.
  Kim cương nhuộm đỏ
 
14/4/2014

 

   

    Chuyên Gia Phạm Thanh Khâm

 

    Lời Dẫn Nhập

    Tháng 12, 1997, tôi ký khế ước ngắn hạn với FAO công tác đến Sierra Leone để thẩm định một dự án nông nghiệp (FAO/UNDP Project SIL/89/008: Inland Valley Swamp Development). Thực ra kể từ đầu thập niên 1980, tôi thường đến thăm viếng nước Sierra Leone và xứ láng giềng Liberia trong những lần hướng dẫn chuyên viên Phi châu đi quan sát và trao đổi kinh nghiệm với hai trung tâm khảo cứu lúa gạo đặt tại hai xứ này. Do đó tôi đã hiểu phần nào về đất nước và con người trong vùng Tây Phi châu. Nhưng chuyến công tác này rơi vào thời điểm không an toàn cho tôi, vì ngay tại thủ đô Freetown, các trận đánh ác liệt diễn ra ngay trên đường phố. Lính của phe đối nghịch phần lớn ở tuổi mười hai mười ba làm khiếp đảm mấy trăm ngàn cư dân thủ đô chạy lánh nạn sang nước láng giềng Guinea. Quân đội Liên Hiệp Quốc, Anh, Guinea đã phải can thiệp. FAO sắp xếp vé máy bay đưa tôi trở về Mỹ sau tuần lễ đầu tiên làm quen với dự án.

 

    Blood Diamond

    Báo chí và các nhà phân tích thời cuộc cuối năm 1997 đưa ra nhận định và kết luận ngắn gọn: Blood diamond của thập niên 1990 là nguyên nhân đưa đẩy các nước Angola, Congo-Kinshasa, Sierra Leone, Liberia vào cảnh nồi da xáo thịt. Bận rộn với nhiều công việc khác trong nhiều năm ở những nơi an toàn, tôi không có dịp đọc những chuyện “blood diamond” ở Phi châu. Gần một năm nay, tôi trở lại làm việc tại đất nước A-Phú-Hãn với vô số nan đề cần cập nhật hóa như á phiện, lãnh chúa, phong trào jihah, bắt cóc, v.v... Tôi có dịp theo dõi nhiều biến động trên thế giới, tiếp cận nhiều tài liệu để hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả của các biến động. Nhân đọc các tài liệu này, tôi thấy được chi tiết của những lính trẻ ở tuổi mười hai mười ba tuyển từ vùng mỏ kim cương nước Sierra Leone, việc Tổng Thống Charles Taylor của Liberia đi lánh nạn hồi tháng 8/2003 một phần do dính dáng đến blood diamond, nước Congo-Kinshasa xuất nhập cảng kim cương không theo luật lệ quốc tế, v.v... Hai phe trong nước Angola đánh nhau chí tử để giành các mỏ hột xoàn. Bài viết này chỉ tóm lược những tài liệu tản mác liên quan với tiêu đề.

 

    Lính Trẻ

    Cuối tháng 7, 2004, phiên tòa của chánh án Benjamin Itoe xử tội ác của phe phiến loạn tại Sierra Leone năm 1997 (khác hẳn các phiên tòa xử tội ác chiến tranh ở Yogoslavia, hay ở Rwanda) đưa ra các chi tiết kinh hoàng như sau:

    Nhân chứng với bí số TF1-199 (không ghi tên thật) khai rằng nhóm bộ hạ của phiến quân do Foday Sankok lãnh đạo ở vùng có mỏ kim cương bắt nhân chứng đem trấn nước lúc 12 tuổi tại ngôi làng của nhân chứng. Muốn được tha chết là phải gia nhập phiến quân. Nhân chứng được trao ngay súng AK-47, tập bắn, sau đó nhân chứng bị ép hút cần sa, bạch phiến (cocaine, amphetamines), được chỉ cách hiếp dâm. Nhân chứng khai đã làm bài thực tập hiếp cô bé khiếp đảm 15 tuổi.

    Nữ nhân chứng với bí số TF-1196, 30 tuổi, khai trước tòa là các lính nhóc con sau khi giết chồng của bà, chúng thay phiên hiếp bà đang mang thai gần ngày sinh nở, xong thú tính, dùng mã tấu chặt đứt hai cánh tay của bà.

    Nhân chứng IT1-199 (theo tin CNN) vào ngày khai trước tòa (cuối tháng 7, 2004) ở tuổi 17. Foday Sankok bị Liên Hiệp Quốc bắt giam, chết trong tù năm 2003. Chấm dứt trận chiến "blood diamonds" kéo dài từ 1991 đến 2002 tại Sierra Leone.

    Theo ước lượng của UNICEF, khoảng 120,000 lính trẻ dưới 18 tuổi đang cầm súng trong hàng ngũ quân đội ở các nước Phi châu. Quân đội của chính quyền Sierra Leone có khoảng 25 % lính trẻ dưới 18 tuổi. Đất nước này có 4.3 triệu dân nói tiếng Anh và 4 thổ ngữ Mende, Temne, Fula, Creole.

 

    Hấp Lực Kim Cương

    Theo tin CNN, kinh doanh ngành kim cương hàng năm trên thế giới có số thương vụ là 60 tỷ Mỹ kim (gấp 10 lần số thu nhập buôn bán á phiện tại A-Phú-Hãn). Nước Congo-Kinshasa loạn lạc triền miên, các mỏ kim cương sản xuất rất ít như mỏ ở vùng Mbuji-Mayi, nhưng số lượng kim cương xuất cảng cao gấp 100 lần so với mức sản xuất bình thường được ghi nhận 5.2 triệu carats. Giá 1 carat chưa cắt (uncut) vào tháng 7/2004 là 75.90$US. Các tay buôn Congo nhận kim cương từ các nước sản xuất khác như Angola, Zambia, v.v... rồi tái xuất cảng không qua đường chính Antiwerp (Bỉ), chỉ theo ngã United Arab Emirates, Thụy sĩ trước khi đưa vào Hoa kỳ hay những nơi tiêu thụ khác.

 

    Giá Blood Diamond ở Angola

    Đánh nhau trong 20 năm để giành quyền kiểm soát các mỏ kim cương trong nước, Angola đã đánh mất cơ hội trở thành quốc gia trù phú ở Phi châu, còn giết hại hơn nửa triệu con dân của họ. Ông Jonas Savimbi lãnh đạo phe UNITA độc quyền giữ nhiều mỏ kim cương lớn (70%) ở vùng Lunda để tài trợ cuộc chiến chống Tổng Thống Eduardo Dos Santos thuộc phe MPLA. Số tiền ước tính phe UNITA trong 6 năm từ 1992-1998 đã thu được là 3.7 tỷ đô-la. Mặc dù có thỏa ước ngưng bắn Lusaka 1994 được ký kết giữa 2 phe do Liên Hiệp Quốc dàn xếp, hấp lực kim cương đang làm hiệu lực của thỏa ước này rất mong manh. Các thế lực quốc tế đang chấn chỉnh lại nghị quyết 11734 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về biện pháp chế tài các nước bán lậu kim cương, cùng cải thiện tổ chức buôn bán kim cương De Beers, CSO (Central Selling Organization) điều hành 80% thị trường kim cương trên thế giới.

 

    Giá Blood Diamond ở Liberia

    Nước Liberia cũng vì "blood diamond” đã làm hậu duệ của người da đen nô lệ trở về từ Mỹ không có đời sống thanh bình như mơ ước của những người lập quốc giữa thế kỹ 19. Nước Liberia được thành lập ngày 26/7/1847 sau 30 năm nhóm ACS (American Colonization Society) tổ chức đưa người nô lệ da đen trở về lục địa cũ (có những đợt đi 13,000 người mỗi chuyến), vì không muốn ở với con cháu của Chú Sam. Tổng Thống đầu tiên Joseph Jenkins Roberts (1848) là người nô-lệ trở về từ Mỹ. Ngày nay dân số Liberia có khoảng 2.5 triệu người. Hậu duệ của những người bị bắt làm nô lệ ở Mỹ trở về chỉ chiếm 5% dân số. Anh ngữ cùng bốn thổ ngữ Bassa, Mandingo, Kru, Kissi và đồng đô-la Mỹ được xử dụng ở đây. Lá cờ quốc gia có nền gần giống như cờ của Hoa Kỳ, nhưng trên góc trái chỉ có 1 ngôi sao.

    Quyền lực do blood diamond mang lại đã đưa một số nhà lãnh đạo của Liberia vào tử địa cuốn theo 200,000 con dân xứ này bị sát hại. Bắt đầu từ ngày 12-4-1980, Trung sĩ Doe giết Tổng Thống William R. Tolbert lên cầm quyền để chiếm lấy 500 triệu đô la. Tháng 9, 1990, đến lượt Trung sĩ Doe bị bắn chết. Yormie Johnson lên thay. Bảy năm sau Charles Taylor, một lãnh chúa mới, lên giành chức đến tháng 8, 2003 bị nhóm phản loạn ép buộc từ chức với nhiều cáo buộc trong đó có blood diamond, phải chạy lánh nạn ở Nigeria. Đương kiêm Tổng Thống Moses Blah hứa hẹn hòa giải với phe phản loạn. Blood diamond đang được định giá trở lại.

 

    Thay Lời Kết

    Giữa tháng 7, 2005, biên tập viên đài VOA một lần nữa dành mấy phút trực tiếp truyền thanh trao đổi với tôi về chuyện dài á-phiện ở A Phú Hãn. Tôi đưa nhận xét trong phần kết luận về giá á-phiện ở A Phú hãn cũng mắc và tốn kém xương máu con dân xứ này như giá blood diamond của bốn nước Phi châu kể trên, chỉ có khác á phiện thuộc hàng quốc cấm, kim cương thuộc hàng hóa của thị trường tự do.

 

     Phạm Thanh Khâm

    Viết tại Kabul, ngày thứ sáu 2/9/2005

 

     


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638113 visitors (2126782 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free