.
  31 ngày..P110-P111
 
30/10/2014




Phần 110 - 111

Sau một lúc vừa nghĩ mệt, vừa ngắm cảnh, vừa chụp ảnh, mọi người hỏi Sandra xem mình sẽ đi bao lâu nửa. Cô ấy bảo nếu tiếp tục, mọi người sẽ đi thêm 1 đoạn, vòng qua con đường đất đỏ phía ven đồi bên kia, rồi trở về Thiền viện, thời gian mất khoảng 3 giờ…nghe đến đó, mọi người đành … quay trở lại đường cũ.


… “theo con đường nhỏ phía bên kia sườn đồi, chúng ta sẽ trở về chùa sau…3 giờ nữa!”.




Giờ cũng là lúc nhiều người dân sau khi kết thúc việc nương rẫy, cùng kéo nhau trở về nhà, chắc là một xóm nào đó nằm lẫn khuất sau các triền đồi. Có rẫy nằm hút dưới lũng sâu, lọt thỏm giữa triền đồi 4 phía, màu đất nhạt hồng xen với luống rau xanh, thấy giản đơn, nhưng nhìn kỹ thì thật là một chốn “tiên bồng nước nhược”, nếu vạt đồi bên kia rực rỡ màu hoa!






Như ta biết, cũng giống như các quốc gia khác, Myanmar có nhiều dân tộc sinh sống với những tập tục, văn hóa khác nhau; nhưng đất nước này lại có sự khác biệt, nhiều dân tộc là thành phần chính sinh sống trong 1 khu vực tập trung, từ đó dẫn đến việc Myanmar là 1 quốc gia liên bang. 
Người Shan là đa số ở bang Shan, nơi mà chúng tôi đang tạm trú. Và cũng giống như những dân tộc thiểu số ở nước ta, các dân tộc của Myanmar có trang phục truyền thống riêng, khiến ta có thể phân biệt được họ. Tuy nhiên, điều đó thật không hề dễ dàng đối với người từ nơi khác đến, cho nên, trong số 10 dân tộc sinh sống tại bang Shan này(Bamar, Hoa, Myanmar lai Anh, Kachin,Danu, Intha, Paluang, Taungyoe, Ấn), tôi hoàn toàn mù tịt họ là dân tộc nào? Dẫu thế, nét thật thà, chất phác vẫn là đặc trưng dễ nhận, khiến khách lạ như chúng tôi, cảm thấy được sự thân thiện qua ánh mắt, nụ cười; chuyến trekking mini, như vậy cũng gần như thỏa các mục đích thực sự của nó.












Đường trở về chùa ngày càng tối, tuy vậy vẫn còn tạm có điều kiện để vừa ngắm nhiền cảnh vật, vừa bấm thêm mấy shot hay hay.




Mềm nắng lụa, chập chùng theo sườn dốc,
Khói lam buồn đang nhẹ phớt lưng đồi,
Mặt trời nghiêng về phía cuối chân mây, 
Thêm một chút đêm rừng vừa le lói.

Ơi, Kalaw giờ đây như mời gọi,
Khách qua đường, chớ vội bước chân đi.
Bước chân đi, chớ vội… chiều đang tới,
Đợi đêm về, một chút nắng bâng khuâng!






Cái đẹp của rừng chiều Kalaw còn được điểm xuyết thêm bởi sự xuất hiện bất ngờ những chiếc xe bò, từ rừng sâu vừa trờ tới. Đây chính là điều thú vị mà không biết sẽ còn tồn tại đến bao lâu, khi những chiếc xe cải tiến cũng đã gầm vang rừng núi? Thật sự đang có một tồn tại đầy mâu thuẩn trong suy nghĩ của chúng ta, vừa muốn thiên nhiên được tôn trọng, không muốn có sự can thiệp thô bạo của kỹ thuật, nên thích thú trước những hoạt động sinh sống còn “sơ khai”; nhưng mặt khác, chúng ta không thể nào bắt người nông dân phải tiếp tục khổ cực với những công cụ truyền thống, lạc hậu. Cho nên, giờ đây, khi tôi đang thích thú nhìn những chiếc xe bò cọc cạch leo dốc, thì cũng thầm nghĩ mình đang may mắn, vì chắc gì trong tương lai còn thấy lại cảnh hôm nay?






Thật thú vị khi thấy con bê nhỏ đang lót tót chạy theo cha mẹ, chậm bước với chiếc xe đầy cỏ.



Khi chiếc xe bò này vừa khuất thì chúng tôi lại gặp thêm 2 chiếc khác, lần này lại đi ngược trở vô rừng, đặc biệt các con bò đều màu trắng. Tôi vội ngồi sát lề trái để bấm lấy mấy files cận cảnh.








Đó là những hình ảnh cuối cùng còn chất lượng nhờ trời tương đối sáng, vì không lâu sau, nắng sụp xuống sau đồi lúc đó chưa tới 18h30’, đường về chùa bổng chốc ngã màn đêm, ngôi tháp sáng đèn trở thành chỉ dấu để chúng tôi không bị lạc.






Chúng tôi về đến chùa cũng gần 7 giờ tối, mọi người vội vã lên nhà khách ăn cơm do chị bếp dọn lên. Chúng tôi đề nghị chị về nhà nghĩ, việc dọn dẹp nhóm sẽ tự lo liệu, lại còn rủ Sandra nhập bọn, ăn chung cho vui.
Đêm Kalaw bắt đầu làm tôi lạnh, chùa có trang bị máy nước nóng nên chẳng phải lo. Tuy nhiên, câu chuyện tiếp theo có thể làm các bạn, nhất là những bạn ở miền Bắc, cười…thúi ruột, vì cái khả năng chịu lạnh dở hơi của tôi.
Hôm nay, lúc nhận phòng, tôi không để ý, bây giờ mới phát hiện chỉ có mùng và gối, còn thiếu chăn; nhưng thôi, giờ này đã tối, không tiện “khiếu nại”, tự nhủ đóng kín cửa thì chắc …chẳng sao!
Hởi ơi, người tính sao bằng trời tính, càng về khuya, trời càng lạnh, lạnh cực kỳ, lạnh dã man…lạnh bá cháy…bò chết! He he, mấy con bò đồng bằng lên đây, gặp cái lạnh này dám chết thiệt chứ chẳng chơi!
Cái lạnh Kalaw cứ len vô thịt da đến từng …xăng ti mét, tôi phải ngồi dậy mặc thêm cái quần và 2 chiếc áo còn lại (mấy cái kia giặt hết rồi), kèm chiếc áo “ký giả” kéo hết “phẹt ma tuya” lên tận cổ, chiếc khăn choàng đi bụi, dĩ nhiên đã trùm kín trên đầu. Nằm xuống một chút, mới thấy còn thiếu dưới chân, tôi phải bật dậy mò lấy đôi vớ …thúi hoắc, mang vào. Thây kệ, lạnh mới chết chớ…có ai bị chết vì … thúi đâu!
Lại nằm xuống. Lại thấy thiếu…chỗ cái đầu. Ô hay, chiếc khăn bụi mỏng te làm sao ngăn được dòng hơi lạnh đang căm căm “mơn man” đầu cổ. Tôi ngồi dậy, vừa tự trách mình không cảnh giác, vừa tự nghĩ, he he…hay là Sư H. muốn chơi tui, cái vụ này dám lắm nghe, chỉ có dân …trâu bò nông lâm súc mới hay giở những đòn “tàn bạo” kiểu không để lại dấu tích này lắm, nhất là Sư thường kể về những chiến tích “độc địa” hồi còn học Nông lâm súc Bảo Lộc. Thôi rồi, đích thị là Sư …chơi tui rồi! …phát đủ mùng, gối mà hổng cho cái mền. Thôi bây giờ phải tự cứu thôi.
May quá, mình còn cái túi “hồ lô”, tôi bèn trút hết máy ảnh, ống kính…, rồi …trồng cái túi lên đầu, dĩ nhiên còn chừa tí xíu chỗ lỗ mũi. He he, xong ngay, Sư có chơi, tui cũng còn có …bảo bối ! Bảo bối này tôi tự may, bắt chước theo kiễu cái đãy của Sư mang trên vai, lợi hại thiệt!
Quả thật, từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ, dân đồng bằng Nam bộ chính cống như tôi, giỏi lắm cũng chỉ bị cái lạnh Đà Lạt làm khó dễ, nhưng khách sạn, nhà nghĩ đâu có ngu …mà chơi cái kiễu dễ mích lòng này, mùng mền chiếu gối đầy đủ, nên dù lên tới đỉnh Lang Biang cũng chẳng sao. Còn bây giờ, tại cái xứ Kalaw lạ quắc, có cao độ còn thấp hơn Đà Lạt, vậy mà sao cái lạnh nghiệt ngã nó cứ…từ từ thấm sâu. 
Đúng là thấm sâu, đã trang bị hết mức rồi, giờ cũng chẳng thấy “xi nhê”. Tôi không thể ngủ được trong cái lạnh “lập cập” giữa khoảng mênh mông trống trải của chiếc mùng! Thôi, hết cách rồi, chỉ đang lo cho bà xã, không biết bả có lạnh không, nhưng chẳng dám bước qua gỏ cửa, giờ này mà làm chuyện đó rất dễ bị hiểu lầm! Quả thật, cái lạnh đã làm tôi không ngủ được, nhìn cái mùng “mênh mông” rộng…và tôi chợt nghĩ mùng thì để ngăn muỗi, nhưng trong trường hợp này muỗi cũng chết vì lạnh, vậy là…tôi lại bật dậy, cuốn mùng, quấn kín vào người. Nhờ vậy, tôi ngủ quên lúc nào không hay.
Bổng đâu có tiếng súng nổ dòn làm tôi thức giấc. Chết chưa, cái vụ gì nửa đây, bang Shan này đã ký kết ngưng chiến với chính quyền trung ương rồi mà? Súng vẫn nổ hàng loạt, đầy lo ngại. Tình hình kéo dài cũng khoảng hơn 20 phút mới ngưng, sau đó có lẽ do mệt, tôi yên lành ngủ ngon tới sáng!
Hôm nay, ngày 02-11-2013, 05h sáng, chúng tôi thức dậy để chuẩn bị lên nhà khách ăn sáng, rồi sau đó mang máy ảnh theo chụp hình các Sư đi khất thực. Khi chúng tôi tới thì 4 Sư đã có mặt và đang ăn, chúng tôi chắp tay xá chào. Sư H. nói hôm nay chùa đãi món hủ tíu Nam Vang, do đầu bếp Myanmar nấu. Quả thật, trước mắt chúng tôi là những tô hủ tíu nghi ngút khói đúng hương vị Nam Vang, với đầy đủ tôm, thịt… như các quán ăn có tiếng tại Sài gòn. Tôi nói, Sư huấn luyện một thời gian thì chị bếp Miến Điện có thể ra chợ Kalaw mở quán mà không sợ bị cạnh tranh…Sư cười .
Chúng tôi vừa ăn vừa bàn đến tiếng súng đêm qua. Tuy nhiên, mâm chúng tôi và các Sư cách xa nhau nên không nghe Sư H. nói gì, tôi chẳng dám …ho he. Có điều, khi Sư H. hỏi có ngủ được không thì tôi nói, ối Sư ơi, tôi lạnh quá cở thợ mộc, lạnh cóng còng …cong. Sư nói phát cho 2 cái mền mà cũng lạnh nửa sao? Đâu có cái mền nào, chỉ mùng và gối…Ơ, vậy là mấy đứa đưa thiếu… sao hổng nói? …Nói gì Sư ơi, lúc đó tối rồi, lại cũng nghĩ mình chịu được, ai dè, càng lúc càng lạnh, tui tròng hết mấy chiếc áo vào người, cũng chẳng xi nhê, mang vớ kín mít, cuối cùng cũng chịu hổng nổi, tui chơi luôn cái bị hồ lô lên trùm kín đầu, he he,… mới tới Kalaw ngày đầu mà Sư …chơi tui hén! 
Sư H. cười ha hả …khi nghe thằng bạn ốm o tường thuật cuộc…chiến đấu với cái lạnh Kalaw.
Bà xã tôi nói bên tui có 2 cái mền lận, sao ông không kêu. 
Tôi bèn nói thấy bà đi rừng mệt, lại có vẻ ngủ ngon, nên hổng muốn kêu…mà thật sự nếu biết có 2 cái thì chắc là …phá giới kêu rồi!
Mọi người cười quá xá.
Sư H. nói cao độ ở Kalaw này trên 4.000 feets, lại nằm sâu trong đại lục, không như Đà Lạt, chỉ cách biển Đông chưa tới 100 cây số đường chim bay, nên ở đây lạnh lắm(biển có khả năng điều hòa nhiệt độ nhờ khối nước khổng lồ có vai trò như 1 cái “tụ” nhiệt). Sư nói hồi hôm như vậy là ít đó, mới 14 độ C thôi, mùa đông, ở đây nước đóng băng. Thôi, chút tôi biểu mấy đứa đưa mền tới…ông ơi là ông, hổng có mền thì kêu lên…tội nghiệp thiệt! …chơi ông, Sãi già này đâu sung sướng gì, hì hì hì…
Dạ…nói chơi cho vui…he he, chẳng qua tại tui cứ tưởng ở đây thấp hơn Đà Lạt, nên giỏi lắm thì lạnh bằng Đà Lạt thôi, ai dè…Kalaw trên 4.000feets…lại nằm trong 1 vùng có tiểu khí hậu đặc biệt…lạnh “hoành tráng” thế này!


(Ảnh Kalaw, sưu tầm trên internet)
Đây là ảnh chụp tại nhà ga xe lửa dưới chợ, chỗ thiền viện thì cao hơn hàng trăm mét nửa, nên…cóng còng cong là phải!
Còn đây là ảnh chụp buổi sáng sớm ở Thiền viện, trước khi các Sư đi “trì hành khất thực”, nhìn cũng đã thấy …lạnh rồi!




Ăn sáng xong, cũng chưa tới 06h sáng, các Sư chuẩn bị đi khất thực.
Chúng tôi vội vã trở về phòng lấy máy ảnh theo sau, để săn hình.
Hôm nay có 3 Sư đi khất thực, bây giờ tôi mới được biết Pháp danh: Sư H. Thiền chủ, Sư Canada pháp danh là Khama Cara và Sư người Hoa pháp danh là Ghamma Nanda.


Sư H. dẫn đầu, Sư Khama Cara và Sư Ghamma Nanda sau cùng.






Khất thực, hay gọi đầy đủ hơn là “trì bình khất thực”, là một hạnh mà Chư Tăng hệ phái Theravada phải thi hành theo Giáo Pháp của Đức Thích Ca. Tương truyền khi trở về cố quốc, Ca-Tì-La-Vệ, 1 buổi sáng, Phật dẫn 1.250 Tỳ- Khưu đi “trì bình khất thực”. Đức Vua Tịnh Phạn hay được, tuy mừng vì con trở về nhưng lại bực bội vì việc “đi xin ăn” không thích hợp với địa vị cao cả của vị Thái tử Hoàng Gia. Nghe Vua cha trách phiền,Ðức Phật ôn tồn trả lời: "Kính thưa Phụ Vương, quả thật từ xưa, hàng vương tước vẫn sống trong cung vàng điện ngọc, khô lân chả phụng thiếu chi. Nhưng đây là đời sống của Phật, Như Lai hôm nay vẫn giữ hạnh “trì bình khất thực” theo Chư Phật trong quá khứ. Phụ vương chớ nên e ngại, hạnh “trì bình khất thực” này có nhiều phúc báu lớn lao cho tất cả bá tánh".
Có thể tóm tắt ý nghĩa của hạnh này như sau:
1. Diệt tánh tự cao.
Hằng ngày mang bát đi xin ăn, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.... là các Sư tự nhận mình gởi sự sống nơi kẻ khác, nên dở, ngon, nhiều, ít, mặn, lạt cũng vui lòng. Tánh tự cao, ngã mạn của mình đương nhiên bị mài dũa xuống đến dưới cấp hạ-đẳng, bần dân. Nếu ai chê bai, chỉ trích, Sư cũng cam chịu với lòng nhẫn nại và thứ tha, nhờ đó mà không phát khởi lòng sân nộ, tự ái.
2. Giản-dị trong cách sống.
Với nhà Sư, ăn chỉ là giải quyết một nhu cầu tối thiểu để không bị đói, có sức mà tu tập, dù mặn, lạt, dở, ngon cũng phải nuốt cho xong. Cho nên, ai cho món gì thì ăn món đó, không kể là chay hay mặn. Tuy nhiên, để đạt điểu đó, hoàn toàn không dễ, phải có quá trình và lòng kiên định lâu dài.
3. Trực tiếp thọ ân xã-hội.
Từ lúc mớí sinh, con người đã bước vào cuộc sống với cộng đồng, xã hội, sự nương tựa lẫn nhau là lẽ tự nhiên. Và như thế, không ai là không thọ ơn của người khác, thực hành hạnh “trì bình khất thực” là trực tiếp nhận sự chia sẻ của cộng đồng, thọ ơn xã hội. Từ đó, người tu phải tự giữ mình để báo đáp sự ban ơn kia.
4. Có sức khỏe để tu tập.
Ngày nay, môn đi bộ đã được áp dụng phổ biến trên khắp thế giới, để duy trì sức khỏe hoặc giảm tác hại của một số bệnh mãn tính. Việc mỗi ngày chân đất đi bộ để xin ăn hàng giờ vào sáng sớm, ngoài là một giới hạnh phải theo, còn giúp các nhà Sư giữ gìn thân thể để vững bước theo đuổi con đường tu tập của mình.
5. Tạo cơ-hội cho bá-tánh làm phước.
Như ta đã biết, bố thí là một hạnh quan trọng trong Ba La Mật, ai cũng có thể thực hành được hạnh này, bất kẻ giàu nghèo, sang hèn…; nhưng đôi khi vì nhiều lý do, bá tánh không có điều kiện thực hiện. Việc ôm bình bát đi đến khắp nơi, chính là các Sư chia sẻ cho mọi người cái hạnh bố thí này, người cho cũng cảm nhận được hạnh phúc khi mình có cơ hội làm điều thiện.
Vật để bát không cần nhiều, vài miếng bánh, một chút gạo, một tí muối…thậm chí chỉ là ít bông hoa cắt được trong vườn nhà để Sư mang về cúng Phật, cũng đủ cho các Sư thọ ơn và hoan hỉ. Và người bố thí cũng tạo được nghiệp tốt cho mình.
6. Gieo rắc tâm từ cho chúng sinh.
Khi rời khỏi tịnh thất, các Sư luôn khởi niệm tâm từ theo từng bước chân đi, thu thúc lục căn, nguyện cầu cho bá tánh, thoát khổ, an vui. Điều đó chẳng khác nào Sư đang gieo rắc điều lành cho bá tánh, bằng một tấm lòng chan chứa tình thương. 
7. Truyền bá Đạo Phật.
Việc đi khất thực, cũng là một trong vô vàn phương tiện để hướng chúng sanh đến con đường ngộ đạo, bởi lẽ ngoài động thái “quên” đi bản ngã, tu sĩ Nam Tông còn có thể “hoằng dương” bá tánh qua con đường giảng lý Phật Pháp đơn giản khi tiếp xúc đời thường, hoặc gián tiếp hơn là nhắc nhở cho mọi người hình ảnh đáng kính của bậc tu hành, để mọi người theo đó mà tìm đường đến Phật pháp.
Đó là những gì tôi cố gắng tìm hiểu về khất thực, với tôi quả thật có nhiều mới lạ mà lâu nay chưa hề biết. Qua cuộc rong chơi này, ít nhất tôi cũng có cơ hội để “thấy” nhiều điều hay. 
Bây giờ theo chân các Sư đi khất thực, tôi chỉ nhằm để biết được cụ thể việc thực hành hạnh này của các Sư Nam tông(Bắc tông không có Sư đi khất thực, các Sư áo vàng mà ta từng thấy lâu nay trên đường phố, chắc chắn là giả), đồng thời qua đó chứng kiến sự cung kính của các Phật tử Miến Điện dành cho bậc tu hành. Ngoài ra, với ý nghĩ “méo mó” của người chơi ảnh, chúng tôi mong tìm được những hình ảnh đẹp , trong đó có những cảnh đời thường buổi sáng sớm tại nơi mà cả đời chưa chắc gì trở lại lần thứ 2(he he, đó là suy nghĩ nhất thời vào ngày 02-11-2013), bây giờ tôi lại đang nung nấu trong lòng một ngày trở lại …Kalaw)




Ngôi nhà khá khang trang, vẫn có 1 “miếu nước bố thí” bình dân trước mặt!




Các cháu bé đang chờ các Sư đi ngang để dâng bánh “bố thí”, một cháu đã bỏ dép theo đúng nghi thức.




Mọi người đều hoan hỉ, từ thí chủ nhí đến Sư già. Cậu bé này còn được Sư H. nói nhỏ, sau này tôi mới biết, Sư bảo lát nửa gom mấy đứa vô chùa Sư phát áo lạnh và kẹo. Hèn chi, tụi nhỏ cười tít mắt sau đó, phải ở Việt Nam chúng nói Ông Thầy giống hệt Ông Di lạc!




 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 633228 visitors (2120764 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free