.
  Đồng bằng Cửu Long P2
 
15/6/2014



Phần 2

 

1.     Ảnh hưởng trên bờ biển

NBDC sẽ làm các rừng phòng hộ ven biển mất dần (bị hủy hoại và tự di dời  đến những nền đất thích hợp), 27 % rừng tràm rừng đước và 20% vùng đất trũng, Vườn Quốc gia U Minh Thượng và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bạc Liêu sẽ bị nhận chìm; năng lượng và tác động của sóng biển cũng gia tăng khi NBDC, khiến bờ biển  ĐBCL (Bà Riạ-Vũng Tàu, Cần Giờ, Gò Công, Gành Hào) bị xói lở khóc liệt hơn; khi mực nước biển dâng lên 0.3m,  dãy đất bề sâu 45m dọc theo bờ biển có nguy bị sạt lở.

2.     Ảnh hưởng trên các cơ sở hạ tầng và khu kỹ nghệ.

Trong nhiều thập niên qua, Việt Nam gia tăng đầu tư xây dựng những cơ sở hạ tầng các ngành giao thông, điện lực, viễn thông, hệ thống nước sạch và các nhà máy xử lý chất phế thải; thiết lập các khu kỹ nghệ ở những vùng ven biển và 3 khu vưc kinh tế trọng điểm ở Bắc, Trung và Nam phần. Tuy nhiên khi xây dựng các công trình này, lũ lụt hàng năm là yếu tố bất lợi duy nhứt nằm trong phần điều nghiên thiết kế và những tác động của NBDC hoàn toàn không được quan tâm đến, có thể do thiếu hiểu biết.

Gần đây kết quả nghiên cứu của  hai chánh phủ  CHXHCNVN và Hoà Lan cho thấy khi NBDC 1.0m: trên toàn thể VN 9,200km đường bộ sẽ bị phá hỏng trong đó  90% ở ĐBCL, đặc biệt ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và  Kiên Giang;  2838 xí nghiệp của 12 tỉnh ở ĐBCL bị ngập nước, đáng kể nhứt là Nhà Máy Giấy Phương Nam ở xã Thuận Nghĩa Hòa (Long An) có vốn đầu tư 92 triệu Mỹ kim; các hệ thống dẫn nước uống, hệ thống xử lý chất  phế thải  bị hư hại và hậu quả là bên cạnh những tổn thất về tài sản, sản xuất sút giảm, môi trường  cũng sẽ bị ô nhiễm đe dọa sức khỏe của người dân.

Tóm lại cùng với những tác động tiêu cực khác của BĐKH như gia tăng nhiệt độ, hạn hán, thời tiết cực đoan bất thường, NBDC sẽ làm cho ruộng đồng và nguồn nước bị nhiễm mặn trầm trọng hơn; một diện tích rộng lớn của ĐBCL bị ngập lũ sâu và trong thời gian kéo dài; gây thiệt hai cho sản xuất nông nghiệp, làm hư hỏng các cơ sở hạ tầng và khu kỹ nghệ; ngoài ra hệ sinh thái cũng suy thoái và theo đó cơ cấu xã hội bị tổn thương. Khi NBDC 1.0m cuộc sống của 6 triệu người Việt bị đe dọa trong đó 90% là người dân nghèo của ĐBCL.

A.   Những giải pháp ứng phó với  NBDC

Đứng trước những thách thức lớn lao nêu trên và những tổn thất về tài sản hàng năm có thể lên đến 17 tỷ Mỹ kim, tương đương với  80% GDP, giới hữu trách Việt Nam đã tiến hành rà soát các thông số kỹ thuật của hệ thống công trình thủy lợi hiện hữu và kết quả cho thấy hầu hết không phù hợp trong trường hợp nước biển dâng cao 0.5 m và 1.0 m,

-         Kích thước, cao trình, quy trình vận hành của các công trình này không còn phù hợp: Cửa thoát nhỏ, cao trình đỉnh thấp hơn mực nước lũ, mực nước biển khi NBDC.

-         Đê biển hiện rất thấp không đủ khả năng ngăn mặn xâm nhập vào ruộng đồng. Hệ thống đê bao, bờ bao không đảm bảo về mặt kỹ thuật .

Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi Trường của CHXHCNVN đã thiết lập kế họach cấp quốc gia ứng phó với NBDC và BĐKH, thực hiện qua 3 giai đoạn:

*        2009-2010: Giai đoạn khởi đầu

*        2011-2015: Giai đoạn triển khai

*        2015-       : Giai đoạn phát triển

với những giải pháp công trình và phi công trình.

1.     Giải pháp công trình

*         Một cách tổng quát thì trên toàn thể vùng ĐBCL  nhiều kế hoạch đã được thực hiện tập trung vào việc củng cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê, kè sông, kè biển, hệ thống công trình thủy lợi nhằm điều tiết lũ, ngăn mặn, giữ ngọt v.v...Thí dụ: nâng cấp đê biển ở phía Tây Cà Mau, xây dựng công trình cống sông Kiên (Rạch Giá), hệ thống ngăn triều chống ngập ở Bạc Liêu, nâng cấp đê biển, xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng, xây dựng hệ thống ngăn mặn ở Sóc Trăng v.v..

*        Ngoài ra Viện Thủy Lợi Miền Nam cũng đã kiến nghị lên chánh phủ CHXHCN VN đề án “Quy họach Thủy lợi ĐBCL” khởi đầu ở 2 vùng thí điểm: Nam Vàm Nao (chống ngập lũ) và Nam Măng Thít (chống ngập triều)

2.     Giải pháp phi công trình
*
Phát động phong trào vận động quần chúng tham gia bảo vệ môi trường và tài nguyên, uyển chuyển trong sử dụng nguồn nước; xây dựng năng lực nghiên cứu, giám sát BĐKH, dự báo và cảnh báo thiên tai; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản BĐKH và NBDC cụ thể cho giai đoạn 2030-2050.
* Về phía người dân, trong nhiều năm qua nông dân ĐBCL đã tự thích ứng với những thay đổi của môi trường như đa dạng hóa hệ thống sản xuất và luân chuyển các vụ mùa ở các vùng đất nhiễm mặn: nuôi tôm vào mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa thay vì trồng lúa 3 mùa và bắt đầu sử dụng những giống lúa chịu mặn.

B.   Nhận định

NBDC diễn tiến qua nhiều thập niên nên thiết nghĩ các kế hoạch nhằm hữu hiệu hóa hệ thống kiểm soát và phân phối nguồn nước cần được tiến hành từng bước, dựa vào kết quả của những chương trình nghiên cứu khoa học đúng đắn; những thay đổi về nhiệt độ, mực nước biển dâng cao cần được liên tục theo dõi, đo đạt để từ đó hoàn chỉnh kịch bản BĐKH đối với ĐBCLvà xây dựng những phương án ứng phó thích hợp và kịp thời, cho từng địa phương và ngành nghề
Những biện pháp ứng phó do chánh phủ CHXHCNVN đề ra và bản năng của người dân thích ứng với những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên là những động thái tích cực rất khích lệ.
Tuy nhiên ngay từ bây giờ VN phải lồng ghép ảnh hưởng của NBDC vào chiến lược phát triển kinh tế và xã hội và các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, để tránh những tổn thất nặng nề về sau. Thêm vào đó cần phải có sự chĩ đạo đúng đắn từ  cấp cao như Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cũng như cung cấp đầy đủ ngân khoản và phương tiện kỹ thuật hữu dụng để các cơ quan hữu trách thiết lập các đề án phân tích, đánh giá những rũi ro của từng
điạ phương và từ đó soạn thảo những kế hoạch đối phó và giảm nhẹ những thất thoát về tài sản và nhân mạng gây ra bởi NBDC. Ngoài ra nhà cầm quyền VN cần phải vận động các tầng lớp trong xã hội hưởng ứng, hợp tác trong các kế hoạch ứng phó với BĐKH và NBDC.
.Chúng ta hy vọng khi xây dựng những kế hoạch ứng phó với NBDC, giới hữu trách VN rút được những bài học từ các lỗi lầm trong quá khứ như:

*        Xây dựng các cống ngăn mặn nhằm “Ngọt hoá Bán đảo Cà Mau”, gây mâu thuẩn về quyền lợi giữa người trồng lúa và kẻ nuôi tôm, làm ô nhiễm môi trường, đe doạ cuộc sống của ngưởi dân trong vùng khiến cư dân nửa đêm đứng ra đập phá các công trình này và giới hữu trách phải bó tay.

*        Đấp đê bao ở vùng Đồng Tháp, Tứ Giác Long Xuyên để làm lúa 3 mùa, gây ra những hậu quả tiêu cực cho môi trường: hệ thống đê bao ngăn lũ làm cho tình trạng ngập úng trở nên phức tạp hơn: nước ngập cao, thời gian rút chậm, khiến hàng ngàn hectares rừng tràm bị chết hàng loạt, và các bờ sông và đường xá bị sạt lở, hư hỏng.

để có thể hoàn thành những mục tiêu đề ra một cách tốt đẹp.

ĐBCL đảm bảo lương thực cho cả xứ; BĐKH và NBDC ảnh hưởng đến sản xuất nông ngư nghiệp của châu thổ nên việc nghiên cứu và tìm kiếm các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng thời thiết khắc nghiệt cũng là một lãnh vực mà các nhà khoa học ở VN cần nghĩ đến.

Sau cùng chúng ta trân trọng sự hỗ trợ của:

 

*        Chánh phủ Liên Bang Úc Châu:

-         đặc biệt với đề án CLUES tạo điều kiện để Viện Nghiên cứu BĐKH DRAGON - Mekong (Đại học Cần Thơ) hợp tác với ACIAR và CSIRO (Úc châu), nghiên cứu:

a.     cải biến kỹ thuật canh tác giúp nông dân ĐBCL ứng phó với nguyên nhân và tác động của BĐKH và NBDC

b.     sáng tạo và phát triển các giống lúa thích  hợp với các vùng đất nhiễm mặn, để duy trì tiềm năng sản xuất nông nghiệp của vùng châu thổ.

-         qua những đóng góp của ICEM (Úc châu) trong:

c.      tư vấn thiết kế Nhà Máy Nhiệt điện Ô Môn và cầu Cao Lãnh, thích ứng với những điều kiện bất lợi gây ra bởi ảnh hưởng của NBDC

d.     chương trình “Vietnam Mekong Delta Study” nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của ĐBCL trước những tác động xuyên biên giới của các đập thủy điện thượng nguồn Mekong và ảnh hưởng của BĐKH.

*        Chánh phủ Hoa Kỳ với “Sáng Kiến Hạ lưu Mekong” và chương trình “Dự đoán Mekong” nhờ đó Viện Nghiên cứu BĐKH DRAGON-Mekong (Đại học Cần Thơ) có cơ hội phối hợp với Đại học Mississippi và Trung tâm Khảo sát Điạ chất của Hoa Kỳ (USGS) thiết lập những mô hình dự đoán tác động của BĐKH và sử dung hệ thống vệ tinh ghi đo mực nước biển vùng ĐBCL.

*        và Chánh phủ các quốc gia  Nhật Bản, Hòa Lan, Na Uy, Phần Lan, Đức.v.v…trong các kế hoạch ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển của ĐBCL ngày càng trầm trọng gây ra bởi những ảnh hưởng của BĐKH.

 

Tài liệu tham khảo

 

1.     ACIAR-Austalian Centre for International Agricultural Research:  Climate change affecting land use in the Mekong Delta: adaptation of rice-based cropping systems (CLUES)

2.     Ericson, J.P., C.J. Vorosmarty, S.L. Dingman, L.G. Ward, and M. Meybeck. 2006. Effective sea-level rise and deltas: Causes of change and human dimension implications. Global Planetary Change 50:63-82.

3.     ICEM-International Centre for Environmental Management: 2008, Rapid Assessment of the Extent and Impact of Sea Level Rise in Vietnam.

4.     ICEM-International Centre for Environmental Management: 2012, Vietnam Mekong Delta Study.

5.     IPCC 2007. IPCC Fourth Assessment Report: Climate Change 2007 (AR4).

6.     Tuong, N. T.: 2001. Sea Le vel Measurement and Sea Level Rise in Vietnam, PSMSL Report for Vietnam, Proudman Oceanographic Laboratory, Birkemhead, U.K.

7.     UNDP Human Development Report 2007-2008.

8.     Viện Khoa học Thủy li miền Nam 2013: Ngập do lũ và triều biển dâng trên đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và một số giải pháp thích ứng.

9.     Wassmann, R., N.X. Hien, C.T. Hoanh, and T.P. Tuong. 2004: Sea level rise affecting the Vietnamese Mekong Delta: Water elevation in the flood season and   for rice production. Climatic Change 66:89-107.

10.            World Bank, 2007, The Impact of Sea Level Rise on Developing Countries: A Comparative Analysis, World Bank Policy Research Working Paper (WPS4136), February 2007.

 

 

 

 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630120 visitors (2115706 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free