.
  Tản mạn về ...
 
27/9/2013


 
Ngày nay, nhiều người Việt lớn tuổi, nhất là ở hải ngoại, thường chê trách xã hội trong đó con cháu đã bỏ bê ông bà cha mẹ sống cô đơn ở tuổi già, và họ thường mơ ước về thời đại vàng son ngày xưa với quan niệm “Tứ hay tam đại đồng đường”, trong một đại gia đình gồm 4 hay 3 thế hệ sống chung với nhau dưới một mái nhà. Chúng ta có thể lội ngược dòng tiến hóa của xả hội được không?
TRONG XÃ HỘI LOÀI THÚ
Trong loài dã thú, có loài sống đơn độc, có loài sống tập thể.


Một chú meerkat canh gát để đồng bạn vui chơi
 
Loài chồn meerkat (không phải họ mèo, mà là mongoose trong họ chồn) ở vùng sa mạc Nam Phi Châu sống từng tập đoàn gia đình từ 20 đến 50 con trong một hệ thống hang đào nối nhau có nhiều cửa hang. Vì có nhiều thù địch ăn thịt chúng, và thường thiếu thức ăn ở vùng sa mạc, để sinh tồn meerkat tổ chức thành xã hội nhỏ 20-50 con, lãnh đạo bởi một niên trưởng già kinh nghiệm. Trong xã hôi nhỏ này, mọi thành viên đều có nhiệm vụ thay phiên. Con nhỏ mới sanh được tập đoàn nuôi nấng, có “bà vú” (baby sit) được đề cử chăm sóc. Ngoài cửa hang, bao giờ cũng có một “lính gát” đứng thẳng trên 2 chân sau, nhìn lên trời tứ phía để trông chừng diều hâu. Khi thấy diều hâu, tên lính này báo động để toàn thể meerkat chui vào hang. Thời gian canh gát khoảng 1 giờ, sau đó thay phiên. Khi đi ăn xa, chúng đi thành nhóm 4-5 con, để bảo vệ lẫn nhau, lúc nào cũng có một con lãnh nhiệm vụ canh gát, thân đứng thẳng nơi có vị trí cao nhất để khám phá diều hâu hay địch thù khác, và báo động cho cả nhóm chui trốn khi thấy kẻ địch. Chúng cũng tổ chức dạy dỗ đàn con cháu đi tìm mồi, nhất là dạy cách bắt những con mồi có nọc độc như bò cạp, rít, nhện. Meekat có loại ngôn ngữ riêng biểu hiện khi khám phá con mồi, nơi tìm mồi, canh gát, báo động, v.v.
Trong loài nhân hầu, các loài khỉ nhỏ con và ăn tạp, vừa ăn thực vật (lá, củ hay trái cây) vừa ăn thịt động vật, thường sống tập đoàn. Vì mỗi cá nhân không đủ sức bắt thú khác để sống, nên chúng phải có tổ chức thành nhóm, con rượt, con chận đầu dí bắt con mồi, vì vậy chúng sống thành bầy, theo cùng huyết thống, không những 3-4 thế hệ (cố, ông, cha, con), mà còn bà con xa hơn trong cùng huyết thống. Ngược lại, các giống nhân hầu lớn con, như chimpanzee, có khả năng bắt mồi một mình, thì chỉ sống theo cặp vợ chồng với con cái còn nhỏ, nhưng khi tới tuổi có thể sống độc lập, chúng tách riêng để sống tự lập.
Cũng vậy, cọp hay sư tử thường sống đơn độc, trong lúc chó hoang sa mạc hyena ở Phi Châu, nhỏ con, phải sống tập đoàn tới 50 con, lãnh đạo bởi một con cái, có tổ chức để săn bắt con mồi. Mặc dầu nhỏ con, chúng có chiến thuật để giết một con sư tử.
 
XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
Con người tiến hóa từ loài vượn, có khối óc thông minh, biết nói để truyền đạt, biết học hỏi và truyền dạy kinh nghiệm tích lũy, nhờ vậy con người tiến bộ vượt qua được giới hạn trí tuệ của các loài động vật khác.
Trước thiên nhiên, con người thật yếu đuối. Không có nanh vuốt để đơn độc chống lại ác thú, hay sức mạnh rượt bắt con mồi. Vào thời hoang dã, khi chưa biết làm vũ khí, để sinh tồn, tức bảo vệ và mưu sinh, con người biết đoàn kết, bằng cách sống chung trong cùng hang động để chống lại ác thú, tổ chức rượt bắt con mồi để sống, cùng đi nhặt thực phẩm hoang dại, như các loài động vật yếu đuối khác. Con người có nhu cầu sống chung từ đó, không những chỉ “tứ đại đồng đường” mà còn thâu gồm nhiều thành viên khác không cùng huyết thống.
Tiến hóa thêm một bước, con người biết rời bỏ hang động khi dân số gia tăng không còn thích hợp trong không gian eo hẹp của hang động, biết làm nhà chòi trên cây hay nhà cao cẳng để tránh thú dữ hay lụt lội, biết thuần hóa thú hoang (domestication) để chăn nuôi, thuần hóa cây hoang dại thành cây lương thực trồng quanh nơi cư trú. Các công tác này một người không làm xuể, cần có nhiều người, nhiều nhà hiệp lực. Thôn ấp được thành hình theo bộ lạc, nhà cửa kế cận nhau, để bảo vệ chống thú dữ hay tấn công của bộ lạc khác. Trong mỗi nhà, không những “tứ đại đồng đường” có cùng huyết thống thẳng (Cố, Ông, cha, con) mà còn mang huyết thống ngang (bà con xa gần).
Chẳng hạn, trong rừng Amazon ở Brazil nay còn thấy nhiều bộ lạc sống trong căn nhà dài 30 m hay hơn, cao 6 m, và chứa tới 400 người cho cả bộ lạc. Đây là một xã hội tiền cộng sản, tất cả đều chung, dưới quyền lãnh đạo của gia trưởng. Trong xã hội nhỏ này, mỗi người đều được phân công, nhóm nào đi săn, nhóm nào đi thâu lượm thực phẩm, nhóm nào ở nhà chăm sóc trẻ em, nấu nướng, và khi nào có xung đột với bộ lạc khác, mỗi thành viên là một chiến sỉ oai hùng.


Căn nhà dài ch
ứa 400 ngườigiữa rừng già Amazon
 
Tại Việt Nam, căn nhà dài ở Tây Nguyên của sắc tộc Ê Đê là kiểu nhà sàn thấp, dài thường từ 15m đến hơn 100m tùy theo gia đình nhiều người hay ít người. Nó là ngôi nhà lớn của nhiều thế hệ sống chung như một đại gia đình và là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Ê Đê. Khi con gái lấy chồng thì chàng rễ cất nhà nối dài bên nhà cha mẹ vợ, và tiếp tục như vậy, qua nhiều thế hệ, căn nhà dài trên 100 m. Người Ê Đê có tập quán là khi đi ngủ thì đầu quay về hướng Đông và chân quay về hướng Tây. Do đó nhà dài theo hướng Bắc Nam. Chỗ ngủ được ngăn đơn giản bằng những thành tre làm nhiều ngăn. Ngăn đầu tiên là ngăn của vợ chồng chủ nhà, tiếp theo là ngăn người con gái chưa lấy chồng, sau đó đến các ngăn của vợ chống những người con gái đã lấy chồng, cuối cùng là ngăn dành cho khách.


Nhà dài của dân tộc Ê Đê (Daklak)
Khi tiến hóa đến giai đoạn định cư, sống bằng nông nghiệp, mỗi gia đình đều có sở hữu đất ruộng và vườn. Công việc đồng áng vất vả, suốt ngày, suốt năm, nên “tứ đại đồng đường” rất phù hợp cho khuôn mẩu xã hội này. Con trai, con gái, con dâu làm việc đồng áng, ông bà không còn sức mạnh làm việc nặng thì chăm sóc con cháu, ai ai cũng phải nhờ vả lẫn nhau để sống.
Khi xã hội tiến đến thời kỳ bán công nghiệp, đàn ông đi làm công nhân, đàn bà cũng làm lụng bên ngoài, nhưng người vợ chưa tạo nhiều tiền, còn phụ thuộc vào chồng, còn bổn phận dâu con, nên “tứ đại đồng đường” vẫn còn phù hợp, mặc dầu có xung đột giữa “mẹ chồng con dâu”.
Nhưng khi kinh tế tiến đến thời kỳ công nghiệp toàn diện, mức sống cao, vì chồng, vợ đều đi làm toàn thì, người vợ trở nên độc lập tài chính, và nữ quyền ngang hàng nam quyền, khuynh hướng chung là con cái sau khi lập gia thất đều ra riêng, sống tự lập. Quan niệm “tứ đại đồng đường” bị lung lay. Nhiệm vụ của ông bà cũng giảm, không còn phải chăm sóc cháu nhiều như xưa. Rồi xã hội tân tiến hơn, các cơ sở giữ trẻ phát triển mạnh, trước kia giữ trẻ một hai tuổi trở lên, nay phát triển đến cơ sở giữ trẻ vừa mới sanh. Nhà trẻ cũng là nơi giáo dục. Ông bà không còn nhiệm vụ gì để sống chung trong “tam đại đồng đường” với con cháu. Ở các nước tây phương hiện nay, con cái sau 16 tuổi có quyền đi ở riêng, và chính quyền địa phương có nhiệm vụ phải cung cấp nhà ở cho cặp vợ chồng trẻ. Còn ông bà cũng thích ở riêng, vì có hưu liễm, có trợ cấp xã hội nếu hưu liễm không đủ sống, có nhà dưỡng lão, có vô số cơ sở của chính phủ hay từ thiện chăm sóc giúp đỡ người già.
Người Việt cao niên ở hải ngoại cảm thấy bị con cháu hất hủi. Đó là vì tâm lý do không kịp thích ứng với xã hội mới. Người già ở các nước giàu mạnh phương tây đều thích ở trong các nhà dưỡng lão tư hay của chính phủ, hay trong nhà riêng của mình nhưng dưới sự bảo bọc của cơ quan phụ trách người già của chính phủ hay từ thiện. Ngược lại, người Việt cao niên không thích mấy vì khó khăn trong ngôn ngữ, khác biệt trong khẩu vị thức ăn, không thích ứng trong các trò giải trí của phương tây, hoàn toàn cảm thấy cách biệt, cô đơn khi sống trong môi trường dưỡng lão. Đó là lý do nhiều người Việt thích về sống tại Việt Nam ở tuổi xế chiều.
Nhưng quan niệm “tứ hay tam đại đồng đường” cũng đã lung lay tại Việt Nam, và trong tương lai gần, nếu không chuẩn bị tư tưởng và vật chất cho tuổi già, người Việt cao niên ở Việt Nam cũng sẽ bị hụt hẫng như người việt cao niên ở hải ngoại. Đừng lội ngược dòng chảy của xã hội.
 
Reading, 9/2013
Trần-Đăng Hồng & Kim-Thu
 
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 641725 visitors (2135734 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free