27/4/2014
Phần 30
Xe vẫn lướt nhanh trên các đường cao tốc, dù trên không hay dưới thấp. Tuy nhiên, lần này hình như xe chạy len lỏi theo những con đường bên dưới nhiều hơn, dù vậy tốc độ cũng không hề thấp; quan sát chung quanh, tôi thấy các loại xe đang lưu thông, kể cả loại 2 bánh, vẫn chạy nhanh đến chóng mặt, nhưng chẳng thấy lực lượng CSGT nào cảm trở. Có lẽ tốc độ tối đa trong nội ô Bangkok không bị khống chế quá thấp như ở Việt Nam. Điều đó có vẻ như “đồng biến” với sự phát triển kinh tế của đất nước tư bản này. Tốc độ lưu thông trên đường, cũng là tốc độ lưu thông của hàng hóa, dịch vụ; mà vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, hoàn tất dịch vụ kịp thời hoặc sớm hơn kế hoạch…chắc chắn góp phần rất lớn để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tai nạn giao thông không phải chỉ do vượt quá tốc độ, mà còn do nhiều yếu tố khác, quan trọng nhất, theo tôi là do ý thức của người dân; cái ý thức này hình thành từ giáo dục, từ lòng tự trọng, từ bản chất …của người điều khiển phương tiện. Thật sự, nếu buông lỏng trong kiểm soát tốc độ phương tiện giao thông ở Việt Nam thì chắc tai nạn còn cao hơn nửa! Bởi vì ở nước ta, nhiều kẻ đã dần mất đi cái bản chất tốt đẹp của con người. Trong xã hội, cái ác hiện diện khắp nơi, lòng tự trọng, tính chân thật và nhân hậu ngày càng mai một, sự xuống cấp của đạo đức đã lộ diện hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, trong các bản tin “lá cải”.
Thiếu ý thức trách nhiệm trong điều khiển phương tiện, khiến tai nạn giao thông tăng cao, xét cho cùng cũng chỉ là biểu hiện của một vấn đề nghiêm trọng hơn: sự xuống cấp của đạo đức!
Nói đến điều này tôi chợt nhớ tới hồi năm 2012, khi qua Lào trên con Daehan( xem: Daehan 120cc và cuộc rong chơi ngàn dặm của 2 kẻ thích lang thang, trên phuot.vn.), tôi thấy người Lào chân thật và hiền hậu, ngày Tết Bunpimay cũng xe 2 bánh, 4 bánh chạy nhiều trên các đường phố thủ dô Vientiane, nhưng tuyệt nhiên không thấy lạng lách, đánh võng và đua tốc độ. Họ cũng chở 3, chở 4 nhưng không hề bị nhắc nhở vì họ chạy rất hiền lành, chỉ là rình mò tạt nước lẫn nhau, còn xe bán tải thì vô tư chất đầy nhóc phía sau, ai cũng sẳn sàng cho cuộc chiến té nước trên đường phố. Đặc biệt, không thấy họ vượt đèn tại giao lộ, dù không có CSGT và hoàn toàn vắng xe! Suốt 2 ngày Tết chính, tôi không thấy có 1 tai nạn nào nghiêm trọng.
Nhiều người Việt đã qua làm ăn, sinh sống tại Lào từ lâu, hoặc sinh trưởng tại nơi đó, bản chất cũng y hệt người bản xứ, một số họ rất thành đạt; nay có một số lượng lớn người Việt mới qua, cũng rất thành công trong cuộc sống vì “lanh lợi” hơn hẳn người Lào, nhưng nhiều người lại e ngại, kèm theo sự thành đạt đó là những thói xấu của một số ít người, sẽ làm hỏng người Lào. hư cả cái xã hội lâu nay vốn dĩ rất hiền hòa!
Thôi, đó cũng chỉ là những suy nghĩ vẫn vơ, chẳng ăn nhập gì với con đường trước mặt, đang rộng mở chờ đón mấy người khách lạ vừa đến với Bangkok trên con minibus lao vun vút giữa giòng xe cộ xuôi ngược lạnh lùng!
13h54’, xe chợt chạy ngang qua 1 thánh đường Hồi giáo, mà hồi năm 2011 tôi cũng đã bắt gặp khi xe từ phi trường Suvarnabhumi vào trung tâm Bangkok, ngôi chùa Chăm này rất đẹp(ở An Giang, người dân gọi các Thánh đường Hồi giáo là Chùa Chăm), nên 1 lần nửa theo phản xạ, tôi chụp ngay.
Ảnh chụp “dưới đất” khi xe minibus đang chạy trên đường số 7 vào Bangkok, 13h54’ ngày 21-10-2013.
Tôi thấy những xa lộ trên cao, ngoài việc giải quyết nhu cầu lưu thông, còn là những “tác phẩm kiến trúc” làm “giàu” thêm vẻ đẹp “công nghiệp” của thành phố Bangkok. Nhiều chỗ các con đường đan xen một cách mềm mại hoặc có khi vừa lượn cong xuống dưới một con đường lại vút cao lên trên 1 con đường khác, trông thật ngoạn mục. Cái chằng chịt của hệ thống giao thông cao cấp đan xen, chồng chất trong không gian bao trùm lên thủ đô Bangkok, tưởng chừng như làm rối rắm cái cảnh quan cần giữ cho đẹp của 1 thành phố du lịch; ấy vậy mà không, từ trên cao ta đã chứng kiến nhiều hình ảnh tuyệt vời của những tòa nhà hiện đại nổi bậc trên nền trời xanh nắng ngập miền nhiệt đới. Còn dưới đất, len lỏi qua các cung đường che mát bởi những “cầu vượt” bên trên, là phố xá, nhà cửa, nằm dọc hai bên những giòng xe cộ di chuyển không ngừng như máu chảy trong hệ tuần hoàn huyết của con người. Không biết lâu ngày người Thái có cảm thấy bị đè nặng bởi những khối bê tông xám phía trên đầu? Nhưng với tôi, trong điều kiện cần thiết để phát triển, điều đó chẳng phải làm người dân Bangkok khó chịu, miễn sao, những người qui hoạch sáng suốt, những nhà lảnh đạo hiểu biết, vẫn giữ được những công trình quan trọng có giá trị thẩm mỹ và lịch sử, làm nên 1 Bangkok đặc thù như vốn có, bất chấp những đổi thay do hội nhập. (Nói đến điều này, tôi lại chợt lo cho số phận của Cầu Long Biên, như đã từng lo cho bến Mễ cốc, Bình Đông hay chợ Bến thành, của Sài gòn xưa cũ).
Riêng tôi, do đang tiếp cận với một thành phố lạ, điều gì cũng mới với tôi, nên tâm trạng thật thích thú, nhất là khi từ xe, nhìn ngược lên thấy các đường cao tốc, cầu vượt, đan xen uyển chuyển trước những tòa cao ốc nổi bậc trên nền trời. Thỉnh thoảng xe vút qua khoảng không của một giao lộ, giống như cái giếng trời của một căn hộ nơi phố chợ, hoặc vượt qua một quảng trường mênh mông rộng, với công trình lịch sử hay chùa chiềng, công viên xanh mát; tất cả tạo nên một nhịp độ thay đổi cần thiết khiến ta không bị nhàm chán trên suốt đoạn đường.
Bangkok, trưa ngày 21-10-2013 này, đến với tôi như thế.11-18
14h24’ xe chạy ngang ngôi chùa thứ 19, chùa Benchamabophit, trên đường Thanon Si Ayutthaya. Tôi thấy một nhà trại, xe cảnh sát, quân đội…đang hiện diện bên ngoài chùa, lại có quốc kỳ và những lá cờ màu vàng treo dọc theo tường rào, dường như đang có một sự kiện gì quan trọng lắm. Rồi tại quảng trường nơi gặp nhau của đường Thanon Si Ayutthaya và Thanon Ratchadamnoen Nok, tôi thấy quân đội và cảnh sát đang tập họp rất đông gần chỗ tượng vua Rama V, phía trước dinh Anantasamakhom, cùng với nhiều xe “công vụ” đậu san sát nhau quanh khu vực đó. Không lẽ phe áo Vàng đang biểu tình? Tôi thầm nhủ, mới chân ướt chân ráo tới Bangkok mà gặp “sự cố” chính trị nghiêm trọng rồi, nên lặng thinh hổng dám hỏi anh tài xế.