Lạm bàn phát triễn tỉnh Tiền Giang- Mỹ Tho
GS Tôn Thất Trình
Sông nước Tiền Giang mênh mang như nổi sầu lữ thứ,
Tay nặng hành trang, đi về ngang bến cũ
Nghe rưng rưng dòng lệ nhớ quên nhà!
Lá úa chiều thu theo gió lạnh bay về .
Một chuyến sang ngang qua đò Mỹ Thuận
Nắng xế ban chiều soi bóng mặt Trường Giang…
... Quê em tình nghĩa mặn nồng.
Yêu thương rót mật vào lòng.
Đồng ruộng xanh bát ngát,dòng sông sâu gió mát .
Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.
Mai về khi qua bến Bắc, để lại sau lưng nước mắt .
Người đi nhớ câu hẹn thề, tình quê nhớ nhau trở về.
Người đó, ta còn đây, thương đang đầy, tìm chẳng thấy
Biết ai mà duyên nợ nhịp cầu nối liền giấc mơ.
Dẫu chín trăng em đợi, mười thu lòng em vẫn chờ….
( Vọng cổ “Em Về Qua Bến Bắc” của hai nghệ sĩ Thanh Sơn và Viễn Châu. Nhắc lại Viễn Châu, sinh năm 1924 tại xã Đôn Châu tỉnh Trà Vinh, là nhà chơi đàn tranh ưu tú Bảy Bá , là sọan giả cải lương tài danh “ Kim cỗ Giao duyên”, và cũng sáng tác hơn 2000 bài ca vọng cổ, lời thơ tình tứ, tâm hồn thi sĩ lảng mạn, đã làm nổi danh ba thế hệ diễn viên, ca sĩ miền Nam các thập niên 1960 -70- 80 như Út Trà Ôn , Út Bạch Lan, Hửu Phước,Thành Được, Hương Lan, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Hùng Cường … )
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Gió nào độc bằng gió Gò Công.
Anh thương em từ thuở má bồng,
Bây giờ em khôn lớn lấy chồng bỏ anh.
Đồng Nai, Châu Đốc, Định Tường,
Lòng anh sở mộ gái miệt vườn mà thôi.
Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho, ngọn tỏ ngọn lu,
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.
Gò Công anh dũng tuyệt vời,
Ông Trương “ Đám lá tối trời “ đánh Tây.
Gò Công giáp biển nổi tiếng mắm tôm chà,
Mắm tôm chua ai ai cũng chắt lưỡi hít hà,
Sài Gòn Chợ Mỹ ai mà không hay….
( Ca Dao Miền Nam, sưu tầm của Phan Tấn Tài - 2006)
Vị trí
Tỉnh Tiền Giang nằm về phía Bắc châu thổ sông Cửu Long, trên sông Tiền, một trong hai nhánh lớn của sông Cửu Long, nhánh kia là sông Hậu. Phía Bắc giáp tỉnh Long An, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp tỉnh Bến Tre và phía đông là biển Đông nước nhà. Diện tích tổng cọng trước đây ghi là 2 484.2 km2 , nay có phần nhỏ hơn 2 367 km2. Thị xã tỉnh lỵ Mỹ Tho cách Vĩnh Long 70km , cách TP Sài Gòn - HCM cũng 70 km, cách TP Cần Thơ 103 Km, Châu Đốc 179 Km và Rạch Giá 182 Km. Tọa độ Tiền Giang là 10025’ vĩ tuyến Bắc và 1060 10’ kinh tuyến Đông. Dân số năm 2001 là 1635 700 người; năm 2002 là 1649 300, tăng gần 15 000 người một năm. Vì vậy dân số cuối năm 2013, có lẽ đã gần 1800 000 người . Đa số là tộc dân Kinh - Việt . Thứ đến là Hoa , Khmer và Chàm ( ? ).
Phân chia hành chánh
Tiền Giang có môt thị xã tỉnh lỵ ( thành phố-đô thị hạng II tỉnh quản lý là Mỹ Tho, được Chánh phủ công nhận tháng 10 năm 2005), một thị xã khác là thị trấn Gò Công và 8 huyện: Gò Công Đông ( huyện lỵ là Tân Hóa ); Gò Công Tây (huyện lỵ là Vĩnh Bình ? ); Chợ Gạo ( huyện lỵ là Chợ Gạo );Châu Thành ( huyện lỵ là Tân Hiệp );Tân Phước ( huyện lỵ là Mỹ Phước ? ); Cai Lậy ( huyện lỵ là Cai Lậy ); Cái Bè ( huyện lỵ là Cái Bè ) và Tân Phú Đông ( huyên lỵ là Mỹ Diên ? ). Diện tích thị xã tỉnh lỵ Mỹ Tho là 79.8 km2 ( 7980 ha ), dân số năm 2006 là 169 000 người; năm 2012 là 220 000.
Suôi dòng thời gian
Tưởng cũng nên nhớ lại vùng đất mà thời Pháp Thuộc gọi là Nam Kỳ, trong đó gồm tỉnh Tiền Giang - Mỹ Tho, cho đến đầu thế kỷ thứ 17, vẫn còn là một vùng đất hoang vu, rừng rú , sình lầy đầy rắn rít và hàng ngàn thú dữ. Từ đầu Công Nguyên đến thế kỷ thứ 7, vùng đất hoang vu này thuộc về Vương quốc Phù Nam, trải dài từ lưu vực sông Cửu Long đến sông Menam - Thái Lan xuống tận các đảo Mã Lai. Phù Nam là chữ tìm thấy trong thư tịch Trung Hoa. Tân Đường Thư ghi là vua Phù Nam Trúc chiên Đàn sai sứ sang Tàu cống voi đã thuần dưỡng. Sách này cũng ghi là Phù Nam đã nuôi được 5000 voi chiến. Lương Thư( 5502 - 556 ) cũng nói đến Phù Nam, nhưng không nói rỏ người Phù Nam là người gì. Goerge Coedès cho Phù Nam là chữ người Trung Hoa, phiên âm từ tiếng B’iu nâm, tiếng Khmer cổ là “ vua ở núi” , tiếng Khmer mới là Phnom. Cũng theo Coedès, người Phù Nam có thể đến đây từ miền Đông Nam Ấn Độ, hoặc từ bán đảo Mã Lai hay từ các đảo trong châu Đại dương . Trong cuốn “ The Making of South East Asia - Thành lập Đông Nam Á” ,Coedès nói đến truyền thuyết Kaudinya , một tù trưởng từ miền Nam Ấn Độ, đến kết duyên cùng Hoàng hậu Liễu Diệp ở vùng sông Mê Kông, lập nên nước Phù Nam ( Xem bài khảo luận về tỉnh Đồng Tháp có nhiều chi tiết hơn, viết ngày 22 tháng 7 năm 2013 ). Kinh đô ở vùng Bà Nam thuộc tỉnh Preyveng ngày nay, cách biển 500 dặm Anh ( 805 km ). Nhưng Phù Nam suy tàn và mất dấu vết từ thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ thứ 13 , lúc sứ thần Chu Đạt Quan đến vùng này ; nhưng lúc bấy giờ vùng này thuộc về Chân Lạp- Chen La ,không còn là Phù Nam nữa . Theo Charles Higham ở sách Khảo cổ Lục địa Đông Nam Á- The Archaeology of Man Land Southeast Asia - 1989 , dựa trên những công trình khai quật từ trước đến năm 1980, từ khoảng 10 000 năm trước Chúa Giáng Sinh đến cuối thế kỷ thứ 16, cả vùng lục địa Đông Nam Á đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với những hình trạng khác nhau: săn bắn hái lượm từ 10 000 đến 5000 trước CN định cư ven biển từ 5000 đến 1500 trước CN... thành hình các mandala từ 500 trước CN đến thế kỷ thứ 3 và biến chuyễn mandala từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 16. Văn hóa Ốc Eo và Angkor chỉ mới xuất hiện vào thời kỳ cuối cùng trong những thời gian ghi trên ( chiếu theo Nguyễn Thanh Liêm, tháng 7 năm 2006 ). Có cả thảy 5 hay 6 mandala của vùng Đông Nam Á. Phù Nam, Chân Lạp, Lâm Ấp là 3 mandala trong số này . Nhiều người cho rằng cuộc Nam tiến của người Việt đã cắt đứt một phần lảnh thổ cũ của họ là Thủy Chân Lạp. Thật ra, Thủy Chân Lạp nguyên thủy cũng không phải là lảnh thổ của Chân Lạp( Cambodia , Kampuchia ) mà là nước Phù Nam, bị Chân Lạp chiếm đóng vào thế kỷ thứ 7. Những đất đai ở đây là vùng phù sa mới bồi của sông Cửu Long, thường bị ngập nước, nên người Chân Lạp ít định cư . Từ phía Nam Bình Thuận xuống tới sông Cửu Long, hình như không thấy di tích, đền đài hay chùa chiền Chân Lạp. Dầu sao, người Việt định cư tại Thủy Chân Lạp đã chận đứng thủy lộ sông Cửu Long từ thủ đô Chân Lạp đổ ra Biển Đông, gây khó khăn cho Chân Lạp trong việc giao thương quốc tế ( Trần Gia Phụng - 2005 ) .
Năm 1613, Chúa Tiên Nguyễn Hòang mất, di ngôn lại cho con là Nguyễn Phước(Phúc ) Nguyên ( Chúa Sãi, khi kế vị cha ) phải nuôi dân, luyện binh chống chỏi với chúa Trịnh. Lấy xong Chiêm Thành, công việc Nam tiến cũng chưa xong, vì xứ trung không có đất phì nhiêu đủ cho một nước nông nghiệp thịnh vượng đương đầu với Chúa Trịnh ở trung châu Bắc Phần. Cho nên đồng bằng lưu vực sông Cửu Long , mới chánh là mực tiêu Chúa Nguyễn dựng nước, như nhà sách lược phát triễn cự phách miền Nam, Ký lục Nguyễn Cư Trinh, đã nhận xét năm 1740 :
Tây Phương không đường tới ( vì bị dãy Trường Sơn ngăn trở )
Bắc Bộ khó nẻo qua( vì là xứ Đàng Ngòai chúa Trịnh chiếm giữ )
Đường Nam Phương thấy đó chẳng xa …
Nam phương là đất Thủy Chân Lạp, đất rộng, phì nhiêu, thuần đồng bằng sông Củu Long, người thưa, đúng là đất thực dân cho dân Trung Việt núi non, ít đất cày cấy. Bởi thế cho nên, khỏang thế kỷ thứ 17, chúa Sải ( trị vì 1613- 1635 )kết thân, năm 1618, gã công nương Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II. Năm 1621, công nữ Ngọc Vạn được lập thành hòang hậu Sam Đát , đem theo nhiều đồng hương tới Chân Lạp.Năm 1623, sứ thần từ Huế, đem lễ vật trọng hậu dâng lên vua Căm Bốt ở Ou- đông xin phép và được vua Chey Chetta II ưng thuận, cho dân Việt làm ruộng và buôn bán, được định cư trên đất ngày nay là Sài Gòn và lúc đó là miền cực Nam nước Căm Bốt ( theo Henri Russier, “ Histoire sommmaire du Royaume de Cambodge- Tóm lược lịch sử Vuơng quốc Căm Bốt ). Đất chúa Sải “ mượn “ lập đồn quân và sở thuế là Prey Nokor(Sài Gòn) và Kas Kobey ( Bến Nghé ), tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh cho lưu dân người Việt chánh thức vào khai thác vùng Mô Xuy ( Bà Rịa - Vũng Tàu ).
Lúc này nhà Minh bên Tàu cũng đang mất nước, các chiến sĩ Minh ưu tú phẩn uất bỏ đi tìm tự do độc lập, ngòai thế lực kẻ thù. Năm 1679, trấn thủ Quảng Đông là Dương Ngạn Dịch với phó tổng binh Hòang Tiến, tổng binh Cao châu, Lôi châu, Liêm Châu là Trần Thượng Xuyên, phó tổng bình là Trần An Bình bị tướng nhà Thanh là Thi Lang- Shi Lang đánh bại ở Đài Loan, đem 3000 quân và chiến thuyền chạy thẳng vào cửa Tư Hiền ( Tư Dung ) và Đà Nẳng, muốn xin làm thần dân chúa Nguyễn. Đúng vào lúc cháu chúa Sải là chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, con chúa Thượng Nguyễn Phước Lan, đang để tâm vào việc khai khẩn đất Chân Lạp. Chúa Hiền dung nạp bọn họ, cho nhóm Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho, nhóm Trần Thương Xuyên vào ở Biên Hòa. Dân di cư Hoa - Tàu khai khẩn, thiết lập phố phường buôn bán, thuyền buôn của người Thanh và các nước phương Tây, Nhật bản, Java đi lại thông thương phồn thịnh. Nhóm Dương Ngạn Địch định cư trên một nhánh nhỏ của sông Tiền, là sông Mỹ Tho, theo hán tự từ Mỹ là Đẹp đẻ và từ Tho là Cây Sậy - Reed tree . Trong thế kỷ thứ 17, Mỹ Tho là Trung tâm sầm uất nhất của miền Nam Việt Nam. Việc mở mang đất miền Nam rất thuận lợi, nếu không có việc Hòang (Huỳnh )Tiến , năm 1689, mưu cát cứ giết chủ tướng, đưa quân thủ hiểm, đúc đại bác, đóng chiến thuyền, thả quân sang cướp phá Chân Lạp, khiến Thu Vương Nặc Thu- Ang Saur bỏ triều cống, chằng xích ngang sông làm kế cố thủ. Thống binh Nguyễn Hửu Hào và tướng Long Môn Trần Thượng Xuyên đánh dẹp, giết chết Hoàng Tiến, thần phục được Thu Vương. Đất miền Nam nê địa hoang vu, nay đã trở nên giàu có, làm Xiêm, Lào thèm thuồng, Chân Lạp tiếc rẽ, chưa kể các thế lực người Hoa đang bành trướng trong nội địa. Chey - Chetta II mất năm 1628. Năm 1658, nội bộ hòang gia Chân Lạp bất hòa, chú cháu tranh dành ngôi vua, sự việc không tự giải quyết được, hai hòang thân là So và Ang Tan nổi lên đánh Nặc Ông Chân ( trị vì 1642- 1659 ) nhưng thất bại và quay sang cầu cứu chúa Nguyễn. Chú Hiền sai phó tướng dinh Trấn Biên ở Phú Yên là Nguyễn ( hay Tôn Thất ) Phước Yến, đem 3000 quân đánh Môi Suy bị Nặc Ông Chân vây khốn, bắt được Nặc Ông Chân đem về giam tại Quảng Bình, nơi chúa đang bận hành quân chống chúa Trịnh một độ , rồi tha cho về nước, bắt phải hứa hàng năm triều cống và bảo vệ người Việt lập nghiệp ở Mô Suy ( Mô Xòai ). Năm 1659, Nặc Ông Chân chết, chúa phong So, con của Prea Outey bị Nặc Ông Chân giết tiếm ngôi vua là vua Chân Lạp. Để bảo vệ quyền lợi của lưu dân Người Việt, năm 1698, chúa Minh Nguyễn Phước Chu sai Thống Xuất Nguyễn hửu Cảnh ( Kính ), con Nguyễn Hửu Dật , dòng dõi Nguyễn Trải vào Nam kinh lược. Như chúng ta đã biết, Thống xuất Cảnh chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên - Biên Hòa. Lấy xứ Sài Côn - Sài Gòn dựng dinh Phiên Trấn - Gia Định, thiết lập xã thôn, phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệ thuế tô dụng làm sổ đinh điền … ( Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên ) . Lại lấy người Hoa đời Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên, lập ra xã Thanh Hà ; ở Phiên Trấn lấy người Hoa đời nhà Minh lập xã Minh Hương . Từ đây miền Nam không còn là đất vô chủ nữa, chánh thức nhập vào lảnh thổ Việt Nam, xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn. Cư dân trong vùng không còn là lưu dân hay người Minh Hương, người Khmer lưu tán nữa mà chánh là dân Việt Nam.Từ đây, lảnh thổ Việt Nam đà được phân định. Sau ngày tuyên bố chủ quyền này, dù hoang vu, chánh quyền Chân Lạp chưa bao giờ đặt chân cai trị, nhưng những nguời Việt gốc Hoa quản trị vùng này như Trần Đại Định, Mạc Thiên Tứ thảy đều yêu cầu các quốc vương Chân Lạp chánh thức xác nhận dâng hiến cho Việt Nam: Nặc Thu dâng đất Longhor Mesa ( Long Hồ - Mỹ Tho ); Nặc Nguyên dâng đất Tầm Bôn, Lôi Lạp ( Gò Công, Tân An ); Nặc Nhuận dâng đất Trapeang ,Bassac ( Trà Vinh , Ba Thắt ); Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long ( An Giang - Châu Đốc) . Thống xuất Cảnh đã làm đủ yếu tố pháp lý theo căn bản công pháp quốc tế ngàu nay , để tuyên bố chủ quyền quốc gia. Trong thời Việt Nam Cộng Hòa, nhiều lần quốc vương Miên Sihanouk đặt lại vấn đề chủ quyền lảnh thổ Việt Nam, đòi lại đất, xin định lại biên giới v.v… , nhưng nền tảng pháp lý thời mở đất của Việt Nam thật là vững chải, khiến Cam Pu chia - Căm Bốt không tranh cải vào đâu được ( luật sư Lưu Vĩnh Khương, Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai - Cửu Long, tháng 7 - 2006 ). Năm 1732, một bọn người Lào ở Chân Lạp nổi lên cướp phá, giết hại người Việt, NặcTha dẹp không nổi. Tháng 4 năm 1732, Thống binh Trần Đại Định tiến quân đến Loviet ( Angkor Vat ) yểm trợ cho Nặc Tha. Giết được bọn người Lào, Nặc Tha dâng đất Meso Longhor chuộc tội đã không quản trị hết lảnh thổ. Chúa Ninh nhận đất, cho lập châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ ở xứ Cái Bè, cho nhập vào Phủ Gia Định. Nguyễn Cư Trinh và Trương Phước Du xin dời dinh Long Hồ qua đất Tầm Bào thôn Long Hồ thuộc chợ Vĩnh Long ngày nay. Năm 1752, Nặc Nguyên( Ang Snguon ) đem quân Xiêm La về đánh NặcTha cướp ngôi. Nặc Tha chạy sang nước ta cầu cứu và chết ở Gia Định . Nặc Nguyên cấu kết với chúa Trịnh, mưu định hai đầu tấn công chúa Nguyễn. Biết được âm mưu, Chúa Võ Nguyễn Phước Khóat sai Thiện Chinh ( có thể là Nguyễn hửu Dõan ? ) làm Thống Xuất và Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu đánh Nặc Nguyên, đánh đâu thắng đó. Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ tâu với Chúa Nguyễn xin đem hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp chuộc tội. Lúc đầu chúa Võ không chịu , nhưng sau sớ tâu Nguyễn Cư Trinh trình bày sách lược “ kế tằm ăn lá dâu”, Chúa Võ nghe theo, nhận lấy hai phủ ấy, cho nhập vào châu Định Viễn. Sau này là Tân An và Gò Công. Sau khi tóm thu tòan thể châu thổ sông Cửu Long đến tận duyên hải Hà Tiên - Cà Mau, Nguyễn Cư Trinh lại phải sắp đặt việc phòng thủ, chia khu vực trách nhiệm, lập 5 đạo phòng thủ cai trị đất mới, trong số này đạo Tân Châu ở Cù Lao Giêng thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay. Năm 1772, chúa Định Nguyễn Phúc Thuần sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm cùng Cai Bộ dinh Long Hồ Nguyễn Khoa Chiêm đánh Chân Lạp, vua theo Xiêm La chống lại chúa Nguyễn. Quân chúa Nguyễn tiến chiếm, thu phục các phủ Nam Vang, La Bích. Nguyễn Cửu Đàm thu quân về dinh điều khiển Gia Định, đắp lũy Tân Hòa ( nay là Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang ), dài 15 dặm, bao quanh đồn dinh, chắn ngang đường bộ để phòng thủ. Sau cuộc dụng binh này, các quan nhà Nguyễn ở Gia Định lập đạo Trường Đồn Mỹ Tho, tức là Định Tường sau này. Với đạo Trường Đồn, uy quyền chúa Nguyễn phát triễn lên phía Tây Bắc, đến biên giới Chân Lạp. Năm 1779, Đại Nguyên Súy Nguyễn Phước Ánh, thấy đạo Trường Đồn là nơi yếu địa của 3 dinh vùng Gia Định ( Trấn Biên nay là Biên Hòa, Phiên Trấn là Định Tường và Gia Định, Long Hồ là An Giang và Vĩnh Long), nâng lên làm dinh Trường Đồn ( Định Tường sau này ). Dinh này khi đó chỉ có một huyện là Kiến An gồm 3 tổng là Kiến Đặng, Kiến Hưng và Kiến Hòa. Với đạo Trường Đồn, uy quyền chúa Nguyễn phát triễn lên phía Tây Bắc, đến biên giới Chân Lạp. Năm1779, Đại Nguyên Súy Nguyễn Phước Ánh, thấy đạo Trường Đồn là nơi yếu địa của 3 dinh vùng Gia Định ( Trấn Biên nay là Biên Hòa, Phiên Trấn là Định Tường và Gia Định, Long Hồ là An Giang và Vĩnh Long), nâng lên làm dinh Trường Đồn ( Định Tường sau này ). Dinh này khi đó chỉ có một huyện là Kiến An gồm 3 tổng là Kiến Đặng, Kiến Hưng và Kiến Hòa. Năm 1781, dinh Trường Đồn đổi tên là dinh Trấn Định . Năm 1808, Thời vua Gia Long, đất Nam Kỳ được gọi là Gia Định Thành bao gồm 5 trấn: Hà Tiên, Vĩnh Thạnh, Định Tường, Phiên An , Biên Hòa . Năm 1834 , thời vua Minh Mạng, 5 trấn được đổi thành 6 tỉnh, nên mới có tên là Lục Tỉnh. Tháng 2 năm 1859 , Pháp chiếm thành Gia Định. Dù mọi chống trả oanh liệt của tướng Nguyễn Tri Phương, các đồn Cây Mai, Chí Hòa, Thuận Kiều đều lần lượt bị lọai ra ngòai vòng chiến. Ngày 25-2- 1861, Pháp hạ đồn Kỳ Hòa. Ngày 14- 4- 1861, Pháp chiếm Định Tường. Tháng 6- 1961, Khâm sai Đại thần thời vua Tự Đức Nguyễn Bá Nghi tới Biên Hòa, vừa đúng lúc Định Tường đổi chủ, thấy tình hình không thể sáng sủa được, Nghi đã thảo thơ nghị hòa với Charner. Tháng chạp năm 1861, Phó Đô đốc Bonard thay thế Đô đốc Charner tiếp tục cuộc chinh phục Nam Việt và lần lượt chiếm đóng Cần Giuộc, Tân An và Gò Công, rồi quay xuống Mỹ Tho đặt nền móng cai trị trên nhưng phần đất mới chiếm. Năm 1862, vua Tự Đức chuẩn cho Phan Thanh Giản chánh sứ và Lâm Duy Hiệp phó sứ vào Nam nghị hòa với tướng Bonard. Phái đòan Phan Thanh Giản bị buộc phải ký hòa ước năm Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862, trong đó có khỏan là Đại Nam phải giao cho Pháp quản trị ba tỉnh Biên Hòa, Định Tường và Gia Định. Sau khi chiếm trọn 6 tỉnh miền Nam năm 1867, Pháp chia Nam Kỳ thành 21 tỉnh . Năm 1880 ,thờì Pháp thuộc 20 tỉnh đọc theo vần vè như sau :
Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà,
Sa, Bến, Long, Tân, Sóc,
Thủ, Tây, Biên, Mỹ ( Tho ), Bà,
Chợ. Vĩnh, Gò, Cần, Bạc. Và tỉnh thứ 21 là Ô Cấp- Cap St Jacques ( Vũng Tàu ). Nay thì tỉnh Gò Công không còn, phần lớn nhập thành những huyện của tỉnh Tiền Giang, một trong 12 tỉnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Phần II: phát triễn tỉnh Tiền Giang
|