.
  Họp mặt 40 năm ...P20
 
16/9/2013

 

Phần 20.
KS Mong Phước Minh

Như tôi đã nói, nếu lấy năm 1975 làm mốc, Thầy Võ Tòng Xuân có đóng góp lớn từ sau 1975, thì giai đoạn 1969-1975, Thầy Nguyễn Viết Trương chính là người đã có công giúp cho sự phát triển trường Đại học Nông nghiệp Cần thơ, không chỉ về cơ sở vật chất mà còn về đội ngủ giảng huấn. Nhưng cái quan trọng nhất chính là đã xây dựng một chương trình đào tạo hiện đại và phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước, lúc đó.

 

Thiệt sự, chắc chắn lúc mới vào trường, sinh viên nông nghiệp các khóa đầu đã rất bi quan khi nhìn cái cơ sở vật chất khiêm tốn đến tội nghiệp, lại phải học “ké” với đại học khoa học, các Thầy thì phần lớn là “thỉnh giảng”! Chả trách, có nhiều bạn đã bỏ trường, chuyển qua khoa khác, ngành khác …thậm chí đổi lên trường “tỉnh” NLS Sài gòn, chê cái trường “làng” Cần thơ, vì nghĩ vô đây chắc sẽ “đời tàn trong ngỏ hẹp”! Đầu vô 50, 60 mạng, sau 4 năm học nhiều khóa tốt nghiệp chưa tới 40 ngoe!

Nhưng hình như ngoài những kỷ sư bị lính chộp, một số ít hoãn dịch gia cảnh được vào làm tại các ngành “ngon cơm” như ngân hàng, công ty nông nghiệp tư nhân,…hầu hết đều được Bộ Canh nông hay Bộ giáo dục tuyển dụng, hổng sót người nào. Có vẻ như thương hiệu “Kỷ sư nông nghiệp Cần thơ” đã được chú ý khi các Thầy thỉnh giảng xuống dạy, chất lượng “sản phẩm” đã được “đánh dấu”  khi “nó” còn ở trong “lò”.

Theo tôi, đây là kết quả của một chương trình đào tạo phù hợp, với ban giảng huấn chất lượng và đa dạng (các Giáo sư Nhật bản góp 1 phần trong cái đa dạng đó), cùng với một cơ sở vật chất được “hiện đại hóa” kịp thời nhờ nguồn viện trợ của Nhật (chính yếu) và một số nguồn khác trên thế giới.

 

Giáo sư Yasuo Ohta, một trong những Ông Thầy Nhật gắn bó sâu đậm nhất với trường Nông nghiệp Cần thơ.

 

Thầy Nguyễn Phú Thiện

Thầy Võ Tòng Xuân

Thầy Yasuo Ohta

Thầy Nguyễn Hữu Quyền...

 

Tính tình cương trực, thẳng thắng cộng với lòng tự trọng vốn có của hầu hết các nhà giáo, nhà khoa học miền Nam thời đó, Thầy Trương đã được nhiều người quí trọng. Đã từng có một sinh viên, con Đại tá Tr.v.T, Tỉnh trưởng Sa Đéc , không đậu đủ số tín chỉ tối thiểu để lên năm thứ 2, Ông Đại Tá nhờ Viện Trưởng Ng.D.X can thiệp, Dean Trương đã trả lời Viện trưởng qua điện thoại: Anh cứ cho nó lên lớp,…rồi vô đây làm Khoa trưởng luôn. Báo hại anh bạn này ở lại lớp và nghĩ học. Chắc các bạn K2 hayK3(?) nhớ vụ này.

Thầy cũng từng phản đối thẳng thừng và rời bỏ phòng Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch, khi ông ta có những ý kiến gây cản trở viện trợ Nhật bản cho trường Nông nghiệp Cần thơ. Những chuyện này, tôi chỉ nghe “loáng thoáng”, các Thầy chắc biết rõ hơn. Tuy nhiên, tôi nhắc lại đây để muốn nói lên cái tính cương trực của một người trí thức chân chính, không vì tư lợi hay địa vị mà làm trái lương tâm, đúng với câu : uy vũ bất năng khuất.

 

Thầy Trương hướng dẫn khách(Hội chuyên viên và kỷ sư canh nông) thăm Trường Đại học Nông nghiệp Cần thơ.

 

Xuất thân từ một trong những gánh họ nổi tiếng ở Cái Dứa, ngang vàm Ô môn (Nguyễn Hữu, Nguyễn Tấn, Nguyễn Viết…), con Ông huyện Luật, cháu nội Ông Hội Đồng Sâm, cựu học sinh Pétrus Ký,  Thầy Trương du học xứ sở kangaroo lâu năm, nên lúc trở về quê hương, Thầy mắc tật “cà lăm” khi nói tiếng Việt không rành. Môn sinh lý thực vật, không khó, lại có “cua” do Thầy Nguyễn Dương dịch, nên dù Dean có nói lắp, ai cũng dễ dàng vượt qua. Tuy nhiên, học trò là phường “ma, quỉ”, nên hay “kiếm chuyện” sau lưng, Lê Thành Đương ỷ mình cùng quê hương Sa Đéc, nên đặt biệt danh Dean Trương là “Anh Sáu Cà lăm”. Dĩ nhiên đố thằng nào dám nói trước mặt ông Thầy.

Ông Thầy thì “thẳng ruột ngựa”, minh bạch, nhưng lại có cái chữ ký “ loằng ngoằng, lộn xộn”, không rõ ràng, rất khó bắt chước. Ấy vậy mà cũng có thằng làm được cái việc giả mạo “tày trời” này , đó là Trương Minh Trường, khóa 1. Anh ta ký giống đến độ nhiều khi Ông Thầy nói vui: chừng nào hổng có tui thì giấy tờ cứ đưa thằng Trường ký. Thật tình, Tr.M.Trường chắc không dám làm cái chuyện giỡn mặt tử thần đó, nhưng “giỡn mặt chính quyền” thì đã một lần.

Đó là vào tháng 4-1975, khi tôi đang thụ huấn tại Long Thành, Thầy đã làm một công văn, gửi lên Trường Bộ binh để xin cho tôi nghĩ phép 07 ngày, về Cần thơ “thi” cao học. Đó là 1 lý do giả tạo, vì chẳng có thi thố gì, chỉ là cái cớ giúp tôi tạm thời rời khỏi quân trường. 07 ngày phép là một “ân sủng” cực kỳ quí giá đối với một quân nhân, nhất là vào những ngày sôi động tháng 4 năm 1975. Sau kỳ nghĩ, tôi “lận lưng” thêm mấy phiếu báo danh với chữ ký giả của Trương Minh Trường, văn phòng khoa cứ thấy chữ ký “y chang” Dean Trương thì ‘bụp” dấu đỏ ngay.

Nhờ thế tôi tiếp tục được rời “Huấn khu Long thành” đợt 2, cũng 07 ngày về Cần thơ cho tới ngày chấm dứt cuộc chiến.

Cái vụ này tôi rất biết ơn bạn Trường, vì biết đâu nếu còn ở “ngã 3 Thái Lan, Bà Rịa” có thể tui cũng đã theo Nguyễn Vân Dương về bên kia thế giới!

Nhưng Thầy cũng đã từng ký tên và đóng mộc đỏ đàng hoàng cho một giấy chứng nhận có một không 2, có 2 …chết liền! Đó là giấy chứng nhận Gs Yasuo Ohta đã ăn các con “dã thú”(wild animals) trong thời gian công tác tại Việt Nam.

To whom it may concern.

Dr.Yasuo Ohta, Professor, Faculty of Agriculture, Cantho University, has enjoyed eating those wild-animals :

1/Tortoise

2/Snake

3/Mouse

4/Stork

5/…

6/…

……..

……..

I will, at any time, willingly respond to all who want to know about this.

Establish in Cantho on April 13, 1973.

Dr. Nguyen Viet Truong,

Dean of  Faculty of Agriculture, Cantho University.

Tôi nhớ đại khái là như vậy, không biết có chính xác chăng?

 

Xem tiếp P21

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641392 visitors (2135348 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free