22/6/2014
Phần 46
Rời nghĩa trang, chúng tôi bước qua Bảo tàng trung tâm đường sắt Thailand-Burma, thời gian dành cho điểm này rất ngắn, nên không đủ để mua vé vào xem nơi lưu trử tư liệu và trình diễn quá trình xây dựng con đường. Chúng tôi đi loanh quanh nơi phòng giới thiệu và bán hàng lưu niệm, sách vở…, không được chụp ảnh nên chỉ xem chơi.
The Death Railway, chắc chắn gợi sự tò mò nơi du khách, không biết vì nó cheo leo nguy hiểm cho những ai đi qua hay bởi sự tàn độc đưa đến cái chết cho hàng trăm ngàn sinh linh nơi chốn rừng sâu nước độc ?!
Dài 415km, nối liền Nong Pla Duk (Rachaburi, Thái Lan) và Tanbesusayud (Myanmar), nhằm phục vụ cho chiến dịch Miến Điện của quân phiệt Nhật, làm bàn đạp tiến quân qua Ấn Độ.
Anh quốc, diện tích không lớn lắm, 244.820km2, là nơi khai sinh cuộc Cách mạng Công nghiệp vào thế kỷ18, cường quốc hàng hải thời bấy giờ, đã lang thang trên khắp các đại dương, thôn tính các nước nhỏ, tìm tài nguyên và thực hiện mộng bá quyền. Đã có một thời người Anh ngạo nghễ với slogan: “mặt trời không bao giờ lặn trên nước Anh”, để khoe khoang cái tài chiếm đất của người khác bằng các cuộc xâm lăng bạo lực (có cuộc xâm lăng nào mà không bạo lực?). Những năm 30 của thế kỷ trước, là thời kỳ hoàng kim của những Pukkhah Sahib (người Anh da trắng), họ tự tin vào sức mạnh của mình, coi Singapore là pháo đài bất khả chiến bại, tại châu Á.
Nước Nhật, cũng là một đảo quốc, diện tích có lớn hơn chút ít, 377.930km2, lại cũng dùng cái chiêu bài thiếu đất, dân đông, không nhiều tài nguyên để phát triển kinh tế và bắt chước người Anh, xua quân giành lấy đất đai các lân bang, vốn đang nằm trong tay những thực dân da trắng, áp đặt một chế độ cai trị còn tàn độc hơn.
Cuộc chiến giữa Nhật và Anh trên các thuộc địa của Vua George Đệ Lục tại vùng Đông Á đã diễn ra ác liệt, mà cuộc bại trận tại Singapore của quân Anh là đòn chí tử. Trong khi họ lo phòng thủ mặt biển, với các đại bác bố trí quay ra hướng đó, thì tướng Nhật, Tomoyuki Yamashita, lại tấn công Singapore trên đất liền, từ phía Bắc xuống. Quân Anh thua tan tác, 80.000 tù binh bị bắt, chính thức kết thúc Đế chế Anh tại châu Á từ tháng giêng năm 1942! Lúc này quân Nhật cũng thay thế quân Anh ở Miến Điện, nhu cầu tiếp tế cho đội quân phát xít Đông Á tại đây, đang rất cần kíp mà đường biển thì luôn bị phe Đồng Minh oanh kích, ngăn chặn.
Tù binh Anh và các nước Đồng minh, đã được đưa từ chiến trường Singapore về các trại giam dọc biên thùy Thái-Miến, cùng với hàng trăm ngàn người dân vô tội ngày đêm làm việc khổ sai dưới sự canh giữ hà khắc của bọn lính ác độc Thiên hoàng, để xây dựng tuyến đường sắt Thần chết này.
Ảnh tư liệu từ bài của Kim Hùng (theo Diplomat)
Toàn bộ công trình đã sử dụng khoảng 160.000 người dân địa phương (có tài liệu ghi tới 250.000 người) và 60.000 tù binh gồm nhiều quốc tịch. Mỗi ngày làm việc từ 07h sáng đến 19h tối, bằng công cụ thủ công và sức người yếu đuối, trong điều kiện thiếu thốn lương thực và thuốc men, dưới những đòn roi ác độc và những đọa đày tàn nhẫn. Khoảng 90.000 người dân bản địa và 16.000 tù binh chiến tranh Đồng Minh đã lần lượt ngã xuống để hoàn thành cung đường .
Để phần nào hình dung được cảnh xây dựng tuyến đường sắt và xem lại những kỷ vật thời thế chiến, chúng tôi phải mua vé 40 baht/người vào thăm bảo tàng chiến tranh JEATH (Japan-English-Australia-Thailand-Holland) tại khuôn viên chùa Chaichum Phon. Nơi đây các du khách có thể gặp lại chiếc đầu máy xe lửa, chiếc xe Jeep quân sự xưa, mô tô sidercar… cùng hàng trăm vật dụng còn lại từ thế chiến.
Chùa Chaichum Phon.
Ngoài ra, người ta cũng cho tái hiện cảnh làm việc khổ sai của tù binh trong việc xây dựng con đường bằng mô hình. Khi xem những hình ảnh này, tôi và có lẽ nhiều du khách khác, chỉ có cảm giác bàng quan như xem một món đồ chơi được sắp đặt bằng những con búp bê, thiệt tình chẳng hề gây nhiều xúc động; bởi vì biết chắc chắn rằng nó chẳng hề đủ sức để nói lên độ ghê rợn thực tế khiến hàng trăm ngàn người bị đày đọa đến ngã gục chốn rừng thiêng, khiến Hiroshi Abe, trung uý giám sát việc xây dựng tuyến đường sắt tại Sonkrai nơi có hơn 3.000 tù binh chiến tranh thiệt mạng, sau này đã bị tuyên án tử hình và bị xếp hạng là một tội phạm chiến tranh hạng B/C. Án của ông sau này được giảm xuống còn 15 năm tù.
Có còn hơn không, từ những hình ảnh này, cứ tưởng tượng lên gấp nhiều lần để rồi tự hỏi: tại sao con người lại nhẫn tâm như thế ?!
Mời xem tiếp các hình ảnh trưng bày tại bảo tàng chiến tranh.
Và tôi cũng chợt nhận ra rằng, những gì hiện diện trong bảo tàng này, có lẽ chỉ để cho mọi người thấy đã có một giai đoạn con người ác độc như thế, nhưng đó là quá khứ, không thể nào sửa được; còn bây giờ, hình ảnh nơi đây chẳng phải để gây lòng thù hận, mà đơn giản để mọi người biết tha thứ và yêu thương.