bóng vía! Giờ này sắp tối, nên cũng chẳng thấy ai bán nửa. Từ đây xe sẽ bắt đầu đi trong đêm, tôi cũng dẹp máy ảnh và chợp chút mắt, đồng thời cũng ngã đầu cho dịu bớt cơn đau còn âm ỉ trên vai và tay.
18h40’, dừng chân lần thứ 3, tại tỉnh lỵ Kampong Thom, để mọi người ăn cơm. Đây là nơi năm 2005, chúng tôi đã dừng để ăn trưa, theo tour do công ty Du lịch An Giang tổ chức. Khi đó, chúng tôi được ăn trong 1 nhà hàng tương đối sang trọng. Bây giờ xe cũng ngừng ngay cạnh nhà hàng đó, nhưng chúng tôi chọn ghé vào một quán bình dân kế cận, cách 1 con đường.
Ở bàn bên cạnh, tôi nghe 2 bạn trẻ trò chuyện bằng tiếng Việt, thì ra họ là 2 công nhân, từ Cần thơ qua, làm thợ xây gần 3 tháng nay.
Tôi hỏi sống được không thì các em nói, ở đâu cũng vậy, nơi nầy làm nhiều tiền nhưng chi phí thì cao hơn nên chẳng dư bao nhiêu, có điều là còn công việc nhiều nên không sợ thất nghiệp…nhưng nhớ nhà lắm, mà hổng dám về, ráng làm để dành tiền, Tết về luôn!
Ôi, kiếp tha hương sao làm “trạnh lòng” lữ khách thế!
Chúc các em may mắn trên bước đường mưu sinh nơi đất khách, chúng tôi trở lại xe, tiếp tục lên đường.