.
  Cần phải bảo vệ Đất
 
05/01/2014  
 


 

Bảo vệ phẩm chất của đất rất cần thiết và quan trọng như bảo vệ nguồn nước uống và không khí chúng ta cần để thở. Bảo vệ đất còn là một vấn để thiết yếu hơn nữa vì từ đó hệ sinh thái của chúng ta được bảo tồn và nguồn lương thực được bảo đảm cho nhân loại.
Trong vòng 150 năm trở lại đây, theo ước tính của các nhà khoa học, thế giới đã mất đi 50% lớp đất thịt (topsoil) do sự tận dụng đất tối đa trong chăn nuôi, nông nghiệp, xây dựng và phát triển đô thị cùng việc gia tăng sản xuất thành phẩm phục vụ cho nhu cầu của con người. Từ đó, đất bị thoái hóa đi.
Trước hết, phẩm chất của đất có thể được đo lường qua mức sản xuất nông nghiệp và cây trồng, cũng như phẩm chất của nguồn nước mặt và nước ngầm có thể được thẩm định rõ ràng hơn qua tình trạng của đất.
Theo định nghĩa của J.W. Doran: “Khả năng của đất trong hệ sinh thái nhằm vào việc gìn giữ mức sản xuất sinh học (biological productivity), bảo tồn phẩm chất môi trường, và tăng cường sức khỏe cho cây trồng và thú vật”. Phẩm chất đất không những tập trung vào các nguồn dinh dưỡng và nồng độ hóa chất hữu cơ trong đó, mà còn chú trọng vào các hoạt động sinh học, các hợp chất hữu cơ, nguồn nước ngấm vào đất, và cơ cấu hình thành ra đất nữa.
Vì vậy, việc bảo tồn ĐẤT phải là một chính sách quốc gia nhằm mục đích đề phòng cho đất mặt không bị sói mòn, không bị xử dụng quá tải về hóa chất, bị acid hóa hay muối hóa (salinization) hoặc bị ô nhiễm hóa chất độc hại từ các nguồn phân bón hay các hóa chất bảo vệ thực vật. Và quan trọng hơn cả là bảo tồn đất còn là một việc thiết yếu để bảo vệ nguồn nước ngầm, nguồn sống quan trọng nhứt của nhân loại.
Vai trò của đất trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm
Nước ngầm là một nguồn nước rất cần thiết cho nhiều quốc gia. Tại Hoa Kỳ, người dân sống ở vùng đồng quê dùng 90% nước ngầm, và 50% người Mỹ lệ thuộc vào nguồn nước ngầm để làm nước uống. Hiện tại, mức xử dụng nước ngầm của quốc gia nầy phi mã so với việc dùng nước mặt. Lý do là, nguồn nước mặt ngày càng khan hiếm vì ô nhiễm, vì tác động của phát triển vừa nông nghiệp, vừa kỹ nghệ.
Lượng nước ngầm (dưới mặt đất) tùy thuộc vào lượng nước di chuyển và thấm thấu xuyên qua các tầng lớp đất bên dưới lớp đất mặt (topsoil). Nước thẩm thấu (percolating water) còn gọi là “làm đầy” (recharge), thấm xuyên qua lớp đất trên mặt và vùng đất chưa bảo hòa (unsaturated zone) để rồi thấm xuống vùng đất bão hòa (saturated zone) và sau cùng chảy vào vùng nước ngầm (water table). Vì vậy, đất dự phần vào việc thanh lọc cả về phẩm chất và số lượng nước trong suốt giai đoạn thẩm thấu trên.
Nước “làm đầy” từ đó, trong suốt quá trình di chuyển hoàn toàn chịu ảnh hưởng của từng loại đất và là hệ quả của việc xử dụng đất do con người. Nếu đất bị ô nhiễm, nước ngầm sẽ không còn xử dụng được nữa hay phải tiêu tốn thêm chi phí cho việc thanh lọc nước trước khi dùng.
Nhiễm chất trong nước ngầm: Nước ngầm bị ảnh hưởng do hóa chất trong đất gồm:
Nitrogen (N) từ các nguồn phân bón dư thừa trong nông nghiệp tạo thành một chu kỳ nitrogen rất khó thanh lọc trong nước ngần. Tiến trình nitro hóa (nitrification) trong đất sản xuất ra nitrate (NO3) và di chuyển dễ dàng vào nước ngầm.
Hóa chất trừ sâu rầy (pesticides), trừ cỏ dại (herbicides), trừ nấm mốc (fungicides): Các loại hóa chất nầy đang được xử dụng bừa bãi ở Việt Nam vì nông dân thiếu thông tin và không được hướng dẫn tường tận. Các hóa chất trên sẽ hiện diện trong đất trong một thời gian dài và rỉ (leach) vào mạch nước ngầm.
Ở những vùng đất gần biển, việc tưới tiêu nơi đây cũng tạo ra sự nhiễm mặn của đất. Nước trong đất sau khi tưới, bốc hơi, và hiện tượng nhiễm mặn (salination) xảy ra. Hiện tượng nầy làm cho chai đất và các nhân tố Natrium (Na+), Kalium (K+), Calcium (Ca2+), Magnesium (Mg2+), và Chlor (Cl-) sẽ thấm vào nước ngầm.
Tóm lại, để bảo vệ nguồn nước ngầm, cần phải xử dụng hóa chất đúng cân lượng dựa theo từng giai đoạn cây cỏ cần thiết cũng như các hóa chất bảo vệ thực vật cũng phải dùng hạn chế và đúng quy cách.
1 – Đất thoái hóa (soil degradation)
Đất được xem như là bị thoái hóa là do việc xử dụng bừa bãi làm cho đất mất đi tính màu mỡ (chất bổ dưỡng), mất đi phẩm chất tốt của đất và không còn cho năng xuất cao vì ô nhiễm. Nguyên nhân chính làm cho đất thoái hóa là sự sói mòn (erosion) và các hiện tượng như nhiễm mặn do phân bón, sự nén chặt (compaction) do các dụng cụ nông nghiệp hay bị cạn kiệt (depletion) vì việc tận dụng khai thác đất cũng làm cho đất thoái hóa.
Thêm nữa, sự chuyển dịch các phần tử trong đất từ nơi nầy qua nơi khác do gió hay nước cũng tạo thành một vấn nạn môi trường như sự xói mòn ở nơi nầy hay tạo ra núi đồi ở nơi khác.
Nguyên do sự thoái hóa của đất:
Nước làm cho đất thoái hóa. Mưa là một thí dụ điển hình nhứt.
Gió làm cho đất thịt di dời đi nơi khác. Do đó, đất cần có một thảm thực vật che phủ ở những vùng có nhiều gió.
Tác động của con người: làm nông nghiệp, nạn phá rừng, hoặc xây dựng cũng là nguyên nhân của sự sói mòn của đất.
Hệ lụy của sự xói mòn:
Hệ lụy ảnh hưởng lên nông nghiệp trước tiên là làm giảm mức thu hoạch.
Đất mất khà năng tái tạo (fertility) do sự cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất thịt.
Phẩm chất và sự ổn định cấu trúc của đất cũng bị ảnh hưởng do mất đất.
Và sau cùng, đất xói mòn có thể tạo thành lớp trần tích cho ao hồ chung quanh vùng bị xói mòn và tạo ra nguồn ô nhiễm mới cho tôm cá trong đó.
Biện pháp làm giảm thiểu việc xói mòn:
Thiết lập một chương trình bảo tồn đất do những nhà chuyên môn hoạch định.
Luôn luôn có một thảm thực vật che phủ đất nhứt là những vùng có nguy cơ xói mòn cao như vùng đất có độ dốc, hay vùng đất khô cằn (arid).
Nếu đất dùng cho nông nghiệp, cần phải luân canh hơn là độc canh.
Sau mùa thu hoạch, phế thải nông nghiệp như rơm rạ, cây cành được xay nhuyễn cầnn phủ lên mặt đất tạo thành một lớp che chở đất chuẩn bị cho mùa sau.
Nếu đất nằm trong vùng có gió mạnh, cần phải khoanh vùng bằng cách che chắn bằng một hay hai lớp cây trồng. Việc nầy có thề làm giảm sự sói mòn lên đến 90%.
  còn tiếp P2
*( Nguồn khoahocnet.com)
 

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693569 visitors (2231384 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free