.
  31 ngày lang thang...70-71
 
21/8/2014


 Phần 70-71


 

Các bạn thân mến,

Trong chuyến đi này chúng tôi chụp rất nhiều hình, nhờ nó tôi có thể khai thác vô số các thông tin không dễ gì nhớ được. Từ quê nhà, qua Cambodia, Thái Lan, là những nơi chốn mà nhiều người đã biết, qua báo chí, phim ảnh hoặc thực tế tham quan, nên nhiều hình ảnh của tôi có thể đã quá quen thuộc với mọi người. Tuy thế, nếu chỉ xem ảnh như là hình minh họa, rồi lướt qua, thì tôi nghĩ các bạn có thể bỏ phí nhiều điều còn ẩn chứa. Tôi cố gắng chỉnh sửa, nhưng vẫn bảo đảm tính trung thực 100% những gì tôi nhìn thấy, chỉnh sửa chỉ để ảnh đáng được chú ý hơn và mong rằng nhiều người sẽ phát hiện thêm những điều thú vị ẩn tiềm.

Đối với đất nước Myanmar, rõ ràng còn rất nhiều bí ẩn mà chúng ta muốn biết. Khi xem lại hàng nghìn files đã chụp, nhiều ảnh tưởng bỏ đi, vậy mà tôi “thấy” có thông tin quí giá, nên giữ lại dành cho mọi người. Ví dụ, những hình ảnh đời thường tại cửa ngỏ phía Đông Myanmar này, rất tầm thường và cho thấy có nhiều điều bất cập; nhưng tôi không phải là người Miến, tôi không bị buộc phải “tô hồng” xã hội để che mắt “nhân dân Myanmar”. Tôi chắc rằng, những ảnh này sẽ rất quí, nếu sau vài năm nửa, nơi đây trở nên phồn vinh vượt bậc, điều đó có thể dự kiến chắc chắn, vì sau khi rời bỏ độc tài, quân phiệt, đất nước họ đang mở hội tiến lên! Cho nên, xin các bạn đừng “chán”, nếu tôi “tương” quá nhiều ảnh về Myanmar, xin cảm ơn.

Phần trước tôi đã nói đến 2 thứ ấn tượng lần đàu tiên bắt gặp khi vào đất nước Myanmar: tục ăn trầu và phấn thanakha thoa mặt.

Nhưng đó chỉ là một thoáng ngạc nhiên đến với kẻ tò mò phiêu lãng, còn trước mắt, một Miến Điện cổ kính sắp sửa được mở ra dọc theo lộ trình chuyến rong chơi mới là cái đáng quan tâm. Bây giờ, trước mắt tôi là giòng sông Moei cạn nước, nhưng nhìn dòng chảy, thấy nó cũng đang tiềm ẩn một sức mạnh khi mùa mưa đổ xuống trên cao. Tôi chợt thấy tàn tích của 1 trận hỏa hoạn vừa mới xảy ra, ngay trước mặt nhà bán vé, những cột, kèo cháy đen, nham nhở, cùng những trụ đá chỏng chơ vươn lên từ bờ dốc sông Moei.

Nhìn những cột kèo bị cháy, lộ ra tàn tích của một xã hội còn khó khăn, thể hiện rất rõ qua những hình ảnh kiếm sống vất vả của nhiều người đang diễn ra trước mắt. Từ cách tận dụng phương tiện, cách trang phục hàng ngày, cách mua gánh bán bưng ở chợ…tôi nhận thấy Miến Điện vẫn còn nhiều điều cần giải quyết. Hai bên đầu cầu Hữu Nghị Thái-Miến, rõ ràng có một sự cách biệt rất lớn về nhiều phương diện.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Thein Sein tuyên bố thực thi “ý nguyện của toàn dân” bằng cách dũng cảm hủy bỏ dự án thủy điện Myitsonedo trên đầu nguồn sông Irrawaddy trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc tài trợ, tiếp theo là những chỉnh sửa kịp thời về chính trị, Ông đã lập tức làm một cuộc cách mạng dân chủ, khiến trong thời gian rất ngắn, Miến Điện đã phát triển vượt bậc như những thông tin mà thế giới truyền thông đã nói. Trên cơ sở đó, những bất cập trước mắt của Myanmar, có lẽ sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn sắp tới. Và các ảnh tư liệu hôm nay, sẽ trở nên quí giá sau này. Tôi mong thấy điều đó, nên xin mọi người xem và ghi nhớ.

Đây là những hình ảnh tôi chụp được trong khi chờ đợi lên xe đi Yangon.

Đầu tiên là cảnh đời thường trên con đường trước quán, nơi chúng tôi tạm nghĩ, chờ xe.

 






Các phương tiện vận tải công cộng được tận dụng từ nhiều nguồn gốc khác nhau, xe cũ, xe mới, xe tự chế…đều có thể mang ra chở khách, nếu khách chịu đi.

 




Bên kia đường, khách và hàng hóa chất nhóc ké như…Cambodia.

 

Khách ngồi thoải mái trên xe bán tải và hầu hết xe ở Miến Điện đều có tay lái nghịch.

 

Chở 3 vô tư, lại không cần mủ bảo hiểm.

 

Tôi đi bộ dọc theo con đường ngược trở lại chợ mà hồi sáng đã qua, nhìn cách mưu sinh của người Miến, tôi thấy có nhiều điểm tương tự như những người lao động nghèo bên nhà.

 

Y hệt chợ Xẻo Trôm, phường M.Q. Long xuyên.

 

“Y chang” bà bán …cóc, ổi đạp xe loại này trên đường THĐ trước nhà tôi ở Long Xuyên.

 

He he, không phải họ ghi…số đề đâu!

 

Còn chỗ nè…đi hông! 

Và anh ta leo lên thiệt, he he, "ghế phía sau đít bác tài"!

 

Tình hình nhà cửa, quán xá tại mặt tiền đường này rất “xập xệ”, nhất là thiếu chỗ đi vệ sinh; tôi phải mon men xuống khu vực phía sau các dãy nhà, thì ra đó thực sự là 1 bến xe “dã chiến”, với khoảng gần 10 chiếc bus loại 50 ghế và vài xe con. Tất cả đang đậu rải rác trên vạt đất trống đầy rác thải, chạy dọc theo bìa 1 khu ruộng lớn, có 1 xóm nhà tạm bợ bên cạnh.

 








Nhìn bến xe kiểu này nhớ bến xe ở Việt Nam hồi cuối những năm 70, đầu những năm 80, thế kỷ trước. không biết Myanmar có cần tới vài chục năm mới "bằng" Việt Nam bây giờ không? He he, đã lâu quên chém gió, giờ chém bậy 1 phát cho ...chết gió chơi!

Tôi tạm gọi đó là “bến xe dưới ruộng”, để phân biệt với “bến xe trên đường”. Sau khi lòng vòng …ngó nhìn đời thường nơi 1 góc nhỏ xíu của Miến Điện nhiều bí ẩn này, tôi trở lại chỗ bán vé.

Thời gian chờ xe đã kéo dài khá lâu mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì, hỏi cô bán vé, thì được trả lời : wait!… kèm nụ cười Miến Điện thật cởi mở, trên khuôn mặt đầy phấn thanakhan. Đành phải tiếp tục đợi xe sau khi chụp 1 ảnh kỹ niệm cho cô gái với bà xã.

 

Bây giờ, vai trái của tôi dường như cũng thấm đòn sau 1 đêm không được nằm và gà gật thiếu ngủ, đành phải tìm một chỗ ngã lưng chút xíu thôi. Nhìn trong quán, chỉ có ghế và bàn, chợt thấy nhớ đến những quán võng Miền Tây bên mình quá cở!

Tôi có người bà con, làm công nhân vệ sinh của Cty thoát nước Sài gòn, tối ngày lặn hụp dưới cống dơ, khai thông giòng chảy, để lảnh tiền nuôi vợ con; khổ cực quá đòi bỏ nghề, nhưng nói nếu không móc cống thì chắc đi…móc bọc thôi…mà bóc bọc… thì làm sao nuôi 2 đứa con ăn học cho nổi!

He he, phen này, khi trở về nước, tôi sẽ biểu nó mò sang bên này, mang theo vài chục chiếc võng, hợp tác với dân địa phương, mở quán võng, bán chè bưởi, nước uống…thì tha hồ hốt bạc, sẳn đó, mua đất ruộng phía sau đây, chờ thời …bán lại cho HAGL, trở về Việt Nam lấy “đô la tươi”, mua bậy 1 căn hộ Phú Mỹ Hưng, hàng ngày xách vợt đi đánh ten-nít, thoát khỏi …giai cấp “làm chủ”, khỏe re! Hi hi, thiệt là một “project” kinh doanh tầm cở quốc tế xứng đáng được lưu vào hồ sơ “chém gió” của Doigiaymoi!

Thời may, tôi thấy trong quán, nơi vách có 2 chiếc ghế tre, phủ mấy miếng giẻ rách, nếu không sợ dơ, chịu khó phủi bụi có thể nằm nghĩ tạm, đở đau vai.

 

Ở vị trí này, được nhìn cái hoạt cảnh xung quanh từ dưới thấp, cũng có cái thú vị riêng mà tôi từng trãi nghiệm, giống như những lúc dừng chân bên các nhà hoang trên đường cùng Daehan qua 3 nước Đông Dương hồi năm 2012.

Năm 2005, theo mấy người bạn bên Đạo Cao Đài, đi dự Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Tòa thánh Tây Ninh, trong khi chờ xem đêm lễ chính, tôi nằm lắc lư trên võng, mắc dưới tán cây trong khu Tòa Thánh, nhìn khách hành hương qua lại, chợt thấy góc nhìn có vẻ khác lạ hơn bình thường, nó cho tôi cái cảm giác gần với “đời thực”, với tầng lớp thấp, hơn khi đứng ở trên cao. Thế là từ đó, mỗi lần có dịp là tôi không bỏ lở cơ hội kiếm những files ảnh từ cái góc máy này, không cần phải nằm soài người, lăn lóc cho cực thân già!

 

Chợt một vị Tỳ kheo bước vào nhận cúng dường từ gia chủ, tôi không bỏ cơ hội chụp lấy 1 file ảnh.

 

…tiếp theo là những chú Sadi, chắc là vừa “đi chơi” ở chợ về, vì chẳng mang bình bát và không thấy đi chân trần.

 


Lúc này tôi mới sực nhớ tới hình ảnh chú Sadi mình thấy ở đầu cầu Hữu Nghị, lúc đó đang thi hành Phật sự, còn các vị này có lẽ đã xong “việc” nên rủ nhau “đi chơi”. Tôi không tìm hiểu sâu về Phật giáo, nhất là về giáo luật và những giảng giải cao siêu mà nhiều khi tôi không thể nào hiểu nổi, tuy nhiên, tôi “yêu” Đạo Phật về cái chủ thuyết Vị Tha và sự lạc-quan-đời-thường-không-câu-nệ, về cái phá-xích-tư-duy khiến mọi điều nhẹ tợ mây trôi…đơn giản như thế nên tôi dễ khóc, dễ cười với nhiều điều trước mặt.

Và bây giờ, trước mặt tôi chính là những hình ảnh rất “Phật tính” giữa đời thường, các chú Sadi đang chân sáo bước đi với nét ngây thơ hòa trong màu trang nghiêm sắc đạo, ô hay, tôi thật sự đang “thấy” cái rộng mở của đất trời, không buộc ràng khuôn phép, cái bao la tự tại như quên đi giới luật dưới mái chùa.

Tôi vội vã chạy theo, để tiếp tục thu vào ống kính những gì đang may mắn “thấy” được.

 


Ô hay, lại một khuôn mặt ngây thơ rất dễ thương, bên sắc áo nâu!

 

Đói thì ăn, khát thì uống và nắng thì cứ …che đầu thôi!

Tới đây, tôi chợt thấy mình …đói bụng, vì từ sáng đến giờ chưa ăn điểm tâm. Vậy thì …cô chủ ơi, cho tui một đĩa cơm trứng chiên, dĩ nhiên bằng tiếng Anh đủ để cô gái Miến này hiểu được.

 

Xa nhà, lạ nước lạ cái, ăn tầm bậy tầm bạ dễ khiến bị Tào Tháo làm phiền, nên trứng-chiên-nóng-hổi-vừa-thổi-vừa-ăn là an toàn hơn hết. Trứng ở đâu cũng là trứng, gạo ở đâu cũng là gạo, chỉ có…nước tương là không thể nào giống như ở quê nhà, tuy nhiên cũng phải xịt một miếng, xin thêm trái ớt cay thì đủ độ nhật hôm nay…

 

Phải công nhận cô gái Miến chiên cơm ngon thiệt, dường như có 1 tí cà ry nên cơm hơi vàng và mang “màu sắc” Ấn Độ! Tôi vội vã ăn hết cơm rồi chạy lẹ về biểu bà xã tới tiếp tục nhờ cô gái phục vụ theo yêu cầu của khách hàng.

Bây giờ, tôi lại tiếp tục loanh quanh để nhìn xem nhân tình thế thái Myawaddy, chợt nhớ ở “bến xe dưới ruộng” người ta đã cho hành lý lên xe, tôi liền mon men trở xuống, định hỏi xem chiếc nào của mình để mang hành lý đến cho xong…

 

Thấy thiên hạ chất đồ lên xe…

 


…mình cũng nôn nao, muốn chất hành lý lên xe cho yên…

 

…nhưng không biết xe nào?

Đưa tấm vé cho họ xem thì họ lắc đầu nói gì tôi không hiểu nổi. Trước khi đi, tôi nghe nhiều người nói rằng Miến Điện là thuộc địa của Anh, nên dân Miến nói tiếng Anh rất giỏi. Đó là dư luận thôi, Việt Nam là thuộc địa của Pháp, mà có được mấy người trong số hàng chục ngàn “giáo sư, tiến sĩ” nói được tiếng Pháp đâu? Còn tiếng Anh, nhiều vị quyền cao, chức trọng bằng “cắp” đại học hẳn hoi, mà “hoảnh tù tì” còn chưa thông, dân thường thì làm sao biết tiếng gì ngoài tiếng Việt! Tương tự, có thể nhiều người Miến biết nói tiếng Anh, nhưng đa phần, những người dân thường đều không nói được, nhất là tại nơi đây. Thật sự, bây giờ tôi chưa biết tình trạng này ở Yangon và nơi khác ra sao.

Thôi, lại tiếp tục rong chơi, tôi gặp một thanh niên da ngâm đen, đang ngồi lắc lư trên chiếc đu đơn sơ dưới tàn cây mát mẻ, là người Thái ở Mae Sot, nói được chút tiếng Anh, qua đây chơi…hèn gì mặt không thấy “trang điểm” phấn thanakhan.



 

Chắc cậu này đi qua đây thăm…bồ!

Rời “bến xe dưới ruộng”, tôi trở lên đường, đi tới khúc uốn cong của sông Moei, mà trên bản đồ thấy nó thọc sâu vào đất Miến. Giòng sông rất cạn, nhiều chỗ phơi cả đáy lồi lõm đá, hoặc đụn cát đã mọc cây, bên kia, rất gần, chắc chừng 20m, là đất Thái, có 1 vạt cây trồng xanh mát được bao bọc bằng hàng rào kẽm gai. Chỗ này, dường như đường biên giới qui định chạy sát bờ Miến Điện chứ không phải giữa giòng đều đặn dành cho 2 bên. Tôi nghĩ chàng trẻ tuổi Thái Lan lúc nãy chắc ở bên kia sông, chỉ cần vài bước chân là qua được bên này…

Tôi chụp 1 số ảnh trên đường bách bộ, chợt thấy 1 trại lính, nhớ tới cảnh báo của phóng viên Tuổi trẻ dạo nào, có khi bị lấy máy, tôi cũng hơi chột dạ, quay trở về chỗ cũ…

 

…và thủ chắc thêm 1 chùm ảnh sau đây, sau khi lòng vòng xuôi ngược dọc theo cái đoạn đường ngắn ngủi này. Nếu biết trước phải chờ xe quá lâu như thế này, tôi đã bung con bike ra, chạy khắp hang cùng ngỏ hẻm Myawaddy cho đáng cuộc rong chơi!

 


Đoạn này gần chợ…

…rồi tới “đoạn đường bến xe”…

 

…tiếp tục là “bến xe trên đường”…









 

Chú ý: chiếc xe bán tải nhỏ, chất “cao nghệu” các bao hàng hóa trắng, thêm các cậu thanh niên ngồi tuốt bên trên, he he, “té đất” như chơi!

Và đây, bích chương quảng cáo Whisky Grand Royal với hình ảnh fan Chelsea!

 




Tôi nhìn thấy mấy anh xe ôm, trong khi chờ khách giải trí bằng 1 loại cờ lạ mắt, với quân cờ là những miếng nhựa màu lạ mắt, chơi không ăn tiền mà coi bộ lý thú lắm (sòng cờ trong ô vuôn trên ảnh). 

Cuối cùng tôi trở lại nơi bán vé ngồi ngã lưng thêm chút nữa cho bớt đau vai...và hình như cũng sắp sửa có xe rồi, bấy giờ là 11h kém 10 phút, ngày 28-10-2013.

 


 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693406 visitors (2230841 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free