.
  31 ngày lang thang..68-69
 
17/8/2014

 Phần 68-69


Tôi trở lại xe, bung nhanh 2 con bike rồi cột chặt hành lý như hồi ở Bangkok. Sau đó chụp một số ảnh kỷ niệm. Có mấy đứa bé người Myanmar nghèo thật tội nghiệp, bà xã lấy hết mấy bọc bánh Kinh đô mặn ra cho, rồi chúng tôi chuẩn bị giấy tờ vào trình Hải quan cửa khẩu Thái Lan.
Lúc này tôi thấy cậu hành khách “áo xanh” đang đứng trước cửa văn phòng Vega Travel như đang chờ đợi. Thì ra, cậu ta không phải là hành khách tình cờ đi chung xe như tôi tưởng, mà thật sự có “ công việc” đến Mae Sot là... hướng dẫn chúng tôi đến trạm Vega Travel này. Bây giờ tôi mới thật sự ấn tượng với cách làm ăn đàng hoàng và chu đáo này. Chỉ vỏn vẹn có 2 người khách, mà công ty cho 1 người theo suốt chặng đường 500km để bàn giao cho điểm tiếp theo.






Xuống xe chuẩn bị chất hành lý lên 2 con bike.





Hành lý sẳn sàng để ...“thồ” qua trạm.

Kế tiếp chúng tôi dẫn xe "thồ" hành lý vào trạm, làm thủ tục xuất cảnh qua Myanmar, lúc đó là 07h15’

Tôi chợt thấy gần trạm kiểm soát có 1 góc phố rất giống vài nơi nào đó ở quê, nên bổng dưng len lén trong tôi một chút nhớ nhà, nhất là khi mình sắp sửa vượt qua con sông Moei lạ quắc, để tiếp tục cuộc rong chơi chưa biết ngày về!

Mọi thủ tục diễn ra nhanh chóng, các nhân viên hải quan ở đây rất vui vẻ giải quyết cho 2 lãng tử già. Nhét cẩn thận hộ chiếu vào túi, chúng tôi dắt 2 con bike nhỏ rời khỏi văn phòng, đi về phía cầu Hữu Nghị. Nhưng bổng 1 cô nhân viên chận lại ngay khi tôi chưa ra khỏi trạm, bảo rằng không qua được. Tôi hỏi tại sao thì cô ấy nói chúng tôi không được dẫn xe đạp qua biên giới, vì đó là qui định. Tôi nói sao hồi qua cửa khẩu Poi Pet không thấy ai cản trở gì cả, phía Cambodia lẫn phía Thái lan. Cô ấy bảo đó là qui định ở cửa khẩu này, các cửa khẩu khác thì tôi không biết.
Thế là gặp rắc rối rồi... biết sao đây…?
Tôi chợt nhớ ra một điều, may ra có thể “cứu 1 bàn thua trông thấy”, tôi nói:
_Tôi có thể gấp 2 con bike, cho vào túi rồi mang như hành lý được không?
_OK.
Thiệt là quá xá mừng, chúng tôi bèn dắt ngược trở lại phía trước trạm, rồi xếp 2 con bike lại cho vào bị. Bây giờ phải tìm “cửu vạn” vác qua Miến Điện thôi. Và tức khắc có 2 lao động 1 nam, 1 nữ chắc là người Myanmar, tới hỏi xin được vác hành lý với giá 100baht/1 người. Với khoảng đường chừng 1000m giữa 2 cửa khẩu, phải tốn đến 140.000đ VN, cho tổng cộng chưa tới 40kg hành lý thì có hơi cao, nên tôi trả giá 100baht, họ OK.
Bây giờ mọi chuyện đều hanh thông, chúng tôi thẳng tiến lên cầu Hữu Nghị mà không ai cản trở, cô nhân viên lúc nãy còn vẫy tay chào theo. Có thể cô ấy muốn cho những người Miến nghèo có việc làm thôi. Nếu thế thì thật là hạnh phúc, hạnh phúc cho 2 cửu vạn, hạnh phúc cho cô hải quan nhân hậu, và hạnh phúc cho cả chúng tôi khi chứng kiến sự vui vẻ trong từng bước đi của họ, dù trên vai mỗi người mang gần 20kg hàng hóa. Và cũng nhờ thế, tôi rảnh tay để chụp ảnh chung quanh. 

 

Sông Moei, phát nguyên từ huyện Phop Phra, tỉnh Tak, dài 327 km, chạy xuyên qua, lại lảnh thổ 2 nước Thái Lan và Myanmar, cho nên, có đoạn nó là biên giới tự nhiên của 2 quốc gia lân cận này. Cầu hữu nghị Thái-Miến chính là chiếc cầu bắc ngang qua đường ranh tự nhiên ấy của 2 quốc gia, bên này là thị trấn Mae Sot, tỉnh Tak, Thái lan, còn bên kia là Myawaddy, thuộc bang Kayin, Miến Điện.
Cầu dài 420m, do chính phủ Thái Lan tài trợ xây cất, với tổng kinh phí 79,2 triệu baht, thông xe ngày 15-8-1997, mở ra cơ hội lớn cho giao thương 2 nước, nhất là khi Myanmar bắt đầu đổi mới vào năm 2010.

Cộng với vài trăm thước đường dẫn ở 2 đầu cầu, đoạn quốc lộ xuyên Á, qua 2 check points, tròm trèm cả cây số; nếu không có anh chị người Miến này cưu mang hành lý, 2 phượt lão chắc phải “bỏ thây” giữa giòng sông Moei xa lạ này!
Bây giờ, chẳng những không phải vác nặng, mà còn thoải mái chụp những tấm hình mà cả đời chưa chắc gì có dịp chụp lại lần thứ 2.





Phía xa, trong sương sớm, thị trấn Myawaddy lộ diện với những khối nhà nhiều màu sắc, bên giòng sông Moei ngầu đục. Màn sương đến từ núi rừng miền biên giới, như đang che dấu những bất ngờ còn lẩn khuất bên kia sông. Thật sự, sau mấy mươi năm bị cai trị bởi 1 chế độ độc tài quân phiệt, đất nước Myanmar hầu như cắt đứt với thế giới bên ngoài. Khoảng 5, 10 năm trước, phóng viên báo T.T đã có 1 bài phóng sự khi thăm Yangon, tôi còn nhớ anh nói, du khách mà chụp ảnh bậy bạ là gặp rắc rối ngay, còn internet thì hầu như không có. Bây giờ, dù đã mở cửa hơn 3 năm, nhưng với tôi cũng như với nhiều người khác, Myanmar luôn có những bí ẩn khiến phải nôn nao tìm đến. 
Rồi nắng sẽ lên và sương sẽ chóng tan, trước mắt tôi chắc chắn sẽ là một Myawaddy với nhiều điều mới lạ, mở đầu cho những mới lạ thú vị tiếp theo.







Và đây là những “cận cảnh” đầu tiên của thị trấn biên giới phía Đông Myanmar, Myawaddy, bang Kayin. Dù là 1 thị trấn nhỏ, nhưng trước mắt tôi đang hiện ra cái trù phú của địa phương qua nhà cửa và xe cộ…



Phía xa, công trình kiến trúc có mái đỏ là cửa khẩu Myawaddy.

Nhà cửa nơi đây, trên mặt tiền xa lộ xuyên Á, đang cho thấy sự phồn vinh vừa chớm phát. Ô hay, giữa cảnh quan còn xô bồ màu “chợ búa”, một hình ảnh dễ thương và ấn tượng xuất hiện trước mắt tôi khi chính thức đặt chân lên phần đất Myanmar này: chú sadi nhỏ với áo tràng màu cau khô, ôm bình bát, đang chân đất đi về hướng Thái Lan. Một biểu tượng đầu tiên báo hiệu rằng tôi đang tới miền đất Phật. Với tôi, hình ảnh chú sadi giữa cái đời thường chợ búa, chẳng khác nào sự nhập thế của Phật giáo giữa muôn loài, đó cũng là cái khoảng cách bằng 0 giữa đời thường và đạo pháp, nhưng để vượt qua khoảng cách ấy…thật chẳng dễ chút nào! 


Thôi, trước khi đi vào đất Phật, chúng tôi phải ghé vào cái trạm kiểm soát trước mặt, để hoàn thành thủ tục hải quan. Nhân viên ở đây cũng rất lịch sự và vui vẻ, nói tiếng Anh hay hơn tôi nhiều, bảo điền các thông tin cần thiết vào tờ form khai báo, đặc biệt nơi đến ở Myanmar, thì tôi điền “7 mile Hotel”, tên khách sạn mà Ông Sư bạn đã book. Mọi chuyện được giải quyết chóng vánh, sau vài phút, chúng tôi đã cầm hộ chiếu ra khỏi trạm Myawaddy, cửu vạn cùng với hành lý của chúng tôi, đang đứng chờ với 2 anh bạn Vega Travel, đã qua trước. 
Tôi móc tiền trả, 100 baht, nhưng anh ta nói 200,… vì nặng! Cậu Vega nói “no, one hundred!”. Nhưng tôi khoát tay cậu Vega, móc thêm 100 baht đưa cho anh cửu vạn kèm lời cảm ơn. 
Chúng tôi không giàu tiền nên đi chơi rất tiết kiệm, để đến được nhiều nơi hơn; nhưng trong trường hợp “hiếm hoi” này, chẳng có gì phải đắn đo, khi trả thêm cho họ. 100 baht bỏ ra để: 
1, mua được niềm vui, tặng họ, những người Myanmar cửu vạn nghèo.
2, mua sự bình an, hạnh phúc trong tâm của chúng tôi.
…thật sự là rẻ, chứ không hề mắc chút nào!
Hai bạn trẻ Vega gọi 4 xe ôm để chở chúng tôi đi tiếp. Vậy là được lòng vòng dạo phố Myawaddy.

Chú thích :
Phần màu trắng thuộc Myanmar, màu xanh lá thuộc Thái lan.
Chú ý, chỗ bến xe, nơi sông Moei chảy ngang, ranh giới Thái-Miến chỉ cách nhau chừng 20m, vì đoạn sông này rất hẹp.
Từ cầu Hữu Nghị, xe ôm đưa chúng tôi tới bến xe theo đường màu đỏ.
Từ bến xe trở ra quốc lộ theo đường màu xanh lá.
Đường màu vàng là quốc lộ, đồng thời là đường Xuyên Á, AH1.


 

Đây là đoạn đầu của xa lộ Xuyên Á, lại chạy ngang thành phố nên khá rộng và khang trang, tuy có hơi bụi.







Bạn đồng hành “áo xanh” đang ngồi xe ôm chuyển mấy bị hành lý của chúng tôi.

Xe ôm rẻ vào các con phố hẹp hơn, nhưng cũng rất sầm uất.





Nhiều đoạn phố lúc này nhỏ hẹp và có ổ gà lồi lõm, thỉnh thoảng 1 chợ nhỏ mà người bán bày ra cả lề đường, làm tôi nhớ đến Việt nam.

 

He he, bụi quá phải nhắm mắt.

 

…còn đây không do bụi, tại… buồn ngủ!

…cuối cùng xe ôm đưa chúng tôi dừng lại tại một con đường hẹp bụi bặm, nằm cạnh bờ sông Moei cạn nước, đục ngầu. 2 bạn Vega(tôi tạm dùng tên này cho tiện)cùng các lái xe ôm, gom hành lý của chúng tôi lại 1 chỗ ngay phía trước tủ bán …trầu.

 

Hai bạn Vega gom tiếp hành lý của chúng tôi, để thành đống trước một tủ bán trầu. Người Miến thật vô tư, chẳng phàn nàn gì về việc cản trở chuyện mua bán của họ, chẳng những thế còn vui vẻ kéo ghế cho bà xã tôi ngồi!

 

Một đống hành lý phía trước tủ bán trầu, nếu ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ… “này… để đồ đạc thế kia thì còn buôn bán gì được…” , bạn phải xin lỗi và cuốn quit chuyển sang chỗ khác, còn chủ “tủ trầu” sẽ đốt …phong long …

Thì ra đây là chỗ bán vé xe bus của các công ty vận tải, chỉ là một dãy nhà cây xập xệ vừa là chỗ bán thức uống, bán trầu, trên có treo biển công ty xe tốc hành hiệu… “con sâu ” màu đỏ. Chắc là đã có làm ăn từ lâu, cậu “ Vega Mae Sot” liền tiếp xúc với cô đại diện hảng xe để đặt vé.




He he, một thiếu nữ thoa phấn thanakha trên mặt!

 

Cô bán vé cùng đầy phấn trên mặt!

Cậu Vega MaeSot đang đặt vé xe, có lẽ cái tên của tôi khó quá nên viết…chậm như rùa!

Trong khi đó thì bà xã tìm cách đổi một số tiền Kiat để dọc đường ,,,ăn cơm!

 

Cuối cùng chúng tôi cũng nhận được cái vé xe dành cho 2 người, số ghế là 15 và 16.

 

He he, đây là cái vé xe đi Yangon có mang tên tôi, do cậu Vega MaeSot viết.

Các cậu Vega bàn giao chúng tôi lại cho cô gái bán vé rồi cùng nhau chụp hình kỹ niệm, thật là những chàng trai đáng yêu, đã lo chu đáo mọi chuyện cho 2 kẻ lãng tử này, họ còn dặn tôi không phải trả thêm bất cứ phí nào nửa, kể cả hành lý.






He he, cậu này giống Lý Tiểu Long quá xá!

Chúng tôi cảm ơn 2 bạn nhỏ và rất mong có ngày gặp lại. Bạn Vega MaeSot đưa cho bà xã một danh thiếp và nói điều gì đó…chắc là giới thiệu giùm công ty Vega.

 

Bây giờ tôi có thể lần hồi hiểu ra mọi chuyện, như sau:

Vega Travel là 1 công ty kinh doanh du lịch có các trụ sở tại Singapore, Bangkok, Yangon, chuyên bán vé máy bay đi các nơi và tour du lịch Myanmar. Có lẽ họ là công ty duy nhất khai thác cả tuyến đường bộ Bangkok-Yangon, nếu có khách. Công việc của họ chỉ đơn giản như sau:

Xe của công ty, đón khách tại Bangkok, kết hợp chở thêm khách lẽ mà họ đã liên lạc trước, để lấp cho đầy xe.

Một nhân viên được cử theo để bàn giao cho trạm tiếp nhận MaeSot, rồi trung chuyển qua biên giới.

Mua vé xe bus từ Myawaddy tới Yangon cho khách tiếp tục hành trình.

Tôi nhẩm tính với đoạn đường 257km từ Poipet đến Bangkok, giá thông thường là 200baht, thì 500km từ Bangkok đến MaeSot chắc cũng chỉ 400baht, rồi từ Myawaddy đến Yangon, 500km, cho là mắc hơn thì có thể là 600baht; tổng cộng là 1.000baht, cộng thêm 5 khách lẽ mà họ rước được, thì họ lời không dưới 2500 baht,sau khi trừ tiền gas rất rẻ. Nhóm Meeting Group Tour 4 chắc chắn cũng mua vé ở công ty này(chào giá cho tôi chỉ 1600 baht), giờ chót không có khách nên đã “xù vé”; nhưng hôm sau, Merry V. , liên lạc lại Vega Travel thì có lẽ họ tìm được 5 khách lẽ nên…OK, nhóm Meeting Group Tour 4 không gặp may.

Cho nên, một lời khuyên cùng các bạn muốn phiêu lưu như chúng tôi: hãy tới bất cứ Travel Agency nào tại khu Khaosan Road, hỏi mua vé xe bus đi Mae Sot, hoặc rộng rãi thời gian thì mua vé đi thăm cố đô Ayutthaya, rồi đi cuốn chiếu lần lên Khamphaeng Phet, nghĩ 1 ngày, tiếp tục tới MaeSot, nghĩ một ngày, sau cùng qua biên giới, mua vé xe bus tại đây, đi Yangon. Khỏe re và chắc chắn rẻ hơn ít nhất là 500baht (không kể chi phí thêm nếu ghé Ayutthaya và Khamphaeng Phet). 

Các bạn thân mến, như vậy chúng tôi đã chính thức bước chân trên đất nước Myanmar cổ kính, còn đầy bí ẩn vào sáng ngày 28-10-2013.

Có 2 điều mới lạ đầu tiên, rất ấn tượng mà tôi thấy khi vừa tới đây: không phải là những chiếc longyi thụng thịnh của hầu hết các đàn ông, thanh niên Burmese, cũng không phải những chiếc xe hơi đời mới đang tới lui cùng với những con xe “rách nát”chất nhóc ké những hành khách bản địa, mà chính là cái sự “ăn trầu” ngon lành của hầu hết nam giới Miến và những khuôn mặt nhòe nhoẹt “vôi” trắng của gần trên 90% những người dân hiện diện tại đây.

Thật thế, hầu hết đàn ông nơi đây đều bỏm bẻm nhai trầu, phụ nữ thì rất ít, còn thoa mặt thì ngược lại, nữ nhiều hơn nam. Trầu được bán phổ biến khắp nơi, trong các tủ giống như ở Việt Nam bán thuốc lá, cách vài nhà là có 1 tủ, trên đó bày đầy đủ “bộ sậu” cần thiết để têm 1 miếng trầu : trầu lá, bình vôi, cau khô…và vài phụ gia khác mà tôi không biết, vì chứa kín trong lon có nắp đậy. Trầu được têm sẳn để trong các hộp nhựa trong, giống như hộp đựng xôi mặn ở bên ta, hoặc têm ngay khi có ai tới mua. Một điều đặc biệt là cổ trầu màu đỏ thì vương vải trên đường, nhưng tôi rất ít thấy bả trầu, có lẽ bị…nuốt hết cũng nên, vì họ không dùng thuốc rê?! Nhưng tủ trầu cũng có bán kèm thuốc lá, dù rất ít.

 

Bình vôi trắng vương vải, 2 hộp trầu têm sẳn…và 1 ít thuốc lá bên trên.

 

Còn phần lớn phụ nữ cũng như vài thanh niên, tô trên mặt một lớp phấn trắng như vôi, mà về sau này tôi được biết đó là phấn cây Thanakha, mài với nước thoa lên mặt để dưỡng da, như các loại kem mỹ phẩm phương Tây. Thật ra, thanakha chính là bột cây cần thăng, Limonia acidissima thuộc họ cam quit (Rutaceae) mà ta hay làm kiểng bonsai.

Ở Miến Điện, tục thoa mặt bằng bột thanakha đã có từ hàng trăm năm trước, trong đời sống thường nhật cũng như trong nghi lễ, để biểu thị địa vị xã hội. Dân thường hay dùng bột thanakha pha với phấn hoa gant gaw, nên có màu vàng, giới thượng lưu hay quí tộc thì dùng bột có màu sáng hoặc nâu nhạt, điểm thêm những hạt bụi vàng, là loại thanakha rất quí.

Người ta bôi lên mặt, để giữ ẩm và chống nóng, tác dụng như một mỹ phẩm giúp da được mịn màng. Họ tô lên trán, mũi và 2 bên má, phần lớn những người mà tôi gặp nơi đây, tô rất quằn quện, nhìn thấy xấu hơn.

 




Mặt bé Myawaddy thật dễ thương, nhưng …thanakha quằn quện!

Nhiều người khéo tay đã tô điểm thanakha một cách cầu kỳ đáng yêu, như cháu bé sau đây.

(Ảnh này trích từ Mix Tourist, Land Tour Myanmar.)

 

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693494 visitors (2231140 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free