.
  Vài tản mạn về A Phú Hản
 
27/9/2013



Phần 2:

Người Tỵ Nạn Trở Về và Quốc Nạn Ma Túy:
Cơ quan cứu trợ Liên Hiệp Quốc đưa báo động đỏ khuyến cáo người tỵ nạn A-Phú-Hãn tại các trại trên lảnh thổ Pakistan, Iran hoãn trở về xứ vào đầu mùa đông giá lạnh vì cơ quan cứu trợ này không còn đủ khả năng cung cấp dịch vụ y tế, thực phẩm, di chuyển, chỗ ở, v.v, để thâu nhận số người về mỗi tháng quá đông. Tuy nhiên người hồi hương tiếp tục kéo nhau về quê cha đất tổ của họ đã khiến các trại thâu nhận người hồi hương lên mức quá tải. Trong số những người đã về có gia đình bà Sharbat Gula ở vùng núi gần Tora Bora. Đôi mắt của bà trong ảnh do nhà nhiếp ảnh Steve McCurry chụp mười bảy năm về trước đã làm thế giới bùi ngùi thấy được sự thống khổ của chiến tranh. Tập san Selections của National Geography đã đăng chi tiết về việc tìm kiếm lại bà rất kỳ công.
Điều đáng kể trước hết là tân chính phủ lập một bộ mới gọi là Bộ Bài Trừ Ma Túy (Ministry of Counter Narcotics). Bộ Trưởng đầu tiên được bổ nhiệm là vị kỹ sư cơ khí Habibullah Qaderi, đã từng làm việc 12 năm cho Phủ Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.
Ông phát biểu trong lần họp báo đầu năm 2005 là Bộ của Ông và toàn thể chính phủ của nước Ông không thể hoàn thành công tác này trong vòng mười năm tới, khi so với Thái Lan đã mất gần 30 năm, Pakistan mất hơn 10 năm trong chiến dịch này. Người Thượng Lào vẫn còn trồng trên 22,000 mẫu á phiện. A-Phú-Hãn trở thành nước trồng á phiện nhiều nhứt thế giới, năm 2003 diện tích trồng ở trên mức 80,000 mẫu, năm 2004 được ước lượng tăng 60% so với năm trước. A-Phú-Hãn có 32 tỉnh, 28 tỉnh đã phúc trình diện tích trồng á phiện hàng năm về Bộ Nông Nghiệp và Bộ Bài Trừ Ma Túy. Và hiện tại của năm 2005, không ảnh cho thấy trên giải đất 1,500 cây số vuông, cây á phiện sẽ trăm hoa đua nở trên 150,000 mẫu tây. Ba tỉnh sản xuất á phiện nhiều nhất là Nangahar, Badakhshan, Helman chiếm 50 phần trăm thuốc phiện sản xuất toàn quốc với số thu nhập khoảng 6 tới 7 tỷ đô la.
Nông dân A-Phú-Hãn trồng á phiện trong thế tuyệt vọng, có nghĩa phải trồng á phiện mới sống. Những năm hạn hán từ 1998, 23 năm chinh chiến, chính phủ qua các thời đại không giúp điều gì đáng kể đến nông dân, đường sá và trục lộ giao thông vừa bị phá hủy không được trùng tu chưa kể không có khả năng làm thêm nhiều đường mới đã đẩy nông dân vào con đường khánh kiệt. Các lãnh chúa vùng, nhóm tàn dư Taliban, các tay buôn lậu bạch phiến đứng ra khuyến khích nông dân khánh kiệt này tham dự vào thị trường á phiện. Chánh phủ trung ương ở Kabul thiếu phương tiện kiểm soát, trong khi thị trường bạch phiến ở Âu châu và Bắc Mỹ quá lớn. Đã phát giác những đường dây á phiện được bảo vệ bởi các nhóm trên. Họ đánh thuế khi á phiện được vận chuyển qua đường rừng núi được bảo vệ, không có trục lộ giao thông. Nông dân trồng á phiện không sợ bất cứ ai đến quấy rầy ngoại trừ đám người nói trên đến thu mua.
Ông Bộ Truởng Qaderi có đưa ra kế hoạch 10 năm, đại để 5 năm đầu đạt chỉ tiêu 70%, 5 năm kế tiếp dứt điểm 30% còn lại. Nhưng kế hoạch của Ông chưa thực thi đúng mức. Bộ của Ông chưa có đủ nhân viên, ngân sách quốc gia trông cậy vào tiền viện trợ từ Cộng đồng Âu Châu và Hoa kỳ. Vì sự thành công của chính phủ Karzai sẽ được đánh giá qua chương trình bài trừ ma túy này, nên chính phủ Mỹ hứa sẽ viện trợ 850 triệu đô la và chính phủ Anh hứa đưa vào chương trình bài trừ ma túy số ngân khoảng tương đương. Trong khi chờ kế hoạch của Ông thực thi, số á phiện lớn sản xuất ở xứ Ông tiếp tục đến Âu châu và Bắc Mỹ, một số á phiện và cần sa lưu hành trong quốc gia của Ông. Sở Cảnh Kabul phúc trình ngày đầu năm 2005 có khoảng 60,000 người đang nghiện ngập tại thủ đô. Các chương trình điều trị người nghiện ngập, chiến dịch “say no to drug” vừa bắt đầu nhưng chưa thể giảm được ngay số người trẻ đang xử dụng ma túy gia tăng tại tất cả các thủ phủ trong xứ. Chuyện cây á phiện ở A-Phú-Hãn còn dài xin tạm gát lại một dịp khác.


Cảnh đổ nát chưa có ngày tái thiết

Ngành Du Lịch:
Những nhà dầu tư về ngành du lịch tại A-Phú-Hãn của thời kỳ trước năm 1979 cũng đã trở lại Afghanistan với hy vọng làm sống dậy ngành du lịch thời vàng son xa xưa. Nhưng khi Ông Bộ Trưởng Du lịch và Hàng Không Dân sự Mirwais Dadiq Khan bị ám sát chết hồi tháng 4 năm rồi đã khiến cơ quan Du lịch này phải sát nhập về Bộ Thông tin và Văn hóa cho Ông Bộ trưởng Sayed Makhdoom Raheen điều nghiên cẩn trọng hơn về tình hình an ninh.
Lời kết: Ngành du lịch chưa thể sống dậy tại A-Phú-Hãn, chỉ đến khi nào có hệ thống xa lộ an toàn, khách sạn trùng tu, điện thoại tái lập, vệ sinh công cộng cải thiện.
Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật:
Sự phát huy nền văn học nghệ thuật của đất nước A-Phú-Hãn bị đè nén vào thời kỳ Taliban, gần giống như cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông. Họ cấm đủ thứ ngay cả không cho lưu hành những tác phẩm sáng tác của người A-Phú-Hãn ở nước ngoài. Mấy năm nay, Trung tâm Nghệ Thuật &Văn Hóa A-Phú-Hãn (CACA Kabul) bắt đầu thực hiện nhiều phim tài liệu giá trị. Đơn cử vài phim do trường Đại học Warsaw, Ba lan cộng tác với CACA Kabul đem trình chiếu như End of The Land, Drought in Hazarejat. Phim thứ hai này được thu hình từ hai tỉnh Nahoor và Ghazi sau 8 năm hạn hán, nước chỉ tìm được dưới lòng đất sâu từ 20-30 thước. Không có phương tiện đào giếng sâu, dân làng Jaghuri phải bỏ nơi chôn nhau cắt rún đi lánh nạn hạn hán. Phim tài liệu Pamir Territory nói về sắc dân Wakham thuộc tỉnh Badakhshan vùng Pamir. Họ nói ngôn ngữ riêng theo đạo Esmaelye.
Vấn Nạn Mìn và Chất Nổ:
Ngoài cây á phiện được trồng nhiều nhất trên thế giới, hơn 10 triệu mìn và chất nổ được đặt trên khắp đất nước này trong suốt 23 năm chiến tranh giữa nhiều thế lực khác nhau cũng đã liệt vào hạng nhiều nhất thế giới. Liên Hiệp Quốc trong đó có Anh, Mỹ, Na Uy, Jordan, Nhựt Bổn, vv., cố giúp trong việc tháo gỡ. Người ta ước tính phải mất 6 năm mới khả dĩ làm đất nông nghiệp an toàn hơn cho nông dân canh tác, xa lộ an toàn hơn cho ngành du lịch, các bịnh viện giảm bớt người thương vong mang đến, v.v... Nhưng với tình thế an ninh hiện nay, các toán tháo gỡ mìn và chất nổ không thể thực hiện công việc của họ an toàn được. Trường hợp điển hình xảy ra năm vừa qua trên xa lộ từ Kabul đi Kandahar, toán chuyên viên mìn và chất nổ cùng các chú chó (Belgian shepherd dog Brenda) bị nhóm tàn dư Taliban tấn công gây nhiều thiệt hại. Trong điều kiện khó khăn này, họ vẫn phải tiếp tục gỡ mìn theo các trục giao thông quan trọng đi kèm hành quân yểm trợ mạnh mẽ. Có nghĩa đất nông nghiệp chưa được an toàn cho việc canh tác.



Trại Tạm Trú Của Người Tị Nạn

Lãnh Vực Nông Nghiệp và Môi Trường:
Vấn nạn khác hiện nay của nền nông nghiệp nước A-Phú-Hãn là sự lạm dụng thái quá việc khai thác rừng, nạn đốn gỗ lậu, súc vật gặm hết đồng cỏ khô cằn, trồng á phiện trên diện tích qui mô như đã kề ở phần trên. Sau nhiều năm hạn hán và chiến tranh, mức sản xuất thực phẩm, thịt cá, len, sản phẩm từ gỗ tụt giảm nặng nề từ 80-90%; tất cả các dự án thủy lợi hư hại gần như một trăm phần trăm. Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Để phục hồi nền kinh tế quốc gia dựa trên nông nghiệp có 85% dân số A-Phú-Hãn sinh sống, chính phủ đang vận động mọi nỗ lực ngoại giao xin viện trợ các quốc gia kỹ nghệ cùng các cơ quan tài chính quốc tế.
Lời kêu gọi được đáp ứng và phần phát triển nông nghiệp được liệt vào hàng ưu tiên. Bộ Nông Nghiệp mới sẽ đưa ra các chính sách phát triển hữu hiệu, có trách nhiệm trông coi các vấn đề đất đai, cấp phát ruộng đất, phát triển canh nông, thủy lâm, chăn nuôi, ngư nghiệp ở cao độ, và các tổ chức nông dân góp phần vào các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.
Về nhân sự, chuyên viên cán bộ nông nghiệp với số lượng khoảng 12,000 người, hoàn toàn thiếu kiến thức hay chuyên môn bị lỗi thời. Lý do là những người có trình độ đã chạy tỵ nạn ở nước ngoài, hoặc làm việc cho các cơ quan phát triển quốc tế, chẳng hạn Phó Tổng Thống Hedayat Amin Arsala của chính phủ chuyển tiếp Karzai là chuyên gia của Ngân Hàng Thế giới. Những người còn lại chuyên môn không được cập nhựt theo kỹ thuật mới. Họ chỉ theo những phương pháp cũ lỗi thời từ 25-30 năm về trước cũng như Việt Nam khi mới mở cửa vào thập niên 90. Về hạ tầng cơ sở, bom đạn suốt 23 năm thiêu hủy gần hết. Các phòng thí nghiêm sản xuất thuốc ngừa bệnh gia súc bị hư hại hay thiếu điện là những hình ảnh tiêu biểu cho thấy đất nước này phải bắt đầu từ con số không.

Nhân Tài A-Phú-Hãn Định Cư ở Nước Ngoài Trở Về Giúp Nước:
Điều đáng kể kế tiếp về chính phủ Karzai là chính Tổng Thống ký sắc lịnh cho phép tuyển dụng chuyên viên người A-Phú-Hãn ở nước ngoài về phục vụ tại A-Phú-Hãn không phải từ bỏ quốc tịch của quốc gia tạm dung, ngoại trừ giữ chức vụ hàng Tổng Trưởng trở lên. Lương và phụ cấp hàng tháng tùy thuộc kinh nghiệm chuyên môn, trình độ và được chia làm 9 ngạch: ngạch cao nhất được trả hàng tháng tới 7,000 đô la, hạng thấp nhất 500 đô la. Điều này đang mang về A-Phú-Hãn nhiều đóng góp đáng kể, nhưng cũng có những sơ hở về việc đánh giá khả năng và nạn bè phái. Các cơ quan viện trợ, và các cơ sở tài chánh quốc tế có lập phương thức lượng giá định kỳ. Mức lương mới của công chức chánh ngạch quốc gia hàng tháng sẽ tăng cao, chẳng hạn một thơ ký đánh máy được tăng từ 2,305 afghanis/tháng (50 đô la) lên 8,930 afghanis/tháng (195 đô la), một tổng giám đốc có nhiều nha sở lảnh mỗi tháng 25,000 afghanis (trên 500 đô la).
Sô Viết đã cho du nhập vào A-Phú-Hãn nền kinh tế chỉ huy. Ngày nay A-Phú-Hãn áp dụng kinh tế thị trường nên các công ty quốc doanh đang được chính phủ tuần tự cho tư nhân hóa. Có lẽ trong nhiều ngày tháng tới báo chí địa phương, truyền thanh truyền hình sẽ nhắc nhở các giới chức có trách nhiệm phải cẩn trọng đừng để các công ty quốc doanh bằng cách nào đó rơi vào tay các tài phiệt Iran, Pakistan v.v... Tôi được dịp nói chuyện với vài bạn trẻ có nhiều hoài bảo ở đại học Kabul. Họ có một điều tiếc là tại sao cha anh của họ đã đưa xứ sở thua sút xa xứ láng giềng Pakistan, mà mấy mươi năm trước xứ Pakistan còn lẹt đẹt ở đàng sau xứ họ. Tôi nhìn thẳng vào mắt họ: - Các bạn phải làm gì? Câu trả lời có thể đoán trước được: - Chúng tôi học xong chương trình ở đây. Nhờ học bổng đi học hỏi thêm ở các xứ tân tiến. Chúng tôi phải trở về xứ A-Phú-Hãn của chúng tôi. Bất giác từ sâu thẳm trong tôi hiện ra một thoáng nhớ ở thuở giữa thập niên 1950’s, nhóm nhỏ hành khách trẻ trên chiếc tàu suốt dọc con đường sắt Sài gon - Nha trang đã phát biểu cùng tâm tình của mấy bạn trẻ A-Phú-Hãn 50 năm sau. Nhóm nhỏ trên chiếc tàu suốt năm xưa đã thành người thiên cổ.

Thay lời kết:
Sau bữa cơm trưa của một ngày cuối tháng tư, nhóm chuyên gia của chúng tôi ra xe trở lại văn phòng làm việc, một thiếu niên với gương mặt tuấn tú khỏang 17 tuổi đến xin lau cửa kiếng xe, người tài xế (lúc nào cũng phải ngồi bên cạnh chiếc xe vì lý do an ninh phòng ngừa bị đặt bom) từ chối vì xe còn sạch chưa có nhu cầu. Thiếu niên chậm rãi đi nơi khác, chúng tôi nhận thấy cánh tay trái bị mất nguyên bàn tay. Thiếu niên này là một trong những trẻ nhỏ nhứt ở tuổi 13 bị Taliban trừng phạt chặt đứt bàn tay trái bốn năm về trước khi bị bắt đánh cắp một vật nhỏ ở đường phố Kabul. Và cũng chính Taliban đã đặt chất nổ vào năm 2001 phá hủy các tượng Phật khổng lồ, di tích văn hóa của nhân lọai xây dựng từ năm 623.
Chuyện còn dài, người viết xin hẹn một dịp khác.
HẾT

Phạm Thanh Khâm
Kabul, những ngày cuối tháng 4, 2005
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641789 visitors (2135805 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free