.
  31 ngày trên đất Phật P31
 
1/5/2014

 Phần 31

Hôm nay vào lúc 5:29 PM

Để tiện theo dỏi, tôi mời các bạn xem sơ đồ lộ trình tại Bangkok sau đây. Tôi cũng mong rằng sơ đồ này sẽ giúp cho các bạn lần đầu đến Bangkok được dễ dàng trong khi đi lại khi tham quan. Ngoại trừ những du khách đã mua vé tour, những người đã từng đến Thái, có địa chỉ xác định, thì hầu như các xe, chở khách từ các nơi tới Bangkok bằng đường không, lẫn đường bộ đều có chung điểm dừng cuối cùng là khu vực chung quanh phố Khao San. Sau nhiều ngày lang thang tại Bangkok, tôi thấy nếu lấy Khao San Road làm tâm, trong vòng bán kính 2km, du khách có thể đến hầu hết những điểm du lịch quan trọng. 



X1 là điểm khởi đầu trong nội ô Bangkok, đường Thanong Siyutthaya.
X 3 là điểm cuối, chỗ xe cho chúng tôi xuống, trước chùa Bowon Niwet, đường Phra Sumen.
X4 là nhà trọ Apple II cùng trên đường Phra Sumen, đi ngược trở lại bờ sông Chao Phraya


Còn bản đồ sau đây, đường kẻ màu đỏ là lộ trình ngắn từ điểm xuống xe đến nhà nghĩ Apple II, đường kẻ màu xanh là lộ trình đạp xe thăm Khao San Road vào buổi tối ngày 21-10-2013.


Cởi con “bike nhỏ không đụng hàng” dưới ánh nắng chiều Bangkok, lòng tôi dâng nhiều cảm xúc, bởi từ trước chưa hề nghĩ rằng mình sẽ mang từ quê hương qua đây một chiếc xe đạp để “dung dăng dung dẻ” giửa thủ đô náo nhiệt này. Cái cảm xúc còn pha thêm sự thích thú bởi tôi nhìn thấy những nụ cười thân thiện kèm ánh mắt ngạc nhiên của người Thái đang xuôi ngược trên đường Phra Sumen, khi thấy một kẻ “bụi đời” long nhong trên con xe đạp “đồ chơi” khác lạ!
Không quên đây là những vòng bánh xe đầu tiên trên phố phường Bangkok, để tìm nơi trọ trong những ngày tạm trú đất này, tôi hỏi những người Thái tình cờ gặp được, nhờ lá “bùa”, tôi được mọi người vui vẻ chỉ đường: cứ đi thẳng tới, qua khỏi giao lộ với đường Chakrabongse, cặp theo lề trái, hỏi tiếp sẽ có người chỉ cho, dĩ nhiên tôi hỏi bằng tiếng Anh “cùi bắp” và được trả lời bằng tiếng Anh “vỏ chuối”, nhưng cả 2 đều dễ dàng hiểu nhau…. Phần lớn họ đều hỏi tôi từ đâu tới và xe đạp này mua ở đâu mà…dễ thương quá xá! Thiệt là …khoái trong lòng!


Đạp xe đi tìm nhà trọ Apple II trên đường Phra Sumen, Bangkok.

Khoảng 15 phút sau thì rõ ràng trước mắt tôi là một trụ sắt tròn gắn “trịnh trọng” một tấm biển màu xanh dương, mang tên “Trok Kai Chae” nằm dưới dòng chữ Thái và nơi vách tường rào trước mặt, cũng rõ ràng:“Apple II guest house”.



Nhìn kỷ thì tôi thấy cái bảng hiệu quen thuộc với 2 màu chủ đạo, cam và xanh lá, của siêu thị mini 7-11 (do gặp nhiều lần trên đường đi, tại các trạm xăng), xem lại lá bùa, tôi cũng thấy có ghi “7-11 shop” lẫn trong đám chữ ‘con sâu”, thì ra anh bạn người Thái đã chỉ rất chính xác con hẽm (cạnh mini mart 7-11?) và biết chắc rằng tôi không “ngu” đến độ chẳng tìm được khi đưa “bùa” này ra hỏi người đi đường! Xin chân thành đa tạ!
Thế là tôi hí hửng quay trở lại đón bà xã.Trên đường tôi đã ghé Bang Lumpoo Place, hỏi thử, thì giá chẳng thua gì khách sạn cao cấp dù là “room for rent”.


Nhân tiện, tôi đã hỏi thăm đường đến phố Khao San nổi tiếng, nó chỉ cách hẻm Trok Kai Chae chừng vài phút xe đạp này thôi.
Như vậy, không đầy 30 phút, tôi đã trở lại chỗ bà xã đợi.Không ngờ 30 phút đó là 30 phút đầy lo lắng của bả.
_ Ông đi sao lâu quá, giấy tờ, hộ chiếu tôi giữ cả, tui cứ sợ rủi…ông bị tai nạn thì …ai biết ông ở đâu? …hay lở ông …đi lạc …thì tui biết làm sao mà tìm, ở cái xứ này …
Ô hay, thật là một lo lắng làm tôi…quên cả mệt và làm tôi muốn…xốn nước mắt! 
_Thôi, tui dìa rồi đây, hi hi, mừng đi, tìm được rồi,… vô cảm ơn người ta rồi…dắt xe theo tui …
Thế là 2 kẻ bụi đời Việt Nam lửng thửng dắt 2 con bike, thồ mấy cục hàng bự chảng, túi bị lỉnh kỉnh, lang thang qua những con phố đông người nơi xứ Thái. Khi nhìn lại bà xã đang dẫn xe trên hè phố, tôi cười thầm trong bụng vì chợt thấy …cuộc rong chơi này, thật sự… ngày càng…hổng giống ai! Cái “hổng giống ai” ấy làm tôi thêm thú vị, cái thú vị mà chắc chắn tôi không cảm nhận được khi ngồi trong xe máy lạnh mát mẻ. Cái thú vị này tôi không lường trước, dù có giàu tưởng tượng đến đâu. Và cái thú vị kiểu này cũng có thể chỉ 1 lần duy nhất trong đời, vì lần tiếp theo chắc là cái thú vị …kiểu khác!







Apple guesthouse II, chỉ là một nhà gỗ mái tôle tầm thường nằm sâu trong con hẻm Trok Kai Chae, có 2 tầng gác với khoảng mười mấy phòng, đôi hoặc đơn, được ngăn bằng vách ván. Mỗi phòng đôi với diện tích khiêm tốn chưa tới 10 mét vuông, đủ chỗ cho 1 giường, 1 tủ đứng và 1 bàn nhỏ cùng 1 điều bất tiện là…không có toilet riêng! Giá 250 baht (700đx250 = 150.000đ VN). Thôi thì tạm nghĩ hôm nay, ngày mai tìm được nơi nào khác vừa ý thì đổi chỗ.







Có nhiều “Tây cùi bắp” thuê chỉ cái giường để ngủ giá 100 baht.

Đây thật sự là một nhà trọ bình dân.
Cái ấn tượng “bình dân” đầu tiên khi vào nhà trọ này là khu vực để giày dép của quí du khách “ba lô”, y hệt như nhà trọ mà sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học đại học, nằm ngay khu vực giữa nhà.


Kế tiếp là quảy bị leo chiếc thang gỗ đen bóng, lên tầng 2 hừng hực nóng, giữa hành lang tối do ngược sáng hắt vào từ phia cuối dãy phòng, một con mèo đen phóng ngược làm tôi hoảng hồn (sau này tôi mới thấy người Thái rất thích nuôi mèo, có lẽ để chúng làm cái nhiệm vụ giết chuột mà con nhà Phật không có quyền thực hiện?). Phòng 18 đây rồi…







Cái nóng Bangkok càng khó chịu khi đẩy cửa vào phòng, nhìn thấy có máy điều hòa trên vách, tôi bước xuống đề nghị mở máy lạnh, dĩ nhiên phải chấp nhận thêm 150 baht nửa. Tổng cộng là 400 baht, khoảng gần 14 $ US, cái giá này so với Saphia Angkor ở Siem Reap (12$ US) thì …quá mắc! Nhưng biết sao được, đây là Bangkok mà, chúng tôi đặt tất cả bị, túi… lên khoảng trống còn lại, sát vách phòng kề bên, thật đúng là “ở bụi”, dù sàn gỗ rất sạch sẽ. Nhờ máy điều hòa nên bây giờ tôi thấy thật dễ chịu.



Những kẻ bụi đời được ngủ trong cái “lữ quán” gác gỗ này chắc chắn sướng hơn …Thái tử Đoàn Dự, nước Đại Lý, khi “rong chơi” chốn giang hồ, phải nghĩ tại các “lữ điếm toàn cây”, vì không có …máy lạnh!

Việc đầu tiên là lo đi vệ sinh, tắm giặt để “nghía” cái chỗ quan trọng phải đến mỗi ngày. Với 3 phòng tắm kiêm WC liền nhau ở tầng trệt, đơn giản y như ở một gia đình dân dã Việt Nam, khá sạch sẽ, tôi thấy cũng tạm được. (He he, mình có ở trong này suốt đâu mà cần sang trọng! ). Tôi hứng thêm nước lên phòng để nấu mấy ấm dành cho buổi tối.


Có wifi, chúng tôi mở netbook ra để ngó sơ tình hình thư từ, nhất là tin tức quê nhà và gửi email cho con biết đã tới Bangkok. Ngoài ra, tôi biết chắc chắn Sư H. sẽ thăm hỏi về tình hình của 2 kẻ lang thang. Từ 17-10-2013, khi biết chúng tôi khởi hành, hầu như mỗi ngày Sư đều gửi mail xem tôi đã tới đâu. Dĩ nhiên tôi reply ngay, nhưng 2 ngày nay, dọc đường không có net, chúng tôi đành “bặt vô âm tín”. Tội nghiệp Ông Sư, chắc chắn không thể nào yên tâm với chuyến đi của cặp bạn già bụi bặm này, nên hàng ngày cứ email thăm hỏi. Chắc Sư sợ rằng 2 kẻ “lông bông” có thể không may …sẩy chân đâu đó trên đường thiên lý, hoặc “ấm ớ hội tề” nơi xứ lạ quê người mà chẳng biết hỏi ai. Có khi Sư đang “sầu trong bụng”, lẩm bẩm, lầm bầm: “… đường sá chưa thông mà đi lòng vòng thì… khó mong tới miền đất Phật!”
Và đúng như dự kiến, email của ông vừa đến hôm nay, giờ này chắc Sư vừa mới thức.


Tôi nhận được email của Sư như sau :



Tôi thông báo ngay cho Sư hay về tình hình “no bus forYangon” như đã kể.



He he, tí sau tôi nhận được reply thật cảm động, thì ra ông cũng đang online.Chắc chắn Sư đã biết trước đường sá đi Myanmar nhiều khó khăn, dù không cụ thể thế nào, nhưng chẳng hề dễ dàng như ta tưởng. Nhất là sau một thời gian dài đóng cửa, dù nằm cạnh Thái Lan rất hiện đại, nhưng Miến Điện vẫn thật xa xôi bên kia biên giới phía Tây! 
Sư đã reply cho tôi thư sau:



Rủ bạn bè đi chơi mà còn phải bận tâm lo lắng như thế này, Sư làm tôi thiệt tình cảm động. Có lẽ vì cảm thấy trách nhiệm với cuộc hành trình lang bạt của 2 kẻ phàm phu này mà Sư không yên tâm? Sư H. ơi, O 60 cả rồi, nên mọi quyết định của chúng tôi chẳng hề liên quan gì đến Sư cả, cứ xem tụi này như mây gió, gió thoảng mây trôi, lang thang đây đó lâu rồi, chuyện “homeless” có gì đâu ghê gớm!
Tuy nghĩ thế, nhưng tối nay tôi sẽ cố tìm thêm thông tin về chặng dường sắp tới, để trả lời dứt khoát cho Sư an tâm.
18h, chúng tôi rời nhà trọ, ra đầu hẻm, rẻ phải đạp xe dọc theo hành lang của dãy phố đường Phra Sumen, rồi tiếp tục rẻ phải ở góc cua kế tiếp, qua đường Chakrabongse…Có nhiều hàng bán thức ăn nằm dọc theo vĩa hè của các con đường này, chúng nằm dọc theo lề lộ nhựa, chồm lên 1 phần lối đi bộ, chỉ chừa lại khoảng hơn 1 mét cho khách bộ hành chen lấn ngược xuôi: cơm gà, cháo thịt, hủ tíu, đậu phộng chiên, sửa đậu nành, đủ thứ bánh và nước… 




Trước tiên, chúng tôi tìm một chỗ ăn cơm, đó là quán cơm gà tươm tất trên hè trái đường Chakrabongse, chỉ 40 baht (# 28.000đ VN), rồi dựng tạm xe để vào xem tình hình “thực tế”, quán này chỉ “độc món” cơm gà!



Bông vạn thọ vàng xâu lại thành vòng, được bày bán nhiều nơi, để cúng Phật hay treo tại các ngôi miếu.
Rất sach sẽ, cơm và thịt gà đều chuẩn bị từ những “thiết bị” bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chén dia, muỗng nĩa đều là loại sử dụng 1 lần; với chúng tôi thì bửa ăn khá ngon miệng và vừa đủ no.




He he, đừng tin dĩa cơm gà bự chảng kia 40 baht, chỉ là hình ảnh…minh họa thôi.

Chúng tôi chọn ngồi ngoài hè phố cho thoáng và nhìn xem người qua lại.




Thêm 1 Pepsi và 2 cái tẩy là “trọn tình trọn nghĩa” với bao tử của chúng tôi trong ngày hôm nay.

( Còn tiếp)

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641772 visitors (2135787 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free