18/5/2014
26 tháng 3
Khi chúng tôi đến công viên Santichaiprakon, có vài du khách đang ngồi thư giản, 2 ông Tây đang vờn bóng trên thảm cỏ xanh, một đôi nam nữ đang tìm chỗ thích hợp để bày thức ăn, vài bạn trẻ đang đùa giỡn …
Trong khi bà xã sửa soạn thức ăn, tôi bước qua phố, tìm mua 2 chai Pepsi và nước đá. Bửa ăn trưa thật đơn giản và thú vị của 2 chúng tôi chắc không thoát khỏi đôi mắt của chú cảnh sát thỉnh thoảng kín đáo liếc nhìn. Tôi nghĩ rằng chú cũng hơi tò mò vì chắc chúng tôi không phải người Thái, lại có cái sự khác biệt rất nổi bật là đi 2 con bike “hổng giống ai” trên đất Bangkok này!
Chú cảnh sát có vẻ như đang ngồi chơi hóng mát, lúc đó tôi nghĩ chú cũng đang trong giờ làm việc tại khu vực này, canh giữ cho sự bình yên của mọi người. Về sau, tôi mới biết mình may mắn vì chỉ uống nước ngọt và không nổi hứng bất tử…nằm lăn ra bãi cỏ, nhớ nhà châm điếu thuốc…, nên chẳng có gì xảy ra. Vì tại công viên Santichaiprakan, thuốc lá và rượu bia bị cấm, ai vi phạm phải nộp phạt 1000 baht! Với cảnh sát Thái lan, chắc là khó …hối lộ.
Không thấy Doigiaymoi uống bia, hút thuốc, chú cảnh sát đành …ngồi nghĩ xã hơi!
Sau hơn gần 1 giờ nghĩ ngơi và ăn uống, chúng tôi rời công viên, quay trở về nhà trọ, lúc cũng đã xế chiều, bà xã tôi không được khỏe do ảnh hưởng của …lệnh Tào Tháo, nên ở nhà. Tôi, 1 mình 1 ngựa sắt, tiếp tục long nhong qua khu vực đường Sam Sen, nối liền với đường Chakrabongse bởi 1 chiếc cầu nhỏ…
Sông Chao Phraya dài 370km, có 4 chi lưu là các sông Ping, Wang, Yom và Nan, hợp lưu tại Paknampho, tỉnh Nakhon Sawan, rồi chảy xuống phía Nam, xuyên qua các tỉnh miền Trung, gồm cả Bangkok, trước khi đổ ra vịnh Thái Lan ở Paknam, tỉnh Samut Prakan. Chao Phraya được xem như là con sông “huyết mạch” của Thái lan, có vai trò rất quan trọng trong giao thông, kinh tế và cả văn hóa “đặc thù sông nước” của người Thái.
Khi chảy ngang địa phận Bangkok, Chao Phraya, lại đổ nước vào 1 hệ thống kinh nhỏ tự nhiên và nhân tạo chằn chịt mà người Thái gọi là klong. Các con kinh này len lỏi qua các dãy phố, cắt ngang các con đường, băng xuyên qua các chợ, thậm chí là nơi tụ hội của các ghe thuyền buôn bán, tạo thành các chợ nổi. Có thể kể tên một số kinh và chợ nổi như sau:
Kinh Sanamchai. Phasi Charoen, Banglamart, Chak Phra, Dan, Thawi Wathana,…
Chợ nổi Wat Jampa, Latmayom, Wat Sapan, Taling Chan…
Tất cả chúng, tạo cho thủ đô Thái lan một sắc thái rất riêng ở khu vực Đông Nam Á này, nhưng lại tương tự như một thành phố nổi tiếng khác ở châu Âu, thành phố Venice, và thế là, người Tây phương đã xem Bangkok như là một Venice phương Đông!
Rời hẻm Trok Kai Chae, tôi rẻ phải, chạy tới đường Chakrabongse, tôi quẹo trái gặp ngay 1 cầu đúc, không biết chữ Thái, tôi chỉ thấy mấy con số 2488, nên tạm gọi là cầu 2488, đây là con kinh đầu tiên mà tôi và con bike nhỏ vượt qua tại Bangkok.
Kinh 2488.
Cầu này nối liền 2 bờ kinh, đồng thời cũng nối liền 2 con đường, Chakrabongse …
…và đường Sam Sen.
Tôi chưa hề tới Venice, chỉ thấy thành phố này qua phim ảnh, nên không biết nó có giống không; nhưng nếu du khách phương Tây tặng cho Bangkok cái biệt danh Venice phương Đông thì hẳn là họ cũng thấy thú vị với hệ thống kinh rạch và cảnh quan ven bờ của nó. Tôi thầm nghĩ sẽ dùng con bike, len lỏi qua vài con kinh xem sao, khi có dịp. Còn bây giờ trời đã sắp tối, tôi chỉ còn ít thì giờ để thâm nhập vào một hẻm nhỏ nào đó, trên đường Sam Sen, tiếp cận với cái cộng đồng “bình dân”, giữa thủ đô được xem là hiện đại nhất nhì Đông Nam Á này.
Đó là hẻm Sam Sen 1, khá rộng, đủ chỗ cho 2 xe 4 bánh qua mặt, có 1 tiệm tạp hóa và đặc biệt, 1 ngôi chùa, vậy là tôi được dịp qua ngôi chùa thứ 22, phía ngoài chùa, ngay góc đường là 1 quán cóc, tiệm tạp hóa và quán cóc chẳng khác nào như ở Sài gòn.
Đến đây thì sắp tối, phố Sam Sen cũng đã lên đèn, các quầy thức ăn đêm đang bắt đầu bày hàng ra vĩa hè, tôi đạp xe trở về Apple II GH, để dẫn bà xã đi ăn tối.