28/11/2013
Phần I
Lúc nhỏ, có một lần tôi theo bà chị cả đi coi bói. Cùng mang nỗi lo lắng, thắc mắc về tương lai chồng con như bao cô gái vừa sang tuổi trưởng thành khác, nên bà chị tôi chỉ muốn coi bói để biết trước chuyện tình duyên gia đạo ra sao thôi. Còn tôi lúc ấy chỉ biết ăn học (mà ăn nhiều hơn học) thì có gì mà cần coi. Nhưng khi xem cho chị tôi xong ông thầy bói nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi phán một câu: “Con nhỏ này nữa cao số lắm à nghen.” Mèn ơi! Phải chi ổng nói tôi số cao thì không chừng tôi đã vượt qua khỏi một thước rưỡi rồi chứ đâu lại cứ lùn tịt lùn tè, lạch bạch như con vịt đẹt mãi như bây giờ. Còn cái chuyện “cao số” thì nghiệm cũng… hơi đung đúng. Mà cao số đi…“ăn chực” thì chính xác hơn. Chứ còn cái số giàu sang phú quí của tôi thì cứ cầm chắc như là “bù”, mà cầm “bù” như là chắc rồi.
Tôi, dân miền tây chánh cống, cái xứ mà khi “nước sông dâng cao cá lội từng bày” thấy mà mê vậy đó. Ra trường rồi tôi bỗng như con chim chán cái lồng đã cưu mang mình bấy lâu nay, nên muốn sổ lồng bay bổng một bước vừa xa vừa cao. Thế là tôi rắp tâm thực hiện bước phiêu lưu đầu tiên trong đời mình. Rồi tôi đi lăng quăng thế quái nào mà bị sông nước Tiền giang và Hậu giang đẩy đưa, lùa dạt tôi trôi đến sông Sài gòn. Sau hết trấp vào nhánh nhỏ của nó là con sông Búng chảy ngang qua Lái Thiêu và tỉnh Bình Dương. Đây là vùng đất trù phú, đầy ắp trái ngọt cây lành. Ăn trái cây hoa quả hả hê rồi, nhưng mỗi khi nhìn sông nước trong veo vẻo ở đây, tôi vẫn nhớ về những con sông dài nước lớn đậm màu phù sa với cá tôm dư thừa của niềm Tây mà nghe như có tiếng sóng dào dạt trong lòng.
Rồi tôi nhận một chân dạy học cho trường Trung học NLSBD. Trường này mới được thành lập chưa lâu lắm, nằm dựa ven quốc lộ 13 dọc theo đường từ chợ Búng chừng 1 km về hướng Bình Dương và cách Sài Gòn không xa. Những ngày tháng đi dạy tại đây chính là bước khởi đầu cho cuộc đời cao số đi ăn chực của tôi. Giáo chức ở đây, một số là người gốc BD thì ở tại tỉnh, còn phần đông ở Sài gòn hay các nơi khác và thường đeo xe đò đi về mỗi ngày. Hoặc có người tá túc đỡ nhà bạn bè, đồng nghiệp hai hay ba hôm, khi dạy đủ số giờ trong tuần thì mới về. Nhóm giáo chức nữ thường xuyên bám trụ lại BD vào những ngày phải lên trường gồm có cô Nguyễn Nguyệt Yến, Cô Trần Thị Nữ, Cô Loan… và tôi. Cư dân - hoặc trở thành cư dân BD - như Cô Vàng, thầy Lung và cô Hương..v..v... Kể cũng thật tội, vì chính những cư dân này đã phải chịu đựng và cưu mang nặng gánh bởi nhóm du mục nay trấp đầu này mai trấp đầu nọ như tụi tôi. Nhất là vào những dịp cúng giỗ trong năm. Thường thì chỉ một người trong bọn biết vì được mời thôi, rồi người này rỉ tai người kia, cứ kế tiếp như vậy và dặn dò đừng cho ai hay. Kết cục đến hôm giỗ bảo đảm thế nào cũng hiện diện đủ mặt bá quan văn võ. Tôi bị lôi cuốn một cách dễ dàng vào cuộc chơi làm “khách không mời mà tới” này. Lúc đầu tôi cũng cảm thấy hơi áy náy, ngại ngùng. Sau thấy mọi người cứ tỉnh bơ và vui vẻ cả làng nên tôi cũng bị lây bịnh truyền nhiễm “trây trúa” mà quen đi. Nhất là những lần dự đám giỗ “cọp” ở nhà cô Vàng. Mọi người hả hê, thích thú một cách “quái ác” khi thấy cô ngạc nhiên, chới với vì bất ngờ. Cô phân bua: “Trời đất! Tui đâu có đủ thức ăn cho đông người như vậy đâu.” Đám người đi ăn giỗ “cọp” chỉ biết đưa mặt mốc ra cười khè khè. Vậy mà rồi chủ nhà vẫn xoay sở đủ thức ăn và lần nào cả nhóm cũng vui chí chết, vui hết ý hết tình và hết… nói luôn.
Hình chụp tại trại tị nạn Songkla tháng Giêng 1980. Từ phải sang trái: Hương, Lung, Thu, Thành (em Thu). Bé Lu và Linh ở phía trước
Cuộc vui cứ tiếp tục xoay vần. Ngay sau năm 75, tất cả đều rơi vào tình trạng khó khăn, eo hẹp về mọi phương diện. Vậy mà những gia chủ này cũng đâu có chừa tật kêu réo, rủ rê nhau mỗi khi kiếm được món ăn gì khấm khá hơn mấy món trường kỳ kháng chiến như khổ qua đèo hay măng luộc (còn gọi là vạc giường) chấm mắm nêm muôn năm. Có lần cô Vàng lật mấy cái lu, hũ, khạp chứa thức ăn cho heo để quanh vườn, cô bắt được một mớ cóc đen sần sùi trông phát kiếp. Rồi cô nấu một nồi cháo cóc to tướng như nồi cháo heo của bà Sáu (mẹ chồng chị Vàng) và hú cả bọn đến ăn. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối tôi ăn thịt cóc. Tôi đã thưởng thức tận tình và còn nhớ mãi cái hương vị thơm ngọt đậm đà của thịt cóc ướp bằng tình bằng hữu ấm nồng. Thấm thía cái hạnh phúc tuyệt vời của tình đồng nghiệp đã chia sẻ và cưu mang lẫn nhau trong lúc hưng thịnh cũng như bần cùng. Lần khác cô Vàng hoạnh tài hay sao đó mà cao hứng mua mấy trăm gram thịt bò về, bằm nhỏ và xào chung với một rổ củ sắn non thái sợi. Cả bọn lại được hú đến để vừa cuốn bánh tráng với củ sắn xào thịt bò vừa đùa ghẹo nhau thật vui nhộn dù trong lòng vẫn luôn mang khối đá nặng nề về một tương lai đen tối của ngày mai. Từ nơi bạn bè, tôi tìm thấy ngoài niềm vui còn là niềm an ủi lúc thăng trầm.
Phạm vi đi ăn chực của tôi càng ngày càng nới rộng thêm ra và lấn sang đến cả nhà anh Lung và chị Hương. Tôi đi ăn quen tới độ nhớ vanh vách bộ nồi niêu đắt giá của chị Hương được đánh bóng sáng ngời và treo chỗ nào trên vách bếp. Còn bộ xoang chảo để nấu nướng hàng ngày của chị thì tha hồ ai muốn sử dụng ra sao cũng được, không cần phải lo chùi rửa kỳ cọ cho hết lọ nghẹ.
Một hôm xuống trường dạy tôi nhận được tin nhắn mới: “Ê, bữa nay Tư Lung đi Sài Gòn về mua được cá thương nghiệp. Chiều nay ghé ăn cá hấp nghe.” Tôi hỏi vặn: “Cá gì?”. “Thì là cá… Xạo”. Tưởng lời nói đùa. Nhè đâu mọi người kéo nhau đi thật. Chẳng biết ất giáp ra sao nhưng tôi cũng cứ đi đại. Cái màn này nay tôi đã quen lắm rồi.
Kể cũng lạ, nếu ai có ở vùng biển chắc sẽ biết loài cá có tên là cá Xạo mà chẳng thấy nó xạo chút nào. Thịt cá tuy hơi cứng và không ngon lắm, nhưng đang lúc mà tiền lương tháng của mọi người không đủ để mua gạo, mắm nuối, củi lửa cho nửa tháng nữa thì có thoảng một chút mùi cá mùi thịt trong mâm cơm là quý rồi huống hồ nay lại được ăn cá hấp cuốn bánh tráng. Vâng, ngày hôm đó ở nhà anh chị Lung Hương chúng tôi ăn cá thật chứ không xạo chút nào. Chủ nhà chiêu đãi rất thật lòng. Còn người đi ăn chực thì ăn càng thật bụng hơn. Tôi thường nói đùa trong những trường hơp như thế này là “chủ nhà có lòng thì mình có bụng” (mà là bụng chứa chứ không phải tốt bụng đâu nha). Quả thật một miếng khi đói to bằng mấy gói khi no. Dẫu hôm nay có ai đãi tôi cả một con cá Sturgeon tôi cũng không thấy quý và ngon bằng mấy miếng cá Xạo ngày ấy.
Tôi nhớ nhất là lần đi ăn chực bánh xèo do thân mẫu anh Lung làm. Cụ đứng bếp đổ bánh xèo cho cả đám chúng tôi ăn không ngừng tay và cũng không cho ai thế chỗ của mình. Bánh xèo của cụ vừa dòn, mỏng, màu vàng óng ả và được gập đôi lại trông rất xinh xắn và khéo léo. Vỏ ngoài của chiếc bánh là bột gạo xay nhuyễn pha nghệ vàng tươi, lác đác vài khúc hành lá xanh mướt thái mịn. Điểm tô lơ thơ mấy miếng thịt ba rọi, dăm ba lát hành củ hơi cháy xém và vài con tôm đỏ thắm làm dáng, trông vừa đẹp mắt vừa hấp dẫn, khiêu khích. Bên trong là giá và đậu xanh. Rìa bánh rất mỏng, dòn rụm và thường bị cháy xém thành mầu nâu đậm nên tỏa mùi thơm lừng quyện với mùi nước nắm chanh tỏi ớt, chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn và cay cay làm cho nước miếng cứ tươm ra. Rồi thì lấy một lá cải bẹ xanh, bỏ thêm đọt mọt, lá lụa, rau thơm, dấp cá, dưa leo thái mỏng, sau cùng rứt một mảng bánh xèo cùng với nhân còn nóng hổi và rìa dòn tan bỏ vào giữa đám rau hỗn hợp kia rồi cuộn lại. Giây phút chờ đợi đã đến: chấm cái gói vừa xanh vừa vàng lại thơm nồng nàn vào chén nước nắm có vài cọng cà rốt củ cải chua và đưa vào miệng. Thế là quên trời, quên đất, quên cả chuyện đời lẫn chuyện mình. Vì ngon tuyệt, ngon tột cùng. Chúng tôi ăn mê mẫn và mải nói chuyện tào lao đến nỗi chẳng ai quan tâm đến cụ già đứng đổ bánh xèo liên tục giữa trưa nắng oi bức, mồ hôi đổ như tắm. Sau cùng cụ tự xoay sở cho mình một chén nước nắm với sàng rau nho nhỏ, rồi cụ cứ tiếp tục vừa đổ bánh vừa ăn. Ôi thật là tội lỗi cho lũ trẻ mê ăn. Tuy cụ không còn trên thế gian nữa, nhưng cũng xin gửi đến cụ ngàn lời tạ lỗi và lời cảm ơn tấm lòng rộng rãi cụ đã đãi ngộ chúng tôi trong những ngày đói rách lang thang.
Tôi theo đám “bè” đồng nghiệp ở trường NLSBD đi ăn chực nhiều lần thì nghiệm thấy rằng đa số họ đều xuất thân từ NLSBL. Đều cư xử với nhau như anh em một nhà. Đều thiệt tình hơn cả thiệt tình nữa. Từ đó tôi nhập bè với nhóm này. Từ đó cái số “ăn chực” của tôi càng cao và càng xa hơn cho đến ngày rời bỏ quê hương.
Còn tiếp