CHUYỆN ĐƯỜNG XA
Chuyên gia Phạm Thanh Khâm
Bài tạp ghi kỳ này kể chuyện bên lề liên quan đến chuyến đi công tác thứ ba của tôi thăm viếng Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp Liberia tại địa danh có tên Gbarnga, ở Bong County để viết đề án tái thiết Viện.
Xe vừa đến ngã tư rẽ vào phi trường và ngang chợ “Red Light Market”, người tài xế báo động xe đang đi vào vùng nguy hiểm tương tự như phi công báo hành khách là máy bay sắp đi ngang tầng khí quyển không an toàn. Bất ngờ, một chiếc xe phía sau vì không kiểm soát tốc độ và có lẽ cái thắng hư sao đó húc mạnh vào xe của tôi. Ba đồng nghiệp trong xe và tôi bị chấn động mạnh. Người này hỏi thăm người kia. May mắn không ai bị gãy cổ hay thương tích. Tài xế có tên gọi dễ nhớ Bestman dặn dò chúng tôi ngồi yên trên xe để bạn lo mọi việc. Cảnh sát lưu thông tại ngã tư trong phút chốc có mặt tại hiện trường. Việc cảnh sát lập biên bản tai nạn xe cộ là việc làm thường tình nhưng sự có mặt của cảnh sát đã ngăn cản hàng trăm người bu lại xem tai nạn và xem mặt bốn hành khách ngồi yên trong xe.
Một giờ sau chiếc xe thứ hai đến do tài xế cũng có tên dễ nhớ David. Với sự có mặt của cảnh sát, bốn chúng tôi di chuyển qua chiếc xe do David lái. Ngoài biên bản của cảnh sát, anh Bestman cần giấy của nhân chứng, tôi thay mặt ba đồng nghiệp viết và ký tên vào tờ giấy này, từ giã anh tiếp tục chuyến đi. Ảnh sau đây là cảnh chợ “Red Light” chụp từ trong xe. Tôi hỏi sao chợ đặt tên là “Red Light Market”. Anh David cho biết là toàn khu phố này chỉ có một trụ đèn xanh đèn đỏ, nên trụ đèn duy nhất biến thành tên chợ. Tôi hỏi thêm sao chợ lại nổi tiếng nguy hiểm nhất ở Monrovia. Anh nói cướp giựt xảy ra hàng ngày, như buổi sáng nay đến sở làm anh thấy tận mắt cảnh giựt mấy gói đồ đội trên đầu của một bà đang vào chợ.
Đường đến chợ “Red Light”. Ảnh chụp từ trên xe ngày 17/7/2008
Bãi đậu xe Taxi tại chợ “Red Light”. Ảnh chụp từ trên xe ngày 17/7/2008
Phố chợ “Red Light” đang tái thiết. Ảnh chụp từ trên xe ngày 17/7/2008
Tiến sĩ J.Q. Subah, Tổng Giám Đốc Viện tiếp chúng tôi và hướng dẫn đi thăm cơ sở. Chúng tôi có một ngày phơi nắng đi thăm khuôn viên 760 mẫu tây. Kết thúc cuối ngày đưa một hình ảnh buồn sau nội chiến: cơ sở hạ tầng bị phá hủy, trang thiết bị bị đánh cắp, chuyên viên khảo cứu vừa bị giết vừa chạy lánh nạn nơi khác hoặc định cư ở nước ngoài. Tôi đã có đủ dữ kiện trình chính phủ chương trình tái thiết và phát triển cho Viện. Phần kỹ thuật rất khô khan không nằm trong phạm vi của một bài tạp ghi.
Từ trái sang phải: Beenwell Benda, J.Q. Subah, tôi, Djibrilla Madougou, Ingrid Mollard. Ảnh chụp ngày 17/7/2008.
Trên đường trở lại Monrovia, qua mỗi địa danh, anh David kể nhiều mẫu chuyện thương tâm đã xảy ra. Nào là phe đối lập đến cưỡng ép đàn bà có gia đình có con nhỏ phải bỏ nhà đi theo phe họ vừa làm nữ hộ lý vừa cầm súng chiến đấu, nào là trại huấn luyện lực lượng đặc biệt của cựu Tổng Thống Taylor tàn bạo ra sao, nào là cảnh giết chóc mổ bụng mổ tim các nạn nhân, v.v. và v.v. Chuyện này tôi nghe đã nhiều, nhưng lời nói chân thực nhất là anh thấy thời mạc vận của thế hệ của anh, thấy đất nước của anh xơ xác sau 150 năm từ ngày lập quốc khi anh chỉ các chiếc lều của cư dân dọc đường. Một người tài xế nói được những cảm nghĩ của mình như vậy tôi thấy không còn một tác phẩm nào nói hơn điều này.
Một ngày trước đi ngang phố ở “downtown” Monrovia, tôi thấy có chôm chôm bày bán bên lề đường. Hỏi một vài cư dân có biết trái lựu không, họ lắc đầu. Tôi chưa gặp nhóm chuyên gia lo về dự án cây ăn trái ở Liberia, nên không nói được trong tương lai gần sẽ có hay không có cây lựu trồng ở đây. Nhân chuyến viếng thăm Viên Khảo Cứu Nông Nghiệp ở Bong County, tôi có hỏi về cây lựu, cũng không ai biết. Vào website Ninh-Hoa.com, đọc được bài viết của tác giả Lê Phú Thọ, tôi nhớ chuyện vui về lựu nên đoạn viết sau đây để chào mừng y sĩ lão thành Lê Ánh đã góp thêm tên của mình vào danh sách Đồng Hương và Thân Hữu Ninh-Hòa.
Gần đây đọc trong tờ Newsweek thấy có một bài viết về lựu, nào là phòng được nhiều chứng bịnh tim gan phế thận, nào là văn hóa ẫm thực vùng Trung Đông đã dùng nhiều lựu từ thuở xa xưa. Vì không biết nhiều về đông y học hay tây y nên tôi chỉ đọc qua để nhớ vậy thôi. Sau đó có hai cặp vợ chồng bạn cố tri từ Dallas lái xe đến thăm chúng tôi ở Houston. Gặp mùa lựu, hai ông bạn ra chợ mang về nhà tôi gần chục trái. Vừa ngồi trò chuyện vừa lấy từng hột lựu cho vào miệng vừa ca ngợi nói ăn lựu rất tốt cho sức khỏe.
Tôi kể là khi ở Kabul, mỗi lần xe chạy ngang phố chợ tôi đều thấy nhiều chiếc xe đẩy có mặt bằng rộng chất đầy trái lựu để bán. Hình dáng trái lựu như ở bên nhà không bự như loại bày bán tại các chợ ở Mỹ. Hai ông bạn nói tôi ở trong hủ nếp mà không biết cho mua về ăn. Vào siêu thị lớn ở Houston cũng thấy có bán nước lựu cho vào chai bự. Như vậy lựu chắc phải có tác dụng gì, người ta mới đồn đãi và thương mại hóa. Tôi học và làm việc theo khoa học thực nghiệm nên điều gì cũng phải thử nghiệm trước. Khi nào chuyên viên về dinh dưỡng hay y sĩ như ông bạn cố tri bác sĩ Lê Ánh nói tôi mới chắc.
Từ ngày cùng rời trường Võ Tánh, tôi gặp lại Bác sĩ Lê Ánh sau hơn nửa thế kỷ trong bữa tiệc cưới của con gái anh tại một nhà hàng ở Houston. Từ đó chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau ở tiệm phở hay gọi điện thoại thăm hỏi nhau. Một lần nọ bà xã tôi trong lúc gọi điện thoại cho một chị bạn, bấm nhầm số của Bác sĩ Lê Ánh. Nghe giọng đàn ông trả lời điện thọai, bà xã tôi bán tín bán nghi hỏi cho chắc xem mình gọi đúng số muốn gọi. Bà xã tôi mở đầu:
- Xin cho tôi nói chuyện với Lan.
- Lan nào? Tôi là Ông Tư Hòn Khói.
Biết mình gọi lầm số, bà xã tôi vội vàng “sorry”! Sau đó bà xã hỏi tôi có nhớ ai là Ông Tư ở Hòn Khói. Tôi nói tôi chỉ nhớ Lê Ánh ở Hòn Khói. Đến lượt tôi phải tìm cho ra lẽ. Gọi ngay đúng số của anh Lê Ánh và tôi mở đầu:
- Chào Ông Tư Hòn Khói.
Anh bật cười:
- Chính ta.
Hai chúng tôi có những tràng cười vui vẻ. Anh kể những ngày hàn vi mài đũng quần ở nhà trường, đời bác sĩ trong quân đội từ miền cao nguyên đến ngày đi Mỹ. Tôi đã thoáng nghĩ có lẽ anh đã ghi lại ở đâu đó về cuộc đời của một bác sĩ thời loạn ly. Nay tôi sắp có dịp đọc được những hành trình của anh đi qua. Anh nói thêm là anh biết làm ruộng muối, ruộng lúa. Tôi nói ruộng lúa là nghề của tôi. Hãy để cho chuyên gia làm việc. Anh cười. Đó là đức tính ít nói của anh.
Bẵng đi một thời gian tôi phải đi làm việc ngoài đất nước Hoa Kỳ, không thường liên lạc với anh. Lần về nhà sau này, tôi có điện thọai thăm anh. Anh nói đang bị đau. Tôi nói đùa để anh vui là bác sĩ anh biết bịnh tình của mình và thuốc gì để chữa. Nhưng tôi có thể cho anh toa để mua thuốc theo toa của tôi. Anh cười. Tôi tiếp:
- Đây là toa thuốc gia truyền. Thầy thuốc giỏi chỉ cần cho một thứ thuốc là bịnh nhân có thể hồi phục.
Tôi tiếp tục hỏi thêm bịnh tình ra sao. Anh chỉ nói mình lớn tuổi rồi cái gì cũng có thể xảy ra. Tôi nói được rồi tôi cho toa qua điện thọai anh đi ra chợ mua cho tôi một lô trái lựu về ăn là khỏe ngay. Anh cười và không nói gì thêm. Giờ này tôi không rõ anh có nhớ toa thuốc gia truyền của tôi hay không.
Chuyện đi đường xa được tạm ngưng ở đây. Xin hẹn các bạn lần tới.
Viết tại Monrovia ngày nghỉ cuối tuần 19/7/2008
Phạm Thanh Khâm
|