Phần 5
Kính thưa quý Thầy và các bạn,
Trước hết tôi xin tiếp tục cái subject là ...phần 5, và mỗi bài tiếp theo là phần 6, phần 7...để tiện theo dỏi.
Xin cảm ơn Ô-Chuông, Tấn Nam và Dương Minh đã xác minh một số thông tin, tôi sẽ sửa lại bài viết làm tư liệu.
Có một điều tôi cũng xin muốn nói, với riêng tôi, không hiểu sao cái “tình nông nghiệp” nó lại thật đậm đà, không chỉ hạn hẹp trong phạm vi Cao đẳng NNCần thơ, mà còn cả NLS Sài gòn, Bảo Lộc và Trung học NLS Cần thơ. Có lẽ vào thời đó, ngành nông nghiệp chỉ có 4 trường lớn có truyền thống, 2 đại học và 2 trung học ở miền Nam. Rất nhiều sv CĐNN lại xuất thân từ trung học NLS B’lao và Cần thơ và Thầy học thì hầu hết cũng xuất thân từ những trường này. Cho nên, từ lâu tôi vẫn cảm nhận có mối tình thân ái nào đó với các nơi trên, và xem tất cả như anh em một nhà. Vì vậy trong bài viết tôi cũng trân trọng cả những Thầy, bạn bè quen hay không quen thuộc ngành nông nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị các bạn đồng môn nên xem trang web trung học NLS Cần thơ, nơi có những bài viết của một số đồng nghiệp cùng những bài chuyên môn cao của các Thầy Trần Đăng Hồng, Nguyễn Thượng Chánh, Tôn Thất Trình...theo đường dẫn sau :
( Các bài nầy được đăng ở Quyển- 4)
Nay xin tiếp tục "Về thăm trường cũ", phần 5.
Cẩn thận, tỉ mỉ và “réc-lô” có lẽ là bản tính của các Thầy di truyền (ngoại trừ Ô-Chuông, nhất là lúc đã nhậu quỷnh cà ná), điều đó thật dễ hiểu bởi phải làm việc với những đối tượng nhỏ như…hạt phấn hoa. Cho nên Thầy Nguyễn Hữu Quyền cũng thế. Với Thầy, luôn có một chuẩn mực xứng tầm. Phòng làm việc ngoài “buya-rô” to bự, các tủ hồ sơ, kệ sách…còn phải có bộ salon tiếp khách. Sự ngăn nắp của Thầy là cái gương mà sinh viên nên học (nói thế nhưng đến giờ tôi vẫn chưa học được chút nào, cứ lùi xùi, bụi bặm!), một lần, anh Chúc (hay Trúc?), tốt nghiệp Bsc. ở Tân Tây Lan, vào phòng, Thầy Quyền nói chính xác anh ấy tên họ gì, ngồi bàn số mấy, khi còn học Trung học NLS B’lao, rồi lặng lẽ bước đến tủ hồ sơ lấy ra bản sơ đồ lớp, đưa anh Trúc, anh ta trợn con mắt thiếu điều muốn …lòi tròng kính cận! Chị Liểu, vợ Hà Thế Tạo cũng được Thầy Quyền nhận diện là học trò cũ nls Bảo Lộc.
Một lần khác, vì các xe con không có ở nhà, văn phòng khoa bố trí chiếc pick-up màu cỏ úa của nông trại, rước Thầy qua khu 2 dạy. Vừa thấy xe tới, Thầy nói “tôi đi bằng chiếc xe bắt heo này à?” Rồi quay trở lại phòng, dĩ nhiên phải tìm một xe “đúng chuẩn” thay thế.
Thầy Quyền trong một buổi seminar.
Thầy Thiện, Thầy Xuân, Thầy Ohta Thầy Quyền
Trong buổi báo cáo luận trình tốt nghiệp(Khóa 3), tại giảng đường cạnh phòng Di truyền.
Khóa 1 không học Thầy Quyền 1 giờ nào, nhưng chúng tôi vẫn gọi là Thầy bởi kính trọng kiến thức và tinh thần trách nhiệm của một người làm khoa học chân chính. Với tôi, việc “đòi hỏi” của Thầy không có gì là quá đáng, bởi chẳng qua Thầy muốn mọi sự đều phải “cư xử” đúng với cái giá trị hợp lý của nó. Đòi hỏi người khác nghiêm túc với mình, nhưng tôi thấy Thầy cũng cư xử đúng mực với những người khác, cũng như cho chính bản thân Thầy. Trong chuyến hướng dẫn sv khóa 3 (Khóa của Dương Minh, Kim Nguyệt, Lễ…) đi du sát miền Trung và cao nguyên. Mỗi sáng sau khi xe lăn bánh để bắt đầu một đoạn đường mới, Thầy lặng lẽ lấy trong cái túi nhỏ mang theo: 2 hột gà luộc, 2 trái chuối nấu và chai nước lọc. Đó là bửa điểm tâm đơn giản của Thầy Nguyễn Hữu Quyền mà tôi biết.
Thầy Quyền(cạnh Đ.N.Kính),Thầy Vũ,Thầy Nhiều,Thầy Thưởng,Thầy Quấc và “thầy”Minh, hướng dẫn sv K3 du sát miền Trung.
Có một thứ ngộ nghỉnh mà có lẽ giờ này nhiều người không còn nhớ. Đó là chiếc “kiệu” Thầy đặt hàng cho tổ mộc làm, không ghế ngồi, chỉ có nóc mái bên trên, dùng để che nắng khi ra giữa đồng lúa ngồi lai giống. Kiệu được 2 người khiêng ra chỗ buội lúa cần thực hiện việc thụ phấn, Thầy nói: làm công việc tỉ mẩn này, mình phải trong tình trạng dễ chịu, để thao tác chính xác, đạt được kết quả trung thực.
Vâng, “chính xác” và “trung thực” là 2 đức tính thể hiện rất rõ nơi Thầy Quyền. Làm khoa học mà không chính xác thì hỏng, báo cáo khoa học mà thiếu trung thực thì chỉ là thứ bỏ đi. Tiếc rằng ngày nay, xã hội đang ngập tràn dối trá, kể cả trong giáo dục. Bên cạnh hệ thống đào tạo chính qui, nghiêm túc, còn có loại đào tạo “bổ túc một năm 2, 3 lớp”, loại “chuyên tu” mà một số chính quyền của vài địa phương không chấp nhận tuyển dụng. Đó là sự gian lận, giáo dục mà gian lận chắc chắn sẽ tạo ra những con người dối trá, tham nhũng cũng là một dạng dối trá, là tệ nạn khủng khiếp có thể làm đất nước lâm nguy!
Nghe nói Thầy Quyền có trở về trường cũ và Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (lúc Tiến sĩ Phạm Ngọc Liểu là Viện phó), làm việc một thời gian ngắn.
Giảng đường N cũng là nơi sinh viên Nông nghiệp tiếp xúc với các Thầy như:
· Thầy Lưu Trọng Hiếu (Sinh hóa), ăn nói thật nhỏ nhẹ, như vóc hình của Thầy, thật dễ thương và đáng nể phục cái sự nhớ …các công thức khai triển của mấy hóa chất sinh học; các công thức này là nỗi ám ảnh của các sv nông nghiệp khi thi môn sinh hóa, gồm rất nhiều câu, mỗi câu chỉ làm trong vòng vài 3 phút, đổ mồ hôi hột, thằng nào đậu môn sinh hóa của Thầy Hiếu mà có chữ KH là mừng như …xỉu mà tỉnh lại!
· Thầy Bùi văn Trợ (Dinh dưỡng gia súc), thường khoe rằng mình thường đi làm bằng chiếc mobylette 2 cọng rất bèo; nhưng có chiếc xe “sang trọng nhất Sài gòn hồi đó. Thầy này rất tự nhiên …gảy!
· Thầy Lê văng Đằng (ngư), “ở indo (Indonesia) người ta nuôi cá trong bè còn Thái Lan thì nuôi cá ở trong…chu..uồ..ồ..n, thầy hạ thấp giọng và kéo dài chữ chuồn nghe nghe rất ư là …giựt thịt!
· Cô Thanh Tuyền (Xã hội học) cô này đặc biệt hút thuốc con mèo Craven A hộp nhỏ, trước khi bước vào lớp là vất ngay hơn nửa điếu còn lại, rất ư là lịch sự, nhưng không kém phần hơi …phí, Nguyễn Hoàng Trãi tiếc hùi hụi, nhưng lở ghiền Capstan nên không chơi “dế nhũi” con mèo!
· Thầy Nguyễn Đăng Long thì dạy bệnh cây.
· Thầy Bùi Hữu Dũng thì dạy fluid mechanic với những công thức Bernoulli với những lý thuyết về dòng chảy…mà dân nông nghiệp, thú thật chỉ học cho biết với thiên hạ và khoe với mấy thằng bạn Công chánh, rằng mình học cùng Thầy!
· Thầy Trần văn Thu dạy trắc đạc, không hề đội nón, mà dùng chiếc khăn tay, gút 4 góc, đội lên đầu, theo sát học trò hướng dẫn sử dụng theodolite, đo góc tọa “độ” để vẻ bản đồ. “Thầy” Tôn Thọ Tế là đệ tử chân truyền, nên sau này vào đầu quân dưới trướng Thầy Nguyễn Phú Thiện (Ban Công Thôn), dạy môn trắc đạc, chuyên xách máy đo đi dạy học trò, đôi khi không nhắm vào cây “mia” mà nhăm mây em nữ sinh viên khoa khác, học trò còn gọi là Thầy Tế “độ”!
· Thầy Nguyễn Kim Môn, dạy khí tượng học, trên thông thiên văn, dưới rành địa lý, dạy cách coi mây, đoán mưa nắng, để làm ruộng. Sau này khi thất nghiệp, tui có lên cầu Nhị Thiên Đường, định tham gia cá mưa nắng với mấy ông Tàu Chợ lớn kiếm cơm độ nhựt. Nhưng trong tinh thần cảnh giác, kèm với vốn hiểu biết về xác xuất thống kê (Thầy Nguyễn Thanh Tùng dạy), tôi dự đoán theo lý thuyết của Thầy Kim Môn, rồi ghi thử vào giấy, chờ xem kết quả. Toàn là …trật lất! Thật ra không phải Thầy dạy sai, mà dự đoán của Thầy áp dụng cho tiên đoán 24 giờ sắp tới, hay lâu hơn, để nông dân lo thời vụ, đàng này dân cá độ “mưa, nắng” chỉ tiên đoán trong vòng vài chục phút, hay vài giờ; buổi sáng hoặc buổi chiều, trời mưa hay nắng…May mà tui còn tỉnh trí, nếu cứ ỷ mình có một “bụng” thiên văn thì chắc là thua sặc gạch!
· Sau này, Trương Cu Mồi thấy môn này thích hợp, nên xin Thầy Thiện dạy “Khí Tượng” thế Thầy Kim Môn. Theo Trường, chuyện trên trời có nói sai cũng chẳng ai trách, cứ tiên đoán : “ngày có thể mưa(hay không), nhưng đêm thì không nắng” chắc mẽm trúng 50%!
KS Mong Phước Minh