.
  31 ngày P 118-119
 
13/11/2014




Phần 118 - 119

Từ hàng ngàn năm trước,thời gian đầu khi Đức Phật còn tại thế, các vị Tỳ Khưu đi hành đạo suốt năm, bất kể ngày nắng, tháng mưa, để gieo Pháp lành cho bá tánh. Nhưng ở Ấn Độ trong 3 hoặc 4 tháng, từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9 hoặc tháng 10, là nhằm vào mùa mưa, vạn vật có điều kiện sinh sôi nẩy nở, xuất hiện đầy dẫy trên các lùm cây buội cỏ, do vậy, việc đi lại sẽ vô tình dẫm đạp lên các sinh linh nhỏ bé đó. Cho nên, Đức Thích Ca mới dạy các chư Tăng rằng phải tìm một chỗ để “an cư nhập hạ’ vào những tháng này.
Theo đó, các Tỳ Khưu, Sa Di phải chọn 1 chùa, tịnh thất hay1 hang núi nào đó, không phạm vào 5 lỗi sau đây để “Nhập Hạ”:
1- Gần xóm làng để tiện đi “trì bình khất thực”.
2- Xa chợ búa ồn ào.
3- Chỗ không có kiến, muỗi, ruồi…nhiều, để tránh vô tình dẫm đạp.
4- Có Tỳ Khưu đủ 5 hạnh để học hỏi.
5- Chỗ có bá tánh để thuốc thang, cơm cháo.
Vị Tỳ-Khưu có đủ 5 hạnh là:
1-Có chánh kiến.
2-Thông kinh luật, sẳn lòng dạy bảo.
3-Chỗ mình chưa biết, ông dạy cho mình biết.
4-Chỗ mình biết rồi, ông làm cho được thanh tịnh.
5-Chỗ còn nghi ngờ, ông giúp làm sáng tỏ.

Nếu các Tỳ Khưu không cùng ở chung thì cũng phải gần nhau để tiện bề qua lại.
Nhập Hạ có 2 cách:
1. Nhập Hạ kỳ trước, gọi là Tiền-An-Cư - Purimikavassà, từ ngày 16 tháng 6 đến ngày Rằm tháng 9 âm lịch.
2. Nhập hạ kỳ sau gọi là Hậu An-Cư - Pacchimikàvassà, từ ngày 16 tháng 7 đến ngày Rằm tháng 10 âm lịch.
Nếu không có điều chi trở ngại, nên nhập Hạ kỳ trước.
Trong thời gian 3 tháng an cư kiết hạ, Chư Tăng cũng vẫn đi trì-bình khất thực như thường lệ, vì đó là lề lối sống hàng ngày của Sư Sãi Nam tông; nhưng khi hữu sự cần-thiết thì được phép đi khỏi nơi ấy trong vòng 7 ngày, không phạm lỗi.
Trước khi đi thì nguyện dưới Tam bảo như sau:
"Sace me antarayo natthi, sattahabbhantare aham puna nivattisami"
Dutiyamapi...
Tatiyampi...

Nghĩa là:
"Nếu không có sự rủi ro đến tôi, tôi sẽ trở về trong khoảng 7 ngày".
Lần thứ nhì...
Lần thứ ba...
Và điều quan trọng là phải trở về nơi Nhập hạ trước lúc mặt trời mọc ngày thứ 8. 
Sau thời kỳ nhập Hạ, có lễ Tự Tứ, để tự kiểm điểm, nhằm phân tích lỗi lầm mà dạy bảo lẫn nhau, sám trừ tội ấy.
Tiếp theo sau, trong vòng 1 tháng, các Sư có Lễ Dâng Y.
Sư H. sau thời gian nhập Hạ tại Hoa Kỳ, hôm nay trở về Thiền viện Shwe Oo Min Dhamadayada, tổ chức Lễ Dâng Y.
Do vậy, sáng nay, 03-11-2013 các Sư không có buổi trì hành khất thực, mọi người trong chùa cùng với các “thiện-tín” quanh vùng tất bật lo nấu nướng, chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này.
Như thường lệ ở chùa, chúng tôi thức sớm để cùng các Sư ăn sáng. 
Kalaw là một vùng đất đẹp, thiền viện lại nằm trên một vị trí có cái view cực kỳ hấp dẫn, nhìn xuống một thung lủng sâu, mỗi sáng đều mờ hơi sương. Với tôi, mỗi ngày có một Kalaw khác khi bình minh, thức dậy.
Trong khi còn thì giờ, tôi leo lên phía stupa, từ đó phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưởng cái mênh mông của một vùng đất trời tuyệt dịu, sương mờ vắt qua sườn núi, mây trắng trải lụa như thác đổ lưng trời! Ôi, Kalaw mới chỉ 2 ngày mà làm tôi mê mẩn!






Mây cuộn như thác đổ phía núi xa.





Kalaw, mỗi ngày mỗi khác, kể cả những giọt sương, cũng không hề giống nhau khi thay thế, đọng trên các đóa hoa.





Chợt tôi thấy tổ ong mật đang no đầy dưới nhánh thông, một vùng cây xanh bát ngát, tha hồ cho những cư dân núi rừng này tồn tại. Đất lành chim đậu, …cửa thiền rộng mở, ong mật rừng chẳng cần phải sống đâu xa!





Tối hôm qua Sư H. rất bận rộn, vừa phải “xuống tóc” cho thằng cháu qui y, vừa phải vào bếp hướng dẫn và phụ giúp nấu nướng với các Phật tử Miến tới làm công quả. Ngày mai, Sư dự kiến sẽ tiếp từ 300 đến 400 người đến chùa, do vậy, thiết bị nấu cơm 500 suất/lần mà Sư vừa sắm sẽ góp phần làm nhẹ bớt công việc. Sư nói, mọi năm việc nấu cơm cho ngần ấy người là rất mệt, năm nay chỉ lo chuẩn bị phần đồ ăn thôi và …bây giờ, Sư là “bếp trưởng” của Thiền viện Shwe Oo Min Dhamadayada! 
Cũng ngày hôm qua, trong lúc tôi đi sân bay HeHo, Sư phải tiếp 1 đoàn Phật tử từ Mỹ sang, đoàn này do anh Zaw Min chờ đón tại Yangon, gồm 1 Hòa thượng, 1 Sư cô và 2 nữ Phật tử người Thái cùng với 3 Phật tử Mỹ gốc Việt. Đây là những người sẽ cùng chúng tôi tiếp tục cuộc “hành hương” du lịch tại Miến Điện vào các ngày kế tiếp.



Thực ra đây chỉ là nấu thức ăn để phục vụ cho trên 300 người.

Tôi trở xuống nhà bếp để cùng mọi người chuẩn bị cho Lễ Dâng Y. Trước hết là 300 phần cơm phải sẳn sàng để sau Lễ mọi người sẽ cùng nhau dự 1 bửa cơm chùa …đúng nghĩa!













Mọi người đều bận rộn vì ai cũng tìm cho mình một công việc phù hợp để góp phần công đức! Tuy nhiên vì Phật tử đến đông nên công việc cũng thật nhẹ nhàng. Ngoại trừ những cậu thanh niên lo phần “khói lửa”!















Cơm có 2 loại, gà (chicken) và heo(pork), vì một số người Miến không ăn thịt heo.














Lễ Dâng Y.
Theo truyền thuyết, khi Đức Phật chuẩn bị an cư tại chùa Kỳ Viên, thành Xá Vệ, thì có 1 tăng đoàn khoảng 30 người cũng xin cùng an cư. Vì đoàn này trãi qua 1 đoạn đường xa, trong mùa mưa gió nên khi đến nơi thì y áo đều rách nát. Sau ngày Kiết Hạ, Đức Phật cho phép Tăng đoàn lưu lại, may vá y phục mới trước khi lên đường hoằng pháp. Dịp này, một nữ thí chủ đã dâng cho Đức Phật tấm y đầu tiên, từ đó, truyền thống “dâng y” hình thành và được duy trì cho đến ngày nay.
Đại Lễ Dâng Y Kathina (tên gọi đầy đủ), là Lễ hội lớn nhất của Phật giáo Nguyên thủy, được tổ chức vào 1 ngày bất kỳ trong vòng 1 tháng sau ngày ra Hạ, nên rất long trọng và trang nghiêm và vì vậy cũng phải tuân theo một số nghi thức bắt buộc.
Đại lễ dâng y kathina ngoài mang ý nghĩa của việc thực thi đại hạnh bố thí, chia sẻ những khó khăn của các chư Tăng, còn là để tri ân công đức của Đức Bổn Sư Như Lai Phật, tri ân công đức Tam Bảo và tri ân công đức các Phật tử hộ trì Phật Pháp.
Tại các nước mà Phật giáo Nguyên thủy chiếm đa số, thậm chí được xem là quốc giáo, thì Đại lễ Dâng Y cũng là dịp vui chung của mọi người. Nhiều nơi họ tập trung về các ngôi chùa có chư Tăng nhập hạ, tham gia dâng y và vật cúng dường, rồi tổ chức các hoạt động lễ hội trong sân chùa để chúc mừng sự hoàn tất thời kỳ tồn tâm, dưỡng tánh của các Sư. Mọi người ăn mặc đẹp đẻ, tâm hồn trong sáng cùng hướng về Tam bảo để dâng lên Đức Phật và chư Tăng những tâm nguyện thuần khiết nhất của mình.
Hôm nay, Thiền viện Shwe Oo Min Dhamadayada với cờ Phật giáo tươi vui trong nắng sớm, như đón chào hàng đoàn Phật tử đang lũ lượt đến chùa, hình như tất cả đều ăn mặc đẹp đẻ hơn ngày thường. Thỉnh thoảng có các Sư trụ trì nơi những chùa khác đến bằng ô tô hay bằng xe ôm. 































 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630233 visitors (2116334 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free