21/9/2014
88-89
Rời Highland Lodoge hotel, 2 kẻ lang thang đạp xe theo con đưởng nhỏ Kone Myint Yeiktha để ra đại lộ Pyay; nhưng trước đó, chúng tôi phải đi ngang khách sạn 7 Mile mà ngày mai sẽ chuyển qua tạm trú.
Hồi sáng, tôi cặp lề phải đường Pyay chạy về phía trung tâm thành phố, còn chiều nay, tôi muốn cùng bà xã đi ngược ra hướng phi trường để có cơ hội tiếp cận một góc nhỏ khác của Yangon. Lộ trình về sau này được xác định lại theo Google maps, như sau:
Tổng cộng chiều dài lộ trình là 7 km.
Khởi đầu từ đường Pyay, rẻ trái, vài công ty xây dựng nằm rải rác trên đường này, Yangon đang phát triển, nhà cửa và nhất là khách sạn, nhà hàng, hiện rất thiếu thốn nên các hoạt động kinh doanh xây dựng đang thật sự thu hút giới đầu tư.
Tại Yangon, bản đồ và thực tế, không thấy có đại lộ; nhưng tôi vẫn xem Pyay như là 1 đại lộ khi nhìn bề rộng của con đường và lưu lượng xe qua lại. Chắc chắn thành phố này không nhiều ô tô như các thành phố lớn trong khu vực, nhưng cũng không thể nói là ít khi chứng kiến cảnh kéo dài của hàng đoàn xe lúc dừng chờ tại các chốt đèn. Tuy vậy, sự thông thoáng trên các con lộ làm tôi thích thú, không biết có phải do tình cờ hay bởi vì sự bố trí hợp lý tín hiệu giao thông, mà mặt đường luôn có 1 bên vắng xe, điều đó khiến cho tình trạng ách tắt không thấy xảy ra. Ngoài ra, qui định cấm xe gắn máy lưu thông rõ ràng đã góp phần rất lớn trong việc làm cho bộ mặt thành phố này sạch sẽ hẳn, sạch tiếng ồn, sạch khí xã và sạch cả cái cảnh chật chội, chen chúc nhau để tìm 1 lối đi.
Mấy tháng trước đây, chúng ta đã nghe phong phanh qua phương tiện truyền thông về 1 kế hoạch cấm xe gắn máy lưu thông trong các thành phố lớn ở nước ta; nếu thực hiện được điều này, xã hội sẽ tiết kiệm được rất nhiều, đồng thời cãi thiện được môi trường sống vốn đang ngày càng bị ô nhiểm. Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ chứng kiến một thành phố đẹp hơn hẳn, với những con đường giao thông không bị ùn tắc, hiệu quả kinh tế của những đơn vị nhiên liệu được nâng cao bởi tính hợp lý trong phục vụ vận chuyển trong xã hội…; nhưng không biết điều ấy có thực hiện được không, khi thế lực đồng tiền luôn vẫn là nguyên nhân của mọi cản trở xu hướng tốt đẹp mà nhiều người mong ước?
Sự thông thoáng trên đường, nhìn mà thích mắt.
Từ lề trái, chúng tôi chuyển sang lề phải, đi dần tới khách sạn Yangon, nằm ngay ngã tư Pyay Rd và Kabar Aye Pagoda Rd. Đoạn này lên dốc nên bà xã tôi phải dẫn bộ, xe rất nhẹ nên chẳng mệt mõi gì.
Đến đoạn bằng phẳng, lên xe, đạp tới và cuối cùng chúng tôi gặp ngả tư Pyay Rd và Kabar Aye Pagoda Rd, thì ra đây là con đường mà hồi sáng tôi đã đi qua 1 đoạn, phía dưới đường Parami, đây là đoạn phía trên . Tại ngả tư này có 1 khách sạn thật lớn, khách sạn Yangon, nhiều du khách nước ngoài mà tôi đoán chừng là người Nhật hay Trung quốc, đang bước ra đường.
Chụp vài tấm hình kỹ niệm là việc làm đầu tiên, để có chứng cớ trưng ra cùng các bạn. Đường Pyay có lẽ là con đường dài nhất mà tôi biết, khoảng 30km từ phi trường Quốc tế Mingladon về trung tâm Yangon. Còn tại đây, khu vực ngả tư này có vẻ khá sầm quất với những dãy phố thương mãi tập trung, cũng như thường xuyên có lượng ô tô lớn tạm dừng để chờ đèn tín hiệu.
Khu thương mãi sầm quất.
Khách sạn Yangon hiện đại.
Bên kia chiếc xe container là nhà hàng vịt quay nổi tiếng Golden Duck.
Chúng tôi rẻ phải, theo đường Kabar Aye Pagoda, trở lại hướng trung tâm Yangon.Thành phố này, từ năm 2006 về trước là thủ đô của Myanmar, có khoảng 4 triệu dân (theo thống kê 2005), chủ yếu là người Bamar, kế đến là Ấn Độ và 1 thiểu số người Trung Hoa.
Yangon đã từng là thành phố quốc tế từ thế kỷ thứ 17, gồm nhiều người châu Âu tới tìm vận may như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh…rồi người Hoa đến lánh nạn sau những biến cố ở Trung Quốc, người Ấn cũng vượt biên giới qua đây đông dần sau nhiều cuộc di cư. Còn 2 người Việt Nam này thì mới tới hôm qua để… rong chơi.
Và bây giờ, cuộc rong chơi đang tiếp tục trên đường Kabar Aye Pagoda Rd, nên tôi đoán có lẽ ngôi chùa cùng tên nằm trên đường này và chắc đây cũng là ngôi chùa nổi tiếng nên mới được đặt tên đường. Tuy nhiên, dấu ấn Phật giáo đầu tiên mà chúng tôi gặp tại đây, nằm bên tay trái con đường, là International Theravada Buddist, mà sau này tôi được biết đó là trường Đại học Phật giáo, nơi đào tạo các tăng sinh với bằng tốt nghiệp Master đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Như tôi đã nói, cũng như các bạn nhìn thấy trong ảnh, cây xanh tràn ngập thành phố, đâu đâu cũng có vườn tược sum suê, liên tục, liên tục, suốt một đoạn đường dài . Rồi đến phố, rồi lại cây xanh…, thậm chí phố cũng dựa lưng vào vườn đậm màu lá phía sau.
Cho dù đã mở cửa, nhưng với thế giới bên ngoài, Myanmar vẫn còn nhiều bí ẩn, cái bí ẩn được hé lộ dần qua những thông tin có được từ nhiều du khách, từ các phóng viên báo chí…khiến nó trở thành niềm thôi thúc muốn tới của nhiều người trên thé giới. Sau hơn 10 ngày rong chơi đã qua, tôi có phần khâm phục sự phát triển của Thái lan, thể hiện qua các công trình giao thông hiện đại, qua nhịp độ ồn ào, tấp nập của phố xá và con người Bangkok…nhưng thú thật, tôi chưa thấy nét duyên dáng nào ấn tượng đến xa-rồi-mà-vẫn-nhớ! Thái Lan nói chung và Bangkok nói riêng, vẫn còn hấp dẫn để tôi có thể tìm ngày trở lại, bởi những gì chưa biết; nhưng với Miến Điện và Yangon, tôi đang tha thiết mong được gặp lần 2, 3 bởi những duyên dáng tiềm ẩn, lẫn khuất trong màu xanh của lá, trên những con đường thoáng rộng xuyên qua những vườn cây…và nhất là những e ấp đáng yêu của các thiếu nữ Myanmar với longyi dài kín đáo! Và chắc chắn là bởi nhiều thứ khác nửa mà ngay bây giờ tôi chưa được thấy, nhưng cái cảm nhận ban đầu của 1 ngày Yangon chưa trọn, đã mach bảo với tôi điều đó.
Gặp gỡ tình cờ với dân bản xứ luôn là điều thú vị, dù bất đồng ngôn ngữ, ít nhất ta cũng được hưởng cái tươi vui, nồng hậu của nụ cười, cái ấm áp tình người của vòng tay thân ái.
Đường sá thông thoáng, khiến xe có thể đậu thoải mái, tôi ít thấy biển cấm đậu xe và từ sáng đến giờ vẫn chưa gặp một ông cảnh sát giao thông nào.
Thời trang và…
…duyên dáng.
Túi khoát vai thời trang và những longyi truyền thống dễ thương và… 1 con jeep lùn xanh da trời lạ mắt, tô điểm thêm nét duyên dáng Yangon(theo tôi)!
Trời tối dần, ánh sáng không còn đủ để có được ảnh đẹp, tuy nhiên tôi vẫn cố gắng hết sức để có hình làm tư liệu, khi tiếp tục chạy dọc theo đường Kabar Aye Pagoda.
Đường Kabar Aye dẫn về phía trung tâm thành phố, bây giờ vẫn chưa gặp đường Parami mà hồi sáng tôi đã đi, phố xá tuy không hiện đại như ở Bangkok hay Sài gòn nhưng sụ thoáng đảng và lạ lẫm làm bà xã tôi khá thích thú.
Đạp xe hơn 1 giờ rồi nên cũng thấy mệt và khát nước, mua giùm cho cô gái mặt đầy phấn thanakha 1 chai nước …làm quen. Cô gái mang kính trắng, rất có vẻ học trò, bán thức uống trên lề đường, gần trạm xe bus, cười tươi khi thấy chúng tôi chơi 2 con xe đạp lạ mắt. Nhìn cái cửa hàng của cô tôi thấy thiệt ngộ, 1 cái bàn nhỏ bày mấy thứ thức uống, còn các lọ kẹo, hộp bánh thì được đặt trên “kệ” tường rào, thật gọn! Với tôi, hình ảnh này thật đẹp, đường phố không thể xấu đi bởi những người nghèo lương thiện!
Đây là trạm xe bus, rất nhiều người dân sử dụng phương tiện công cộng này, bởi vì xe gắn máy 2 bánh bị cấm triệt để tại Yangon. Xin lưu ý đến những vệt cổ trầu loang lổ dưới mặt đường, có lẽ đó là vết “dơ” khó xóa trên các con đường Miến Điện, bởi tục ăn trầu đã trở thành một nếp văn hóa sâu xa của người dân xứ này!
Cuối cùng chúng tôi gặp một ngôi chùa lớn, mà lúc này thật sự chưa biết tên; nhưng nhìn 2 tượng sư tử cao to cùng với ngôi tháp vàng rực sáng xa xa, phía sau tôi thật sự ấn tượng. Đã nghe nói Miến Điện là đất Phật, có nhiều đền chùa nổi tiếng, nhưng chưa tận mặt chứng kiến nên nhất thời, ngôi chùa này với tôi cũng là to lớn lắm. Tôi ở ngoài giữ xe để bà xã vào chùa chiêm bái, nhưng bà xã quay trở ra bỏ lại đôi dép nói phải đi chân trần. Chợt nhớ con đường mình đang đi qua là đường Chùa Kabar Aye, nên tôi đoán thầm có thể đây là ngôi chùa đó.
Tượng sư tử khổng lồ 2 bên cửa chùa Kabar Aye.
Trong sân chùa rộng lớn có rất nhiều hàng quán bán đồ ăn và thức uống, nhiều xe hàng rong cũng góp phần cho bộ mặt trước chùa thêm đông vui.
Tôi giữ xe và ...dép cho bà xã vào viếng chùa.