3/8/2014
TÔM THẺ CHÂN TRẮNG CƠ HỘI HAY NGUY CƠ
KS Đặng Hòang Minh
I. Khái quát tôm thẻ chân trắng:
Con tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) xuất hiện lần đầu tiên ở bang Florida (Mỹ) vào năm 1973 sau đó được các nhà khoa học đưa vào nuôi thử nghiệm cách ly để phục vụ công tác nghiên cứu. Sau ba năm nuôi thí điểm, loại vật nuôi mới này đã thành thục và được phép nuôi tại Panama vào năm 1976.
(tôm thẻ chân trắng)
Bắt đầu từ thời điểm này, người ta chứng kiến một làn sóng du nhập và phát triển tôm thẻ chân trắng rất quy mô tại các quốc gia Nam và Trung Mỹ. Đặc biệt tại Hawaii, thuộc lãnh thổ Mỹ, tôm thẻ chân trắng phát triển tốt đến những năm 1980 sau đó phát triển mạnh khắp khu vực châu Mỹ Latinh.
Chỉ cho đến khi El- Nino xuất hiện thì người ta mới thấy dịch bệnh trên tôm thẻ nhưng so với tôm sú thì tôm thẻ chân trắng có ưu thế là kháng bệnh tốt hơn, lớn nhanh hơn và thích nghi cao hơn ở các điều kiện môi trường thay đổi. Năng suất tôm thẻ cả năm có thể đạt 44 tấn/ha trong điều kiện thức ăn không đòi hỏi cao về hàm lượng protein như tôm sú. Tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng trong khu vực đạt 193.000 tấn vào năm 1998, sau đó giảm xuống còn 143.000 tấn vào năm 2000 rồi nhanh chóng tăng trưởng trở lại vào năm 2004, đạt 270.000 tấn.
Cũng trong thời gian này, nhiều quốc gia châu Á cũng cho du nhập tôm thẻ vào nuôi và nhanh chóng trở thành một đối tượng nuôi trồng mới cho năng suất và hiệu quả cao. Theo số liệu không chính thức của Tổ chức Lương nông Liên Hợp quốc (FAO) thì tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng tại châu lục này đã đạt xấp xỉ 1.116.000 tấn vào năm 2004, nâng tổng sản lượng toàn cầu lên con số 1.386.000 tấn. Trong đó Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và Thái Lan là những vùng nuôi tôm thẻ lớn nhất do phù hợp với các điều kiện nuôi trồng tôm thẻ.
Trong thời điểm này dư luận cũng xuất hiện nhiều thông tin quan ngại về dịch bệnh từ tôm thẻ chân trắng và không dám cho du nhập nên nhiều quốc gia châu Á cũng miễn cưỡng đối với loại vật nuôi mới này. Năm quốc gia châu Á là Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar và Philippines chỉ dám nuôi thử nghiệm cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Riêng Thái Lan và Indonesia cho thả nổi việc du nhập và nuôi trồng dù các quan chức ngành thủy sản có khuyến cáo về nguy cơ.
Theo thống kê của FAO năm 2004, các quốc gia sản xuất nhiều tôm thẻ nhất gồm Trung Quốc (700.000 tấn), Thái Lan (400.000 tấn), Indonesia (300.000 tấn) và Việt Nam (50.000 tấn). Kế đến là những quốc gia ở các châu lục khác như Mỹ, Brazil, Ecuador, Mexico, Venezuela, Honduras, Guatemala, Nicaragua, Belize, Peru, Colombia, Costa Rica, Panama, El Salvador, Ấn Độ, Philippines, Campuchia, Suriname, Saint Kitts, Jamaica, Cuba, Cộng hòa Dominica và Bahamas.
Thị trường tiêu thụ cho loại vật nuôi này số một thế giới vẫn là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản với ba sản phẩm chính là tôm đông lạnh nguyên con, lột vỏ và bỏ đầu. Sau đó các nhà sản xuất và chế biến còn đa dạng hóa bằng nhiều sản phẩm khác nhằm làm gia tăng giá trị gia tăng cho con tôm thẻ chân trắng trong xu thế tiêu dùng mới.
Năm 2005, Mỹ nhập khẩu xấp xỉ 477.000 tấn tôm thẻ các loại, trị giá 3,1 tỷ USD, cao gấp gần 2 lần so với năm 2000 chủ yếu từ Thái Lan, Ecuador, Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Cùng năm này, châu Âu nhập 183.000 tấn chỉ trong nửa đầu năm.
Theo dự báo của các chuyên gia thị trường thủy hải sản, bất chấp tình hình dịch bệnh do virus Taura, đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng mà một số quốc gia lo ngại thì nhu cầu tiêu dùng loại thủy sản này vẫn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên để giữ được thị phần trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn thì con tôm thẻ phải đảm bảo được lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại. Theo đó sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, không tồn dư hóa chất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
II. Nuôi tôm thẻ chân trắng cơ hội hay nguy cơ:
Trong thiên nhiên, tôm trưởng thành, giao phối, sinh sản ở những vùng biển có độ sâu 70 mét với nhiệt độ 26-28oC, độ mặn khá cao (35%o). Trứng nở ra ấu trùng và sống xung quanh khu vực sâu nầy. Tới giai đọan hậu ấu trùng, chúng bơi vào gần bờ và sinh sống ở đáy những vùng cửa sông cạn. Sau vài tháng con tôm trưởng thành, chúng bơi ngược ra biển và tiếp diễn quá trình sinh trưởng phát tiển. Do đó nước ngọt không là cơ hội cho tôm thẻ chân trắng, có quá nhiều rủi ro cho nông dân.
Đồng Tháp có 3 vùng dự án nuôi tôm càng xanh trong mùa nước nổi gồm các huyện Lấp Vò, Tam Nông và Cao Lãnh, riêng huyện Cao Lãnh nuôi trong môi trường chống lũ triệt để và nuôi trái vụ. Trong cuộc khảo sát vừa qua UBND Lấp Vò đã nhận thức tôm thẻ chân trắng nên vùng nuôi tôm xã Mỹ An Hưng B nông dân không thả nuôi lọai đối tượng nầy
Huyện Tam Nông không kiểm sóat được nên có một số hộ vì lợi nhuận đã nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng nước giếng khoan trong vùng nuôi tôm càng xanh của dự án và lan truyền một số huyện.
Căn cứ các kết quả nghiên cứu của trong, ngoài nước đặc biệt là kết quả nghiên cứu và bài học kinh nghiệm của Thái Lan khi đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong nước ngọt từ những năm 1990, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và người dân đều thấy được những tồn tại bất cập khi đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong vùng nước ngọt, nguy cơ cụ thể như sau:
1- Tác động rất lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học đặc biệt là ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh;
2- Năng suất, sản lượng, chất lượng tôm thẻ chân trắng thương phẩm nuôi trong nước ngọt kém hơn so với nuôi nước lợ, giá bán thấp hơn, khi nhu cầu xuống thấp, giá không ổn định người nuôi có nguy cơ không tiêu thụ được sản phẩm và thua lỗ;
3- Phá vỡ quy hoạch nuôi tôm càng xanh đã được phê duyệt do đó khó kiểm soát được tình hình sản xuất thực tế;
4- Cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp và người dân chưa có kinh nghiệm nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro lớn cho người dân. Các mầm bệnh mới từ tôm thẻ chân trắng có thể lây lan cho các đối tượng nuôi truyền thống như tôm càng xanh hay các loài thủy sản khác;
(Phá vỡ huy hoạch, ảnh hưởng môi trường)
Ngoài ra, việc khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm thẻ chân trắng là một trong những vấn đề đáng lo ngại. Theo Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II, việc sử dụng nước giếng khoan có độ mặn từ 3-7%, pha thêm muối và một số khoáng chất để nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hoá vùng trồng lúa gây ảnh hưởng năng suất lúa. Khu vực nước ngọt Đồng Tháp là một trong những vùng thượng nguồn, nếu như dịch bệnh xảy ra, mầm bệnh sẽ theo nước, theo vật chủ lây truyền cho vùng nuôi ở cửa sông.
Theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì không quy hoạch phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng nước ngọt như An Giang, Đồng Tháp.
Chúng ta cần khẳng định tôm thẻ chân trắng không nằm trong quy họach phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh, cũng như định hướng sau nầy và tuyên truyền người dân không phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng dưới mọi hình thức. Đặc biệt, nghiêm cấm việc tự khoan giếng lấy nước có độ mặn thấp pha muối hạt để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Chúng ta cần tổng kết đánh giá, tìm nguyên nhân hai vùng dự án nuôi tôm càng xanh của hai huyện Lấp Vò, Tam Nông (đạt khỏang 30% diện tích) hoặc các huyện khác, qua gần 10 năm vận hành sản xuất chưa đạt mục tiêu dự án, về đầu tư hạ tầng vùng nuôi, hệ thống thủy lợi cấp thóat nước, về kỹ thuật, thu mua, tồn trữ, bảo quản chế biến và nhận thức, nguyện vọng của người nuôi thật sâu sắc để hướng đến mục tiêu của dự án. Đây là vùng nuôi thủy sản có giá trị cao trên cơ sở khai thác lợi thế mùa nước nổi để phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà.
(thu hoạch tôm càng xanh, ảnh minh họa internet)
Đầu năm 2015 nhà nước cần thông tin tuyên truyền, giám sát để phòng những hộ tái nuôi chận đứng kịp thời, bảo vệ vùng nuôi tôm càng xanh đã được quy họach.