.
  31 ngày trên đất Phật P29
 
24/4/2014



Phần 29

 

13h13’, xe ngang qua nhà máy của hảng xe hơi Toyota tại quận Ban Pho, nghe nói hảng này đang sản xuất loại xe Hilux, sử dụng CNG cho thị trường Thái lan.



8 phút sau thì gặp đường cao tốc số 7, từ đây về Bangkok chỉ còn 75km. 

Đường cao tốc số 7 nằm vắt ngang trên cao, xe sẽ chui qua bên dưới rồi cua trái chạy thẳng về Bangkok theo hướng tay phải, đó cũng là hướng đi tới phi trường Suvarnabhumi.

Các hình ảnh trên đường cao tốc số 7.











Sắp sửa tới trạm thu phí, tốc độ tối đa 90km/h. 

Năm 2011, tôi tới Bangkok lần đầu tiên trong một tour du lịch do Viet Travel tổ chức. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được đi thăm 1 nước tư bản sau 36 năm rời khỏi nó. Hồi tôi mới ra trường, Thái lan và Phillipine là 2 nước mà nhiều kỷ sư canh nông Việt Nam mong được đến du học, để lấy các bằng sau đại học. Vì 2 nơi này được giới khoa học nông nghiệp quốc tế chọn làm cơ sở để nghiên cứu, giảng dạy và chuyển giao kiến thức bậc cao cho các kỷ sư và chuyên viên canh nông, mục súc… do không bị chiến tranh.

Theo một số Thầy đã từng du học ở 2 nước này, thời đó Thái Lan và Philippine chẳng hơn gì miền Nam Việt nam, tôi thì hoàn toàn chẳng biết tí ti gì về điều đó, nên chẳng thể có một so sánh nào. Năm 2011, lần đầu tiên tới Bangkok từ “trên không”, do đi máy bay. Phi trường Suvarnabhumi đã làm tôi sửng sốt bởi cái hiện đại và qui mô của nó. Bắt đầu hoạt động vào tháng 9 năm 2006, đứng hạng thứ 18 trong danh sách những sân bay bận rộn nhất thế giới! Hiện tại, mỗi năm phi trường này đưa đón khoảng 50 triệu hành khách và còn có khả năng nâng lên tới 150 triệu!

 




Khi đó, 2011, đúng là tôi đã vào Bangkok từ trên không, kể cả khi đã xuống máy bay ở phi trường. Ấy là do ngồi trên xe bus 2 tầng đồ sộ chạy vun vút theo đường cao tốc, vượt lên các ngôi nhà tầng thấp của thủ đô Thái Lan, lướt ngang các cao ốc hiện đại, tôi thật sự ấn tượng! Khi đó, tôi chợt nghĩ chắc còn lâu lắm Sài gòn hay Hà nội mới đạt được như thế này.











Đó là những hình ảnh Bangkok của năm 2011, hôm nay là ngày 21-10-2013, 13h37’ xe chúng tôi sắp vào trạm thu phí trên đường cao tốc số 7, đi vô trung tâm thủ đô Vương quốc Thái Lan…



Tôi độ chừng chỉ khoảng 1 giờ nửa thì đến điểm cuối của xe, trong lòng đang thật sự lo lắng về những khó khăn sắp tới, những khó khăn mà bất cứ một người nào cũng có thể gặp phải khi “chân ướt chân ráo” bước đến một nơi xa lạ, hoàn toàn chưa hề biết. Thú thật, cái kinh nghiệm của chuyến tới Bangkok hồi năm 2011 chẳng có 1 chút ích lợi nào đối với tôi lần này. Vì khi bạn mua vé tham gia một tour du lịch của các công ty, mọi chuyện đều nhất nhất theo sự điều động của hướng dẫn viên, diễn ra nhanh chóng để trong 1 thời gian ngắn, hoàn tất 1 “gói dịch vụ du lịch”, bạn chỉ nghĩ được lúc về tới khách sạn, còn thì cứ phải “chạy” bở hơi tai cho kịp với thời gian. Theo cho kịp người hướng dẫn để không bị lạc cũng là hay lắm, đối với những người lớn tuổi! Ngoại trừ tại những khu du lịch, những siêu thị, những di tích…bạn thỏa sức vừa tham quan vừa liếc nhìn lá cờ hiệu của cậu hướng dẫn, còn thì ngồi suốt trên xe, phom phom qua những đường ngang, phố dọc…giữa một Bangkok(hay 1 thành phố lạ nào đó) mênh mông, đường cao, đường thấp, xe chạy vun vút…đố bạn định hướng và nhớ được …đó là những nơi đâu? Tôi sẽ kể lại trường hợp “lạc bầy” thật buồn cười của tôi hồi năm 2011, tại Bangkok này.
Bây giờ, chính cái sự kiện “lạc bầy” đó, khiến cho tôi bớt phần tự tin, khiến cho tôi đang thật sự lo lắng, lo rằng sẽ lạc lối giửa thủ đô Thái Lan vào chiều tháng 10 hanh nắng này, nếu bị xe bỏ xuống một nơi…chắc chắn là lạ quắc! (Nói nhỏ, chỉ là lo thôi, chứ tôi chẳng hề sợ phải gặp trường hợp “bi đát” tệ hại nào đâu, giữa cái chốn đông người lịch sự này!)
Cho nên tôi quay qua hỏi anh tài xế rằng xe này có đi đến phố Khao San Road hông, thì anh ta bảo có. Thiệt sự tôi chưa hề biết cái phố này nó ra sao, ngay cả cái tên cũng đôi khi còn đọc trật. Tôi chỉ biết tới nó khi bày tỏ dự kiến đi thăm Myanmar bằng đường bộ qua ngả Thái Lan với bạn bè, cô bạn Ng.t.K.N., khóa đàn em ở CĐNN Cần thơ, đang giảng dạy tại Đại học này, khi đó, vừa đi Bangkok về, đã gửi email đề nghị chúng tôi nên đến khu phố ấy, đây là nơi dân ba lô tứ xứ tụ tập, ở đó có xe bus đi Miến Điện, rẻ tiền lắm! He he, không biết K.N có gặp ai đi rồi chưa mà nói chắc như thế, khiến tôi rất cảm ơn và tin rằng chuyện đi Myanmar qua ngỏ Thái lan là …dễ ợt! Nên bây giờ cứ đến đấy, theo kinh nghiệm của nhiều dân phượt, chỗ nào có nhiều “back-packers” là chỗ đó cuộc sống luôn…dễ thở ! Cứ “an cư” trước, đường sá sẽ kiếm sau. 
Ngoài ra, tôi cũng xin cảm ơn Nguyễn Đức Quỳnh Dung, “cô gái thích đi bụi”, đã giới thiệu về cái guest house Apple 2 ở hẻm “Trok Kai Chae” (cái tên thật khó nhớ), trên blog của cô (thichdibui.blogspot.com); tuy nhiên việc tìm ra nó giữa cái mênh mông Bangkok chắc chắn sẽ lắm nhiêu khê! 
Khi biết tôi từ Việt Nam qua, anh lái xe liền khoe đã từng tới Vũng Tàu, Sài gòn. Tôi lại nói có ý định đi Myanmar bằng đường bộ thì anh ta hứa sẽ chở tôi đến 1 người bạn thân làm du lịch, ngay khi tới Bangkok, sau khi xuống hết khách Tây. 
Thật là may, vậy tôi yên tâm, tiếp tục nhìn và chụp ảnh đường sá vào Bangkok.
Lần này, do đi bằng minibus, nên tôi gần với “cỏi trần” hơn, xe có lúc băng băng trên cao tốc, có khi lại len lỏi trên các đường bên dưới, nhưng với tốc độ rất cao. Tôi vẫn nhận ra vài nơi quen quen đã từng gặp. nhất là tôi gặp lại ngôi thánh đường Hồi giáo đẹp đẻ mà lần trước tôi có dịp chụp ở trên “trời”.
















 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641850 visitors (2135874 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free