16/3/2014
Phần 1
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống sông sợ đĩa, lên rừng cọp um .
( Ca dao tả cảnh Vĩnh Long thời xa xưa)
Tầm Vồ rày đã đóng đô.,
i> Xin quan đổi lại Long Hồ cho xinh.
(Tầm Vồ là tên Chân Lạp của sông Long Hồ )
Những câu thơ lưu niệm Vĩnh Long và 7 quận thời Cộng Hòa ( ? ) của Thượng tọa Giác Huệ, sinh quán Vĩnh Long ( Vĩnh Long Địa Linh Nhân Kiệt – 2006 ) :
Vĩnh Long tiền ruộng, bạc sông
Mái chèo khoan nhặt, bóng hồng thướt tha
Nụ cười chào khách gần xa
Hẹn ngày trỗi hát bài ca thanh bình .
Quận Châu thành: Có ai về đến Vĩnh Long
Cho tôi nhắn gửi đôi dòng nhớ thương!
Nhớ Long Hồ, nắng hai sương
Nhớ thuyền đủng đỉnh ngược đường Cổ Chiên …
Quận Bình Minh : Ba Càn phát xuất nhiều tôm cá
Chim chuột, bắp, dưa, bưởi , mận . cam …
Quận Tam Bình: Tam Bình giáp với Trà Vinh,.
Sống về ruộng rẫy, dân tình hiền lương …
Quận Chợ Lách: Quận Chợ Lách nhiều vườn cây ăn trái Giáp Cái Mơn, Kinh Xáng một con đò…
Tân Phong ốc gạo nhiều như gạo
Tựa thế Bà Càn có ốc cao.
Quận Trà Ôn : Nước ngọt quanh năm nhiều Cá Cháy
Sùng Nho, sùng Đạo, sống hiền lương
Quận Vũng Liêm : Đất có phì nhiêu cây trái ngọt
Nửa phần làm ruộng, nửa làm vườn…
Quận Minh Đức: Sinh họat đủ ngành, người tấp nập
Chuyên về ruộng rẫy, sống quân bình
Nhưng cô thôn nữ bên dòng nước
Mơ bóng tình quân, hưởng thái bình .
Lần trang sử cũ : Uống nước phải nhớ đến nguồn (có phần hơi dài, đôi khi lập lại vài phần những bài đã viết, đã đăng tải , nhưng còn cần thiết để hiểu rỏ hơn Xứ Đàng Trong, Đồng Bằng sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ … )
Năm 1732, thành lập dinh Long Hồ , thời chúa Ninh Nguyễn Phước Trú.
Vĩnh Long ngày nay là một phần dinh Long Hồ thời chúa Ninh Nguyễn Phước Trú thành lập năm 1732. Như vây mới được 282 năm . Dinh Long Hồ lúc đó gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và một phần tỉnh Cần Thơ hiện nay. Nhắc lại là năm 1731 , thời chúa Ninh Nguyễn Phước Trú ( 1727 – 1738 ) sai thống suất Trương Phước Vĩnh điều khiển ánh Sà Tốt, người Ai Lao di cư ở Chân Lạp, khởi binh cùng nhiều người Chân Lạp giết người Việt ở Cầu Nam ( Bà Nam, trên sông Tiền, phía Tây Nam Phnom Penh, thuộc tỉnh Căm Bốt Prey Veng ngày nay ) rồi xuống cướp Gia Đinh. Trương Phước Vĩnh huy động Cai Cơ ( tương đương đại tá hay chuẩn tướng ) Đạt Thành chống giặc ở Bến Lức ( Lật Giang ), nhưng Đạt Thành bị giặc giết. T. P. Vĩnh sai thống binh Trần Đại Định, con của Trần Thượng Xuyên xuất lảnh thuộc tướng Long Môn, phá tiền quân giặc ở Vườn Trầu ( Phù Viên ) cùng Giám quân Cai Đội Nguyễn Cửu Triêm cứu ứng Bến Lức, rồi cùng quân T. P. Vĩnh đánh quân Lào tan chạy vào rừng sâu. Đại Định tiến quân đóng giữ Cầu Nam và T. P. Vĩnh rút quân về Gia Định. T. P. Vĩnh dụng quân lâu ngày không giết được giặc, đổ lỗi vu cáo là Đại Định bỏ trốn, nhưng triều đình xét Đại Định vô tội , gián T.P. Vĩnh xuống làm Cai Đội, cho Cai Cơ Nguyễn Hửu Dõan lên thay làm Điều Khiển Dinh Gia Định. Chúa Ninh buộc vua Chân Lạp là Nặc Tha phải nhường cho xứ Đàng Trong hai tỉnh Me sa ( đất Mỹ Tho ngày nay ) và Long hor ( Vĩnh Long ngày nay ). Trên đất Long hor , chúa đặt châu Định Viễn và lập dinh Long Hồ và đặt châu Định Vĩễn thuộc vào dinh này. Mỹ Tho thì vẫn để nguyên tình trạng cũ đến năm 1772 mới đặt chính quyền chánh thức. Theo Vũ Biên Tạp Lục Lê Quí Đôn viết, châu Định Viễn có 350 thôn , 7000 dân đinh , 7000 thửa ruộng . Dinh Long Hồ có 20 thuyền tinh bình, mỗi thuyền 50 người , 18 chiếc ghe bầu hải sư và thuyền Mã đội không có ghe bầu ; tạm binh hơn 30 thuyền, phỏng chừng tổng cọng 12 000 người.
Mở rộng dinh Long Hồ , thời chúa Võ Nguyễn Phước Khóat
Năm 1757, chúa Võ Nguyễn Phước Khóat ( 1738 – 1765 ) buộc vua Chân Lạp là Nặc Nhuận phải hiến dâng hai phủ mới lập là Trà Vinh và Ba Thắc. Như vậy, Xứ Đàng Trong đã sang được miền Đông sông Hậu Giang . Mạc Thiên Tứ và Nguyễn Cư Trinh mở rộng dinh Long Hồ thêm 4 huyện là Long Xuyên ( vùng Cà Mau ), Kiên Giang ( vùng Rạch Giá ), Trấn Giang ( vùng Cần Thơ ) và Trấn Di (phía Bắc Bạc Liêu ) .Nặc Nhuận bị con rễ là Nặc Hinh giết cướp ngôi, nhưng lại bị Quan Ốc Nha Uông ( Bộ Trưởng hay Tổng Trưởng ) giết chết. Con Nặc Nhuận là Nặc Tôn được chúa Võ sắc phong, bèn dâng tạ ơn đất Tầm Phong Long, tức là đất tỉnh An Giang và hai quận Tầm Đôn, Xuy Lạp thuộc tỉnh Vĩnh Long sau này. Trương Phước Du và Nguyễn Cư Trinh dời dinh Long Hồ đến xứ Tầm Bao , thuộc thôn Long Hồ, tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Long sau này. Hai tướng lại đặt ra đạo ( đao là khu vực hành chánh, quân sự có đồn binh, sở lỵ hành chánh đóng ở đó ) Đông Khẩu ở Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang và đạo Châu Đốc ở Hậu Giang. Như vậy, miền đất ở giữa hai sông Tiền Giang và Hậu Giang và phía Đông dọc theo hữu ngạn sông Hậu Giang chánh thức thuộc về chúa Nguyễn Phước. Mạc Thiên Tứ lại lập ra hai đạo nữa là đạo Kiên Giang ở Rạch Giá và đạo Long Xuyên ở Cà Mau Tất cả đất hửu ngạn Hậu Giang ra đến biển đều thuộc người Việt . Cuộc Nam Tiến đến Cà mau hòan tất. Đạo Kiên Giang và đạo Long Xuyên ( Cà Mau ) tuy do Mạc Thiên Tứ chỉ huy trực tiếp, nhưng về hành chánh vẫn thuộc dinh Long Hồ . Dinh Long Hồ lúc bấy giờ là thủ phủ của cả miền Tây như vai trò Tây Đô – Cần Thơ sau này. Trong khỏang thời gian chúa Ninh tới chúa Võ , 1757 đến 1765 , chỉ được gần 10 năm , dinh Long Hồ an ổn .
Nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Vương Gia Định, Nguyễn Phước Ánh
Năm 1776, Nguyễn ( văn )Lữ chiếm Gia Định và Long Hồ. Nhắc lại (vì đã nói rỏ ở bài tỉnh Đồng Tháp )là giết được Thái thượng Vương ( Chúa Định ) và Tân chính Vương ( Đông Cung Dương ), Phụ Chánh Long Nhương tướng quân Nguyễn ( văn ) Huệ, tháng 10 năm 1777, lưu Tổng đốc Châu, Hổ tướng Hản ở lại giữ các nơi ở Gia Định, rồi rút quân về Qui Nhơn. Tháng 11, quân tướng Nguyễn Phước Ánh đánh úp dinh Long Hồ và tháng 12 chiếm lại Sài Côn. Năm 1778, Đổ Thành Nhân và các tướng tôn Nguyễn Phước Ánh làm Đại Nguyên Súy Nhiếp Quốc Chính, lúc ông mới 17 tuổi. Đại Nguyên Súy sai đóng chiến thuyền, đắp lũy phòng giữ Sài Côn, đặt công đường cho các dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ chứa lương thực để Bắc Phạt đánh Tây Sơn. Tháng 11 năm 1779, đổi tên dinh Long Hồ ( là hai tỉnh An Giang và Vĩnh Long ngày nay ) thành dinh Hoằng Trấn , năm sau 1780 lại đổi tên thành dinh Vĩnh Trấn, chỉ có một châu là châu Định Viễn gồm 3 tổng là Bình An, Bình Dương và Tân An. Lại nâng đạo Trường Đồn lên làm dinh ( là dinh Định Tường sau này ) cũng chỉ có một huyện là Kiến An, gồm 3 tổng là Kiến Đặng, Kiến Hưng và Kiến Hòa. Năm 1781, dinh Trường Đồn lại đổi tên thành dinh Trấn Định. Dân tình vô cùng khốn đốn với trận đánh năm 1784 giữa viện binh Xiêm La và Tây Sơn. Quân Xiêm thừa cơ cướp của, hảm hiếp, giết người, không kiềm chế được làm Nguyễn Vương thất vọng. Tháng 12 năm 1784, viện binh Tây Sơn do Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem bình vào cứu viện Phò mã Trương Văn Đa. Huệ đánh máy trận đều không thắng, sau nhờ Lê Xuân Giác tướng Nguyễn Vương hàng Tây Sơn hiến kế, cho quân mai phục ở Sầm Giang ( Rạch Gầm) và Miệt Giang ( Rạch Xòai Mút thuộc Định Tường, trên Mỹ Tho) đánh quân Xiêm Chiêu Tăng và Chiêu Sương thua to, chết nhiều ở song Măng Thít, tàn binh Xiêm chỉ còn vài nghìn, chạy sang Chân Lạp, trở về Xiêm. Quân Nguyễn Vương cũng tan vỡ. Nguyễn Vương phải chạy về Trấn Giang. Năm 1786, tháng 5 Nguyễn Huệ chiếm thành Phú Xuân, rồi tiến ra Thăng Long, dứt họ Trịnh Xứ Đàng Ngòai. Vua Tây Sơn Thái Đức Nguyễn văn Nhạc nghi em, cũng gấp đường theo ra rồi khi trở về phong Nguyễn Văn Huệ làm Bắc Bình Vương giữ Phú Xuân. Từ đó hai anh em Tây Sơn, bất hòa lại dùng binh đánh nhau, không rảnh mà ngó đến phương Nam ( theo Phan Khoang, Việt sử Xứ Đàng Trong , Quyễn Hạ- 1967 ). Bấy giờ Nguyễn văn Lữ đã được phong làm Đông Định Vương để giữ Gia Định, Thái Bảo Phạm văn Tham phụ chánh . Năm 1787, Nguyễn Ánh từ Vọng Các trở về Trúc Dữ ( Hòn Tre ) và Cổ Cốt, rồi chiếm Long Xuyên, hạ đồn Tây Sơn ở Trà Ôn, tiến vào cửa Cần Giờ. Đông Định Vương chạy về Qui Nhơn, nhưng Phạm văn Tham tiếp tục chống đánh. Tháng 9 năm 1787, Nguyễn Ánh chiếm lại Long Hồ. Năm 1788. Tây Sơn lại đem binh tấn công Long Hồ. Như đã nói , cũng ở bài về tỉnh Đồng Tháp, , Nguyễn Ánh thắng trận thư hùng lớn xãy ra ở Bãi Tiên ( Cù lao An Thành, ngang tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ). Tưởng cũng nên nhắc lại giai thọai bải lài cù lao Táng, đổi tên thành Bải Tiên. Sông Tiền từ Cái Tàu Thượng xuống Vĩnh Long có 4 cù lao lớn : cù lao Kim vùng Đất Sét , cù lao Qui vùng Sa Đéc, Cù lao Phụng vùng Cái Tàu Hạ và cù Lao Táng hay cù lao An Thành ngay trước dinh tỉnh trưởng Vĩnh Long cũ . Cảnh vật bải lài cù lao Táng trước đây rất u uất, chưa có người đến lập cư. . Một đêm có người thức giấc nữa đêm, ra sân ngắm ánh trăng khuya. Đang trầm tư mặc tưởng bổng nnghe tiếng động lào xào từ ngòai bải xa . Nhìn ra bải thấy một đòan nàng tiên đẹp tuyệt trần đang thướt tha qua lai. Nhưng rón rén bước lại gần thì cả đòan tiên nữ từ từ biến mất hết. Liên tiếp mấy đêm sau, chàng ta cũng mục kích những nàng tiên tắm trăng. Đến mùa trăng sáng tháng sau, nhiều người hàng xóm cũng thấy như vậy. Do đó người dân cù lao Táng đặt tên bải lài này là Bải Tiên . Sau trận Bải Tiên, lảnh thổ miền Nam thuộc quyền cai trị của Nguyễn Ánh. Nhưng đến năm 1789, khi bắt được Phạm văn Tham ở Ba Thắc ( Ba Thắc ở Châu Đốc, thuộc tỉnh An Giang ngày nay), từ đó đất Gia Định mới dẹp yên.
Dinh Long Hồ thời các vua đầu tiên nhà Nguyễn Phước và thời Pháp thuộc.
Sau khi đã thu phục cả miền Nam, Nguyễn Ánh đổi tên miền Nam thành đất Gia Định và chia ra làm 4 dinh : Phiên Trấn ( Gia Định ), Trấn Biên ( Biên Hòa ) ,VĩnhTrấn ( Long Hồ ) và Trấn Định, Như đã nói trên, thủ phủ lâu đời nhất của dinh Long Hồ , đặt tại thôn Long Hồ ( khỏang tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Long bây giờ ). Đến năm 1804 , vua Gia Long đổi dinh Long Hồ thành trấn Vĩnh Thanh, chỉ còn bao gồm Vĩnh Long và An Giang ngày nay; các vùng Rạch Giá và Cà Mau thì sáp nhập vào Trấn Hà Tiên. Vị tổng trấn đầu tiên trấn Vĩnh Thanh là cụ Nguyễn văn Nhân ( 1801- 1905 ). `
Năm 1932,vua Minh Mạng đổi Vĩnh Thanh thành trấn Vĩnh Long, gồm 4 phủ và 8 huyện : phủ Định Viễn gồm 2 huyện Vĩnh Bình và Vĩnh Trị ; phủ Hoằng An gồm 2 huyện Tân Minh và Duy Minh; phủ Hoằng Trị gồm 2 huyện Bảo Hựu và Bảo An; phủ Lạc Hóa gồm 2 huyện Tuân Nghĩa và Trà Vinh. Tên Vĩnh Long còn giữ đến ngày nay, dù diện tích có khi thu hẹp, có khi nới rộng ra. Ngay khi tổng trấn Gia Định là Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, chia đất miền Nam ra làm 6 tỉnh là Biên Hòa , Gia Định , Định Tường ,Vĩnh Long , An Giang và Hà Tiên. Từ đó mới có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh. An Giang lấy đất Tân Châu, Châu Đốc và 2 huyện của phủ Định Viễn cũ. Như vậy dưới thời Minh Mạng, tỉnh Vĩnh Long đã bị thu hẹp lại rất nhiều. vào các triêu Minh Mạng , Thiệu Trị và Tự Đức , Vĩnh Long không có thay đổi gì đáng kể về mặt địa lý. Dưới thời Tự Đức về hành chánh thì có Tổng Đốc Long Tường trông coi hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường, thủ phủ đặt tại tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ. Sau khi Pháp tiến chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ ( Biên Hòa, Gia Định và Định Tường ) , thì Vĩnh Long trở thành tuyến đầu của 3 tỉnh miền Tây.Vua Tự Đức phái cụ Phan Thanh Giản vào làm Kinh Lược Sứ 3 tỉnh miền Tây( Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên ), bản doanh đặt tại tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ. Nhưng rồi thế cô, sức yếu và võ khí thô sơ nên 3 tỉnh miền Tây cũng lại thất thủ rơi vài tay giặc Pháp thuộc địa .
Năm 1951, Ủy Ban Nam Bộ Kháng Chiến của nền Cộng Hòa Dân Chủ miền Bắc nhập các tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà. Tên Vĩnh Trà giữ đến năm 1954 , tuy miền Bắc không bao giờ thi hành sáp nhập này cả. Năm 1957 , Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam thiết lập tỉnh Vĩnh Long gồm 6 quận : Châu Thành( Phú Hựu ) , Chợ Lách nay là một thành phần tỉnh Bến Tre ,Tam Bình, Bình Minh ( Cái Vồn ) , Sa Đéc và LấpVò ( nay thuộc tỉnh Đồng Tháp ). Năm 1961, quận Cái Nhum ( Măng Thít ) tách rời khỏi quận Chợ Lách. Các quận Đức Tôn và Đức Thành nhập vào Vĩnh Long, nhưng năm 1966 thời Đệ Nhị Cọng Hòa lại sáp nhập vào tỉnh Sa Đéc vừa mới thành lập. Đến năm 1975, tỉnh Vĩnh Long có 7 quận : Châu Thành , Chợ Lách , Tam Bình , Bình Minh , Minh Đức( Ái Nhum ) , Trà Ôn và Vũng Liêm
Sau khi Sài Gòn và miền Nam thất thủ cuối tháng 4 năm 1975. Chánh phủ mới nhập Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long năm 1976. Năm 1991, Cửu Long chia hai thành tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Lúc chia hai Vĩnh Long gồm một thị xã là Vĩnh Long và 5 quận : Long Hồ, Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình và Trà Ôn. Năm 1992 , Măng Thít tách ra khỏi quận Long Hô . Năm 2007 , huyện Bình Tân được thành lập . Nay Vĩnh Long gồm 1 thị xã ( Vĩnh Long ), một thị trấn ( Bình Minh ) và 6 huyện ( quận ) là Bình Tân , Long Hồ , Măng Thít, Tam Bình , Trà Ôn và Vũng Liêm.
Vị trí địa lý, thành phần dân số
The tài liệu ở Tập “Vĩnh Long: Địa Linh Nhân Kiệt – 2006 ) Mến Vĩnh Long nay là một tỉnh nhỏ nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu , một vùng châu thổ thành hình đã lâu đời,nhưng mặt đất ở đây lại không cao hơn mặt nước biển trung bình là bao nhiêu cả, chỉ khỏang 1- 2m ( 3- 6 bộ Anh) , thậm chí có nơi chỉ cao bằng mực nước biển mà thôi. Diện tích là 1 474 km2 ( 596.6 dặm Anh vuông ), tỉnh nhỏ nhất trong số 12 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long , tổng diện tích là 39 706 km2 , nếu kể luôn cả Thành Phố ( TP Cần Thơ) . Tỉnh lớn nhất miền này là Kiên Giang 626. 9 km2 . Diện tích Vĩnh Long còn nhỏ hơn cả Trà Vinh 2 215 km2 và Hậu Giang 1609 km2 , khi tỉnh Cần Thơ cũ tách ra hai, chỉ lớn hơn TP Cần Thơ – Tây Đô 1398 km2 đôi chút. Địa thế Vĩnh Long như một cù lao. Bắc giáp sông Tiền, Nam giáp sông Hậu, Tây Bắc giáp Cái Tàu , Đông Nam giáp Trà Vinh. Sông Cửu Long ( cjhín con Rông ) chảy đến Châu Đốc thì phân ra làm 2 nhánh : Tiền Giang và Hậu Ging. Đến Vĩnh Long, Sông Tiền chia ra làm nhiều nhánh và chảy ra biển bằng 6 cửa : Tiểu , Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Sông Hậu , nằm về phía Nam Vĩnh Long, cũng chảy ra biển bằng 3 cửa: Định An, Ba Thắc và Tranh Đề. Tỉnh lỵ Vĩnh Long cách TP HCM 130 km về phía Tây Nam nằm trên nhánh sông Tiền, trong khi toàn tỉnh Vĩnh Long lại nằm giữa sông Tiền và sông Hậu.
Dân số năm 2004 là 1 044 900 người. Năm 1995 là 990 400 , năm 2000 là 1 017 700, tăng thêm 27 300 người trong 5 năm , trung bình hơn 5000 một năm. Như vậy năm 2013 có lẽ đã gần 1 100 000 người.
Thành phần các tộc dân , đông nhất là dân Kinh -Việt chiếm 88 % dân số ; thứ đến là Khmer Krom thật ra nên gọi là người Việt gốc Miên sống nhiều ở Vùng Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn, đa phần làm ruộng rẫy, sống thành từng sóc, mỗi sóc đều có một ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy Theravada và vị Lục Cả , trụ trì chùa rất có uy tín với dân trong sóc. Và người Hoa, thật sự là người Việt gốc Hoa ( Trung Hoa “Tàu” ) đa số nguồn gốc Quảng Đông , chứ không là Triều Châu – Phúc kiến ( Tiều ) như nhiều tỉnh miền Hậu Giang. Đáng tiếc là tài liệu lịch sử ở Vĩnh Long và ĐBSCL đã bị mất mát nhiều vì tranh chấp dành đất , dành dân hai nhà Nguyễn Phước và nhà Nguyễn Tây Sơn , giữa thực dân Pháp và phong trào “ tự vệ” ( đặc biệt là các nhà nho tiết tháo – nghĩa dũng mộ quân chống Pháp và anh hùng Trương Công Định ) thời vua Tự Đức , sau đó là Cường Để ( các phú nông ở Ba Kè và Cái Cá , quận Tam Bình yểm trợ phong trào Đông Du, Kỳ ngọai Hầu Cường Để phát động ), Phan Bội Châu thời vua Duy Tân, thời kháng chiến khi thực dân Pháp muốn tái chiếm Việt Nam các 1945- 54 … Tuy vậy, thị xã Vĩnh Long còn nhiều di tích ảnh hưởng Pháp : các cơ sở hành chánh nay thành trụ sở hành chánh mới và các gia thất đại gia, cũng như ảnh hưởng Hoa – Tàu như các tiệm thuốc Bắc và các tiệm ăn Tàu miền Nam Trung Quốc , và như các chùa Phật di sản Phật Giáo Đại Thừa – Mahayana Buddhist( ? ) heritage.
( sẽ tiếp phần II phát triển Vĩnh Long )