.
  31 Ngày lang thang P122-123
 
20/11/2014




Phần 122-123

Giống như những rằm lớn(tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10), nhà chùa thường có cơm chay đãi bá tánh thập phương, thì những ngày lễ lớn của các chùa Phật giáo Nam tông, ở Việt Nam, Lào, Thái, Miến cũng thế, tuy nhiên cơm chùa ở đây làm mặn. Không khí ăn cơm chùa cũng chẳng khác mấy với Việt Nam và rất là vui. Số khẩu phần cơm dự kiến cứ vơi dần, nhưng không thiếu, nhiều người cho con, cháu ra ngoài ăn cho thoải mái!
Đặc biệt, hôm nay còn có mấy người bạn từ Sài gòn du lịch hành hương qua Myanmar, được dịp ghé chùa dự lễ Dâng y và ăn bửa cơm chùa…mặn! 






Bàn ăn trong nhà khách thứ 2.















Bửa ăn kết thúc, bá tánh tiếp nhà chùa dọn dẹp, các Sư sau đó tiếp tục làm Phật sự tại nhà Sima Kiết giới.





Riêng chúng tôi, sau bửa ăn lại tiếp tục chuyến du lịch lý thú tại Myanmar, xem như là tập 2 của những ngày lang thang trên đất Phật. Đây mới thật sự là một hành trình cực kỳ hấp dẫn. Buổi chiều này, do còn bận làm Phật sự cùng với các Sư khách mời và giải quyết công việc của chùa, sư H. không thể đi theo đoàn, mọi việc hướng dẫn bây giờ do anh bạn Zaw Minn Oo đảm trách.





Zaw Minn Oo, Giám đốc UST, Travels & Tours Co., Ltd.

Như vậy, kể từ hôm nay, đoàn chúng tôi gồm Sư Th., Sư Dhama Nanda, anh A., anh Ayunpa L., 2 vợ chồng bụi đời này(6 người), cùng với nhóm khách vừa từ Mỹ sang gồm Sư Thái, Ni Thái, 3 nữ Thái Lan, anh C., chị H., chị X.(8 người) và anh bạn Zaw Minn Oo, người tổ chức kiêm “hướng dẫn”. (He he, thực tế anh này chẳng có hướng dẫn gì, ngoại trừ giúp đở cho khỏi bị lạc!).





Và theo dự kiến, chiều nay chúng tôi sẽ được anh Zaw Minn Oo, gọi tắt là Zaw Minn, hướng dẫn đi thăm 2 điểm mà chủ yếu là Pindaya, cách Kalaw 50km về hướng Đông Bắc, trên quốc lộ 41, bắt đầu tại thị trấn Aungpan mà sáng hôm qua chúng tôi có đi ngang.





Tôi đang rất háo hức về cuộc rong chơi này, xem như là phát súng báo hiệu hành trình khám phá những cái đẹp tiềm ẩn, chắc chắn là thú vị của Myanmar, trong những ngày sắp tới.

Trước khi đến Myanmar, qua thông tin từ các diễn đàn trên mạng, hoặc từ các trang web chuyên đề du lịch, khi giới thiệu Miến Điện, tôi nghe người ta nói có 5 điểm đến mà mọi du khách không nên bỏ qua, vì thiếu 1 trong 5 nơi đó, coi như chưa tới Myanmar: Chùa Vàng Shwedagon, đá vàng Golden Rock, Cố đô Bagan, Cầu U Bein và hồ nước ngọt Inle (hay Inlay).
Điều đó đã khiến cho đầu óc tôi cứ “mụ mị” mong chờ được đến những nơi ấy. Chùa Shwedagon thì đã qua rồi, lại còn được “bonus” thêm 2 ngôi chùa lừng danh khác là Kabar Aye và Kyauk Taw Gyi. Bốn điểm còn lại thì chưa đến. Cho nên, buổi chiều nay, nhân “trống giờ” sau Lễ Dâng Y, Sư H. bận Phật sự nên để anh bạn Zaw Minn hướng dẫn một tour “khuyến mãi” đi Pindaya.
Pindaya? Từ này không hề có trong đầu óc tôi, trước khi ngồi viết lại hồi ký này, bởi vì như đã nói, mình bị “mụ mị” bởi những quảng cáo tour Myanmar trên net. Tuy nhiên không thể trách được, bởi người ta chỉ có thể thiết kế vài điểm quan trọng trong 1 tour tiêu biểu, phù hợp với giá cả, chắc chắn không thể nào mềm như Thái Lan được. (Theo những thông tin cập nhật năm 2014, giá tour đi Myanmar 4 ngày, chỉ loanh quanh Yangon khoảng 12.000.000đ, 5 ngày lên đến Manda lay, Bagan khoảng 25.000.000đ, 8 ngày khoảng 36.000.000đ và 12 ngày khoảng 42.000.000đ)
Cho nên, vào chiều ngày 03-11-2013, tour “bonus” dài 07 giờ đi thăm Pindaya, với tôi cũng chỉ là đi chơi cho biết, như hôm qua lên thủ phủ Taunggyi.
Đúng 13h, khởi hành, hướng dẫn viên Zaw Minn im thin thích dù anh ta rất giỏi tiếng Anh, trong khi trên xe, ngoại trừ 2 kẻ lang thang đến từ Việt Nam này thì tất cả đều là người “Mỹ”, nếu kể luôn bác tài Ấn Độ và người phụ xế thì chúng tôi là …hạng bét tiếng Anh. Vậy mà anh bạn Zaw Minn chẳng một lời nào giải thích, he he Giám đốc công ty chứ đâu phải …hướng dẫn viên.
Như thường lệ, tôi không bao giờ ngủ trong những hành trình ngang qua vùng đất mới, thậm chí kể cả những nơi đã đi qua rồi. Bởi lẽ trong bất cứ chuyến du lịch nào, thời gian di chuyển cũng chiếm 1 thời lượng lớn, nếu ngủ thì còn thưởng thức được gì? Và chiếc máy ảnh luôn ở chế độ sport, để bấm không sợ…tốn phim, những khuôn hình trôi qua cửa kính xe.
Đúng 13h, khởi hành đi Pindaya. Kalaw với tôi sau 2 ngày vẫn như mới cáu cạnh, ví chỉ đi ngang vào lúc sáng sớm và khi về trời tối. Hôm nay, bắt đầu đi vào buổi trưa, chắc chắn có cái để lưu lại…để gọi là “1 thoáng khám phá thị trấn Kalaw”.






Ngôi thánh đường Tin lành này tôi đã “rình” chụp mỗi lần xe ngang qua, nhưng đều thất bại vì thiếu sáng, hôm nay thì OK.
























8 phút sau khi khởi hành, xe ra vùng ngoại ô, đây là đoạn quốc lộ số 4 hướng về thủ phủ Taunggyi, phi trường HeHo, hồ Inle…cho nên, bộ mặt Kalaw không còn “bình dị” như khi trong ngỏ hẹp, mà bắt đầu được điểm tô bằng những ngôi biệt thự nhỏ xinh xắn.









20 phút sau, thì xe tới thị trấn Aungpan, rẻ trái chuyển sang đường số 41, để đi tới Pindaya. Đây là tỉnh lộ, đang được nâng cấp để bước vào giai đoạn mở cửa, đón gió du lịch.





Có lẽ Pindaya cũng hấp dẫn lắm đây! Nên người ta đang dọn đường đón khách.
Một vài nông trại xuất hiện, khiến tôi nhớ đến Đà Lạt, tuy nhiên ở đây nhà vườn có vẻ khiêm tốn hơn. Điều kiện khí hậu giống y hệt Đà lạt nên rau hoa chắc cũng chẳng khác, tuy nhiên tôi chỉ thấy có cải bắp, đang được trồng trên rẫy và 1 số đang được thu hoạch.





Chợt tôi thấy thấp thoáng bên tay phải, phía xa xa, sau những rặng thông thưa, bây giờ dường như có gì đang thay đổi? Đó là 1 vùng bình nguyên trên cao với những nương đồi thoai thoải, lớt phớt hoa gì màu vàng như hoa cải?



Một khung cảnh khá ngoạn mục đang thênh thang rộng mở đến chân trời.



Chợt thấy ngôi chùa thứ 74 đang thấp thoáng nơi đồi xa, tôi bấm vội vàng một file ảnh, không ngờ bắt được hình thù quái dị của 1 cây khô. Và xin nhắc các bạn, Myanmar là xứ sở của rừng chưa bị tàn phá, cổ thụ chắc chắn sẽ còn thấy trên những đoạn đường sẽ qua.



Này cây khô, ở Việt Nam, bạn sẽ không thể nào đứng ngạo nghễ một cách…trêu ngươi trước bọn người …vô văn hóa như thế đâu!





Đất latosol nâu đỏ, tương tự vùng Lâm đồng, Ban mê thuột… Việt Nam, đang phì nhiêu giữa bao la trời rộng, chắc chắn hứa hẹn 1 vùng hoa màu đậm chất bản địa cao nguyên… Và ô kìa, một vùng đất thoai thoải trôi xuống phía xa, là những ô hoa màu loáng thoáng, sắc màu cực kỳ rực rỡ, về sau, tôi biết đó là những rẫy mè đen đang kỳ trổ hoa.









 
 
Chợt một khúc dạo đầu làm tôi sững sờ trong chốc lát, vì được chứng kiến một hình ảnh tuyệt vời như thần thoại mà có thực, đang trước mắt tôi! Đây không phải là ảnh mà chính là một bức tranh với những gam màu mà nếu chưa từng chứng kiến, người họa sĩ sẽ không thể nào tưởng tượng để vẻ ra!





Không, đó chỉ là khúc dạo đầu. Bởi vì bây giờ cảnh kia chẳng những chỉ là tranh mà còn là nhạc, một bản nhạc đồng quê. Tôi đang nghe như có tiếng ngựa hồng hí vang trong không gian lồng lộng, giữa âm thanh của bản Green field đang vọng lên từ dưới lũng sâu đầy màu sắc…
…Once there were green fields kissed by the sun
Once there were valleys where rivers used to run
Once there were blue skies with white clouds high above…





Đó là những cánh đồng mè đen, xen lẫn mè trắng đang kỳ trổ bông và các rẫy cải bắp đang mùa thu hoạch, chừa lại những mảng đất latosol đỏ…tất cả làm nên một “tác phẩm” hội họa hoành tráng giữa thiên nhiên lồng lộng!
Tôi đã đi Sapa, ngắm nhìn những ruộng bậc thang chồng chất rất độc đáo, ngoạn mục, cũng đẹp mê hồn; nhưng để có được cái quan cảnh đẹp đến ngất ngây màu sác thế này thì quả thật tôi chưa may mắn thấy được nơi miền đất mù sương ấy.



Sapa, 2008.

Vùng 7 Núi An Giang có cánh đồng Tà Pạ, vào mùa thu hoạch, lúa chính vàng xen lẫn những ô xanh chưa tới vụ, cũng là một hình ảnh ngoạn mục đã là đề tài của rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng; nhưng nó chỉ nằm gọn ghẻ trong 1 thung lủng và màu sắc thì đơn điệu hơn. 



Tà Pạ, 2010.

Các bạn thân mến, khi ngồi trên xe, nhìn những cánh đồng mè đen chạy qua khung cửa kính, tôi không thể nào tưởng tượng mình đang có được cái may mắn lớn lao này. Buổi sáng ngày 02-11-2013, những ảnh đã chụp được trong sương sớm, thấy đã đẹp, nhưng ước gì chụp được giữa trời trong và bây giờ …vừng ơi mở cửa, một quang cảnh đẹp hoành tráng, ngất ngây; đẹp đến làm tôi rơi nước mắt. 
Tôi chưa đến Hà Lan, nhưng đã xem được những hình ảnh lộng lẫy của các nông trường hoa tulip, đó là những hình ảnh cực đẹp, nhưng mà đẹp một cách công nghiệp, không có một chút …thơ nào, nó màu mè quá và nhất là nó có vẻ … sắp đặt quá! So với cảnh của cánh đồng hoa Anh túc ở khu Tam giác vàng, tôi thích ảnh hoa Anh túc hơn; nhưng tiếc rằng đó là loài hoa giết người!
Còn bây giờ, thực sự đúng là những bài thơ bằng hình ảnh. Những màu sắc thật hài hòa dù là pha trộn của các gam màu nóng và lạnh, nhưng lại rất ăn “tong”, ăn một cách dịu dàng, mượt mà, như những đường cong của các nương đồi thoai thoải, chồng lấn lên nhau…
Bây giờ, những sườn đồi thoai thoải ấy đang khoe sắc, những lũng sâu kia đang nhẹ nhàng uốn lượn với các gam màu cực kỳ quyến rủ, tất cả làm nên một bức tranh "biết nói", nói lên những vần thơ trác tuyệt để góp phần ca tụng thiên nhiên. Tôi thực sự chưa biết có gì ở Pindaya, nhưng trời ơi, không thể nào ngăn nỗi thẫn thờ đến muốn trào dâng nước mắt! 





Hai chiếc xe bò chờ được kéo xuất hiện thật đúng lúc, làm tôn thêm cái thiên nhiên lộng lẫy lưng chừng đồi. Một điều thật thú vị, tôi chưa thấy một phương tiện cơ giới nông nghiệp nào trên suốt hàng chục cây số đã qua, dường như chúng tôi đang vào vùng làm nông nghiệp của hàng thế kỷ trước, thật kỳ lạ!














Tôi còn nhiều ảnh nửa, nhưng tôi không muốn post tiếp hôm nay, tôi muốn các bạn dành thêm thì giờ để xem lại, tuy rằng các ảnh được chụp trong điếu kiện thật sự không thích hợp, chụp trong lúc xe đang chạy và chụp qua khung cửa kính. Dẫu vậy tôi cũng vẫn thấy chúng đẹp vô cùng! Xin cảm ơn Sư H. đã cung cấp cho chúng tôi 1 tour "bonus" ...cực kỳ thú vị, dù chưa đi tới đâu!





 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638758 visitors (2128244 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free