.
  Thực vật quanh ta
 
11/5/2014




 


 

Thực vật bao trùm mọi khía cạnh của đời sống loài người: ta ăn là nhờ cây lúa , ta mặc là nhờ cây bông vải, ta ở là nhờ cây rừng cho ta cột kèo, giường tủ, ta thờ phụng phải có hương hoa .

Như vậy, cũng không lạ gì khi trong văn học thì chủ đề cây, hoa luôn luôn bàng bạc trong những vần thơ.

Văn học Việt, từ văn chương bác học đến văn chương dân gian đều chứa đựng những vần thơ có liên quan đến thực vật, từ cây cỏ đến hoa quả .Hãy đọc thơ Nguyễn Công Trứ:

Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Tình yêu giữa Kim Trọng và nàng Kiều nẩy nở trong khung cảnh mộng mơ:

Dưới giòng nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

hay:

Hải đường lả ngọn đông lân

Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà

Với truyện Bích Câu Kỳ Ngộ, tác giả đề cập đến triết lý vô thường của Phật giáo qua câu:

Trời thu mây hợp mây tan

Ngày xuân hoa nở hoa tàn mấy năm !

Các loài hoa có nhan nhãn trong các bài hát: hoa ngọc lan, hoa ti gôn, hoa sim, hoa cúc v.v.Cây cũng có mặt trong thơ, nhạc, ca dao .. từ cây khế, cây xoài, cây cau, cây nhãn v.v.

 


Trái Phật thủ
 

 

Nói về rau, câu ca dao sau đây kể ra :

Ai đâu mà chẳng biết ta

Ta ở Xóm Láng, vốn nhà trồng rau

Rau thơm, rau húng, rau mùi

Thì là, cải cúc, đủ loài hành hoa

Mồng tơi, mướp đắng, ớt cà

Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên

Lúa cũng có nhiều loài :

Vụ chiêm em cấy lúa di,

Vụ mùa lúa dé, sớm thì ba giăng

Thú quê rau cá đã từng

Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan

Các giống lúa trồng có hai loại chính: đó là lúa tẻ sản xuất ra gạo nấu cơm, bột gạo làm nhiều loại sản phẩm khác nhau như bún, bánh tráng, bánh cuốn.. và lúa nếp có hạt gạo dẽo dùng nấu xôi, gói bánh chưng, bánh tét, làm rượu nếp, cơm rượu v.v. .Ca dao cũng dùng lúa tẻ, lúa nếp để giải bày tâm tình trai gái :

Anh thưa với mẹ cùng cha

Nếp mà lộn tẻ, lựa ra hay đừng ?

Đò đưa đến bến đò ngừng

Anh thương em thuở trước, nửa chừng lại thôi !

Cây lúa có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau như khi còn non thì gọi là cây mạ, rồi nhảy bụi, trổ đòng đòng, ra bông kết hạt :

Anh đi lúa chửa chia vè,

Anh về lúa đã đõ hoe đầy đồng

Anh đi em chửa có chồng

Anh về em đã tay bồng tay mang

 


 

Trong văn thơ Việt, thực vật và động vật luôn luôn là những đề tài gửi gắm trong ca dao cũngnhư trong các bài thơ .

Trong bài thơ tả cảnh đồng quê Việt :

Gió may nổi bờ tre buồn xao xác

Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây

Hoa mướp rụng từng đoá vàng rải rác

chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay

 


Cây cacao

 

Ta thấy nào là động vật (chuồn chuồn) với thực vật (mướp, tre, bèo) chan hoà man mác trong bài Ca dao thường phảng phất nhiều thực vật:

Xăm xăm bước tới vườn trầu

Hỏi thăm lê, lựu, mãng cầu chin chưa ?

 

Ngó lên đám bắp trổ cờ,

Đám dưa trổ nụ, đám trổ bông

Nhiều loài cây sau đây đã thân thương với con người Việt đến độ ta nhân cách hoá trong các câu ca dao, các điệu hò, các tiếng hát thường ngày:

.cam quít chanh bưởi (Citrus sp.)

Thân em như thể trái chanh

Lắt lẻo trên cành lắm kẻ uớc mơ

trầu (Piper betel)

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng như cá cắn câu

. bầu bí ( họ Cucurbitaceae)

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

. cây cau (Areca cathechu )

Có vợ, anh đã có con

Sao anh còn ước cau non trái mùa

 

Ngoài lúa đóng vai trò chủ yếu, còn có các cây có củ (khoai các loại ), cây ăn qủa, các loại rau, cây công nghiệp (mía, chè ..).

Quê ta mát đất phù sa,

Trồng rau, rau tốt, trồng cà cà sai

Quê ta lắm bắp nhiều khoai,

Đồng trong chắc lúa, bãi ngoài xanh dâu

Dâu xanh, xanh ngắt một màu,

Xóm làng đan né, rủ nhau chăn tằm

Ruộng vườn, ta bón ta chăm,

Cho dâu đầy lá, cho tằm thêm tơ

 


Cây cà phê

 

Mồng tơi (Basella rubra) vì là dây leo nên trồng trên hàng rào, quanh nhà :

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau một giậu mồng tơi xanh rờn (thơ Nguyễn Bính)

 

Cà (Solanum melongena) cũng là một loại rau-trái :

Bồng em đi dạo vườn cà

Trái non bỏ mắm, trái già làm dưa

Làm dưa ba bữa dưa chua

Để dành ăn cấy, khỏi mua tốn tiền

 

Trong bài thơ 'Bạn đến chơi nhà' của Nguyễn Khuyến có mô tả sơ qua về quang cảnh một khu vườn nhà miền Bắc như sau :

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

Cải chửa ra hoa, chửa nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

 

Cà và rau muống thông dụng nhất là tại miền Bắc và đã gặp trong ca dao:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ dầm tương

Trong bữa cơm cũng phải có gia vị như gừng (Zingiber officinale), ớt (Capsicum annuum), tiêu (Piper nigrum), hành, tỏi, sả, ngò, húng quế, rau răm Polygonum odoratum, rau diếp cá, rau thơm tức húng Láng (Mentha aquatica) thì cũng là từ thực vật nữa.

-Ai ơi chua ngọt đã từng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

-Ớt nào là ớt chẳng cay

Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng

-Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi

Ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm

Hỡi người quân tử trăm năm

Quay tơ có nhớ mối tằm hay không ?

Đó là các thực vật dùng làm gia vị (plantes condimentaires)

Xưa kia, trong xã hội Việt, người ta thường ăn trầu để bắt đầu câu chuyện thù tạc . Miếng trầu là đầu câu chuyện :

Trầu này trầu túi trầu khăn.

Cùng trầu dải yếm anh ăn trầu nào.

Trầu này trầu quế trầu hồi,

Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình.

Trầu này trầu tính trầu tình,

Trầu nhân trầu ngãi trầu mình lấy ta.

Viết về thực vật, tác giả không quên nhắc đến cuộc triển lãm Mosaiculture năm 2013 tại vườn bách thảo Montreal . Mosaiculture là phép trồng bồn hoa ghép màu .Đây là một loại hình nghệ thuật cây kết hợp giữa khoa điêu khắc với hình thù và cấu trúc, giữa khoa hội hoạ với nhiều sắc màu và khoa hoa viên với các loài thực vật có lá màu sắc. Mosaiculture khác với loại hình trồng cây rồi uốn tỉa .

Triển làm mang tính quốc tế này có chủ đề mang tính liên quan giữa môi trường thực vật và con người, được sự tham gia nhiều xứ từ Âu sang Á đến ngay cả vài xứ Phi châu cũng tham dự .Nhiều hình thể tượng trưng loài vật (con panda, chim, con gorila), con người trồng cây, người phụ nữ ôm con cò, con ong, con bướm, .. đã được nhiều nghệ nhân chuyên ngành thiết kế xây dựng .Có đến 1 triệu người đi xem trong 3 tháng triển lãm . Thoạt tiên, họ làm khung sắt theo mẫu thiết kế, hàn lại cho chắc rồi để nhiều bao đất trong khung sắt . Sau đó, họ cấy các loài cây có nhiều màu như Santolina, Alternanthera .. với lá chỗ xanh, chỗ nâu, chỗ đen v.v.

 

Viết về thực vật, chúng ta cũng phải nhắc đến các thuốc thiên nhiên từ thảo mộc. Xưa kia, ngành Đông Y chỉ dùng toàn thuốc nguồn gốc thực vật . Gừng, tỏi, artichaut, lá dâm bụt, rau thơm v.v. đều sử dụng trị các chứng đau . Ngày nay, vào trong tiệm thuốc Tây, ta thấy cũng có trưng bày các loại thuốc của nhiều hãng như Adrien Gagon, Jamieson ..của Canada, Vogel của Thụy Sĩ để trị cảm, cúm, dị ứng, ho khan v.v.bằng các thực vật khác nhau . Trước kia, con người sử dụng nhiều các sản phẩm hoá học nhưng ngày nay, mới thấy hoá học đưa đến những phản ứng phụ gây nguy hại cho sức khoẻ nên càng ngày nhân loại chú trọng nhiều về sinh học (Bio): nào là biocosmetics với nhiều công ty mỹ phẩm ngày nay sử dụng các tinh dầu thực vật để làm phấn, son, nước hoa v.v, nào là bioremediation, sử dụng thực vật hoặc vi sinh vật để cải tạo môi trường bị ô nhiễm

Rừng cây như vậy đã giúp cho con người nhiều dịch vụ. Nhưng càng ngày rừng bị tàn phá do dân số đông, nảy sinh ra nhiều nhu cầu cho đời sống. Như là lời phán của Gandhi,”Trái đất cung ứng đầy đủ cho nhu cầu (need) của con người, nhưng không bao giờ đủ cho lòng tham (greed) của họ.” 

 

Thái Công Tụng

 

 




 

 

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630126 visitors (2115761 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free