7/12/2014
132-133
Xe tạm dừng khá lâu tại bến xe Kalaw, nên tôi được dịp quan sát kỹ hơn 1 góc rất đời thường trong 1 khu vực đặc biệt mà tại nước ta thường bị gán ghép là “phức tạp”. Không được tổ chức qui củ như ở nước ta, nhưng bến xe Kalaw cũng có vẻ ra dáng…bến xe hơn vài nơi khác.
Cũng như ở Việt nam, Lào, Cambodia… đây là nơi sinh sống hàng ngày của những người lao động nghèo. “Mua gánh, bán bưng” là những từ rất hình tượng dành cho hoạt động kiếm sống chính yếu của những con người hầu như suốt 1 đời hoặc nhiều đời bám theo các bến xe, bến tàu để mưu sinh. Cùng với họ còn là một bộ phận không nhỏ những thanh niên mạnh khỏe chuyên bốc vác, thồ hàng kiêm luôn …bắt mối, mà ngôn ngữ bình dân ta thường gọi là “dân đứng bến” với thái đọ xem thường lẫn e ngại, bởi vì bản chất phần lớn là “du côn”. Tuy nhiên, phần nhiều họ cũng vì hoàn cảnh, là nạn nhân của một xã hội mà khả năng giáo dục của nhà nước còn yếu kém…trong khi không có một kênh giáo dục khác chia sẻ trách nhiệm (ví dụ như vai trò của nhà chùa trong Phật giáo Nam tông, một trách nhiệm "tự có", thể hiện hạnh bố thí thật cụ thể và hiệu quả)
Vì lẽ đó, tôi cũng thường hay “nhìn lâu” vào những con người như vậy, những con người vất vả hàng ngày ở bến xe, chợ búa…và vài hình ảnh của họ đôi khi làm tôi nhớ suốt sau này.
Như trong các chuyến đi bằng con Daehan năm 2012(Daehan 120cc và cuộc rong chơi ngàn dặm…), hình ảnh của cô bé bán gà nướng dọc đường từ Vientiane về Pakse(Lào) hay đôi mắt xa xăm của anh bạn Việt kiều làm nghề sửa khóa tại Kratie(Cambodia), đã không thể nào quên được trong tôi, cho đến bây giờ.
Lần này, tại bến xe Kalaw, với 3 góc nhìn khác nhau, thật tình cờ, anh bán hàng rong đã làm tôi ngạc nhiên vì cái nụ cười “24/7” của mình, cái nụ cười thật cở mở, chân chất và dễ thương vô cùng. Có lẽ với anh, mâm bánh trên tay đã như là “số phận”, cuộc đời của anh cứ…bình dị trôi theo cùng tháng, cùng ngày trên cái bến xe thị trấn cao nguyên này
Thêm vài hình ảnh khác tại bến Kalaw với các bé bán kẹo với chiếc khay trước ngực và đặc biệt, có bánh bao giống y hệt Việt Nam!
Xe tiếp tục lên đường, theo quốc lộ 4, hướng về phía thủ phủ Taunggyi để đi qua hồ Inle. Và cho tiện theo dỏi, xin mời các bạn xem bản đồ hành trình chuyến đi sau đây.
Xe vừa ra khỏi thị trấn tôi lại thấy trên đường 1 chỗ tắm giặt công cộng, rồi cũng quen thôi, chẳng có chi, nhưng vẫn còn là 1 thói quen của người thiểu số, nó làm tôi nhớ lại hồi năm 1971, lần đầu tiên đi du sát Cao nguyên trong chương trình học năm thứ 3, chúng tôi rất thích thú khi thấy những người Thượng “tắm tiên” vô tư bên bờ suối nhỏ ven rừng, hình ảnh ấy thật đẹp giữa hoang sơ thanh vắng, không như những phơi bày dung tục đang hàng ngày “trêu ngươi” giữa chốn “chợ đời”trên đất nước ta vẫn đang còn nhiều những khó khăn trước mặt.
Đã mấy lần tôi xuôi ngược đường số 4, chạy về hướng thủ phủ Taunggyi, nên dường như khá quen thuộc. Hôm qua, cảnh thần tiên của những dãy đồi vàng hoa mè trổ trên tỉnh lộ 41 đã khiến tôi ngây ngất, tưởng rằng đã không có dịp gặp lại; nhưng hôm nay, trong ánh nắng rực sớm mai, điều may mắn ấy lại trở về, trên những triền đồi bên tay trái, nơi vừa có một đoàn nông dân đang dắt nhau ra đồng. Cứ chụp thêm vài files nữa để có “mở hàng” may mắn trong ngày, tôi thầm nghĩ như thế.
Bây giờ thì chưa có gì, nhưng từ trên 1 đoạn đèo nhỏ, nhìn xuống thung lũng xa, thấy sương mù giắt lụa theo sườn núi, tôi cảm nhận điều ấy sẽ có thực và đang tiềm ẩn đâu đó trong rặng núi nhờ nhờ kia.
09h17’, 04-11-2013. Xe sắp sửa vào thị trấn Shwenyaung, chúng tôi gặp ngôi chùa thứ 80, rồi kế tiếp là những hình ảnh đời thường nơi một chợ quê ven quốc lộ. Con đường này đã trở nên khá quen thuộc sau khi tôi đã qua lại nơi đây hơn 2 lượt, bác tài bỏ qua con lộ hành lang phía Tây hồ Inle mà hôm đi suối nước nóng Khaung Daing chúng tôi đã qua, mà chạy tới thị trấn Shwenyaung, rồi rẻ phải theo con đường Shwenyaung-Nyaungshwe thẳng về hướng Nam đến phía Bắc hồ Inle(xin xem lại sơ đồ). Thiệt là ngộ, địa danh của 2 thị trấn đầu và cuối của con đường dẫn đến hồ Inle từ quốc lộ số 4, giống như chơi chữ, không đọc kỹ, rất dễ lộn.
Xe bò.
..xe ngựa.
Xe đạp kè.
Lại thêm ngôi chùa thứ 81. Các ngôi chùa lâu lâu xuất hiện, như một nhắc nhở để không bị…quên đi cái ý nguyện ăn theo.
Một cửa hàng tre, lá gần giống như ở Việt Nam.
Xe đạp kè ở chợ quê.
Xe ngựa.
Xe bò, xe đạp kè, xe ngựa rồi đây biết có còn tồn tại để duy trì một dấu nhấn đặc sắc nơi xứ sở còn nhiều ẩn giấu này? Hay sẽ bị thay thế bằng những cổ xe cục mịch, vô hồn một… cách máy móc, làm mất đi cái giá trị tinh thần của những phương tiện thô sơ, hiếm có trong thời buổi tiến bộ kỹ thuật đôi khi được ứng dụng thiếu định hướng!
Mong rằng ít ra nó vẫn tồn tại song song với nhau, cho đến khi người dân bản địa thoát khỏi đời cơ cực, chừng đó, các phương tiện này sẽ là “kiễu mẫu” để làm cảnh cho một vùng Inle đẹp đẻ, quyến rũ mọi người đến để …rũ bớt chút bụi trần!