12/7/2013
I. Kỹ thuật xử lý, chế biến rơm lúa khô
Các biện pháp xử lý, chế biến rơm nhằm mục đích:
- Công phá các cấu trúc xơ thô trong rơm lúa, giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng.
- Kích thích vi sinh vật dạ cỏ hoạt động mạnh hơn nhờ tạo ra cho chúng một môi trường thích hợp.
- Làm cho rơm hấp dẫn hơn đối với loài nhai lại, chúng tiêu thự được lượng lớn hơn, đồng thới cung cấp cho chúng thêm nhiều chất dinh dưỡng khác.
1. Kỹ thuật kiềm hóa rơm với nước vôi
Dùng nước vôi pha loãng với tỷ lệ 1% ( 1kg vôi sống hoặc 3 kg vôi tôi hòa trong 100 lít nước) tưới lên rơm khô sau khi đã băm thái nhỏ thành mẩu 6-10 cm và rãi đều rên mặt sân sạch, cứng và phẳng. Tỷ lệ nước vôi/rơm khô = 6/1 ( cứ 6 lít nước vôi tưới cho 1 kg rơm khô). Chú ý đảo trộn đều và để một ngày đêm cho ráo hết nước vôi rồi mới cho gia súc nhai lại ăn.
Cũng có thể cho rơm lúa đã cắt ngắn vào bể xi măng, đổ nước vôi pha loãng và theo tỷ lệ như trên vào bể để kiềm hóa. Đảo trộn đều trong vòng 2 -3 ngày, mỗi ngày 2 -3 lần. Sau đó vớt rơm lên giá nghiêng, dội cho bớt nước vôi và để cho ráo nước, trước khi cho gia súc ăn ngay hoặc phơi khô cho ăn dần.
Xử lý rơm với nước vôi làm tăng tỷ lệ tiêu hóa của rơm lên 7 – 8% và mỗi ngày, mỗi con bò có thể ăn được khoảng 10 kg.
Nếu lúc đầu gia súc nhai lại chưa quen ăn, nên cho ăn lẫn với rơm vẩy nước, sau đó tăng dần lượng rơm tưới nước vôi. Đề giảm bớt mùi nồng của vôi và để gia súc nhai lại thích ăn hơn, nếu có điều kiện thì trước hết khi cho gia súc ăn, nên trộn rơm với rỉ mật đường và urê ( 3 kg rơm đã kiềm hóa + 0.5 kg rỉ mật + 20 g urê ).
2. Kỷ thuật ủ rơm với urê .
Phương pháp chế biến rơm lúa với urê rất phổ biến, rất đơn giản và dể thực hiện. Hơn nữa, rơm lúa sau khi chế biến có thể cho bò ăn thoải mái, không sợ bị ngộ độc. Bò được ăn loại rơm này lớn nhanh, béo khỏe, ngay cả trong vụ đông xuân thiếu thốn cỏ tươi. Bởi vì rơm lúa sau khi chế biến với urê đã làm cho bò ăn được nhiều hơn 50 – 65% so với rơm không chế biến. Mặt khác, hàm lượng đạm trong rơm tăng lên gấp hơn hai lần .
Có thể ủ rơm với urê theo tỷ lệ : cứ 100 kg rơm khô cần 4 kg urê và 80 – 100 lít nước ( tỷ lệ urê 4% và nước so với rơm là 1/1).
Cần xây một hố ủ, tốt nhất là xây kiểu hai vách đối diện nhau, trên nền xi măng. Cũng có thể sử dụng hố ủ dùng cho thức ăn xanh hoặc ủ trong bao nilông dày. Dung tích hố ủ tùy theo lượng rơm cần ủ.
Cách làm: pha urê vào nước theo tỷ lệ trên, lưu ý khuấy đều cho urê tan hết. Trải rơm theo các lớp dầy 20 cm. Cứ sau mỗi lớp, dùng thùng có búp sen tưới đều nước urê sao cho ước đều rơm, lấy cào đảo qua đảo lại và dùng chân dậm nén cho chặt. Cứ làm như vậy cho đến khi hết rơm và hết nước. Cuối cùng, dùng một tấm ni long phủ lên trên miệng hố, sao cho thật kín để không khí và nước mưa bên ngoài không lọt vào và khí amoniac bên trong không bay ra.
Sau khi ủ 7 – 10 ngày có thể lấy rơm ra cho gia súc nhai lại ăn. Lấy lượng vừa phải theo nhu cầu từng bữa. Lấy xong lại đậy kín hố. Một con bò có thể ăn khoảng 10 kg mỗi ngày.
Yêu cầu rơm ủ urê phải mềm, mùi thơm nhẹ, màu vàng gần với màu tự nhiên của rơm trước khi ủ, không bị đen và không có nấm mốc.
Nhìn chung, gia súc nhai lại thích ăn loại rơm này và ăn được nhiều hơn so với rơm không ủ. Tuy nhiên, lúc đầu có thể có một số gia súc nhai lại không thích ăn, ta phải tập cho chúng bằng cách cho ăn từng ít một và tăng dần lên. Cũng có thể cho chung với các loại thức ăn khác.
II. Dự trữ và bảo quản dưới hình thức phơi khô
1. Phơi khô và bảo quản cỏ.
Cỏ khô loại tốt là một trong những nguồn cung cấp protein, gluxit, vitamin và chất khoáng chủ yếu cho gia súc nhai lại đặc biệt là vào vụ đông xuân. Hàm lượng và thành phần các chất dinh dưỡng trong cỏ khô có sự khác nhau rất rõ rệt và tùy thuộc vào thành phần thực vật của cây cỏ, điều kiện đất đai và khí hậu, loại và liều lượng phân bón sử dụng, thòi gian thu hoạch cỏ, tình trạng thời tiết lúc cắt cỏ và kỷ thuật phơi, sấy. Giai đoạn phát triển thực vật lúc thu hoạch cỏ để phơi khô cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thành phần hóa học của nó. Theo mức độ thành thục và già đi của cây, hàm lượng xenluloza trong cỏ tăng lên, còn hàm lượng protein, vitamin và chất khoáng lại giảm xuống.
Đối với các loại cỏ bộ đậu ( cỏ stylo, cỏ medicago và cỏ ba lá…) tốt nhất là thu hoạch vào giai đoạn có nụ hoa và khi đó hàm lượng protein trong cỏ khô cao nhất. Cỏ thu hoạch từ những nơi đất màu mỡ chứa nhiều caroten hơn đất cằn cỗi. Vì vậy, đối với những nơi cằn cỗi cần bón thêm phân đạm cho cỏ. Trong thành phần cỏ khô có chứa nhiều loại cây bộ đậu thì lượng caroten càng phong phú.
Điều đáng chú ý nữa là hàm lượng vitamin D trong cỏ khô. Chúng ta đều biết là trong cây xanh không có vitamin D nhưng lại có ergosterin. Khi phơi nắng, dưới ành hưởng của tia cực tím, ergosterin tạo thành vitamin D2. Cỏ sấy khô nhân tạo hầu như không có vitamin D. Rõ ràng là, nếu cỏ khô giầu vitamin A thì lại rất nghèo vitamin D và ngược lại, vì ánh sáng mặt trời phá hủy vitamin A và thúc đẩy quá trình tạo thành vitamin D. Nếu cỏ khô bị mưa thì hàm lượng vitamin A và D trong đó giảm rõ rệt và trong trường hợp này cho dù gia súc nhai lại được cung cấp số lượng lớn cỏ khô vẫn không thể thỏa mãn được nhu cầu của chúng.
Điều kiện cơ bản để thu được cỏ khô chất lượng tốt và giảm tổn thất các chất dinh dưỡng là sau khi thu hoạch phải phơi ( sấy) khô nhanh chóng. Thời gian phơi ( hoặc sấy ) càng ngắn thì hàm lượng nước trong cỏ càng giảm (đến mức tối thiểu ), quá trình sinh lý và sinh hóa gây ra tổn thất lớn chất dinh dưỡng trong đó sẽ nhanh chóng bị đình chỉ. Phơi khô trong điều kiện thời tiết tốt, tổn thất vật chất khô trong cỏ khoảng 30 - 40 %, còn trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, tổn thất lên tới 50- 70%.
Cỏ khô là hình thức dự trử thức ăn thô xanh rẻ tiền, dễ làm và dễ phổ biến trong điều kiện chăn nuôi ở nước ta. Tuy nhiên, đề có được loại cỏ khô chất lượng tốt lại không đơn giản. Ở nước ta, mùa có điều kiện cho cây cỏ phát triển và chất lượng cỏ tốt lại không có mưa. Ngược lại, trong mùa khô dễ làm cỏ khô thì chất lượng cỏ giảm sút. Vì vậy, trong mùa mưa, muốn làm cỏ khô chất lượng tốt thì phải chú ý theo dõi diễn biến thời tiết, có kế hoạch chu đáo về nhân lực, phương tiện thu cắt, vận chuyển, nơi cất giữ…
Trong năm, thời gian cắt cỏ phơi khô tốt nhất là từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch, là lúc cỏ mới ra hoa, có sản lượng và thành phần dinh dưỡng cao. Tránh phơi quá nắng, cỏ sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng, nhất là vitamin. Trong khi phơi cỏ chưa khô hoặc lúc có mưa nên gom cỏ thành đống, nếu có thể thì tìm cách che phủ giữ cho cỏ khỏi mất phẩm chất. Cỏ khô phẩm chất tốt vẫn giữ được màu xanh, thân, cuống và lá đều mềm và có mùi thơm dễ chịu.
Bảo quản cỏ khô bằng cách đánh thành đống như đống rơm, nén chặt và có mái che mưa. Nếu có điều kiện thì xây dựng nhà kho dự trữ cỏ khô. Muốn tăng sức chứa của nhà kho thì bó cỏ thành bó ( tốt nhất là dùng máy đóng bánh cỏ khô) để xếp được nhiều và khi cần lấy ra cho gia súc nhai lại ăn cũng thuận tiện.
2. Phơi khô và bảo quản rơm lúa.
Rơm là phụ phẩm của các cây lương thực như lúa nước, lúa cạn (lúa đồi, lúa cốc),mì, mạch. Nó là nguồn thức ăn dự trữ chủ yếu và phổ biến nhất của gia súc nhai lại vùng đồng bằng, trung du, miền núi nước ta.
Ở nước ta có thể cấy được nhiều vụ lúa nên trong năm ta có thể thu được 2-3 vụ rơm rạ. Rơm lúa Đông Xuân : tháng 3-4 và rơm Hè Thu: 7-8 , rơm vụ 3: 9-10, . Phổ biến nhất là rơm vụ lúa Đông Xuân. Vì vào vụ này là lúc thời tiết thuận lợi cho việc phơi rơm. Ngược lại, vụ Hé Thu hay vụ 3 việc thu hoạch và phơi rơm không thuận lợi vì thời tiết hay có mưa, rơm dễ bị thối mốc, chất lượng dinh dưỡng giảm sút rõ rệt.
Rơm phơi được nắng thì màu vàng tươi và có mùi thơm, gia súc nhai lại thích ăn. Rơm bị vấy bùn đất và phân thì chất lượng bị giảm và con vật không thích ăn.
So với một số loại thức ăn tươi xanh, rơm là loại thức ăn có giá trị đơn vị thức ăn và năng lượng trao đổi cao hơn, nhưng rơm lúa thường có tỷ lệ chất xơ cao (31-33%), ít protein ( từ 2,2 đến 3,3%) và rất ít chất béo (1-2%). Rơm thường nghèo vitamin và khoáng.
Cách bảo quản rơm cũng tương tự như bảo quản cỏ khô: đánh thành đống ngoài sân, vườn hoặc thành bó dự trữ trong kho.
III. Dự trữ và bảo quản dưới hình thức ủ chua
1. Nguyên lý ủ chua.
Ủ chua là kỹ thuật bảo quản thức ăn thô xanh nhờ quá trình lên men yếm khí, tạo ra trong khối thức ăn một lượng axít hữu cơ cấp thấp (axít lactic) cần thiết để hạ độ pH, có tác dụng ức chế mọi hoạt động của các vi khuẩn gây thối rữa. Thực chất của ủ chua là quá trình lên men yếm khí khi trong hố hoặc túi ủ có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Ngược lại, khi trong khối thức ăn và trong hố/ túi ủ có nhiều không khí, quá trình lên men thối xuất hiện và tăng cường. Điều đó giải thích tại sao chúng ta cần phải nén khối thức ăn cẩn thận để loại hết không khí tồn tại trong các khe giữa các mẩu cây thức ăn.
Nhờ quá trình bảo quản thức ăn bằng ủ chua, những phần cứng của thân cây bị mềm ra và làm cho nó trở nên dễ dàng đồng hóa.
Kỹ thuật bao gồm việc cắt cây thức ăn vào giai đoạn mà nó có giá trị dinh dưỡng cao, thái thành những mẫu nhỏ, nén vào một hố ủ hoặc túi chất dẻo đảm bảo không để nước mưa và không khí lọt vào.
Kỹ thuật ủ chua có thể áp dụng cho tất cả các loại cây thức ăn. Chất lượng của thức ăn ủ chua phụ thuộc chẳng những vào kỹ thuật ủ mà còn phụ thuộc vào nguyên liệu đem ủ :loại cây thức ăn, giai đoạn thu cắt cây thức ăn…
2. Điều kiện cần thiết để ủ chua thành công .
- Phải có một hố ủ hoặc túi chất dẻo bảo đảm chắc chắn, nước mưa và không khí không lọt vào.
- Thức ăn đem ủ phải có chất lượng tốt, phải tươi, không thối, mốc. Một số loại cây thức ăn có tỷ lệ đường cao như khoai tây, khoai lang… dễ ủ. Một số khác khó ủ hơn do tỷ lệ đường thấp, vì vậy phải bổ sung thêm rỉ mật.
- Phải bảo đảm thức ăn trước khi chất vào hố ủ có độ ẩm khoảng 65-70%. Nếu độ ẩm trên mức này cần phơi qua cho rút bớt nước. Nếu thức ăn khô, già quá thì vẩy thêm nước ( hoặc tưới rỉ mật đường pha loãng) cho đủ độ ẩm nêu trên .
- Thao tác ủ (chất thức ăn vào hố hoặc túi chất dẻo) càng nhanh càng tốt. Tốt nhất là từ khi cắt thức ăn về cho đến khi đóng hố/ túi ủ diễn ra trong cùng một ngày.
- Phải nén thật chặt khối thức ăn trong hố.
3. Chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và những vật tư cần thiết để ủ chua
- Chuẩn bị hố ủ.
Địa điểm đặt hoặc xây hố ủ phải chọn nơi khô ráo, cạnh chuồng nuôi để tiện sử dụng.
Có thể ủ chua trong hố xây bằng gạch, có trám xi măng. Tùy theo vùng và mức nước bề mặt, có thể xây hố chìm, chìm một nửa hoặc nổi hoàn toàn trên khối thức ăn có sẵn, quy mô đàn gia súc. Trong điều kiện chăn nuôi bò thịt quy mô trang trại, nên xây loại hố ủ lớn, gồm hai vách song song với nhau để tiện cho việc nén thức ăn bằng cớ giới. Còn trong nông hộ, quy mô chăn nuôi nhỏ, nên xây một hoặc nhiều hố ủ với thể tích 1,5m3 ( 1m x 1m x 1,5m).
Trong điều kiện chăn nuôi bò thịt quy mô nông hộ cũng có thể ủ chua thức ăn bằng cách:
+ Đào một hố sâu trong lòng đất, đắp bờ xung quanh miệng hố để tránh nước mưa tràn vào. Cần chọn chỗ cao ráo, dễ thoát nước, đào ở chổ đất sét, mịn, không nên đào hố chỗ đất cát pha, chỗ trũng để tránh nước bên ngoài ngấm vào hố. Dùng các chất dẻo rải quanh thành hố và cao lên trên miệng hố để có thể gấp đóng kín lại sau khi đã chất đầy và nén chặt thức ăn.
+ Dùng túi chất dẻo để chất thức ăn xanh sau khi đã băm thái vào. Nên chọn túi màu sẫm, có độ dầy trên 0,20 mm. Ưu điểm của túi chất dẻo là có thể buộc kín dễ dàng. Tuy nhiên, túi chất dẻo có nhược điểm là khó nén chặt thức ăn. Túi có thể bị chọc thủng, đặc biệt là khi tiến hành ủ chua thân cây bắp, cỏ voi …
+ Dùng thùng phi để ủ chua thức ăn (nên dùng loại có dung tích 200 lít).Trường hợp ủ chua trong thùng phi cần lưu ý phơi thức ăn khô hơn một chút (độ ẩm dưới 65%) để tránh lượng dịch lớn sinh ra trong quá trình lên men và tích tụ dưới đáy thùng, làm thối hỏng lớp thức ăn bên dưới. Cách ủ trong thùng phi: sau khi chất đầy thức ăn và nén chặt, tiến hành đóng thùng phi bằng cách lấp một lớp đất dầy lên trên.
- Các vật tư, dụng cụ cần thiết
Tùy theo loại hố ủ và quy mô chăn nuôi, cần có những vật tư và dụng cụ cơ bản như sau:
+ Dụng cụ băm thái cây thức ăn. Đó có thể là máy thái thức ăn (đặc biệt là trong chăn nuôi bò quy mô trang trại) hoặc dao băm thái thông thường.
+ Dụng cụ nén thức ăn.
+ Dụng cụ để che đậy hố ủ: tấm lợp bằng chất dẻo fibrociment, đất để lấp hố …
- Các chất bổ sung
Tùy trường hợp và tùy những điều kiện cụ thể, có thể nên hoặc phải sử dụng một số chất bổ sung sau đây cho các mục đích khác nhau:
+ Rỉ mật đường: để tăng hàm lượng đường, tạo thuận lợi cho quá trình lên men, đặc biệt là đối với những loại thức ăn nghèo đường. Tỷ lệ rỉ mật đường thay đổi có thể từ 1-5%.
+ Muối ăn hoặc CaCo3 để trung hòa bớt lược acid lactic sản sinh ra, làm cho thức ăn bớt chua. Tỷ lệ muối khoảng 2%.
+ Urê để tăng hàm lượng đạm trong thức ăn và giữ cho thức ăn ổn định. Urê được chỉ định trong trường hợp các loại thức ăn đem ủ có hàm lượng đường cao.
+ Rơm và bã mía dùng để hấp thu bớt lượng dịch sinh ra trong quá trình lên men hoặc dùng để xử lý trường hợp thức ăn đem ủ bị ướt (mưa không phơi được…)
+ Một số hóa chất bảo quản (acid phosphoric, acid acetic …), một số dạng enzym, dạng vi sinh vật lên men lactic … cũng có thể được sử dụng trong kỹ thuật ủ chua. Tuy nhiên, các chất nầy thường đắt đỏ, khó kiếm đôi khi còn gây nguy hiểm cho người và gia súc.
* Sử dụng thức ăn ủ chua
Lượng sử dụng thức ăn ủ chua sử dụng cho mỗi con và cho cả đàn tùy thuộc vào lượng thức ăn thô xanh cần thay thế trong khẩu phần. Vào ngày đầu tiên nên cho bò ăn lượng nhỏ, sau đó tăng dần sau đó đến ngày thứ hai hay hứ tư thì cho ăn lượng tối đa cần thiết. Ví dụ, đối với thức ăn ủ chua là cây bắp một con bò có thể ăn 25 kg mỗi ngày.
Dù mức độ sử dụng như thế nào mỗi ngày cũng chỉ lấy thức ăn ủ chua ra một lần, lấy lần lượt từ trên xuống dưới, từ đầu nầy tới đầu kia của hố với lượng cần thiết đủ cho đàn gia súc. Sau mỗi lần lấy thức ăn ra cần che đậy ngay hố lại để tránh mưa nắng. Một khi đã mở hố ủ và sử dụng thức ăn ủ chua cho gia súc nhai lại, cần được liên tục cho đến khi hết (còn tiếp).