.
  31 ngày lang thang...72-73
 
24/8/2014

 Phần 72-73

 

B.12.2 Đoạn đường nhiều cảm giác: Myawaddy-Yangon 438km.

Miến Điện có diện tích 678.500km, giáp Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh , biển Andaman và vịnh Bengal; nhưng chung quanh bị bao phủ bởi rừng núi hiểm trở nên gần như biệt lập với bên ngoài, nhất là vào thời điểm trước năm 2010.

“Đi qua biên giới Thái Lan vào các thị trấn biên giới của Myanmar là dễ dàng, nhưng qua vào sâu hoặc ra khỏi nội địa Myanmar bằng đường bộ có thể khó hoặc là không thể. Nhập cảnh miễn thị thực là có thể được tại một số cửa khẩu biên giới, nhưng sau đó bạn phải xuất cảnh khỏi Myanmar thông qua qua đường biên giới, thường (nhưng không phải là luôn luôn) trong cùng một ngày mà bạn nhập vào, và phải nộp lệ phí (thường là 10 USD). Tất cả các cửa khẩu biên giới đất vào Myanmar cho cho truy cập hạn chế trong khu vực biên giới. Cách duy nhất để thăm các địa điểm trong cả nước, là nhập cảnh và ra khỏi Myanmar bằng đường hàng không.”(Trích từ : http://vi.wikivoyage.org/wiki/Myanmar)

Thêm 1 số thông tin khác, dù là tin từ cuối năm 2010, nhưng cũng đáng lo ngại AFP dẫn nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Myanmar cho biết các binh sĩ người thiểu số Karen đã tấn công bằng vũ khí hạng nặng vào thị trấn Myawaddy khiến 11 người bị thương. Một quan chức quân đội Thái Lan tại khu vực biên giới cho biết một trái đạn súng phóng lựu đã rơi xuống thị trấn Mae Sot của Thái Lan làm nhiều người bị thương.

Ông Kittisak Tomornsak, người lãnh đạo thị trấn Mae Sot, cho biết khoảng 10.000 người Myanmar đã vượt biên giới chạy sang Thái Lan khi giao tranh xảy ra. Chính quyền địa phương cho biết Thái Lan đã đóng cửa trạm kiểm soát biên giới ở thị trấn này và sơ tán người dân sống dọc một con sông trong khu vực.

Theo nguồn tin của Bệnh viện Mae Sot, đã có 11 người bị thương, trong đó có một phóng viên người Thái Lan, một lái xe làm việc cho kênh truyền hình Fuji TV của Nhật Bản, số còn lại là người Thái và Myanmar.

(http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/t...an/5168876.epi)

Đó là những thông tin mà tôi biết được trước khi quyết định chọn đường bộ tới Myanmar, lúc ấy tôi luôn nghĩ sẽ chỉ theo đường hàng không để tới Yangon. Chừng khi cô bạn K.N. dạy tại Đại học Cần thơ, loan 1 thông tin hành lang, rất ư là …vô tội vạ : “tui mới đi dự hội nghị khoa học ở Bangkok về, thấy có thể ra phố Khaosan Road mua vé xe bus đi Yangon dễ dàng, Tây ba lô đi…nườm nượp!!!”khiến tôi bỏ… ý định đi đường không.

Thế là một “chiến dịch” săn tìm thông tin liên quan đến chuyến đi đường bộ này, được tôi âm thầm thực hiện trên net. Thấy rằng, muốn vào Miến Điện từ phía Đông, chỉ có 2 cửa: Tachileik ở vùng 3 biên giới (Miến-Thái-Lào) và Myawaddy ở Mae Sot. Nhưng vùng 3 biên giới chính là khu Tam giác vàng, nổi danh ma túy và thổ phỉ, chỉ nghe tên cũng lạnh mình, nếu đi thì chắc là …lạnh cẳng lắm! Nên có lẽ, trên đất liền, chỉ quốc lộ NH 85 từ Myawaddy vào Yangon là con đường chính để Myanmar tiếp cận với bên ngoài; thật sự hiếm có du khách ngoại quốc nào chọn đi bằng ngả này. Vì thế, chắc chắn đối với nhiều người, con đường NH85 vẫn là một bí ẩn thú vị.

Và tôi quyết định phiêu lưu như những gì mà các bạn đã theo dỏi.

Bây giờ, ngồi trên con “big bus” này, dù không thoải mái nhưng tôi thầm cảm ơn K.N. rất nhiều!

Vì…sau chuyến đi, tôi xin khẳng định: đó là con đường cực kỳ thú vị và …đầy cảm giác như “Deliverance”!

10h50’ , 1 xe bus50 chỗ tới, trên xe đã có nhiều hành khách rồi và dường như có 1 cặp Tây ba lô ngồi ở gần cuối xe, cô gái bán vé đưa bà xã tôi lên trước, tôi tiếp phụ xế cho mấy cục hành lý cồng kềnh vào hầm, sợ họ để đồ nặng làm hỏng 2 con bike.

Ghế 15, 16 khoảng giữa xe, tôi ngồi ngay bìa phải, xe bèo nhưng có máy lạnh, cũng “đở nóng”, người ngồi đầy lối đi, nên đã vào ghế rồi thì khó xuống xe, thôi kệ. Anh phụ xế bổng kêu tôi trả thêm tiền hành lý, theo cái cách có vẻ như cầu may, chứ không theo cái kiểu …du côn “đứng bến” như mấy đầu gấu ở xa cảng bên mình , lần này tôi cương quyết không chịu vì đã thỏa thuận với 2 cậu Vega rồi, anh ta cười, chưa kịp nói chi thì có một chị đứng tuổi ngồi hàng ghế thứ 2 bên phải khoát tay với anh ta và nói gì đó bằng tiếng Myanmar, mọi chuyện êm xuôi.(Về sau bà xã tôi nói chị đó là chủ xe, đi cùng cô con gái rất xinh).

Người Miến họ hiền từ dân thường cho đến …dân bến xe! Đó là cái cảm giác thứ nhất.

11h05’, xe rời bến.

 

Xe đầy nhóc, hàng giữa cũng lấp …không còn chỗ bước chân.

Tối nay sẽ tới Yangon, he he… “phẻ re như con bò kéo xe” !

Chiếc bus to đùng lắc lư bò theo con đường nhựa hẹp té để mò ra quốc lộ 85, “xa lộ xuyên Á” nổi bậc “hoành tráng” trên trang mạng, trên bản đồ Google maps với mã số AH85. Phải mất đến gần 50 phút để xe vượt khoảng đường mà bản đồ Google Maps dự kiến đi chỉ 12’, từ bến xe Myawaddy đến trạm kiểm soát Thin Gan Nyi, do dừng lại tiếp nhiên liệu và rước thêm khách dọc đường.

Mọi sự đang diễn ra với tốc độ con …rùa, chẳng thấy ai lộ vẻ sốt ruột hay phàn nàn, đó là cái cảm giác thứ 2.

Chùm ảnh dọc đường.

















 

Thỉnh thoảng cũng có vài ngôi nhà gỗ cao cẳng, khang trang, chểm chệ bên hiên là 1 con bán tải “de luxe” cáu cạnh.

 

11h55’, xe chạy vào khu vực kiểm soát Thin Gan Nyi.

 




Xe dừng để kiểm soát tại trạm Thin Gan Nyi, các cô gái bán rong làm nhớ tới quê nhà…nhưng họ thật dễ mến, không chèo kéo, nài ép thô lổ.

Có lẽ đây là trạm “vét” trước khi xe đi sâu vào nội địa, kiểm soát hàng hóa lẫn người từ biên giới vô.

Hồi hộp là cái cảm giác thứ 3 :

Người phụ xế bảo tôi đưa hộ chiếu rồi mang vào trình trạm, một nhân viên với sắc phục chỉnh tề bước lên xe, chúng tôi hồi hộp theo dỏi ánh mắt và thái độ của anh ta khi xem 2 hộ chiếu, nhất là lúc quay lại hỏi người phụ xế và được người này chỉ tay về phía chúng tôi. Thiệt là căng thẳng như…dây đàn, khi anh ta lật xem kỷ …từng tờ. Cuối cùng, nở nụ cười rất tươi nói bằng 1 thứ tiếng Anh khá chuẩn : “have a good trip in my country”, kèm cái vẫy tay chào rất thân thiện, sau khi trao lại hộ chiếu với lời cảm ơn. Tôi thở phào nhẹ nhỏm, như áng mây trắng đang bồng bềnh trôi trên trời xanh thăm thẳm, phía núi rừng xa xa! 

Dãy núi Dawna, chạy suốt từ phía Bắc bang Kayin, xuống phía Nam, trở thành một bức tường khổng lồ ngăn cách vùng bình nguyên trù phú của sông Ayeyarwady, nằm ở trung tâm Miến Điện, với cư dân và lân bang bên sườn phía Đông . Đây là dãy núi có độ cao trung bình, đỉnh cao nhất là Mela Taung (2080m), con đường 85 phải vượt qua đèo Kawkareik, ở đây, có cao độ từ 200 đến 600 m chập chùng giữa rừng già hoang dã.

Theo hướng dẫn của chú “Gu Gồ Mập” (Google Map), chúng tôi sẽ phải theo lộ trình và thời lượng sau đây:

 

1/ Myawaddy => Thin Gan Nyi : 9,8km, thời lượng: 12 phút.

 

2/ Thin Gan Nyi => Kawkareik : 49,6km , thời lượng : 42 phút.

 

3/ Kawkareik => Kyondoe : 23,8km, thời lượng : 18phút.

 

4/ Kyondoe => Hpa-An : 65,8km, thời lượng : 50phút.

 

5/ Hpa An => Kayikto : 120km, thời lượng : 1h35phút

 

6/ Kayikto => Yangon : 179km , thời lượng : 2h36phút

Tổng chiều dài đoạn đường : 438km

Tổng thời gian đi bằng ô-tô : 373 phút, tương đương 6 giờ.

Đó là những thông tin tương đối mà Google maps dự báo. Tôi muốn nêu lên thật cụ thể để các bạn nắm rõ lộ trình này, rồi cùng theo dỏi chuyến đi thực tế của chúng tôi, sau đây.

Và cuối cùng là cái cảm giác thứ 4, cái cảm giác của cú vượt đèo ngoạn mục mà có lẽ suốt đời tôi không thể nào quên!

Cái cảm giác mà sau vài năm tới, nếu con đường thay đổi, thì cho dù có nhiều tiền, tôi vẫn không thể nào mua được.

Cái cảm giác mà tôi muốn chia sẻ với các bạn bằng 1 cách nào đó, chính xác nhất, cụ thể nhất để khi cùng tôi vượt qua con đèo theo dòng hồi ức này, các bạn cũng có cảm giác gần giống như tôi, khi nhớ lại!

Không phải vô tình mà tôi đưa lên đây các bản đồ lộ trình thật chi tiết, dù không chính xác về thời gian(điều này hoàn toàn chẳng quan trọng, chỉ là 1 tính toán máy móc của Google), cũng như không phải vô tình mà tôi sử dụng 3 bản đồ vệ tinh trong đoạn đầu của con đường, khi vượt đèo. Tất cả chỉ là để các bạn không cần phải tưởng tượng nhiều, chỉ là để mọi người nhìn rõ đường đi mà hồi ngang qua đó, tôi cũng chưa hình dung ra nổi. Nhờ thế, kết hợp với rất nhiều hình ảnh chụp được, tôi mong rằng mình làm tốt việc diễn đạt bằng lời, một chuyến rong chơi thực tế, đầy hấp dẫn mà trước khi đi, tôi không hề tưởng tượng ra!

Rời trạm kiểm soát, xe tiếp tục chạy ngang thị trấn Thin Gan Nyi, rồi bắt đầu đi sâu theo hướng Tây, vào vùng rừng núi phía Đông của bang Kayin, lúc này quốc lộ 85 có vẻ không xứng tầm xa lộ xuyên Á, bởi nó thua nhiều con đường giao thông nông thôn của miền Tây Nam bộ nước ta. Từ cao độ 200m so với mực nước biển, con đường bắt đầu thoai thoải dốc lên cao. Hai bên là rừng xanh, núi thẳm, thỉnh thoảng có những vạt ruộng lúa nước hiếm hoi của dân chúng địa phương.

Trước mặt chúng tôi là dãy núi Dawna, chắn ngang con đường xuyên Á. Đây là dãy núi chạy dài suốt bang Kayin theo hướng Bắc-Nam có tên tiếng Miến là Dawna Taungdan. Núi không cao nhưng được bao phủ bởi “rừng cây lá rộng, nhiệt đới, á nhiệt đới” , với hệ động, thực vật phong phú, nhiều loài thú quí hiếm sinh sống, được Quỷ bảo tồn động vật hoang dã WWF xếp ưu tiên trong danh sách 200 điểm trên toàn thế giới cần được bảo vệ. Vì thế, đây là một khu vực rất hiểm trở và hoang vu, con đường 85, theo bản đồ, sẽ vượt qua đèo Kawkareik dài 49km.

Lúc này, 12h10’ khi xe bắt đầu leo dốc, chúng tôi hoàn toàn chưa biết chút gì về con đường sắp tới, thậm chí còn chưa biết mình sẽ …qua đèo!

 




Một trong những kiến thức địa lý về Miến Điện còn rơi rớt lại từ thời trung học là …gỗ teak. Còn gọi là giá tị, Tectona grandis, loài cây gỗ quí, rụng lá mùa khô, cao 40-60m, dùng cho công nghiệp đóng tàu bởi tính chịu mặn và dùng làm tà vẹt đường ray xe lửa bởi tính chịu đựng nắng mưa.

Năm 1958, bà Ngô Đình Nhu đã cho trồng tại Định Quán (cây số 54-55) 165ha, đến nay đã gần 60 năm, chưa đủ tuổi khai thác (80 năm tuổi), nhưng hiện tại là nguồn cung cấp giống cho cả nước, với tổng diện tích rừng trồng gần 5.000ha.So với Miến Điện, con số này thật nhỏ nhoi và đó chỉ là giá tị mới trồng, trong khi năm 2012, theo MTE (Hiệp hội doanh nghiệp gỗ Myanmar), sản lượng khai thác gỗ teak của họ là 268.900 hoppus tons (1ht# 1,8 m3), người Miến dự kiến sẽ hạ xuống còn 180.000ht trong năm 2-13, để bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Dọc theo đường, tôi lại phát hiện thêm 1 công dụng khác của loài giá tị: với kích thước lá khổng lồ, hình trái soan, bề ngang 2 tấc, bề dài đến 0,5m, lá giá tị được người nghèo Miến Điện lợp mái, làm vách nhà, y như cách người dân quê nghèo nước ta dùng lá dừa nước hay cỏ tranh vậy. Những mái nhà “teak”, xuất hiện rải rác trên con đường quanh co uốn lượn, lên dốc xuống triền, xuyên qua dãy núi Dawna.

 










Quán được lợp bằng lá cây giá tị.

Nhưng thỉnh thoảng cũng có quán lợp bằng lá cọ như bên ta.

 

12h17’, xe qua 1 khúc quanh có chừng vài chục nóc nhà, tập trung dọc theo con suối cạn. Bây giờ tôi phát hiện trước và sau chúng tôi còn khá nhiều xe khác, đang nối đuôi nhau “bò” trên con đường “độc đạo” giữa bên trái là vách núi, bên phải là lũng thấp tiếp nối rừng già phía xa.

 

12h23’, qua khỏi cua, chúng tôi gặp 1 con suối cạn, ẩn hiện phía xa là chiếc cầu đúc bắc ngang, từng chiếc xe đang bò chậm qua bờ đối diện.

 




Cầu chỉ vừa đủ 1 chiếc xe, “bò” thật chậm rãi qua giòng nước nhỏ, dưới sự điều khiển giao thông của những người lính đang đồn trú trong doanh trại nằm trên triền đồi, phía bên kia cầu. Thấy có bóng dáng lính tráng, tôi không dám chụp hình, chỉ khi vừa qua khỏi cầu, phía trước có 1 chiếc xe 2 cầu bán tải đang vượt dốc lên cao, tôi mới bấm 1 file.

 

Doanh trại lính giữ cầu trên triền đồi tay trái.

Từ đây, dường như cuộc rong chơi bắt đầu có cảm giác, vì xe cũng vừa leo lên dốc khá cao, trên con đường lổi xổi đá, quanh co giữa chốn đại ngàn…

 








 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630201 visitors (2116108 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free