MONROVIA BUỒN
Chuyên gia Phạm Thanh Khâm
Thủ đô Monrovia có bãi biển trải dài. Đó là nơi duy nhứt của đất nước Liberia để tôi tìm dịp thả chân đi bộ hít thở gió biển trong lành của đại dương, để tôi có thể thực sự tìm những giây phút thư giản trong chuyến công tác này. Nhưng vừa gặp mùa mưa vừa hội họp liên miên, chỉ nhìn từ trên xe những lúc đi ngang, tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là vào internet tìm những gì thích đọc, viết email cho gia đình, bè bạn và không quên viết kể chuyện ngắn trong chuyện dài Phi Châu vào những ngày nghỉ cuối tuần như đã hứa với Anh Thành. Bài tạp ghi tuần này tôi ghi vài nét tiêu biểu của một trong những thủ đô buồn mặc dù Monrovia đã có gần 1.3 triệu con người chen chúc nhau ăn lấy sống ngủ lấy sáng.
Hậu quả của nội chiến đã để lại một thủ đô hư nát. Trước nội chiến, tiền tệ lưu hành ở Liberia là đô-la Mỹ. Hiện tại đồng đô-la xanh được thay thế bằng tiền Liberia đô-la. Tô xuất vào đầu tháng 7, 2008 là 1 $US đổi được 63 Liberia đô-la. Tuy nhiên đô-la Mỹ vẫn được xử dụng song song trong mọi dịch vụ. Quân đội Liên Hiệp Quốc đang giữ nhiệm vụ của quân đội quốc gia, có nghĩa mọi lực lượng võ trang đã bị giải tán. Lực lượng cảnh sát còn yếu vì thiếu nhân số và phương tiện di động, nên vấn đề an ninh cá nhân và trật tự trong thành phố không đảm bảo đúng mức. Cướp của ban đêm, cướp giựt ban ngày tại một số khu phố chợ trầm trọng.
Counter đổi tiền tại Monrovia. Ảnh chụp ngày 4/7/2008
Nhân dịp ghé một tiệm grocery của người Lebabese mua ít đồ thực dụng, tôi được một khách hàng kể chuyện mấy tên cướp mang súng và chiếc xe pick up xông vào tư gia ở khu đông nam thành phố gần nơi ông ở, lấy tất cả những gì chất được trên xe. Khổ chủ chỉ van xin các tên cướp tha mạng. Súng đạn vẫn còn giữ trong tay nhiều người và được chôn giấu nhiều nơi. Chương trình giải giới trả tiền mặt thu lại súng đạn chưa có kết quả mong muốn. Nạn thất nghiệp cao, số quân nhân cũ sau ngày tan hàng không tìm được việc làm, tổ chức xuống đường đến trụ sở quốc hội, đòi gặp Tổng thống đã xảy ra. Khi kể những tin cướp của ban đêm, ông khách hàng đưa ra nhận xét khá thực tiễn. Mấy người cùng nghe với tôi vừa sắp hàng trả tiền hàng vừa chăm chú nghe hết lời kể của ông. Ông nói giá trả cho một cây súng ngắn trong khoảng 300-350 US$, cây M16 khoảng $400-450 cho người mang súng muốn giải giới. Số vũ khí chôn dấu có thể dành cho những mưu đồ về sau. Nhưng số còn giữ trong tay nhiều nguời đã cho các tên cướp cơ hội làm tiền nhiều hơn trị giá cây súng!
Chủ tiệm Grocery ở Monrovia và tôi.
Ảnh chụp ngày 4/7/2008
Câu chuyện nghe thoáng ở tiệm grocery kể trên đã phản ảnh thực trạng an ninh trong thành phố. Người ngọai quốc phải ở trong các “gate community”, kín cổng cao tường có người canh gát. Giá sinh hoạt mắc mỏ. Có nhiều tiệm ăn Tàu. Giá gấp 2 hay 3 lần so với giá cả ở Hoa Kỳ. Khi ở Kabul, A Phú Hãn tôi bị “cấm túc”, nay ở Liberia tuy không có giới nghiêm hay người ôm bom chờ sẵn ở đâu đó nhưng sự đi lại của tôi rất cẩn trọng. Monrovia trở thành một thủ phủ buồn, công việc chuyên môn chiếm gần hết ngày giờ, chỉ cho tôi thoáng nghĩ về một dân tộc không may, về một phần đất trên địa cầu không mang lại hạnh phúc cho họ dù những nhu cầu cần thiết tối thiểu. Hy vọng sự phục hồi của đất nước này nhanh chóng hơn.
Đại Sứ Hoa Kỳ ở Monrovia tổ chức một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 232 lễ Độc Lập July 4, có Phó Tổng Thống Liberia đến tham dự. Sau nghi lễ hát quốc ca của Mỹ và Liberia, mọi người hiện diện nâng ly (toast) và thưởng thức các món ăn nhẹ. Tôi có dịp chụp với Phó Tổng Thống Joseph N Boakai ảnh sau đây.
Phó Tổng Thống Liberia Joseph N Boakai và tôi.
Ảnh chụp ngày 4/7/2008
Sau nội chiến, nhiều bích chương đọc được ở dọc đường ghi hai chữ Forgiveness Reconciliation. Hy vọng họ phải hòa giải và tha thứ lẫn nhau sau cuộc chiến đẫm máu. Nước Liberia lại bắt đầu phát triển từ con số không. Phần tôi, sau 45 năm làm việc trong lãnh vực phát triển nông nghiệp, tôi sẽ tiếp tục đóng góp trong khả năng chuyên môn cho lãnh vực này.
Ngày nghỉ qua nhau. Tôi sẽ viết thêm các tạp ghi khác lần tới.
Viết tại Monrovia, ngày 4/7/2008
Phạm Thanh Khâm
|