12/10/2014
Nơi đây cũng như các con đường nhỏ khác, có nhiều hàng quán bình dân giống như bên ta như cà phê, nước mía, quà bánh rẻ tiền… nhưng tôi lại không biết cái trại tạm bợ này để làm gì, vì chẳng thấy bàn ghế, hoặc mặt hàng mua bán, mà chơi cặp loa tổ bố giửa đường, thật là ấn tượng ? Dường như là một chỗ quyên tiền cúng chùa, một hoạt động rất phổ biến, có sự hổ trợ của các thiết bị âm thanh, mà tôi đã từng thấy dọc đường từ Myawaddy vào Yangon, có nơi người ta trực tiếp nói, có nơi thì phát ra từ băng, dĩa ghi sẳn, bá tánh đi đường chỉ cần bỏ tiền vào 1 rổ , hoặc thùng nhựa đặt ngay phía trước.
Qua rất nhiều lần chứng kiến, tôi thấy hoạt động này dường như là một việc làm rất bình thường ở Myanmar (tôi không thấy ở Cambodia, Lào, Thái), giống như thanh niên, thiếu nữ vào chùa “tu báo hiếu” và chắc chắn không bị lợi dụng nên tồn tại và phổ biến khắp nơi. Bố thí (dāna)là hạnh dẫn đầu trong Ba la mật đa, rất quan trọng trong Phật giáo, Nam tông, nhằm để diệt tính tham ái, vị kỉ, Bắc tông nhằm thể hiện lòng từ bi để dẫn chúng sinh đến giác ngộ. Bố thí, không phân biệt giàu hay nghèo, không chấp nhiều hay ít, tất cả chúng sinh đều bình đẳng trong việc thực hiện, hoàn toàn không hề có sự bắt buộc, dù là bên ngoài, hay bên trong mỗi con người. Trên đường rong chơi, chúng tôi chắc chắn sẽ mạo muội bàn lại hạnh này khi có dịp.
Có 1 chiếc xe đạp kè bên cạnh, tôi quan sát kỹ để thấy cái kết nối “chặt chẻ” của nó, cũng đơn giản, nhưng vẫn phức tạp hơn và không “linh động” như chiếc xe lôi cây hay nhôm ở Long Xuyên, Châu Đốc (thùng xe lôi chỉ đơn giản móc vào cốt yên xe đạp là xong, gỡ ra cũng đễ dàng).
1 cái “kẹp” màu đỏ siết chặt vô sườn xe đạp để nối phần “kè” phía trước, phần chính của “kè” được kết chặt ở đoạn gần cái líp chiếc xe đạp, như ta thấy trong ảnh sau đây, muốn tháo mở cũng không đơn giản như xe lôi.
Ảnh rõ 1 xe đạp kè.
Có1 ngôi chùa Tàu gần đó, đây là chùa thứ 69 mà tôi được…đi qua.
Chụp thêm vài tấm ảnh trước khi lên xe đi ăn trưa, vì sắp hết giờ của các Sư “độ ngọ”. Xin nhắc lại, các Sư tu theo hệ phái Nam tông, được phép ăn mặn, nhưng mỗi ngảy chỉ 2 bửa, điểm tâm sáng và trưa trước 12h, sau giờ đó nếu chưa ăn thì Sư đành …nhịn đói!
Địa điểm đã được Sư H. chấm trước rồi, đó là Golden Duck, đối diện với khách sạn Yangon, nơi ngả tư Pyay Rd và Kabar Aye Pagodar Rd, mà chiều 29-10 chúng tôi có dừng lại chụp hình.
Hồi lên xe lúc sáng sớm, Sư H. có nói bửa nay tôi sẽ đưa ông bà đi ăn vịt quay Bắc kinh. Tôi chợt nhớ Sư là người sành ăn, lại từng được một đầu bếp nổi tiếng truyền chút ít nghề, khi Sư tham gia giảng dạy về “sport medicine” tại đại học Bắc kinh. Sau này tôi còn được biết Sư đã từng học 1 khóa ngắn hạn tại trường dạy nấu ăn nổi tiếng Paris: Le Cordon Bleu Paris. Cho nên, đi với Sư, vừa không bị đói lại vừa được thưởng thức những bửa ăn ngon.
He he, nhắc tới điều đó tôi lại nhớ Sư đã từng theo học Trường Quốc gia Âm nhạc Sài gòn, và khá giỏi về piano, từng là pianist, đệm đàn cho các chương trình ca nhạc tại xứ Mỹ lúc đang học Y khoa tại Hoa Kỳ. Đây là những thông tin hiếm hoi mà tình cờ tôi nghe được từ 1 vị Thầy cũ, đã từng dạy chúng tôi tại đại học Cần thơ, chứ Sư H. chưa bao giờ hé lộ, dù hàng năm 2 anh em đều có gặp nhau tâm sự! He he, bạn tôi quả thật là 1 ông Sư “đa hệ”, tôi xin phép xá Sư, với tư cách là 1 người bình thường, trước khi là 1 nhà Sư nhân hậu!
Và bây giờ, nhờ tính cách “đa hệ” đó, chắc chắn tôi sẽ được “độ” một bửa ăn trưa với vịt quay thật ngon, mà không cần phải đi qua Bắc kinh.
Nhắc tới Bắc kinh cũng như nhắc tới các món ăn, tôi lại muốn mở ngoặc tại đây để có đôi điều bày tỏ.
Người ta nói thị trường là chiến trường, đó là điều chắc chắn, vì để tồn tại và phát triển, ai cũng phải cạnh tranh, thậm chí loại trừ nhau. Nhưng cạnh tranh trong kinh tế dù chân chánh hay không cũng phải dựa trên những sách lược đúng đắn, những qui luật kinh điển, những lợi thế kinh doanh, những tiến bộ kỹ thuật …chứ không thể dùng những thủ đoạn đê hèn thông qua việc phát tán những hóa chất độc hại, những thực phẩm hư thối, những công trình kém chất lượng, dẫn đến sự thiệt hại về con người.
Đồ chơi của trẻ em Việt Nam giờ đây hầu như là hàng Trung Quốc, mà chất liệu sản phẩm đang tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Thịt thối, thịt bẩn từ bên kia biên giới phía Bắc, đã được đưa về khắp hang cùng ngỏ hẻm, rồi bằng những hóa chất không rõ nguồn gốc, trở thành những món hàng tươi ngon.
Cánh gà ở đâu mà nhiều đến độ nơi nơi đều có món chiên nước mắm hấp dẫn mọi người? Mít, dưa,…đang còn xanh vỏ, sau 1 đêm phun thuốc có nhản chữ Tàu, đã trở nên vàng tươi thơm phức. Áo ngực của mấy cô không phải vô tình mà có chứa chất lạ, chiếc dĩa tráng men mỏng thế mà có những gói gì nằm sẳn bên trong…
Đó là những gì mà báo chí đưa tin. Có vài nơi (Long An, Tiền giang), C.A đã bắt quả tan mấy người Trung Quốc mua cả ruộng dưa chưa chín, rồi xịt thuốc lạ thúc đẩy tăng trưởng bất thường, tôi chắc chắn đó là những loại kich thích tố tổng hợp cực độc cấm dùng trong thực phẩm. Ngành chức năng cũng đã phân tích các thứ nằm trong áo ngực, trong dĩa sứ, trong bình giữ nhiệt gốc Tàu…Nhưng sao không thấy những thông tin tiếp theo về kết quả khảo sát, để đưa ra những giải pháp, những cảnh báo kiên quyết nhằm giúp người dân biết cách đề phòng. Do trình độ khoa học của ta quá kém không phát hiện nổi cái nguy hại giết người trước mắt, hay vì lợi ích nhóm,… mà cứ tiếp tục …quên đi những cái chết tức tưởi, dần mòn?
Tôi vẫn đang thắc mắc về điều đó một cách đau lòng vì bất lực, và xem những hành động bẩn thỉu đó không phải là cạnh tranh kinh tế, mà là “Sát nhân”!
Ở đây, tôi không hề muốn kích động lòng hận thù, chỉ mong những ý kiến nhỏ nhoi này đến được mọi người để tự tích cực tránh sử dụng hay phổ biến những loại sản phẩm đó, phòng ngừa một hậu quả tổn hại khôn lường, vừa tránh thiệt thân, vừa làm giảm đi tội lỗi của những người vô tình hay cố ý tham gia vào hành vi “sát nhân” đó. Mong thay!
Xe chở chúng tôi hướng đến nhà hàng Golden Duck, khi qua đường Pyay(hay đường Kabar Aye Pagoda?), lình lình tôi thấy cái logo quen thuộc, nổi tiếng trong nước và Lào: HAGL! Thì ra, doanh nhân thường rất nhạy bén, luôn phát hiện và nhanh chóng tìm đến các thị trường tiềm năng, nhất là khi tiền của quá nhiều, việc đầu tư kiếm lợi là thuộc tính, điều đó là chân chính; tuy nhiên, tôi không biết nên mừng hay lo, với những gì mà tổ chức “Tầm nhìn thế giới” đã từng lên tiếng về công ty này?
12h42’, xe tới nhà hàng Golden Duck, nằm trên đường Kabar Aye Pagoda, vừa kịp để các Sư ăn ngọ mà không phạm giới, vì có thể kéo dài suốt cả buổi trưa.
Đây là nhà hàng Trung hoa nổi tiếng, được xếp hạng 52/242(con số này chỉ là tượng trưng, vì luôn thay đổi) tại Yangon, chuyên phục vụ các thức ăn Trung hoa, đặc biệt với món vịt quay Bắc kinh lừng danh thiên hạ! Chúng tôi được 1 bửa “rửa ruột” ngon lành sau bao ngày không quen với thức ăn đất Miến! Dịp này, tôi cũng gặp lại ông U Min Ko, người đã sang Sài gòn khám bệnh hồi tháng 4-2013.
Ông U Min Ko với trang phục đúng chất của 1 doanh nhân giàu có Miến Điện.
Sau bửa ăn, chúng tôi trở về khách sạn thu xếp hành trang để làm thủ tục trả phòng, chờ 19h tối sẽ lên xe đò đi về thị trấn Kalaw. Sư nói, M. coi món nào cần thì mang theo lên chùa, không cần thì gửi lại nhà Zaw Min. He he, từ bây giờ phải cho 2 con bike vào túi, coi như đã “xuất sắc” hoàn thành nhiệm vụ, gửi chúng lại Yangon.
Trong khi chờ đợi các Sư, tôi lên computer của khách sạn check mail và xem tin tức, đồng thời báo tin cho con biết tình hình.
Các Sư trở xuống làm thủ tục trả phòng, rồi cùng nhau ra xe, Sư H. nói bây giờ mình tiếp tục …đi chơi. Ôi chuyến lang thang của 2 người lãng tử, bây giờ thật là…sung sướng!
Đầu tiên ghé siêu thị để Sư mua thêm một số hàng gia dụng cần thiết mang về chùa, còn ai muốn uống cà phê hay ăn kem thì tùy thích.
Rời siêu thị, Sư H. đưa chúng tôi thăm 1 ngôi chùa nổi tiếng khác, đó là chùa Kyauk Taw Gyi, nằm ở góc đường Pyay và Minn Dhamma, trên ngọn đồi cũng cùng tên, đồi Minn Dhamma. Cổng chùa ngoài cặp sư tử chinthe còn có thêm cặp rắn naga, nằm 2 bên đường dẫn bậc thang lên chùa. Rút kinh nghiệm, lần này chúng tôi bỏ giày dép lại xe, thoải mái leo lên từng bậc cấp, đến 1 đường dẫn có mái che được trang trí lộng lẫy, với những “thần vọng” và cột điêu khắc khá cầu kỳ.
Cuối đường dẫn, phía trên cùng, là chánh điện với tượng Phật ngồi khổng lồ, cao 11m, nặng 60 tấn, tạc từ cẩm thạch nguyên khối, lớn nhất thế giới, tượng có tên là “Lawka Chanthar Arbayar Laba Muni Buddha”.
Năm 2000, khối đá cẩm thạch khổng lồ có kích thước 13 x 8,3 x 3,8 m, được tìm thấy ở vùng đồi núi bang Sakyin, quận Medaya, Mandalay, được các thợ điêu khắc chạm trổ thô sơ, rồi chuyển về đồi Minn Dhamma, quận Insein, Yangon, theo đường sông Ayeyarwaddy. Tại đây họ tiếp tục công đoạn cuối cùng cho đến năm 2008 thì hoàn thành.
Chỉ mới thăm qua vài ngôi chùa, tôi đã thấy niềm tin Phật giáo của người dân Myanmar thật mãnh liệt, những gì quí giá nhất họ đều dành hết cho niềm tin đó. Truyền thống ấy chắc chẳng phải mới đây, mà có lẽ tồn tại suốt hàng ngàn năm về trước.
Tượng Phật uy nghiêm trong lồng kính, giữa một rào ngăn cách bảo vệ.
Cũng tại chùa Kyauk Taw Gyi này, vào năm 2003, một “Phật tích” khổng lồ khác đã được các nghệ nhân chạm khắc từ khối cẩm thạch monolythic ở Sagaing rồi chuyển về Yangon, đó là chiếc bình bát được đặt ngay trước sân chùa, trên đồi Minn Dhamma.
Sau một hồi nghĩ ngơi nạp lại năng lượng, Thầy trò chúng tôi lục tục … “xuống núi” theo con đường cũ…
Con đường trở ra.
Xe đang chờ sẳn, nhưng thấy 1 đoàn Sa di đang sắp sửa vô chùa, tôi vội chụp liền một file ảnh khá đẹp.
Xe trở lại đường Pyay quen thuộc, rồi rẻ trái tại Golden Duck, qua đường Kabar Aye Pagoda…
Đường Pyay, rẻ trái qua đường Kabar Aye Pagoda.
…và một buổi chiều nghiêng nắng khá đẹp tại giao lộ vừa qua.
“Nhẹ nắng rớt, đang đưa chiều vào tối
Hàng cau thưa giữa phố, đợi lên đèn,
Ta, phải chăng còn chút nợ nơi đây
Mà chợt thấy bồi hồi qua lối cũ?
Đường phố thị ngập tràn bao nắng lụa
Ngẩn ngơ chiều, một chút… rớt trên cây.
Cuối cùng, xe dừng tại đúng ngôi chùa mà hôm đầu tiên chúng tôi đã viếng : Chùa Kabar Aye. Chắc chắn ngôi chùa này quan trọng lắm nên Sư mới đưa chúng tôi tới thăm! Thoạt tiên tôi thấy lại hình ảnh quen của con Jeep lùn độ tới bến, bây giờ tôi đoán chủ nhân con Jeep chắc là một trong những người đang kinh doanh trên hành lang dẫn vào chùa.
Nhưng hoạt cảnh gây chú ý nhất với tôi lúc bấy giờ chính là bầy bồ câu đang xôn xao một cách dạn dĩ bên vệ đường gần tượng con chingthe bên trái cổng chùa. Chúng đang giành nhau ăn những hạt ngủ cốc được một Phật tử cùng với cô con gái rải xuống mặt đường. Những hạt này được bán bởi 1 quầy nhỏ nằm ngay trên vĩa hè.
Thì ra đây cũng là cách để người Miến thực hành hạnh bố thí, lấy tiền của mình mua thức ăn chia sẻ cho “tha nhân”, là những chú bồ câu dễ thương đang tung tăng bay nhảy theo từng cái vung tay. Hình ảnh này chắc là rất bình thường đối với người dân Miến, nhưng với tôi thì đẹp biết bao và cảm động biết bao!
Thật ra, tại Sài gòn, nơi góc đường Nguyễn Du và Công xã Paris, hoặc ngay dưới chân tượng Đức Mẹ, người dân cũng hay tụ tập cho chim bồ câu ăn, có nhiều cháu bé được cha mẹ đưa đến để vui với việc này, một sinh hoạt rất văn hóa và nhân bản, thay vì trò mua bán chim phóng sinh, vừa nhẫn tâm vừa tàn phá môi trường!
Xin xem video clip cho chim bồ câu ăn tại Sài gòn.
(http://www.youtube.com/watch?v=ZJY3quj9r7g)
Bây giờ là ban ngày nên tôi nhìn rõ cái món ăn chơi mà đi đâu cũng thấy, 1 nồi nước lèo đun sôi ở giữa, thịt và nội tạng của con gì(chắc không phải là bò hay heo), được cắt nhỏ ghim vào que, khách hàng ngồi chung quanh, nhúng que thịt vào nồi rồi chấm với nước sốt, ăn. Tôi, như đã nói, không thể nào thưởng thức được cái món này, dù là 1 chút để cho biết.
Có điều tôi chưa thấy một vụ nhậu nào tại những điểm bán hàng này.
Chúng tôi cùng các Sư đi vào thăm chùa, lần này là ban ngày nên ảnh chụp các quầy kinh doanh sáng rõ hơn, họ không chỉ mua bán đơn thuần mà một số còn tự chế tác, bằng đôi tay của một nghệ nhân thật sự. Có nhiều tượng Phật bằng gỗ rất tinh xảo và đặc biệt rất thơm, được bày bán chung với nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác, giá cả cũng không mắc.
Trên đường đi, chúng tôi gặp một du khách đến từ Sài gòn, cô sang thăm Myanmar vì có người anh đang tu học bậc Đại học tại Yangon, đã hơn 5 năm.
Sư Th. gặp gỡ đồng môn.
Do đã thăm chánh điện vào hôm 29-10 rồi nên chúng tôi được Sư Th. dẫn ra phía sau chùa về hướng Bắc, đi đến 1 công trình kiến trúc đặc biệt, vì đó là điểm nhấn khiến Kabar Aye Pagoda trở nên quan trọng và nổi tiếng, đấy là Đại hang động Maha Pasana Guha, xây dựng cùng thời với chùa.
Ở Miến Điện, thông thường các vì vua hay những lãnh đạo nổi tiếng, thường đánh dấu triều đại bằng 1 công trình xây dựng chùa hoành tráng. Năm 1952, Thủ tướng U Nu, cho xây dựng chùa Kabar Aye cùng lúc với Hang động Maha Pasana Guha, để chuẩn bị cho Đại Hội Đồng Phật Giáo lần thứ 6, khai mạc ngày 17-5-1954, kéo dài đến năm 1956 mới kết thúc, đúng vàongày Phật đản lần thứ 2500. Đây là 1 phần trong nỗ lực của Thủ tướng U Nu nhằm đưa đạo Phật trở thành Quốc giáo ở Myanmar.
Chùa Kabar Aye còn gọi là Chùa Hòa Bình Thế Giới, tôi đã có dịp tới thăm vào chiều ngày 29-10-2013, ngôi chùa không giống bất kỳ chùa nào ở Miến điện về hình thức: hình tròn, với 5 cổng vòm được bố trí đều chung quanh. Bên trong chính điện tôi đã kể rồi, nên lần này xin tập trung vào Đại Hang Động Maha Pasana Guha, nằm ở sau chùa về hướng Bắc, trên 1 khu vực riêng biệt. Nơi đây đã diễn ra Đại Hội Đồng Phật Giáo lần thứ 6, qui tụ 2500 Tì khưu đến từ 8 Quốc gia Phật Giáo Nam Tông, cùng với một số đại diện của Phật giáo Bắc Tông tham dự với tư cách quan sát viên.
Đi theo hướng Bắc, ra phía sau chùa để qua Đại Hang Động Maha Pasana Guha.
Việc Chính phủ Miến Điện tổ chức Đại Hội này nhằm 3 mục đích:
-Đoàn kết Phật Giáo đồ.
-Chấn hưng Phật giáo thượng tọa bộ.
-Đề cao nền độc lập của Myanmar.
Đây là lần Đại hội thứ 6, kể từ lần thứ nhất mở hồi 2500 năm trước tại Ấn Độ. 2500 vị Tỳ Kheo cùng với các Đại Sư, hỏi đáp và thảo luận bộ Tam Tạng dựa vào 729 phiến đá khắc Tam Tạng và 1774 phiến cẩm thạch ghi chép lời chú giải. Ngoài ra, Đại hội còn sử dụng các bản kinh cổ của Sri Lanka, Thái Lan, Cambodia và Thánh điển Pàli ở London để so sánh và hiệu đính.
Cuối cùng sau 2 năm làm việc, Đại Hội đã hoàn thành tổng cộng 45 quyển chánh tạng và 92 cuốn chú giải. Giáo Hội Tăng già Miến Điện đã cho in ra và phổ biến dưới 3 ngôn ngữ : Miến, Pàli và tiếng Anh.
Hôm 29-10, vì không biết tầm quan trọng của địa điểm này, lại đến vào lúc chiều tối nên chúng tôi đã không tới được đây. Bây giờ, nhờ các Sư, chúng tôi được biết đến 1 thánh tích quan trọng khác của Yangon, phải có cơ duyên mới được người dẫn đến, lại được giải thích cặn kẻ về 1 sự kiện lịch sử quan trọng của Phật giáo Nam tông.
Do mãi mê chụp ảnh kỹ niệm, khi Thầy trò định vào thăm bên trong , thì “cửa Thiền đã đóng” mọi người tiu nghỉu quay ra, coi như cái duyên chưa …đủ chín!
Vách tường 2 bên được cẩn hoàn toàn bằng đá cẩm thạch.
Cửa chùa đã đóng kín, ổ khóa cũng niêm phong, đành phải chụp ảnh kỹ niệm thôi!