Chuyên Gia: Phạm Thanh Khâm
Lời Dẫn Nhập
Người viết được một đồng hương Ninh-Hòa hỏi còn dự tính đi qua Phi Châu làm việc nữa không. Thực khó có câu trả lời. Trước hết, tuổi đờì đã cao, thứ đến bà xã nói mình đâu có nhiều "bills" phải trả như hồi trước, nên việc đi làm xa không còn cần thiết nữa. Tháng 7, 2005 hai chúng tôi sắp xếp lại chương trình về hưu, từ giã bút nghiên, về vườn an hưởng thú điền viên như các cụ ngày xưa bên nhà.
Nhưng đầu tháng 8, 2005 tôi lại phải trở qua Kabul lần thứ tư theo lời yêu cầu của Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp A-Phú-Hãn. Chương trình về hưu của hai chúng tôi lại tạm hoãn. Lần này tôi chỉ ký khế ước ngắn hạn. Cùng đến làm việc với Thứ Trưởng Moseley của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ và một phái đoàn hùng hậu của ông để duyệt lại nhiều dự án. Sau hơn 2 tuần, nhóm chuyên gia của chúng tôi đã có thể đúc kết trình chính phủ đề án mới phối hợp với các cơ quan viện trợ của các nước khác cho lãnh vực phát triển nông nghiệp A-Phú-Hãn. Nan đề: An ninh ở miền Nam và miền Đông của đất nước này chưa được ổn định. Việc thực thi các đề án này còn nhiều bất trắc.
Ngày thứ sáu "weekend" ở Kabul, không được đi “eat out” hoặc đi lòng vòng xem dân chúng "shopping", tôi có nhiều thì giờ ngồi cạnh cái PC viết lách từ chuyện cũ đến chuyện mới. Tuần này, mời các bạn đọc chuyện chiếc lò trấu Việt Nam du nhập vào lục địa Phi Châu.
Trích từ tài liệu "A Technical Note on
Lo Trau Rice Husk Stove", Project FAO
GCP RAF/266/JPN "Riz Prospère" 7/1/1992. Scanned ngày 12/8/2005 tại Kabul.
Tây Phi Châu
Việc cư dân vùng Sahel đốn cây làm củi để nấu ăn đã tàn phá cây cối khiến tình trạng sa mạc hóa tại vùng này trầm trọng hơn. Không những đất đai bị xoi mòn, mất mát độ phì nhiêu, mỗi năm các bà nội trợ lại phải đi xa hơn từ làng cư ngụ để kiếm củi vì cây thưa của rừng thiên nhiên, cây trồng của các dự án trồng cây gây rừng quanh buôn bản của họ không có sẵn nữa. Để tận dụng trấu vứt bỏ phung phí sau các nhà máy xay gạo, tiết kiệm tiền mua hơi đốt butane, chiếc lò trấu Việt Nam được dự án GCP/RAF/266/JPN (Viện trợ Nhựt) do FAO (Cơ Quan Lương Nông của Liên Hiệp Quốc thực thi) du nhập từ tháng 11, 1991 vào ba nước Burkina Faso, Mali, Senegal.
Đầu năm 1994, tôi được cử làm Trưởng Phái đoàn đến các xứ kể trên để lượng giá việc thực thi dự án này. Trong giờ thuyết trình ngắn ở Dakar, Giám đốc dự án nêu các thành quả chính rồi kèm thêm chi tiết nhỏ về chiếc lò trấu Vìệt Nam được nông dân tiếp nhận nồng nhiệt. Thuyết trình viên, khi nói về chiếc lò trấu, không dùng từ "Le foyer à balles de riz", chỉ xử dụng nguyên chữ Việt đọc theo âm Pháp ngữ "Le Lotrau". Giáo sư Phù Tang, đại diện chính phủ Nhựt trong phái đoàn lượng giá này nghe chữ mới, ghé vào tai tôi hỏi nhỏ:
Le Lotrau không tìm thấy trong quyển tự điển Larousse. Người Sénégalais chế ra tiếng mới nghĩa là gì?
Tôi lật trang tài liệu khuyến nông có in hình chiếc lò trấu với mọi chi tiết về kích thước (đường kính mặt trên của lò 40 cm, cao 30 cm, nặng 2.5 kí lô), lượng trấu đốt (1.2-1.5 kg/giờ), và thời lượng để đun sôi một lít nước trong 7 phút, v.v. Giáo sư bật cười theo cung cách “samurai”, rồi đưa cao cánh tay đề nghị cho đi xem tiệm chế tạo lò và gặp vài nông dân.
Bên sông Senegal phân chia hai xứ Mauritania và Senegal ở vùng trồng lúa có địa danh dài dòng NDouloumadji-Dembe, chúng tôi đã gặp nhiều nông dân. Họ biểu lộ sự ưa thích các giống lúa du nhập từ Á-châu và rất hài lòng về sự hữu dụng thiết thực của cái "Le Lotrau". Trên đường về thủ phủ Saint Louis, phái đoàn chúng tôi dừng lại thăm “Boutique du Lotrau” (tiệm chế tạo và bán lò trấu). Lò được chế tạo bằng thép với giá vốn khoảng 5 đô-la, xử dụng từ 3 năm trở lên. Thì ra niềm hạnh phúc của các bà nội trợ vùng Sahel cũng có thể tìm thấy từ những vật nhỏ như chiếc lò trấu Việt Nam.
Một buổi "field day" đi thăm cánh đồng lúa ở vùng
Sahel bên sông Senegal với Ông Abov Yero Kidé,
người trách nhiệm chương trình an toàn lương thực
PSSA của Mauritania (người thứ 5 kể từ tay trái),
tôi đứng vị thế số 1 hàng đầu kể từ tay trái. Ảnh
chụp năm 1996. Scanned ngày 12/8/2005 tại Kabul.
Đông Phi Châu
FAO Magazine CERES số 131/1991 qua bài viết của Tiến sĩ Trần Văn Đạt đã loan báo khắp hoàn vũ về lợi ích chiếc lò trấu Việt Nam nên nhiều nơi trồng lúa ở Phi châu đều biết, đặc biệt tại Tanzania và Madagascar. Giữa năm 1994, tôi đến hai xứ này để soạn thảo hai đề án lúa gạo của FAO (Riz Prospère) trong thời gian 3 tuần lễ. Rời phi trường Rome, hành lý của tôi gồm chiếc valise đựng quần áo nhẹ, máy PC và thùng gỗ đựng cái "Le Lotrau" chế tạo từ Tây Phi Châu.
Tại Nước Tanzania
Đến phi trường Dar Es Salaam, thủ phủ của nước Tanzania, viên chức hải quan muốn biết vật gì chứa bên trong thùng gỗ, tôi khai:
- A Vietnamese rice husk stove.
Viên chức nghe món đồ lạ mang vào xứ ông, có lẽ không phải xem để đánh thuế nhập cảng món hàng duy nhất nhưng muốn nhìn tận mắt đồ vật ra sao. Thùng gỗ được mở nắp. Xem qua thấy không thuộc hàng quốc cấm, ông hỏi tôi mang đến để làm gì. Tôi trả lời nửa đùa nửa thực chiếc lò này là quà tặng cho các bà xã trồng lúa của nước ông. Viên chức vui vẻ giúp tôi đóng nắp thùng.
Tanzania có đất đai rộng hơn Việt Nam ba lần, nhưng dân số chỉ bằng 1/3 số dân Việt. Tôi không đủ thì giờ đi thăm 5 vùng trồng lúa ở Mwanza, Shinyanga, Morogoro, Mbeya và Tabora. Sau khi gặp gỡ các giới chức liên hệ để trao đổi và thu thập đủ dữ kiện cho tôi viết đề án, tôi được dàn xếp đi phà qua đảo Zanzibar. Đảo này cùng với các hải đảo nhỏ khác như Pemba trước đây được đặt dưới sự bảo hộ của Anh quốc. Được độc lập năm 1963 và sát nhập vào Tanzania. Đảo có đất đai rộng 1,658 cây số vuông. Chiếc lò trấu Việt Nam được mang theo tôi lên phà qua hải đảo.
Trên sân của nhà máy xay lúa tại Bumbwi thuộc đảo Zanzibar, cán bộ khuyến nông tập họp một số bà nội trợ đến xem chiếc lò trấu đơn sơ. Trấu của nhà máy xay đưa vào lò, ấm nước đầy đặt phía trên. Mấy phút sau, nước sôi. Các bà vui mừng vỗ tay, quan sát kỹ lưỡng chiếc lò. Tôi chỉ nghe cán bộ khuyến nông và các bà hiện diện trò chuyện bằng tiếng bộ lạc của họ xen lẫn tiếng "The Lotrau" theo cách phát âm Anh Ngữ. Cán bộ khuyến nông cho các bà biết địa điểm chế tạo lò trấu theo khuôn mẫu của tài liệu FAO. Các bà ra về. Một giờ sau chiếc lò vừa đủ nguội để tôi mang qua phà trở lại thủ phủ Dar Es Salaam.
Tại Nước Madagascar
Tiếp tục hành trình đến Madagascar để viết đề án lúa gạo Riz Prospère như đã viết cho Tanzania. Chiếc lò trấu theo tôi đi quãng đường xa hơn, vì không có chuyến bay trực tiếp Dar Es Saalam đi Antananario, thủ đô nước Madagascar. Tôi phải đến thủ phủ Nairobi của nước Kenya ngủ lại đêm. Hôm sau đáp tàu đi Madagascar. Tại phi trường Antananario, tôi cũng trả lời với viên chức hải quan món hàng nằm trong thùng gỗ:
- Un foyer à balles de riz Vietnamien.
Ông cho qua nhanh chóng. Sau khi "check-in" vào khách sạn Grégoire, tôi đi tìm quán ăn Á châu (Restaurant Đoàn Văn Miêng) và hội họp liên miên.
Nước hải đảo Madagascar là cựu thuộc địa của Pháp, được trao trả độc lập năm 1960, có đất đai rộng gần gấp đôi Việt Nam, nhưng dân số chỉ bằng 1/7 số dân Việt. Khoảng 80% dân Malagasy là nông dân. Tài liệu khuyến nông được soạn thảo và in ấn bằng tiếng Malagasy. Sau mấy ngày làm việc tại thủ phủ Antananarivo thu thập đủ tài liệu viết đề án, tôi được dàn xếp đi thăm Antsirabe, nơi có nhiều dự án phát triển nông nghiệp tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ (NGO/ADRAI), cơ quan viện trợ Bĩ (AGCD), tổ chức Lutheran, UNDP/FAO, v.v... Chiếc "Le Lotrau" làm ở Tây Phi Châu có nguồn gốc Việt Nam xuất hành lần đầu tiên trên xứ hải đảo Madagascar theo tôi đến Antsirabe.
Buổi trình diễn thật ngoạn mục và vui nhộn. Một nhóm các bà nông dân Malagasy được mời đến xem chiếc lò như nhóm các bà ở đảo Zanzibar. Khi nước trong ấm sôi, họ vỗ tay. Các cô sinh viên da trắng xinh đẹp của đoàn tình nguyện Bĩ pha trà từ nước sôi trong ấm trên lò trấu, mang thêm bánh ngọt mua từ Âu châu ra khoảng đãi. Họ xin tôi để lại chiếc lò làm mẫu và nhờ cơ quan khuyến nông sắp xếp cho chế tạo tại chỗ nhiều chiếc lò tương tự. Tôi chỉ đưa cho họ chi tiết kỹ thuật (technical note) do các chuyên gia FAO, IRRI (Viện Khảo Cứu Lúa Gạo Quốc Tế ở Los Banos, Phi Luật Tân), IERA (Institut d’Études et de Recherches Agricoles, Burkina Faso) biên soạn. Vì tôi đã có dự tính để lại chiếc lò trấu này cho một người khác trước khi từ giã Madagascar.
Người Nhận Chiếc Lò Trấu Việt Nam tại Madagascar
Linh mục De Laulanié thuộc giáo phận Antananarivo có thú tiêu khiển rất khoa học. Ngoài việc chăn chiên, linh mục dành thì giờ còn lại nghiên cứu kỹ về lý thuyết đâm chồi (tillering) của cây lúa. Linh mục viết trên một bản thảo dày về kết quả cuộc nghiên cứu này, sẵn sàng cho xuất bản. Linh mục muốn chuyên gia ở FAO cho ý kiến và sau đó FAO cho xuất bản. Vị Đại diện FAO ở Madagascar muốn sắp xếp một buổi hội luận giữa tôi và linh mục vào ngày cuối của chuyến công tác của tôi ở Madagascar.
Qua vài câu xã giao thăm hỏi tại phòng họp của FAO/Antananarivo, Linh mục De Laulanié trình bày một cách say mê theo từng trang trên bản thảo suốt một giờ về kết quả việc nghiên cứu. Thỉnh thoảng tôi nêu vài câu hỏi để được diễn giãi rõ hơn. Linh mục được sự góp ý và biểu đồng tình của tôi, kéo dài buổi hội luận hơn hai giờ. Tôi bàn thêm về phương thức khảo cứu lúa gạo của thế hệ khoa học gia trẻ về lai giống theo sau lớp đàn anh thuộc thời kỳ bắt đầu cuộc cách mạng xanh (Green Revolution). Tôi nói qua về cây lúa Siêu Năng Xuất chỉ có từ 6-10 chồi, không như các giống hiện tại có từ 20-25 chồi. Linh mục thấy cần xét lại phương thức mới, nên không còn đề cập việc xuất bản tài liệu có trong tay, rồi đưa lời kết chấm dứt buổi hội luận chỉ có hai người:
- Ta đợi giống Lúa Siêu Năng mới phóng thích để tiếp tục thú tiêu khiển của ta.
Ra khỏi phòng họp, mọi người của văn phòng đại diện FAO đã đi ăn trưa. Tôi cho biết có mang chiếc lò trấu còn giữ ở khách sạn Grégoire. Linh mục nói đã đọc qua CERES, muốn có chiếc lò làm mẫu cho xưởng thủ công nghệ thuộc giáo phận chế tạo thêm đáp ứng theo nhu cầu. Linh mục bảo tôi cùng lên xe cho linh mục lái về khách sạn.
Sau khi chiếc lò trấu đặt vào ngăn phía sau xe, linh mục chúc lành tôi trở lại Châu Âu bình an. Chưa rời khỏi Madagascar, đã có ngay một cảm giác lâng khó tả trong tôi với cơ duyên gặp gỡ con người chỉ sống với thượng đế, làm việc cho tha nhân, đam mê tìm hiểu về cây lúa, một trong các nguồn cung cấp thực phẩm căn bản lớn nhứt của nhân loại.
Phạm Thanh Khâm
Viết tại Kabul ngày thứ sáu 12/08/2005
|