.
  Về thăm trường cũ p22
 
20/9/2013

 
 
Ngày 24 tháng 4 năm 1975, khoảng 15 giờ chiều, chú Bá, tài xế riêng của Thầy đang ngồi chờ trên chiếc Toyota tại công ốc 7, tôi hỏi bộ Thầy Trương chuẩn bị về Sài gòn? Chú Bá gật đầu, mặt có vẻ rất khẩn trương, tôi liếc thấy bên cạnh ghế trước còn có một khẩu M16.
Trong văn phòng, Thầy Trương đang có vẻ bận rộn, tới lui, vẻ mặt đầy tâm trạng. Chắc Thầy đang nặng nề một quyết định “ở-đi”! Về Sài gòn chuyến  này có khi không còn ngày trở lại, một quyết định vô cùng khó khăn cho người Thầy nhiều tâm quyết với sự nghiệp trồng người chỉ mới bắt đầu chưa lâu(Viện Đại học Cần thơ có một Niên san tên là “Thụ Nhân”, trồng người).
 Ra đi là bỏ lại biết bao nhiêu công sức, hoài bão về ngôi trường thân yêu mà giờ đây đã như là máu thịt. Ra đi là bỏ lại những bạn bè đồng nghiệp đã cùng hết lòng lo cho sự nghiệp chung, đào tạo những chuyên viên giỏi, những nhân tài cho đất nước. Ra đi là không còn tiếp tục những dự án, những nghiên cứu liên quan tới điều kiện thực tiễn tại địa phương góp phần vào sự phát triển ngành nông nghiệp nước nhà. Ra đi là bỏ lại lớp đàn em “ma quỉ” nhưng rất thân yêu, rời xa lớp học trò quậy phá nhưng thật tình không …khó dạy! Thầy chần chừ lâu lắm, lâu lắm rồi …cũng ra xe…
Sáng ngày 02-5-1975, tại văn phòng khoa, công ốc số 7, khu Cái Răng, tôi có mặt cùng một số Thầy và các anh thị thư ký(chị Thu, chị Hà, anh Trí…) Thầy Phan Thanh Châu, thư ký đại học đường(thay thế Thầy Kim, lúc này còn đang học ở Nhật Bản), bóc lá thư của Thầy Trương gửi lại, trịnh trọng đọc, :
“Các anh chị em thân mến,
Tôi rất đau buồn khi viết lá thư này gửi lại các anh chị, tôi thật sự tiếc bao nhiêu công sức mình đã bỏ ra để xây dựng trường Nông nghiệp Cần thơ, nay phải rời xa dù trong lòng không hề muốn…chắc chắn tôi không thể nào quên những ngày chúng ta cùng cộng tác, không quên những giúp đở của các anh chị em để tôi hoàn thành công việc…xin cảm ơn các anh chị em đã giúp tôi trong thời gian qua…
Chúc cho mọi người luôn mạnh khỏe.
Chào các anh chị em,
Nguyễn Viết Trương.”
Đọc xong lá thư, Thầy Châu nhẹ mĩm nụ cười …buồn bã, mọi người có mặt chợt tràn đầy một xúc động không nói nên lời, suốt đời tôi không thể nào quên được giây phút đó!
 Với tôi và có lẽ mọi người đều như thế, đang nặng nề một tâm trạng: từ đây đã thật sự vĩnh viễn mất đi một người Anh đáng kính, một Khoa Trưởng đầy trách nhiệm và một người Thầy hiền hòa, nhân hậu!...
Mãi đến năm 1990, Đỗ văn Chuông cho tôi địa chỉ của Thầy, lúc này tình hình trong nước đã có đổi mới, thoáng hơn; tôi viết vội cho Thầy một lá, với hy vọng “mong manh” sẽ tới được Thầy.  Và chẳng lâu sau tôi nhận được hồi đáp, thật quá đổi vui mừng, vì ngoài cái nét chữ thân yêu không được đẹp, tôi còn nhận được hình ảnh của Dean sau 15 năm không tin tức!
 
Thầy hơi già hơn một chút, nhưng có vẻ “rắn rỏi” và bớt “sửa” hơn ngày xưa!
 
Qua lá thư tôi biết Thầy đang làm cho Bộ Nông nghiệp Úc, đã có gia đình và 2 con trai. Đặc biệt trong thư, có một đoạn làm tôi rất xúc động, Thầy viết : “…nhiều tháng liền tôi luôn nhớ về Cần thơ, có khi đang ngủ chợt giật mình thức dậy, tôi tưởng mình như vẫn còn đang ở đó…”!
…Và chuyện bây giờ mới kể: Khoảng năm 1995, tôi có dịp nói chuyện với Anh Tiến(đã mất) tại phòng Liên lạc Sài gòn, anh nói: “… vào những ngày cuối tháng tư, 1975( như tôi đã nói, Thầy Trương lên Sài gòn từ chiều ngày 24-4-1975), hôm nào Thầy Trương cũng tới phòng liên lạc, vò đầu bức trán nói chắc tôi phải về Cần thơ quá anh Tiến ơi…, ở trên này tôi không chịu nỗi…”, Anh Tiến nói đó là nỗi “dằn vật” giữa đi và ở đang xâu xé trong lòng Thầy Trương, hôm nào cũng thế, mỗi lần vào đây, Thầy đều nói như vậy. Trong lúc ấy Má Thầy Trương buộc Thầy phải đi, “vì con không thể ở đây được bởi chức vụ Viện Trưởng và bởi những mối quan hệ với nước ngoài”, dù đó đơn thuần chỉ là về khoa học và giáo dục. Tình cảnh đó, Thầy nói phải về Cần thơ để tránh điều khó xử. Nhưng cuối cùng vì thương Mẹ, Thầy Trương đã quyết định ra đi.
Năm 2000, một thông tin loan qua điện thoại, nhanh chóng đến với những học trò cũ, Thầy Trương về Việt Nam công tác trong một chương trình do World Bank tài trợ, đó là chương trình ứng dụng hệ thống cỏ vetiver trong phòng chống xói mòn đất. Sau khi làm việc xong với Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Hà Nội, Thầy Trương sẽ vào Sài Gòn và thuyết trình về đề tài này tại Viện Kỷ thuật Nông nghiệp Miền Nam.
Và thế là một số học trò và đồng nghiệp cũ tìm đến Viện KTNN Miền Nam tham dự buổi thuyết trình, nhưng mục đích chính là được gặp lại “người xưa”. Chắc chắn ai cũng cảm thấy vui về buổi gặp nhau “kỳ diệu” này. Sau ¼ thế kỷ, Thầy tưởng đã mãi không còn gặp lại nhau, tưởng đã mãi không còn dịp trở về, vậy mà hôm nay lại có ngày này. Chúng tôi cũng thầm cảm ơn Giáo sư Quyền, cảm ơn bạn Tăng Tôn đã tạo điều kiện cho cuộc hội ngộ quá bất ngờ, xúc động và đầy tinh thần…khoa học!


Ảnh 2 “ngày “đoàn tụ” sau 25 năm. (Ảnh 1 ở đầu phần 19)
Trong số này, rất tiếc có 3 người nay đã đi xa: Thầy Lưu Trọng Hiếu, Bạn Nguyễn Thành Nghiệp và Thầy Ngô Gia Định.
 
Đó là lần trở về nước đầu tiên sau 1975, mở đầu cho một loạt những “trở về” của Thầy nhằm góp chút công sức và kiến thức khoa học để giúp ích cho quê hương. Chắc chắn rằng đó là nỗi mong muốn mà Thầy từng ấp ủ kể từ lúc rời xa đất nước.
Trở về Cần thơ, lần đầu tiên nhìn lại công ốc 7 sau bao năm xa cách, có lẽ Thầy rất xúc động khi nhớ lại những ngày cuối tháng Tư “vội vã” năm xưa. Cái “bịn rịn” đau lòng khi nghĩ phải xa rời mãi mãi một chốn thân yêu mà mình dày công gầy dựng, nay cũng được an ủi phần nào khi chứng kiến sự đổi thay  đầy tích cực của mái trường xưa, của khu1, khu2…của cái “viện trợ Nhật nối dài” mà mình đã ít nhiều từng góp phần vận động.
Những hình ảnh của Thầy trong giai đoạn này:

 
Thầy Trương và bộ rể cỏ vetiver.
 
Ảnh Thầy Trương về Cần thơ


Tại nhà chị Điệp


Tại nhà hàng Hoa Sứ
 
 
 
 
Năm 2006, Tiến sĩ Paul Trương, Giám đốc và Đại diện khu vực Châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu cỏ Vetiver quốc tế, trở lại Khoa Nông nghiệp Cần thơ, cùng các nhà khoa học thế giới và trong nước, tham dự buổi hội thảo với đề tài: Hệ thống cỏ vetiver: Khắc phục thảm họa tự nhiên và môi trường ở Việt Nam.
Ngày 19-01-2006, tại Hội trường Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Tiến sĩ Lê Quang Minh, 1 trong những học trò cũ của Gs Nguyễn Viết Trương, nay là Hiệu trưởng trường Đại học Cần thơ, đã long trọng chào mừng và tiếp đón Thầy Nguyễn Viết Trương.
Sau diễn văn khai mạc của Gs Lê Quang Minh, Thầy Trương tiếp tục chủ trì buổi hội thảo buổi sáng này. Đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm Thầy trở lại trường cũ cũng với tư cách một người Thầy. Bấy giờ, chắc chắn Thầy hiểu rằng những đóng góp của Thầy khi xưa vẫn đầy giá trị. Nhìn những học trò cũ mà mình đã góp phần đào tạo, thay thế mình để tiếp tục sự nghiệp trồng người, hẳn Thầy mĩm cười vừa tự hào, vừa mãn nguyện! (Viện Đại học Cần thơ trước năm 1975, hàng năm có xuất bản 1 quyển Niên san tên là “Thụ nhân”, đăng các công trình khoa học có giá trị của các Giáo sư, Tiến sĩ giảng dạy tại trường.)
 
 
Nay, Thầy đã làm đám cưới cho một trong 2 người con trai, không biết Thầy đã lên chức Ông Nội chưa?
 
…nhưng có một điều chắc chắn là Thầy đang học đàn và quyết chí trở thành “guitarist” số một trong nhà!
 
Hôm nay, Thầy không về dự họp mặt cựu sinh viên Nông nghiệp Cần thơ được, đó là điều đáng tiếc; nhưng lại được Thầy chúc mừng bằng một chai bia thì lại là điều rất vui…Vô!!!
Mong Thầy sớm bình phục sau phẩu thuật mắt, để về Cần thơ cho học trò tới thăm.
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630231 visitors (2116209 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free