.
  Xúc cảm một chuyến đi
 
15/12/2013




Chuyên gia  Phạm Thanh Khâm

Tuần lễ cuối của chuyến đi công tác bao giờ cũng bận rộn vì vừa phải viết cho xong tập phúc trình công tác vừa hội họp liên miên. Buổi chiều còn dự đám ăn chia tay với đồng nghiệp. Điều đặc biệt, trong chuyến đi này tôi được dịp dừng chân hai ngày nghỉ ngơi ở Paris trước khi về nhà ở Houston. Trước hết tôi nói về những điều xảy ra chung quanh tôi khi thiếu điện trong sáu tuần lễ công tác ở đất nước nhỏ bé vùng Tây Phi Châu.

         Ở Mỹ hay các xứ kỹ nghệ, nếu mất điện một giờ là cả xáo trộn lớn, làm tê liệt mọi hoạt động hàng ngày từ công tư sở, hãng xưởng công kỹ nghệ, ngân hàng, hàng quán, đến giao thông, bịnh xá, vv và vv… Ở xứ nghèo có chiến tranh như Liberia, không có điện hay thiếu điện là chuyện xảy ra hàng ngày. Thích nghi với cách làm việc thiếu điện là một trong những hardship. Điện bị cúp không có báo trước. Nếu tôi đang viết trên cái lap top, save ngay. Đi lòng vòng nói chuyện vui với đồng nghiệp như được viết ở phần cuối bài tạp ghi này. Thấy chiều hướng không có điện đến cuối ngày, lên xe về khách sạn tiếp tục viết hay vào bar uống giải khát. Tôi lúc nào cũng mang theo cái máy ảnh digital. Lúc rảnh rỗi bất đắc dĩ này là dịp tôi ghi lại những tình huống bất chợt gặp phải. Ảnh dưới minh họa cách làm việc không có điện.

 

Nữ Trưởng Phòng Kiểm Dịch Beatrice S. Bowman Bộ Canh Nông Liberia làm việc trong giờ cúp điện và tôi. Ảnh chụp ngày 30/4/2009.

          Cơ sở làm ăn nào cũng có máy phát điện riêng, nên thực phẩm mua ở những nơi này có phần an toàn hơn. Thịt cá tươi mua ngoài phố không bảo đảm phẩm chất tươi, vì sau 4 giờ không có nơi cất giữ thích nghi, bịnh do nhiễm độc xảy ra kinh niên, chưa kể thịt rừng treo bán ở dọc đường, vừa ruồi nhặng vừa có thể thịt của các loài mang bịnh. Nhưng khi thiếu lương thực người ta không còn nhiều lựa chọn. Trong một buổi hội thảo do UNICEF trình bày mức độ thiếu thực phẩm ở Liberia, tôi thấy một điều khá ngộ nghĩnh ngoài những con số thống kê bi quan đo lường sự thiếu ăn của từng lứa tuổi, bé gái được cho ăn nhiều hơn bé trai. Hỏi lý do, thuyết trình viên không đưa ra lời giải đáp thỏa đáng. Tôi có đưa lời bàn là việc làm survey này cần gồm khía cạnh phong tục tập quán, tôi dẫn chứng dân quê Trung quốc thích sinh con trai hơn con gái. Vậy theo kết quả nghiên cứu có chắc bé gái ở đây được ưu đãi hơn hoặc phương pháp làm survey còn nhiều sai số. Vì người ta còn lo giải quyết cái đói cái nghèo, chưa có ngày giờ tìm hiểu văn học nghệ thuật. Viết đến đây, tôi thấy website ninh-hoa của một quận lỵ nhỏ bé có đồng hương và thân hữu đã tiếp tay với anh Thành đóng góp nhiều nét văn hóa nghệ thuật khích lệ.

         Đã nghỉ hưu trí gần một năm rưỡi nay. Việc đi làm xa của tôi mang sắc thái một chuyên gia “free lance”. Điều đáng kể cho tôi là ở vào tuổi cao niên, tôi có may mắn còn khỏe mạnh để qua được các cuộc khám nghiệm trước ngày lên đường và đầu óc còn bén nhạy để hoàn thành công tác chuyên môn được giao phó. Tôi có người bạn vừa đồng hương vừa đồng nghiệp cũ, trong lần gặp nhau gần đây, anh than với tôi là mới đem quăng ba ấm nước vào thùng rác, vì khi nấu nước quên tắt lò điện. Phần tôi, còn được tiếp tục bao lâu nữa? Làm sao biết được những ngày tới. Có điều chắc là bà xã và các con tôi không muốn tôi đi Phi Châu làm việc với nhiều hardship nữa, nên tuy còn 10 ngày trước khi lấy vé máy bay trở về nhà, tôi có hai câu thơ nói về tâm trạng của người đi làm việc phiêu lưu ở phương xa:

 Trời Phi một thuở phiêu bồng;

 Ba mươi năm lẻ trở về không.

         Một bạn trẻ khác chưa bao giờ đến lục địa đen hỏi những điều thực tiễn như ăn uống thì sao? Tôi đã phải trả lời như sau: chắc chắn không có cơm chỉ hay phở nạm gầu tái sách. Các khách sạn đều có đầu bếp thiện nghệ. Nước suối trong chai có khằn làm chuẩn thì không lo bị Tào Tháo đuổi. Đi công tác vào nội địa thì sao? Không có khách sạn nhưng nhà vãng lai của các NGO phần lớn có internet liên lạc với thế giới bên ngoài. Dọc đường cần thải chất dư thừa trong người ? Trời đất rộng thênh thang tha hồ ở vị thế nào cũng được. Chỉ bất tiện cho nữ đồng nghiệp phải tìm một chỗ khuất trong khoảng trời đất mênh mông này! Cái cell phone cá nhân phải nhớ cho charge điện thường xuyên để phòng thân khi hữu sự. Tuy không có người ôm bom chờ sẵn ở đâu đó, càng ít đi bộ lòng vòng càng ít gặp quấy nhiễu. Nước này chỉ nhận cash. Travelers cheques, credit cards bỏ vào valise mang về nhà. Mang một cọc cash chỉ mang họa vào thân. Trả trước tiền phòng 6 tuần cho chắc ăn.

         Trong chuyến đi này tôi được hai ký giả của hai cơ quan truyền thông Hoa Kỳ trao đổi quan điểm và nhận xét dưới cái nhìn của một chuyên gia nông nghiệp. Một ký giả của Inter Press Service hỏi về nền nông nghiệp của Liberia sẽ ra sao trong nhiều năm tới. Điều này liên hệ đến công việc của tôi làm trong hai chuyến công tác, nên số liệu và dẫn chứng rõ rệt. Một ký giả khác của đài VOA trao đổi với tôi về nét tổng quát khi đến làm phóng sự các hoạt động nông nghiệp của một quốc gia. Bạn lấy Việt Nam chẳng hạn, ký giả phải tìm hiểu những khía cạnh nào. Tôi nói những năm gần đây tôi chưa về Việt Nam nên không có số liệu cập nhựt (updated statistics), nhưng suốt 45 năm tôi làm việc liên tục trong lãnh vực phát triển nông nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau. Tôi đã nêu những nét chung như sau.

         Sản xuất nông nghiệp dựa theo từng vùng sinh thái. Nên cần xem trước chính sách nông nghiệp (agriculture policy) của quốc gia đó từ an toàn lương thực, mức độ nhập cảng hay xuất cảng để kiếm ngoại tệ v.v. Kế đến xem các nông sản phẩm sản xuất ra từng vùng sinh thái có thực sự mang nhiều lợi nhuận cho người sản xuất hay không, khoảng bao nhiêu phần trăm. Ví dụ ở vùng Thượng Lào, sản phẩm bán ra, người sản xuất chỉ nhận được 16% lợi nhuận (quá thấp). Các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp (agricultural support services) có hiệu quả ra sao, có bắt kịp các nước tiến bộ lân bang. Lợi tức thu nhập có đủ để giữ họ tiếp tục sản xuất và mức độ thiếu việc làm ở từng vùng sinh thái. Có dự trù nào phải di dân đến vùng sinh thái khác hay huấn nghệ thành tay nghề cho những công việc khác. Có đưa ra mô hình về một viễn ảnh sản xuất (production scale), v.v. Nói chung việc phát triển nông nghiệp là một bài toán matrix chằng chịt rất nhiều issues liên hệ với nhau.

         Lúc bị cúp điện, tôi phải rời bàn viết vì phòng làm việc của tôi kín mít, tôi thường đùa đó là cái tiềm thủy đỉnh (submarine). Máy lạnh không chạy chỉ có ngộp thở. Thứ Trưởng Canh Nông James Logan cũng ra cửa tìm chỗ thoáng. Ông có tiếng nói tiếng cười rất lớn, nên mọi người dễ nhận ra khi ông có mặt. Ông để ý tôi ngoài cái vòng dây đeo cổ mang cái stick chứa các files phòng hữu sự bị mất cái lap top, thường có passport mang theo trong người. Ông hỏi tôi sao có thói quen mang theo canh cánh cái passport như vậy. Tôi lại kể sự tích bé cái lầm trong bài “Tạp Ghi Viễn Xứ”. Mọi người chung quanh tìm chỗ thoáng cùng nghe với ông cùng cười. Tôi nói với họ đời binh nghiệp riêng tư của tôi rất khiêm tốn, nhưng từ đó Ông thường gọi tôi là Colonel Khâm!

         Giã từ Monrovia ngày 11/5/2009, tôi có hai ảnh dưới đây thay ngàn lời viết.

 

Chị Nguyễn Thị Tri và tôi. Ảnh chụp tại Paris ngày 12/5/2009

         Tôi và Chị Nguyễn Thị Tri gặp nhau lần đầu tiên sau 54 năm tại Paris vào ngày 12/5/2009 nhờ Anh Thành gửi địa chỉ. Chúng tôi cảm động ứa lệ với diễm phúc thấy mình còn gặp được nhau. Ngày tháng cũ qua mau nhưng Chị nhớ rõ mọi chi tiết những năm tháng ở Trường Phạm Ngũ Lão, Trường Đức Trí.

 

 Chị Tri , Cháu ngọai Martine của Chị Tri và tôi. Ảnh chụp tại Franconville ngày 13/5/2009.

 

          Ngày hôm sau tôi được Chị mời về nhà ở Franconville ăn bữa cơm gia đình. Trời Paris mưa phùn gợi nhớ nhiều kỷ niệm của lữ khách đang ly hương.

 

 

    Phạm Thanh Khâm

Viết tại Paris ngày mưa 13/5/2009 


 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693630 visitors (2231548 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free