12/6/2014
Những sinh hoạt của loài người như tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch, thay đổi cách thức sử dụng đất đai và đốn phá cây rừng, làm gia tăng khối lượng khí nhà kính trong khí quyển, hâm nóng quả địa cầu và biến đổi khí hậu (BĐKH): lượng mưa thay đổi bất thường, thiên tai với cường độ mãnh liệt hơn và nhiệt độ không khí gia tăng, làm tan các tảng băng trên đỉnh những dãy núi cao, ở hai địa cực Bắc Nam, tuyết chảy và khối nước của đại dương giãn nở khiến mực nước biển dâng cao.
Ủy ban Liên Chánh phủ về BĐKH dự đoán mực nước biển của toàn cầu sẽ dâng cao 1-2m vào cuối thế kỷ XXI và nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về những tác động của nước biển dâng cao (NBDC) trên các quốc gia đang phát triển cho thấy đối với Việt Nam mực nước biển có thể dâng cao 1-3m vào nằm 2100. Thực vậy NBDC là điều đang xảy ra dọc theo bờ biển Việt Nam vì những theo dõi và đo đạt ở 4 trạm quan trắc Hòn Dầu, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Vũng Tàu cho thấy mực nước biển của Việt Nam từ nhiều năm qua đã dâng cao với tốc độ 1.75- 2.56 mm/năm.
ĐBCL nằm trong khu nhiệt đới, đặc biệt với nền kinh tế nông nghiệp và năng suất của các loại hoa màu bị chi phối bởi nhiệt độ và độ ẩm, vì thế bị ảnh hưởng trầm trọng khi nhiệt độ không khí gia tăng và lượng mưa thay đổi do BĐKH; nhưng cũng là vùng đất thấp có độ cao trung bình + 2.0m, ở vùng ven biển có nơi chỉ cao 0.5m-1.0m so với mặt biển, trong khi đỉnh triều ở biển Đông hiện nay là 1.7m và ở vịnh Thái Lan phía Tây là 1.1m, vì thế ĐBCL cũng như châu thổ sông Nile (Ai Cập), sông Ganges/Brahmaputra (Bangladesh) là một trong 3 khu vực trên thế giới gánh chịu những tác động trầm trọng nhứt của NBDC.
A. Những Tác động của NBDC trên ĐBCL
1. Ảnh hưởng vào mùa khô: Ngập Triều
Mực nước của ĐBCL bị chi phối bởi nguồn nước thượng nguồn sông Mekong và thủy triều biển Đông và vịnh Thái Lan ở phía Tây. Vào mùa khô, lưu lượng sông Mekong sụt giảm đáng kể (# 2000m3/s; chỉ bằng 1/20 của mùa mưa), mực nước sông Mekong xuống
thấp khiến nước mặn xâm nhập vào nội điạ và 1.7 triệu ha đất của ĐBCL, tương đương với 45% diện tích đất canh tác, bị nhiễm mặn. Những năm gần đây tình trạng nước mặn xâm thực ở vùng ven biển (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) ngày càng trầm trọng, do khai thác nước ngầm để canh tác và dùng trong sinh hoạt gia đình; đào kinh thủy lợi và xây các đập thủy điện ở thượng nguồn. Trong những tháng 2-4, mặn 4g/l trên sông Hậu lên quá Đại Ngải 8-10 km và mặn 1g/l chỉ cách Cần Thơ 15km; trên sông Cổ Chiên mặn 1 g/l vượt quá rạch Vũng Liêm; trên sông Hàm Luông thượng lưu rạch Bến Tre 5-10 km nhiều năm không thể sử dụng nước cho sinh họat và trên sông Tiền ranh giới mặn 4 g/l vượt quá Mỹ Tho 10 km.Trong tương lai dưới ảnh hưởng của NBDC tình trạng mặn xâm thực trở nên tồi tệ hơn: khi nước biển dâng 0.2m, vùng ngập mặn vĩnh viễn sẽ lấn vào nội địa thêm 25km và tiến thêm 50km khi nước biển dâng cao 0.45
Sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua ở ĐBCL đạt được những thành tựu to lớn một phần nhờ vào các biện pháp thủy lợi, những công trình ngọt hóa (bao gồm hệ thống đê biển, đê sông và các cống và nguồn nước ngọt được dẫn vào các cửa nằm phía trên vùng xâm nhập mặn) như ở Măng Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tiền Giang, Bến Tre. Khi nước biển dâng cao, mặn lấn sâu hơn trên các sông chính, và khi vượt quá ranh giới nơi thiết kế các cửa lấy nước ngọt, sẽ gây ra nguy cơ phá vỡ chức năng ngọt hóa của các công trình này và sản xuất nông nghiệp của khu vực sẽ theo đó bị sút giảm (Hình 1 & 2).
Hình 1. Ranh giới mặn năm 2008 tiến sâu vào nội địa dưới ảnh hưởng của các kịch bản NBDC 0.5m, 0.7m và 1.0m (VTLMN).
Hình 2: Dưới ảnh hưởng của NBDC, ranh giới mặn 4 g/l hiện thời sẽ tiến sâu hơn vào nội địa và những công trình ngọt hóa và kiểm soát lũ hiện nay có thể không còn hữu dụng (VQHTLMN).
2. Ảnh hưởng vào mùa mưa: Ngập Lũ
Hàng năm vào cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, lưu lượng sông Mekong tăng vọt đến
40-50 ngàn m3/s gây ngập lụt sâu 0.5-4.0m, kéo dài 2-5 tháng. Lũ ĐBCL do nhiều lực tác động: nước từ thượng nguồn sông Mekong đỗ về, gíó mùa, thủy triều và nước biển dâng cao. Nước biển dâng cao làm giảm độ dốc của dòng chảy những con sông, khiến lũ thoát chậm, ngập lụt sâu và kéo dài hơn bình thường.
· Ứng dụng mô hình DSM và SRTM, kết quả nghiên cứu của tổ chức ICEM dự đoán vào cuối thế kỷ XXI, khi NBDC 1.0m, 12 tỉnh ở ĐBCL sẽ bị ngập nước, trong đó 5 tỉnh bị ngập từ 40-50%: Bến Tre (50.1%), Long An (49.4%), Trà Vinh (45.7%), Sóc Trăng (43.7%) và Vĩnh Long (40.0%) và nếu tính theo diện tích thì trầm trọng nhứt ở Long An (diện ngập rộng 139.000ha) và Kiên Giang (diện ngập rộng 112.500ha).
· Sử dụng bộ công cụ DSF và mô hình MIKE11, nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho thấy:
* trong trường hợp mực nước biển dâng 0.5m, 34% diện tích ĐBCL sẽ bị ngập, trong đó 17% bị ngập thường xuyên > 0.5m (Hình 3) và
* trong kịch bản mực nước biển dâng cao 1.0m, 69% diện tích ĐBCL sẽ bị ngập trong đó 41% diện tích sẽ bị ngập sâu > 1.0m và 62% diện tích ĐBCL bị ngập thường xuyên > 0.5m (Hình 4)
Hình 3: NBDC 0.5m và Độ Ngập Sâu ở ĐBCL Hình 4: NBDC 1. 0m và Độ Ngập Sâu ở ĐBCL
* Trong trường hợp có lũ lớn như năm 2000 kết hợp với NBDC:
- 84% diện tích ĐBCL có thể bị ngập sâu > 0.5m trong kịch bản NBDC 0.5m và diện tích ngập nông tăng 1.1-1.5 triệu ha (Hình 5, 6).
Hình 5: Vùng ngập lũ sâu > 0.5 m của ĐBSCL trong trận lũ năm 2000
Hình 6: Vùng ngập lũ sâu > 0.5 m ở ĐBSCL, ứng với kịch bản nước biển dâng 0.5m và lũ lớn như năm 2000
- 96% trong kịch NBDC 1.0m so với hiện trạng là 50% diện tích ĐBCL và vùng ngập sâu > 1.0m và kéo dài > 1 tháng tăng 0.34 – 1.6 triệu ha (Hình 7)
Hình 7: Vùng ngập lũ sâu > 1.0m và kéo dài ở ĐBCL, ứng với kịch bản NBDC 1.0m và lũ lớn như năm 2000.
· Những kết quả nghiên cứu của Nhóm Wassmann, sử dụng mô hình VRSAP, cho thấy trong trường hợp mực nước biển dâng cao 0.20m tức vào năm 2030: phạm vi ngập lụt của ĐBCL vào tháng 8 sẽ mở rộng thêm 15-25km hướng về phía biển, ảnh hưởng 69-91% của châu thổ và đến 2070 khi mực nước biển dâng cao 0.45m: phạm vi ngập lụt vào tháng 8 sẽ mở rộng thêm 40-45km, làm ngập 86-100% ĐBCL. Hậu quả là năng xuất của vụ lúa Mùa bị suy giảm, gây trở ngại cho thu hoạch vụ Hè Thu và làm chậm trễ lịch xuống giống vụ Đông Xuân; nếu vụ Hè Thu được bắt đầu sớm hơn tức vào giửa tháng 3, năng xuất cũng giảm 8-18%.Tương tư như thế xuống giống trễ vụ Đông Xuân cũng có thể gặp những khó khăn bởi tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội địa vào mùa khô.
(Mời xem tiếp P2)